Ô nhiễm không khí đang là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hàng đầu

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn, khiến đột quỵ trở thành nguyên nhân thứ hai gây tàn tật.

Video Điều gì xảy ra khi ta sống trong bầu không khí ô nhiễm ?

Gần đây, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ trên toàn thế giới.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Neurology cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 1/3 gánh nặng đột quỵ toàn cầu. Điều này bao gồm ô nhiễm môi trường và không khí hộ gia đình.

Sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, các nhà nghiên cứu có thể ước tính gánh nặng bệnh tật do đột quỵ liên quan đến 17 yếu tố nguy cơ trên 188 quốc gia. 

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng: Nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên thực hiện phân tích chi tiết về các yếu tố nguy cơ đột quỵ toàn cầu, đặc biệt khi chúng liên quan đến gánh nặng đột quỵ trên quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. 

Tai biến mạch máu não xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc khi mạch máu bị vỡ, dẫn đến mất oxy đến não, từ đó làm tổn thương hoặc giết chết các tế bào não. 

Bị đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn, bao gồm mất thị lực hoặc khả năng nói, tê liệt và lú lẫn.

Các nhà nghiên cứu của nghiên cứu mới–nhất này – do Tiến sĩ Valery L. Feigin, thuộc Đại học Công nghệ Auckland ở New Zealand đứng đầu – nói rằng: Cho đến nay, ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được đối với gánh nặng đột quỵ ngày càng tăng trên toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. 

Tuy nhiên, hiểu biết về tác động này là “rất quan trọng để cung cấp thông tin về các chiến lược phòng ngừa đột quỵ”. 

90% gánh nặng đột quỵ toàn cầu liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được 

Để có được một bức tranh rõ ràng hơn, các nhà nghiên cứu sử dụng xu hướng toàn cầu của các yếu tố nguy cơ đột quỵ từ 1990-2013 để ước tính tỷ lệ gánh nặng bệnh tật trong dân số sẽ được ngăn chặn nếu loại bỏ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. 

Họ phát hiện ra rằng 10 yếu tố nguy cơ đột quỵ hàng đầu trên thế giới là tăng huyết áp, ăn ít trái cây, chỉ số khối cơ thể ( BMI ) cao, ăn nhiều muối, hút thuốc, ăn ít rau, ô nhiễm không khí môi trường, ô nhiễm gia đình, ăn ít ngũ cốc, và lượng đường trong máu cao. 

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 30% bệnh tật liên quan đến đột quỵ có liên quan đến ô nhiễm không khí, đặc biệt cao ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển, lần lượt là 33,7% và 10,2%.

Họ cũng phát hiện ra rằng hơn 90% gánh nặng toàn cầu của đột quỵ có liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Theo nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này có thể ngăn ngừa gần 75% các ca đột quỵ. 

“Phát hiện của chúng tôi rất quan trọng trong việc giúp các chính phủ quốc gia và các cơ quan quốc tế phát triển, ưu tiên các chương trình và chính sách y tế công cộng. Các chính phủ có quyền và trách nhiệm tác động đến các yếu tố nguy cơ này thông qua luật pháp và thuế đối với thuốc lá, rượu, muối, đường hoặc hàm lượng chất béo bão hòa, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ y tế có trách nhiệm chẩn đoán và điều trị các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao “ Tiến sĩ Valery L. Feigin cho biết.

Điều thú vị là nhóm nghiên cứu cũng đã báo cáo về 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ ở một số quốc gia:

Vương quốc Anh và Hoa Kỳ: huyết áp cao, chỉ số BMI cao, ăn ít trái cây, ăn ít rau, hút thuốc

Ấn Độ: huyết áp cao, ăn ít trái cây, ô nhiễm không khí gia đình, ăn ít rau, ăn nhiều muối 

Trung Quốc: cao huyết áp, ăn ít hoa quả, ăn nhiều muối, hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường không khí. 

‘Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu’ 

Do thiếu dữ liệu, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng họ không thể đưa vào các yếu tố nguy cơ đột quỵ quan trọng khác, bao gồm: rung nhĩ, lạm dụng chất kích thích hoặc các tình trạng sức khỏe khác. 

Ngoài ra, họ không thể giải thích các mô hình của các yếu tố nguy cơ nhất định, bao gồm mức độ hút thuốc, chỉ số BMI hoặc các yếu tố nguy cơ di truyền tiềm ẩn. 

Mặc dù nghiên cứu của họ không phân biệt giữa đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết, các tác giả lưu ý rằng các chính sách toàn cầu, khu vực và quốc gia cần phải xem xét nguy cơ đột quỵ tổng thể. 

Giáo sư Feigin lưu ý rằng: Việc đánh thuế đã được chứng minh là một chiến lược hiệu quả để giảm hút thuốc và tiêu thụ nhiều muối, đường và rượu. “Tất cả những gì cần làm là công nhận nhu cầu cấp thiết để cải thiện công tác phòng ngừa ban đầu và hành động thiện chí của chính phủ”. 

Trong một bình luận được liên kết, Giáo sư Vladimir Hachinski – thuộc Đại học Western Ontario ở Canada – và Tiến sĩ Mahmoud Reza Azarpazhooh – thuộc Đại học Khoa học Y tế Mashhad ở Iran – viết: 

“ Phát hiện đáng báo động nhất là khoảng 1/3 gánh nặng của đột quỵ là do ô nhiễm không khí. Mặc dù ô nhiễm không khí được biết là gây hại cho phổi, tim và não, nhưng mức độ của mối đe dọa này dường như đã bị đánh giá thấp. Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề ở các thành phố lớn, mà còn là vấn đề toàn cầu. Với những luồng không khí không ngừng xuyên qua các đại dương và lục địa, những gì xảy ra ở Bắc Kinh đều là vấn đề ở Berlin ”.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!