Video NẤM MÓNG - ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC HAY LASER ?
Nấm móng là một tình trạng nhiễm trùng do nấm ở vị trí móng tay hoặc móng chân. Nhiễm nấm thường phát triển dần theo thời gian, vì vậy, bất kỳ sự khác biệt tức thì nào về hình dáng hoặc cảm giác ở móng đôi khi khó phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh.
Nguyên nhân gây nấm móng
Nấm móng xuất hiện là do sự phát triển quá mức của nấm trong, dưới hoặc trên móng. Nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm, vì vậy loại môi trường này thuận lợi cho chúng sinh sôi nảy nở một cách tự nhiên. Cùng một loại nấm gây ngứa da, nấm da chân và nấm ngoài da cũng có thể gây nấm móng.
Nấm có sẵn trong hoặc trên cơ thể có nguy cơ gây nấm móng. Nếu bạn tiếp xúc với người khác bị nhiễm nấm, bạn cũng có thể bị lây bệnh. Nấm móng gặp ở vị trí móng chân nhiều hơn móng tay, có khả năng là do chân thường đi trong giày. Đây được xem là một môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Nếu bạn làm móng tay hoặc móng chân tại tiệm làm móng, hãy nhớ hỏi nhân viên cách họ khử trùng dụng cụ như thế nào và tần suất là bao nhiêu. Các dụng cụ, chẳng hạn như bảng nhám và đồ cắt móng, có thể lây nhiễm nấm từ người này sang người khác nếu chúng không được vệ sinh cẩn thận.
Ai có nguy cơ bị nhiễm nấm?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nấm móng. Mỗi nguyên nhân có một cách điều trị riêng. Mặc dù nhiều nguyên nhân gây nấm móng có thể ngăn ngừa, nhưng một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh này, như:
- Bị bệnh tiểu đường
- Mắc các bệnh gây hạn chế tuần hoàn máu
- Trên 65 tuổi
- Đeo móng tay giả
- Bơi trong bể bơi công cộng
- Bị chấn thương móng
- Bị chấn thương da quanh móng
- Ngón tay hoặc ngón chân ẩm ướt trong một thời gian dài
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Đi giày bít mũi, chẳng hạn như giày quần vợt hoặc giày boot.
Nấm móng gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em. Nếu bạn có các thành viên trong gia đình hay bị nấm móng thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.
Người lớn tuổi dễ bị nấm móng vì hệ thống lưu thông máu của họ kém hơn. Móng cũng mọc chậm hơn và dày hơn khi chúng ta già đi.
Triệu chứng nấm móng
Nấm móng biểu hiện ở một phần móng, toàn bộ móng hoặc một số móng.
Các dấu hiệu phổ biến của nấm móng bao gồm:
- Móng xù xì, có thể bị tách ra khỏi giường móng
- Móng nhiễm nấm có mùi hôi
- Móng giòn hoặc dày
Phân loại nấm móng
Nấm phần xa dưới móng
Đây là dạng nấm móng phổ biến nhất, gặp cả ở móng tay và móng chân. Tổn thương điển h.nh là bờ tự do móng có hình răng cưa với các vệt trắng và / hoặc vàng trên khắp bề mặt móng.
Tình trạng viêm xâm nhập xuống giường móng và mặt dưới móng.
Nấm móng trắng bề mặt
Dạng này thường gặp ở móng chân. Các bào tử, sợi nấm gây tổn thương những lớp trên cùng của móng, gây ra các đốm trắng trên móng.
Cuối cùng, những đốm trắng này lan rộng, bao phủ toàn bộ móng. Móng trở nên thô ráp, mềm và dễ bị vỡ vụn. Các đốm trên móng có thể bị rỗ và bong tróc.
Nấm phần gốc dưới móng
Mặc dù nấm phần gốc dưới móng không phổ biến nhưng có thể gặp cả móng tay và móng chân. Các đốm vàng xuất hiện ở nền gốc móng sau đó lan dần lên phía bờ tự do.
Típ này thường gặp ở những người suy giảm hệ thống miễn dịch.
