Ợ nóng: Nguyên nhân, biện pháp điều trị và thời điểm cần đi khám

Ợ nóng là cảm giác nóng rát khó chịu ở ngực, có thể di chuyển lên cổ họng. Đây có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như trào ngược axit dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và thậm chí cả khi mang thai.

Khi bị ợ nóng, bạn có thể cảm nhận vị đắng hoặc chua ở phía sau cổ họng. Ợ nóng có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu hơn sau khi ăn hoặc nằm xuống quá nhanh sau khi ăn.

Chứng ợ nóng phổ biến như thế nào?

Chứng ợ nóng khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn bị ợ nóng thường xuyên và nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược axit dạ dày mãn tính (GERD). Bệnh nhân cần đi khám ngay nếu thường xuyên bị ợ nóng.

Cảm giác ợ nóng như thế nào?

Ợ nóng thường có cảm giác như bỏng rát ở giữa ngực, sau xương ức. Khi bị ợ nóng, người bệnh cũng có thể cảm thấy các triệu chứng như:

  • Cảm giác nóng ran ở ngực có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
  • Đau ngực khi cúi xuống hoặc nằm xuống.
  • Cảm giác nóng rát trong cổ họng.
  • Cảm giác vị nóng, chua hoặc mặn ở phía sau cổ họng.
  • Khó nuốt.

Nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng

Nguyên nhân nào gây ra chứng ợ nóng?

Để biết nguyên nhân gây chứng ợ nóng bạn phải hiểu được cách hoạt động của thực quản và dạ dày. Khi ăn, thức ăn sẽ đi xuống thực quản. Ở dưới cùng của thực quản có một van, được gọi là cơ vòng thực quản. 

Van dạ dày thực quản ngăn a xít dạ dày trào ngược thực quản. Nguồn ảnh: medicineplusVan dạ dày thực quản ngăn a xít dạ dày trào ngược thực quản. 

Van này mở ra để thức ăn đi qua và sau đó đóng lại để giữ cho các chất trong dạ dày tránh trào ngược. Bên trong dạ dày là hỗn hợp axit rất mạnh để tiêu hóa thức ăn. Dạ dày có cơ chế riêng để chống lại sự bào mòn của a xít dạ dày. Tuy nhiên, thực quản lại không như vậy.

Đôi khi, van dạ dày thực quản không đóng kín khiến dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi bị trào ngược, bạn sẽ cảm thấy nóng rát và ợ nóng. Có một số tình trạng có thể gây trào ngược dạ dày thực quản như:

  • Thai kỳ.
  • Thoát vị hoành (khi dạ dày phình lên thành lồng ngực).

Thoát vị hoành gây chứng ợ nóng. Nguồn ảnh: emergency-liveThoát vị hoành gây chứng ợ nóng. 

Ợ nóng cũng có thể do thói quen ăn uống của bạn – như các loại thực phẩm, lượng bữa ăn hàng ngày, ăn gần đến giờ đi ngủ và một số thói quen sinh hoạt nhất định.

Điều gì có thể gây ra chứng ợ nóng?

Ợ nóng có thể được kích hoạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với nhiều người, chứng ợ nóng có thể do một số thói quen ăn uống và lối sống gây ra. Những thói quen này có thể là ăn quá nhiều đồ ăn, ăn quá gần giờ đi ngủ hoặc thậm chí căng thẳng, áp lực.

Một số loại thực phẩm và đồ uống cũng có thể gây ra chứng ợ nóng như:

  • Hành.
  • Trái cây họ cam quýt.
  • Thực phẩm giàu chất béo.
  • Cà chua.
  • Sản phẩm làm từ cà chua.
  • Rượu.
  • Nước ép cam quýt.
  • Đồ uống có cồn.
  • Đồ uống có ga.

Các thói quen trong lối sống cũng có thể là nguyên nhân gây chứng ợ nóng như:

  • Thừa cân.
  • Hút thuốc.
  • Áp lực, căng thẳng.
  • Mặc quần áo chật và thắt lưng.

Chăm sóc và điều trị chứng ợ nóng

Điều trị chứng ợ nóng như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, chứng ợ nóng có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc uống và thay đổi lối sống. Ợ nóng thường phổ biến và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn bị ợ nóng thường xuyên và mức độ nặng, hãy đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh dạ dày như GERD. GERD có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng khác như viêm thực quản, barrett thực quản, thậm chí là ung thư. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định nội soi để kiểm tra tình trạng thực quản, dạ dày.

