Nguyên nhân dẫn đến khí hư màu hồng và cách điều trị

Bạn có thể thấy khí hư màu hồng như một phần của kỳ kinh hoặc vào những thời điểm khác trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Đó không nhất thiết là một vấn đề đáng lo lắng.

Khí hư màu hồng có phải là một vấn đề đáng lo ngại?

Video: Khí hư màu hồng có nguy hiểm không? Khí hư màu hồng cảnh báo điều gì?

Máu sẽ trộn lẫn với dịch cổ tử cung trong suốt trên đường ra khỏi tử cung, chuyển sang màu hồng. Màu này cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng khác nhau, như mất cân bằng nội tiết tố hoặc nhiễm trùng.

Thời điểm tiết dịch - cũng như bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn có thể gặp phải - có thể giúp bạn xác định nguyên nhân cơ bản. Tiếp tục tham khảo bài viết để biết thêm nhiều thông tin hơn. 

Thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc kinh nguyệt

Khí hư màu hồng khi bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt ra cùng với máu là bình thường. Lúc này, máu mới bắt đầu chảy hoặc đang chậm lại, có thể trộn lẫn với các chất tiết âm đạo khác trên đường ra khỏi âm đạo, làm loãng màu đỏ của máu. 

Một khả năng khác là kinh nguyệt không đều. Ví dụ, kinh nguyệt nhẹ có thể kéo dài ngắn hơn hai ngày và có màu hồng, giống như đốm máu nhỏ rây ra quần hơn là chảy máu đỏ tươi. Bất cứ điều gì từ biến động cân nặng, tuổi tác cho đến căng thẳng stress đều có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều. 

Mất cân bằng hormone

Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến khí hư màu hồng ở các thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt, không nhất thiết là vào thời gian hành kinh theo đúng lịch. Nội tiết tố estrogen giúp ổn định niêm mạc tử cung. Nếu không có đủ chất này, niêm mạc tử cung có thể bị phá vỡ và bong ra bất thường, dẫn đến xuất hiện khí hư có các màu khác nhau. 

Các dấu hiệu khác của nồng độ estrogen thấp bao gồm: 

  • Bốc hỏa
  • Mất ngủ
  • Thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm
  • Khó tập trung
  • Loãng xương
  • Tăng cân
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Tránh thai bằng thuốc nội tiết  

Thuốc tránh thai hàng ngày đường uống (nguồn ảnh: https://www.clinicaladvisor.com/)Thuốc tránh thai hàng ngày đường uống (nguồn ảnh: https://www.clinicaladvisor.com/) 

Khi bạn bắt đầu sử dụng các biện pháp tránh thai bằng thuốc nội tiết hoặc đổi loại thuốc tránh thai đang sử dụng có thể tạo ra sự mất cân bằng estrogen nhân tạo. Kết quả là bạn có thể xuất hiện khí hư màu hồng nhạt. Tác dụng phụ này, còn được gọi là chảy máu đột ngột, có nhiều khả năng xảy ra với các biện pháp tránh thai chứa ít hoặc không chứa estrogen. 

Trong một số trường hợp, nội tiết tố của bạn có thể điều chỉnh theo thuốc trong vòng vài tháng và khí hư màu hồng sẽ ngừng tiết. Những người khác có thể thấy khí hư màu hồng trong ba tháng hoặc lâu hơn. 

Ra máu số lượng ít báo hiệu ngày rụng trứng 

Trứng được phóng ra từ ống dẫn trứng khoảng 14 ngày trước khi kỳ kinh tiếp theo bắt đầu. Khoảng 3% phụ nữ trải qua thời kỳ rụng trứng, hoặc giữa chu kỳ, có thể ra đốm máu nhỏ. Vì lúc này dịch cổ tử cung trong suốt và ẩm ướt hơn được tiết ra nhiều hơn nên dịch tiết có thể có màu hồng thay vì màu đỏ. 

Các triệu chứng khác báo hiệu thời điểm rụng trứng bao gồm dấu hiệu Mittelschmerz, hoặc đau ở bụng dưới. Những phụ nữ lập biểu đồ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của họ cũng có thể thấy sự thay đổi của thân nhiệt cơ bản giữa trước và sau thời kì rụng trứng. 

Cơ hội mang thai của bạn cao nhất là vào những ngày trước và trong thời kì rụng trứng. 

U nang buồng trứng 

U nang buồng trứng là một túi hoặc nang chứa đầy chất lỏng phát triển trên một trong hai buồng trứng. Một số u nang là một phần của chu kỳ kinh nguyệt. Ví dụ, một u nang dạng nang bọc noãn được tạo ra nếu nang noãn phát triển và trưởng thành (trứng chín) nhưng không phóng noãn được (rụng trứng). Nang bọc noãn có thể không gây ra triệu chứng và tự biến mất trong vòng vài tháng. 

Những loại khác, như u nang nước, u nang nhầy và u nang bì, có thể phát triển lớn và gây ra kinh nguyệt số lượng ít hoặc khí hư màu hồng. Các u này có thể được gây ra bởi sự mất cân bằng hormone hoặc các tình trạng như lạc nội mạc tử cung. Bạn cũng có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu đau, tức nặng vùng khung chậu hoặc chướng bụng đầy hơi. 

Các u nang không được điều trị có thể bị vỡ hoặc gây xoắn buồng trứng, cắt đứt nguồn cung cấp máu của buồng trứng.

Thai nhi làm tổ trong buồng tử cung

Thai nhi làm tổ trong buồng tử cung (nguồn ảnh: https://www.beingtheparent.com/)Thai nhi làm tổ trong buồng tử cung (nguồn ảnh: https://www.beingtheparent.com/)

Thai làm tổ trong buồng tử cung là quá trình trứng đã thụ tinh tự chui vào niêm mạc của tử cung. Nó xảy ra từ 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai và có thể gây chảy máu nhẹ với nhiều sắc thái khác nhau, bao gồm cả màu hồng. Không phải tất cả phụ nữ đều bị chảy máu khi thai làm tổ.

Các triệu chứng mang thai sớm khác: 

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Ốm nghén
  • Căng tức vú
  • Sự mệt mỏi 

Nếu trễ kinh hoặc xuất hiện máu kinh số lượng rất ít màu hồng, hãy cân nhắc việc thử thai tại nhà. 

Chửa ngoài tử cung

Chửa ngoài tử cung (nguồn ảnh: curejoy.com) Chửa ngoài tử cung (nguồn ảnh: curejoy.com) 

Thai có thể làm tổ ngoài buồng tử cung như tại vòi trứng. Đây được gọi là chửa ngoài tử cung và nó có thể gây ra hiện tượng ra máu âm đạo. Nếu máu ra số lượng ít và trộn lẫn với dịch tiết âm đạo khác, nó có thể tạo ra khí hư màu hồng.

Các triệu chứng khác của chửa ngoài tử cung bao gồm: 

  • Đau nhói ở bụng, vùng hố chậu, cổ hoặc vai
  • Đau vùng hố chậu một bên
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Áp lực vùng trực tràng gây mót rặn 

Chửa ngoài tử cung vỡ là một biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Nếu bạn thấy khí hư màu hồng hoặc chảy máu âm đạo và đau dữ dội ở một bên hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác, hãy đi khám càng sớm càng tốt. 

Sẩy thai 

Từ 10 đến 20% các trường hợp mang thai kết thúc bằng sẩy thai, thường là trước khi thai nhi đạt 10 tuần tuổi. Các triệu chứng của sẩy thai có thể xuất hiện đột ngột và bao gồm chảy dịch âm đạo trong suốt hoặc màu hồng hoặc chảy máu nhiều màu đỏ. 

Các triệu chứng khác bao gồm: 

  • đau hoặc co thắt vùng bụng dưới
  • mô thai hoặc máu cục bị đẩy ra từ đường âm đạo
  • khí hư màu nâu
  • chóng mặt
  • ngất xỉu 

Chảy máu trong thời kỳ đầu mang thai một số trường hợp có thể là bình thường, nhưng điều quan trọng là phải báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện khí hư màu hồng hoặc các triệu chứng xảy thai khác. 

Sản dịch 

Có một khoảng thời gian từ bốn đến sáu tuần ra máu sau khi sinh con. Chất dịch này được gọi là sản dịch và có mùi hôi, mốc. 

Ngày đầu sau sinh, sản dịch chảy máu đỏ nhiều và có cục nhỏ. Sau đó từ khoảng ngày thứ 4 trở đi, máu sẽ nhạt hơn và chuyển sang màu hồng hoặc nâu. Sau ngày thứ 10 sản dịch nhạt màu hơn và chuyển sang màu kem hoặc hơi vàng trước khi dừng lại. 

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn thấy sản dịch có các cục lớn hoặc có mùi hôi. Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng. 

Viêm phần phụ (Pelvic inflammatory disease - PID) hoặc nhiễm trùng sinh dục khác 

Bệnh lậu, chlamydia và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác (sexually transmitted infections - STIs) có thể gây tiết dịch bất thường, bao gồm cả khí hư màu hồng. Những bệnh nhiễm trùng này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào lúc đầu.

Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm: 

  • Chảy máu khi quan hệ tình dục
  • Tiểu buốt
  • Đau hoặc tức nặng vùng chậu
  • Ngứa âm đạo
  • Ra máu số lượng ít giữa kỳ kinh 

Nếu không được điều trị, STIs có thể lây lan đến các cơ quan sinh sản, gây ra nhiễm trùng gọi là viêm phần phụ - PID. Bạn có thể bị sốt khi mắc nhiễm trùng phần phụ này, cũng như các triệu chứng STI khác. 

PID không được điều trị có thể dẫn đến đau vùng chậu mãn tính và vô sinh.

U xơ tử cung

Nhiều khổi u xơ tử cung (nguồn ảnh: https://urology.co.za/)Nhiều khổi u xơ tử cung (nguồn ảnh: https://urology.co.za/)

U xơ tử cung là u lành tính, không phải ung thư, phát triển trong hoặc xung quanh tử cung. Không phải lúc nào u xơ cũng gây ra các triệu chứng. 

