Video xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà đúng cách
Thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn ở bất kì giai đoạn nào, bao gồm trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển hoặc chế biến. Nguyên nhân thường do lây nhiễm chéo (các sinh vật có hại di chuyển từ bề mặt này sang bề mặt khác).
Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm thường gặp ở những người thích các món ăn sống như salad vì các sinh vật có hại không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ.
Sử dụng thực phẩm ở nhà hàng hoặc gánh hàng rong không đảm bảo an toàn vệ sinh cũng là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện vài giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm vi sinh vật:
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Sốt
Biến chứng của ngộ độc thực phẩm
Biến chứng nghiêm trọng và phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước và các khoáng chất cần thiết. Người trưởng thành khỏe mạnh có thể tự điều trị bằng cách bù đủ lượng nước đã mất do nôn và tiêu chảy.
Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả với trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính. Họ thường bị mất nước trầm trọng hơn và cần được nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mất nước có thể gây tử vong.
Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà
Video làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm
Kiểm soát nôn và buồn nôn
- Tránh các loại thức ăn rắn cho đến khi hết nôn hoàn toàn. Sau đó, bạn có thể ăn nhẹ với những loại thực phẩm mềm như bánh quy, chuối, cháo hoặc bánh mì.
- Uống từng ngụm nước nhỏ có thể làm giảm buồn nôn.
- Không ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay hoặc ngọt.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống buồn nôn hoặc chống tiêu chảy, bởi vì dùng thuốc sai chỉ định có thể làm các triệu chứng tồi tệ hơn.
Bù nước
- Uống từng ngụm nước nhỏ sau đó tăng dần.
- Uống dung dịch bù nước và điện giải (có bán ở các hiệu thuốc) nếu nôn và tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Sau đây là một số biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
- Thường xuyên rửa tay, dụng cụ nấu ăn và làm sạch thực phẩm.
- Tách biệt thực phẩm sống với thực phẩm chín để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
- Nấu chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế để đảm bảo độ chính xác và an toàn.
- Làm lạnh thực phẩm trong vòng hai giờ đầu sau khi mua hoặc sau khi chế biến.
- Rã đông thực phẩm trong tủ lạnh. Nếu cần chế biến ngay, bạn có thể rã đông bằng lò vi sóng.
- Bỏ những thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường nhẹ, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị.
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Nôn nhiều và không bù đủ nước
- Nôn hoặc đại tiện ra máu
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày
- Đau bụng dữ dội
- Sốt cao trên 38.5 ºC
- Các dấu hiệu mất nước: khát quá mức, khô miệng, thiểu niệu hoặc vô niệu, suy nhược cơ thể, chóng mặt.
- Có các triệu chứng thần kinh như nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran cánh tay.
Xem thêm:
- Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, chăm sóc và biện pháp dự phòng
- Những loại thực phẩm nên ăn, nên tránh sau khi bị ngộ độc thực phẩm
- Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài bao lâu? Nguyên nhân và cách phòng tránh
- 10 triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết
- Xử trí ngộ độc thực phẩm ở phụ nữ đang cho con bú