Nấm móng do Candida
Nguyên nhân của dạng nấm móng này là do một loại nấm men, có tên là nấm Candida. Nó xâm nhập vào các móng đã bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc chấn thương trước đó. Nấm Candida có xu hướng gây bệnh nhiều hơn ở móng tay và những người thường xuyên ngâm tay trong nước.
Bệnh thường khởi phát với biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy vùng quanh móng và cảm giác đau khi chạm vào. Bản móng có thể tách một phần khỏi giường móng hoặc tách hoàn toàn gây mất móng.
Chẩn đoán nấm móng
Các bệnh lý nhiễm trùng khác ở móng đôi khi có triệu chứng giống như nấm móng. Vì vậy cách duy nhất để xác định chẩn đoán là đến gặp bác sĩ. Họ sẽ cạo móng và soi dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của nấm.
Trong một số trường hợp, bác sĩ cần gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích và xác định.
Điều trị nấm móng
Các sản phẩm không kê đơn thường không được khuyên dùng để điều trị nấm móng vì chúng không mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống nấm đường uống, chẳng hạn như:
- Terbinafine (Lamisil)
- Itraconazole (Sporanox)
- Fluconazole (Diflucan)
- Griseofulvin (Gris-PEG)
Ngoài ra, bác sĩ có thể phối hợp thêm các thuốc chống nấm tại chỗ ở dạng sơn móng tay hoặc dung dịch bôi.
Tùy thuộc vào loại nấm gây bệnh, cũng như mức độ nhiễm trùng, bạn có khi phải sử dụng các loại thuốc này trong vài tháng. Các liệu pháp điều trị tại chỗ đơn độc thường không hiệu quả với nấm móng chân.
Điều trị không đảm bảo việc bạn sẽ không bao giờ bị tái nhiễm. Biến chứng do nhiễm nấm cũng có khả năng xảy ra.
Các biện pháp ngăn ngừa nấm móng
Thực hiện một vài thay đổi lối sống đơn giản giúp ngăn ngừa nấm móng. Cắt tỉa cẩn thận và giữ gìn móng sạch sẽ là cách tốt và đơn giản để ngăn ngừa bệnh.
Đồng thời tránh làm tổn thương vùng da xung quanh móng.
Nếu bạn thường xuyên phải làm các công việc mà khiến bàn tay bị ẩm hoặc ướt trong một thời gian dài, bạn nên đeo găng tay cao su.
Các cách khác để phòng bệnh nấm móng, bao gồm:
- Rửa tay sau khi chạm vào móng bị nhiễm trùng
- Lau khô chân sau khi tắm, đặc biệt là giữa các ngón chân
- Làm móng tay hoặc móng chân ở các tiệm uy tín
- Tránh đi chân trần ở những nơi công cộng
- Hạn chế việc sử dụng móng tay giả và sơn móng tay
SẢN PHẨM GIÚP PHÒNG NẤM MÓNG
Nếu bàn tay bạn thường xuyên bị ẩm ướt, hãy cân nhắc mua:
- Thuốc xịt hoặc bột chống nấm
- Găng thấm ẩm
- Có bộ dụng cụ làm móng cá nhân cho riêng mình.
Tiên lượng
Đối với một số người, nấm móng có thể khó chữa và đợt đầu tiên dùng thuốc có thể không hiệu quả. Nấm móng không thể được coi là chữa khỏi cho đến khi mọc một móng mới hoàn toàn không bị nhiễm trùng.
Mặc dù điều này cho thấy rằng móng không còn bị nhiễm trùng nhưng tình trạng nhiễm nấm vẫn có khả năng quay trở lại. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, móng có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn, thậm chí phải cắt bỏ.
Các biến chứng chính của nhiễm nấm móng tay là:
- Nhiễm trùng nặng, bùng phát
- Mất móng vĩnh viễn
- Đổi màu móng
- Lây lan nấm đến các vùng khác của cơ thể và có thể theo đường máu
- Phát triển viêm mô tế bào (một tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn)
Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải đến gặp bác sĩ nếu bạn có tiền sử bị tiểu đường và bị nấm móng hoặc nghi ngờ bị nấm móng. Vì những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm nấm gây ra.
Xem thêm: