Video Ngoại tâm thu là gì?
Người ta có thể gọi tình trạng này là nhịp tim sớm, bị nhỡ hoặc nhịp tim phụ, xảy ra do bất thường hệ thống dẫn truyền điện trong tim.
Nghe có vẻ nguy hiểm, nhưng trong hầu hết các trường hợp, ngoại tâm thu không gây hại. Ngoại tâm thu hay gặp hơn ở những người lớn tuổi.
Cơ chế ngoại tâm thu
Trái tim được chia làm 4 phần, được gọi là các ngăn. Hai phần trên là tâm nhĩ, và hai phần dưới là tâm thất.
Tín hiệu điện kiểm soát nhịp tim. Những tín hiệu này thường đến từ một nhóm các tế bào đặc biệt được gọi là nút xoang nhĩ, nằm ở phần trên của tâm nhĩ phải.
Trong một nhịp tim bình thường, những tín hiệu điện này khiến hai tâm nhĩ co bóp. Sau đó, tín hiệu điện truyền xuống bên dưới và hai tâm thất sẽ co lại.
Trong một số trường hợp, tín hiệu điện không phải khởi đầu từ nút xoang nhĩ khiến tâm nhĩ hoặc tâm thất co bóp quá sớm. Người ta gọi đó là ngoại tâm thu.
Phân loại ngoại tâm thu
Không phải tất cả các ngoại tâm thu đều giống nhau. Có hai loại chính:
Ngoại tâm thu nhĩ (PACs). Đây là những ngoại tâm thu xảy ra ở các buồng trên của tim.
Ngoại tâm thu thất (PVCs). Những ngoại tâm thu này diễn ra ở các buồng dưới của tim.
Ngoại tâm thu xảy ra phổ biến hơn ở tâm nhĩ hơn là ở tâm thất.
Các triệu chứng
Ngoại tâm thu có thể không gây bất kỳ khó chịu nào. Trong trường hợp có triệu chứng, phổ biến nhất là cảm giác:
- Cảm giác tim rung lên trong ngực
- Hẫng một nhịp
- Tim đập mạnh hơn
Nguyên nhân ngoại tâm thu
Các bác sĩ không phải lúc nào cũng chắc chắn nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu, nhưng có một số yếu tố thuận lợi:
- Tăng huyết áp
- Bệnh phổi
- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy
- Chất kích thích hoặc các lo lắng, stress
- Vận động mạnh
- Mất nước
- Thiếu ngủ
Chẩn đoán ngoại tâm thu
Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy trái tim mình rung rinh hoặc lỡ nhịp, đó là điều bình thường, không cần lo lắng nhiều.
Nhưng nếu tim dường như bị lệch nhịp hoặc lệch nhịp thường xuyên, hoặc nhiều hơn trước đây, hãy đi khám. Bác sỹ có thể chẩn đoán ngoại tâm thubằng cách thăm khám và nghe tim của bạn.
Bác sĩ cũng có thể cần cho bạn làm các xét nghiệm khác, chẳng hạn như điện tâm đồ (ECG), để tìm xem liệu ngoại tâm thu có gây ra các triệu chứng của bạn hay không.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn đeo Holter 24h - một thiết bị theo dõi nhịp tim của bạn. Nó sẽ giúp đánh giá nhịp đập, kiểm tra tần suất chúng xảy ra và đảm bảo không có vấn đề nào khác ngoài ngoại tâm thu.
Ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào, việc chụp cắt lớp tim có thể tiết lộ rằng bạn có ngoại tâm thu.
Điều trị ngoại tâm thu
Bác sĩ có thể đề nghị bạn tránh những yếu tố thuận lợi khởi phát ngoại tâm thu. Ví dụ, nếu lo lắng là nguyên nhân, bạn có thể tập thiền, tập yoga,...
Trong một số trường hợp, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc, có thể là thuốc chẹn beta hoặc các loại thuốc khác tác động lên phản ứng của tim với hormone hoặc tín hiệu điện.
Trong trường hợp ngoại tâm thu dai dẳng kéo dài và bệnh nhân có chống chỉ định với điều trị dùng thuốc, bác sỹ có thể can thiệp cho bệnh nhân. Đó là một phẫu thuật nhỏ, bác sỹ sẽ luồn một ống nhỏ, gọi là catheter vào mạch máu bệnh nhân để đến tim, sau đó tìm và triệt đốt ổ phát điện phụ bằng sóng điện từ. Tỷ lệ thành công có thể lên tới 90%.
Biến chứng ngoại tâm thu
Có một số bằng chứng cho thấy ngoại tâm thu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình các triệu chứng giống như trên, bạn nên đi khám. Bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên và điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của bạn.
Xem thêm :