ICD là gì và ICD có cần thiết cho bệnh nhân suy tim?

Trái tim của chúng ta có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Bơm máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Hầu hết mọi người không nhận thấy vì trái tim làm công việc này liên tục trong suốt cuộc đời.

Video Máy khử rung tim ICD hoạt động như thế nào?

Công dụng của máy ICD

ICD là máy phá rung tự động được cấy trong cơ thể của bệnh nhân.

Có một số bệnh gây ra nhịp tim không đều, được gọi là loạn nhịp tim.

  • Nếu tim đập quá nhanh, bạn có thể mắc một loại rối loạn nhịp tim gọi là nhịp nhanh thất.
  • Nếu tim của bạn không thể bơm đủ máu do nhịp tim không ổn định, bạn có thể bị rung thất.

Trong cả hai trường hợp, ICD có thể cảm nhận và ngăn chặn một rối loạn nhịp nguy hiểm. Máy sẽ tạo một cú sốc điện để tim trở lại nhịp đập bình thường.

ICD cũng sẽ giúp giảm nguy cơ tim thực sự ngừng đập (ngừng tim), có thể đe dọa tính mạng.

ICD khác với máy tạo nhịp. Cả hai đều là thiết bị mà bác sĩ cấy dưới da để điều trị chứng loạn nhịp tim. Nhưng máy tạo nhịp tim thường chỉ có thể giúp ích cho tim của bạn nếu nó đập quá chậm. ICD làm được nhiều hơn thế và nó được tích hợp với máy tạo nhịp.

ICD hoạt động như thế nào?

Nhịp tim được kiểm soát bởi các tín hiệu điện. Khi có vấn đề với hệ thống điện này, nó có thể gây ra rối loạn nhịp tim nguy hiểm và tim sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ bơm máu một cách bình thường.

Các bác sĩ đôi khi phải sử dụng máy sốc điện ngoài để "sốc" tim của một người đã ngừng tim. ICD về cơ bản cũng làm điều tương tự, nhưng nó tự động phát hiện nhịp bất thường và được cấy dưới da, ngay trong cơ thể bệnh nhân.

ICD của bạn kết nối với trái tim bằng các dây điện và điện cực. Nó theo dõi nhịp tim và nếu phát hiện nhịp điệu bất thường và nguy hiểm tới tính mạng, máy sẽ tạo ra một cú sốc điện để đưa tim về nhịp bình thường.

  • Liệu pháp tạo nhịp độ năng lượng thấp: Đây là những cú sốc dùng điện thế nhỏ hơn và thường dùng cho nhịp nhanh thất. Cú sốc này  thường không đau, hoặc bệnh nhân có thể cảm thấy như rung lên trong lồng ngực.
  • Liệu pháp chuyển đổi tim mạch: Máy sẽ tao ra những xung năng lượng cao hơn này khi bệnh nhân có tình trạng nhịp nhanh thất nhanh hơn. Bệnh nhân có thể cảm thấy như ai đó đang đá vào ngực.
  • Liệu pháp khử rung tim: Loại xung điện mạnh nhất là đối với các vấn đề về nhịp rất nguy hiểm cho tim. Nếu ICD bắt đầu điều trị khử rung tim, bạn có thể cảm thấy đau dữ dội ở ngực.

ICD thường có thể khôi phục lại nhịp tim bình thường của bạn chỉ với một cú sốc. Đôi khi bệnh nhân có thể nhận được hai cú sốc trở lên trong 24 giờ. Khi đó, bệnh nhân nên tới bệnh viện ngay lập tức để được kiểm tra kịp thời

Lắp đặt máy ICD như thế nào?

Máy rất nhỏ gọnMáy rất nhỏ

Bác sỹ sẽ thực hiện một cuộc phẫu thuật nhỏ để cấy ICD dưới da, thường chỉ mất một vài giờ. Hầu hết bệnh nhân cấy ICD đều tỉnh táo trong quá trình làm thủ thuật. Trong những trường hợp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng thuốc tê và thuốc an thần để bệnh nhân đỡ khó chịu. Đôi khi, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và không tỉnh táo.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cấy máy ICD và kết nối các dây và điện cực với trái tim của bệnh nhân dưới hướng dẫn của X quang. Các đầu khác của dây được gắn vào ICD, được đặt dưới da, thường là bên dưới xương đòn bên trái.

Sau đó, bác sĩ sẽ thiết lập chế độ ICD phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Khi ICD của bạn đi vào hoạt động, bệnh nhân có thể cần ở lại viện vài ngày để bác sỹ theo dõi trước khi được xuất viện. Vết mổ có thể bị đau, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau để bệnh nhân dễ chịu hơn.

Bệnh nhân cũng sẽ không thể lái xe trong ít nhất một tuần sau khi làm thủ thuật và  cũng cần nghỉ ngơi một vài tuần sau đó. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể, nhưng thông thường sẽ phải tránh vận động mạnh trong ít nhất một tháng. 

Cần chú ý gì sau khi được cấy ICD?

Bệnh nhân có máy phá rung tự động cần chú ý tránh các thiết bị sau:

  • Điện thoại di động: Bệnh nhân có thể dùng, nhưng hãy để tránh xa ngực  để ICD không nhầm tín hiệu di động với nhịp tim.
  • Máy phát điện: Tránh xa máy phát điện, thiết bị hàn, máy biến áp cao áp hoặc hệ thống động cơ-máy phát điện ít nhất nửa mét.
  • Thiết bị y tế:  Bạn có thể không thực hiện được một số thủ thuật, chẳng hạn như MRI, MRA và các điều trị dùng sóng điện từ như phẫu thuật dao gamma chẳng hạn.
  • Nam châm: Giữ chúng cách ICD  ít nhất 20cm vì từ trường có thể gây nhiễu ICD.
  • Máy dò kim loại:  Bác sỹ sẽ đưa cho bệnh nhân một cái thẻ sau khi bệnh nhân được cấy ICD, hãy xuất trình cho an ninh sân bay khi cần vì máy dò kim loại cầm tay cũng có nam châm có thể làm hỏng ICD. Thông thường, nếu quét bằng máy dò kim loại dưới 30s, thì máy ICD vẫn hoạt động được bình thường.

Pin của máy có thể kéo dài đến 7 năm và bác sĩ sẽ kiểm tra nó trong các lần tái khám định kỳ hai đến bốn lần một năm. Khi máy hết pin, bác sỹ sẽ làm một thủ thuật nho nhỏ để thay pin cho máy để đảm bảo máy sẽ vẫn hoạt động bình thường.

Xem thêm : 


Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!