Thuốc điều trị chứng ợ nóng thường bao gồm thuốc kháng axit và thuốc ngăn chặn sự bài tiết axít.

Thuốc kháng axit hoạt động như thế nào?

Thuốc kháng axit làm giảm lượng axit trong dạ dày, giảm chứng ợ nóng của bạn. Những loại thuốc này cũng có thể sử dụng để làm dịu cơn đau bụng, khó tiêu và các cơn đau khác liên quan đến dạ dày. Một số loại thuốc kháng axit có chứa simethicone, có tác dụng giảm chướng bụng. Các thuốc kháng axit thường gặp là:

  • Tums.
  • Rolaids.
  • Maalox.
  • Gaviscon.

Hãy tuân thủ hướng dẫn trên bao bì hoặc nói chuyện với bác sĩ về cách sử dụng thuốc đúng cách. Nếu bạn sử dụng viên nén, hãy nhai kỹ trước khi nuốt để giảm đau nhanh hơn.

Tác dụng phụ của thuốc kháng axit?

Một số thuốc kháng axit có chứa magiê hoặc natri bicarbonate hoạt động giống như thuốc nhuận tràng. Không dùng thuốc kháng axit nếu có bất kỳ triệu chứng nào của viêm ruột thừa hoặc viêm ruột. Tác dụng phụ của thuốc kháng axit có thể bao gồm:

Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng quá liều hoặc lạm dụng thuốc kháng axit.

Thuốc ức chế thụ thể H2 hoạt động như thế nào?

Các sản phẩm như Pepcid AC được gọi là chất chẹn thụ thể histamine H2, hoặc chất ngăn chặn tiết axit. Thuốc này làm giảm sản xuất axit dạ dày từ đó làm giảm chứng ợ nóng, khó tiêu. Hãy tuân thủ hướng dẫn trên bao bì hoặc nói chuyện với bác sĩ về cách dùng thuốc này. Các thuốc ngăn chặn tiết axít thường dùng:

  • Pepcid AC.
  • Tagamet HB.

Uống thuốc ức chế thụ thể H2 thường xuyên trong thời gian dài theo chỉ dẫn của bác sĩ ngay cả khi bạn không bị đau hoặc nếu các triệu chứng thuyên giảm.

Thuốc ức chế thụ thể H2 mạnh hơn thuốc kháng axít. Thuốc này có thể điều trị loét dạ dày và tá tràng, viêm thực quản ăn mòn và GERD bằng cách giảm sản xuất axit dạ dày. Bác sĩ sẽ kê cho bạn một đơn thuốc cụ thể với từng bệnh.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã báo cáo mức độ cao của chất có thể gây ung thư, NDMA, trong các loại thuốc ranitidine (Zantac) và nizatidine (Axid). Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng một trong những loại thuốc này.

Tác dụng phụ của thuốc ức chế thụ thể H2 

Tác dụng phụ của thuốc chẹn axit bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.
  • Tiêu chảy.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào dưới đây sau khi dùng thuốc ức chế thụ thể H2, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức:

  • Bồn chồn, lo lắng.
  • Tức ngực.
  • Chảy máu.
  • Viêm họng.
  • Sốt.
  • Nhịp tim không đều.
  • Suy nhược hoặc mệt mỏi bất thường.

Có nên dùng thuốc kháng axit và thuốc ức chế thụ thể H2 cùng nhau để điều trị chứng ợ nóng không?

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng axit khi bạn bắt đầu dùng thuốc ức chế thụ thể H2. Thuốc kháng axít sẽ kiểm soát các triệu chứng cho đến khi thuốc ức chế thụ thể H2 bắt đầu hoạt động. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng axit, hãy dùng thuốc 1 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc ức chế thụ thể H2.

Thuốc kê đơn cho chứng ợ nóng

Nếu thuốc kháng axit và thuốc ức chế thụ thể H2 không làm giảm chứng ợ nóng, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc khác như:

Thuốc ức chế thụ thể H2 cường độ cao: ở liều cao hơn các thuốc Zantac, Tagamet, Pepcid và Axid nói chung có thể làm giảm chứng ợ nóng và điều trị GERD.

Thuốc ức chế bơm proton: Đây là những loại thuốc ngăn chặn sản xuất axit hiệu quả hơn. Thuốc ức chế bơm proton bao gồm Aciphex, Nexium, Prevacid, Prilosec và Protonix.

Có một số thuốc ức chế bơm proton có thể mua không cần kê đơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những loại thuốc này và loại nào tốt nhất cho bạn.

Tôi có thể ngăn ngừa chứng ợ nóng không?

Bạn có thể ngăn ngừa và kiểm soát chứng ợ nóng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống như:

  • Không đi ngủ ngay sau khi ăn no: Ăn các bữa ăn ít nhất 3 đến 4 giờ trước khi nằm. Điều này giúp dạ dày có thời gian trống rỗng và giảm nguy cơ bị ợ nóng qua đêm.
  • Tránh ăn quá nhiều. Cắt giảm khẩu phần trong bữa ăn có thể giúp giảm nguy cơ ợ chua. Bạn cũng có thể thử ăn 4 hoặc 5 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn hơn.
  • Ăn chậm lại. Thường xuyên ăn chậm có thể giúp ngăn ngừa chứng ợ nóng. Đặt nĩa xuống giữa các miếng và tránh ăn quá nhanh.
  • Mặc quần áo rộng rãi. Thắt lưng và quần áo chật đôi khi có thể gây ra chứng ợ nóng. Thay đổi tủ quần áo tránh những món đồ này có thể ngăn ngừa chứng ợ nóng.
  • Tránh một số loại thực phẩm. Có một số loại thực phẩm gây ra chứng ợ nóng. Tránh những thực phẩm này có thể ngăn ngừa triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh tránh uống rượu.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Giảm cân hợp lí có thể giúp giảm chứng ợ nóng.
  • Không hút thuốc. Nicotine có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản vì thế nguời bệnh nên tránh hút thuốc
  • Ngủ nghiêng bên trái. Điều này có thể giúp tiêu hóa nhanh hơn và giảm axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Nâng cao đầu giường sao cho đầu cao hơn chân. Đặt các khối cứng hoặc sách bên dưới đầu giường để nâng cao đầu. Không nên đặt gối vì có thể tạo thêm áp lực lên dạ dày và khiến chứng ợ nóng trở nên trầm trọng hơn.
  • Lập kế hoạch tập thể dục. Chờ ít nhất 2 giờ sau bữa ăn trước khi tập thể dục. Nếu tập thể dục sớm hơn có thể gây ra chứng ợ nóng. Bạn cũng nên uống nhiều nước trước và trong khi tập luyện để hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa mất nước.

Tập thể dục giúp giảm chứng ợ nóng. Nguồn ảnh: health.clevelandclinicTập thể dục giúp giảm chứng ợ nóng. 

Khi nào cần đi khám?

Khi nào nên đi khám?

Mặc dù chứng ợ nóng là phổ biến, nhưng đôi khi nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Chứng ợ nóng mãn tính nghiêm trọng có liên quan đến tình trạng viêm và hẹp thực quản, các vấn đề về hô hấp, ho mãn tính, GERD và Barrett thực quản, có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Hãy đi khám ngay nếu:

  • Chứng ợ nóng không biến mất
  • Các triệu chứng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thường xuyên hơn.
  • Khó nuốt.
  • Chứng ợ nóng gây nôn.
  • Sụt cân đột ngột, không rõ lí do
  • Đã dùng thuốc kháng axit trên 2 tuần mà vẫn còn triệu chứng ợ nóng.
  • Vẫn có triệu chứng ợ nóng ngay cả khi đã dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
  • Bị khàn giọng nghiêm trọng hoặc thở khò khè.
  • Sự khó chịu gây cản trở lối sống hoặc các hoạt động hàng ngày.

Chứng ợ nóng có tự khỏi không?

Đối với nhiều người, chứng ợ nóng cũng thi thoảng xảy ra. Bằng cách tránh một số tác nhân như chế độ ăn uống và lối sống bạn có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát chứng ợ nóng. Nếu triệu chứng ợ nóng xuất hiện thường xuyên hơn hoặc trở nên tồi tệ hơn có thể là dấu hiệu của bệnh dạ dày như GERD. Khi đó triệu chứng ợ nóng sẽ không biến mất nếu không điều trị. Hãy nói chuyện với bác sĩ để có kế hoạch điều trị.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!