Khi xuất hiện u xơ tử cung, chảy máu âm đạo bất thường được coi là một dấu hiệu sớm. Chảy máu nhẹ hoặc lấm tấm lẫn với dịch cổ tử cung khác có thể có màu hồng. 

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: 

  • Đau vùng chậu hoặc đau thắt lưng
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Tiểu khó, tiểu buốt 

Tiền mãn kinh 

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian cơ thể phụ nữ chuyển dần sang giai đoạn mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt ngừng lại. Trong thời gian này, nồng độ estrogen lên xuống không thể đoán trước được. Do đó, bạn có thể thấy xuất hiện khí hư số lượng ít màu hồng hoặc kinh nguyệt không đều. 

Các triệu chứng khác bao gồm: 

  • Bốc hỏa
  • Khó ngủ
  • Âm đạo khô
  • Thay đổi tâm trạng 

Các triệu chứng tiền mãn kinh thường bắt đầu từ giữa những năm 30 đến đầu những năm 40 tuổi. 

Khí hư màu hồng có phải là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung không?

Trong một số trường hợp hiếm hoi, khí hư màu hồng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Các dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư xâm lấn là chảy máu bất thường sau khi quan hệ tình dục, chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh. Dịch tiết trong giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung thường có màu trắng, trong hoặc nước. Khi xuất hiện máu trộn với nó sẽ tạo thành khí hư màu hồng. 

Các triệu chứng của ung thư giai đoạn muộn bao gồm: 

  • Sụt cân
  • Sự mệt mỏi
  • Đau vùng khung chậu
  • Phù chân
  • Tiểu khó hoặc đại tiện khó 

Một số phụ nữ không có triệu chứng của bệnh ung thư trong giai đoạn đầu. Xét nghiệm sàng lọc bằng Pap test là chìa khóa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung. 

Điều trị khí hư màu hồng như thế nào

Khí hư màu hồng có thể là một phần của chu kỳ kinh nguyệt hoặc là một tác dụng phụ tạm thời khi cơ thể bạn thích nghi với thời kỳ tiền mãn kinh hoặc tránh thai bằng nội tiết tố. 

Đối với các trường hợp khác, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ: 

  • Sự mất cân bằng estrogen được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc chống trầm cảm tăng serotonin.
  • Chảy máu đột ngột liên quan đến các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố nên ngừng thuốc trong vòng vài tháng. Nếu không, bạn có thể trao đổi cùng bác sĩ đề cân nhắc các biện pháp tránh thai khác.
  • U nang buồng trứng có thể tự khỏi với các dạng u nang cơ năng. Phẫu thuật có thể cần thiết nếu u nang phát triển rất lớn hoặc xoắn lại.
  • Chửa ngoài tử cung có thể được điều trị bằng các loại thuốc như methotrexate và phẫu thuật để lấy thai ra khỏi ống dẫn trứng. Chửa ngoài tử cung vỡ cần phải phẫu thuật ngay lập tức để ngăn ngừa chảy máu ồ ạt bên trong ổ bụng.
  • Sảy thai có thể tự khỏi. Nếu thai nhi không được đẩy hoàn toàn ra ngoài tử cung, bạn có thể cần nong và nạo buồng tử cung. Trong quy trình này, bác sĩ sử dụng thuốc để làm giãn cổ tử cung khi bạn đang gây mê. Que nạo cắt hoặc hút các mô thai còn sót lại.
  • Các bệnh nhiễm trùng như STI và PID cần dùng kháng sinh. Hãy chắc chắn để bảo vệ bản thân khỏi bị tái nhiễm trong và sau khi điều trị bằng cách thực hành tình dục an toàn.
  • U xơ tử cung được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ các khối u từ tử cung.
  • Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế nội tiết tố ngắn hạn hoặc thuốc chống trầm cảm. Cũng có thể kiểm soát các triệu chứng mà không cần dùng thuốc.
  • Điều trị ung thư cổ tử cung có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, hoặc kết hợp các phương pháp điều trị này.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Khí hư màu hồng không nhất thiết là điều bạn cần lo lắng, đặc biệt nếu nó xảy ra vào thời gian hành kinh. 

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường - từ khi bắt đầu kỳ kinh này đến bắt đầu kỳ kinh tiếp theo - kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Bản thân thời kì hành kinh thường kéo dài từ hai đến bảy ngày. Chảy máu hoặc ra máu ngoài khung thời gian này kèm theo các triệu chứng khác, như đau, sốt hoặc chóng mặt, là lý do để đi khám. 

Nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ hiện tượng chảy máu nào mà bạn gặp phải khi mang thai. Khí hư màu hồng có thể là bình thường, đặc biệt là vào khoảng thời gian làm tổ hoặc đầu thai kỳ. Bất kỳ cơn đau, chóng mặt, mô hoặc cục máu đông bị đẩy ra ngoài âm đạo có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai. 

Khí hư màu hồng sau khi mãn kinh không phải là bình thường và là một lý do cần đến gặp bác sĩ. Khí hư bất thường trong thời gian này có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc các bệnh lý khác cần được chăm sóc y tế. 

Xem thêm : 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!