Mụn vùng kín ở phụ nữ: Nguyên nhân, cách xử trí tại nhà và phòng ngừa

Mụn vùng kín (hay mụn nhọt) là những nốt sưng viêm, chứa đầy mủ hình thành dưới da ở vùng âm hộ, môi âm hộ, âm đạo và ở vùng mu.

Video: Nguyên nhân gây nổi mụn vùng kín.

Mụn vùng kín phát triển khi nang lông bị va chạm và nhiễm trùng phát triển trong nang lông. Mụn nhọt có thể bắt đầu bằng một vết sưng nhỏ, màu đỏ và phát triển trong vài ngày thành một nốt sưng, đau với đầu có mủ màu trắng hoặc vàng.

Chẩn đoán chính xác là chìa khóa để điều trị. Nếu bạn có một đốm vùng kín và không chắc đó là mụn hay là kết quả của bệnh gì khác, hãy đi khám bác sĩ phụ khoa.

Mụn hiếm khi gây biến chứng. Hầu hết sẽ tự khỏi sau một hoặc hai tuần. Một số ít có thể cần điều trị. Điều trị có thể giúp giảm đau và giảm nhiễm trùng cho đến khi hết mụn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiểu phẫu để dẫn lưu ổ nhiễm trùng.

Cách điều trị mụn vùng kín tại nhà

Hầu hết các nốt mụn sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Bạn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục bằng các biện pháp xử trí tại nhà.

Trước khi chạm vào mụn hoặc khu vực xung quanh nó, hãy nhớ rửa tay thật kỹ. Sử dụng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm. Nếu không có bước này, bạn có nguy cơ đưa thêm vi khuẩn vào trong mụn. Nó có thể làm cho nhiễm trùng nặng hơn.

Tương tự như vậy, rửa tay lại sau khi bạn hoàn thành quá trình điều trị để tránh nguy cơ lây lan bất kỳ vi khuẩn nào sang các vùng khác trên cơ thể.

1. Không nặn hoặc dùng kim châm

Không cố gắng nặn hoặc lấy kim châm để chích mụn. Làm như vậy sẽ giải phóng vi khuẩn và có thể lây lan nhiễm trùng. Bạn cũng có thể làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn.

2. Chườm ấm

Nhúng khăn với nước ấm hơn một chút so với nước bạn dùng để rửa tay hoặc rửa mặt. Vắt hết nước thừa. Đặt khăn lên chỗ bị mụn và để ở đó từ 7 đến 10 phút.

Lặp lại quá trình này 3 hoặc 4 lần mỗi ngày cho đến khi hết mụn. Hơi nóng từ khăn sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu nhiều hơn, do đó các tế bào bạch cầu có thể chống lại nhiễm trùng còn sót lại.

3. Mặc quần lót rộng 

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mụn là do quần áo bó sát gây ma sát hoặc cọ xát vào vùng da mu mỏng manh. Cho đến khi mụn nhọt biến mất, hãy mặc quần áo lót và quần áo rộng rãi. Sau khi tập luyện, hãy thay đồ lót khô và sạch.

4. Sử dụng thuốc mỡ 

Sử dụng thuốc mỡ trong điều trị mụn. (Nguồn healthline.com)

Thuốc mỡ có dầu khoáng (như vaselin) có thể giúp bảo vệ mụn khỏi ma sát với quần áo và đồ lót. Tương tự, nếu mụn vỡ ra, hãy sử dụng thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin kết hợp, neomycin và polymyxin B (Neosporin) để điều trị, đồng thời tránh nhiễm trùng thứ phát.

5. Uống thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không kê đơn có thể cần thiết để giảm đau và viêm do mụn gây ra. Uống ibuprofen hoặc acetaminophen (Panadol) theo hướng dẫn trên bao bì.

Nếu áp dụng các biện pháp xử trí tại nhà này mà mụn không đỡ hoặc không biến mất trong vòng 2 tuần, hãy khám bác sĩ phụ khoa.

Mất bao lâu để khỏi mụn

Mụn nhọt thường tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần. Một số nốt mụn sẽ co lại và biến mất. Những cái khác có thể vỡ ra và chảy mủ.

Nếu mụn vỡ, hãy vệ sinh vùng đó thật sạch và đắp một miếng gạc hoặc băng vô trùng. Giữ khu vực này sạch sẽ và thay băng hàng ngày. Rửa tay trước và sau khi thay băng.

Một cái mụn sẽ ít có khả năng làm bạn bị thêm một cái khác. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ dẫn mọc thêm nhiều mụn khác, gồm:

  • Ma sát hoặc cọ xát từ quần áo chật
  • Lông mọc ngược do cạo lông
  • Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn

Nếu mụn mọc nhiều hơn, hãy hẹn gặp bác sĩ. Một yếu tố tiềm ẩn có thể góp phần gây ra mụn. Điều trị tận gốc nguyên nhân có thể giúp ngăn ngừa chúng trong tương lai.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Một số triệu chứng cho thấy mụn có thể cần được bác sĩ điều trị thêm. Đó là:

  • Sốt
  • Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi lạnh
  • Vết sưng phát triển nhanh chóng
  • Vết sưng cực kỳ đau đớn
  • Vết sưng rộng hơn 5 cm
  • Mụn trên mặt
  • Mụn không biến mất sau 2 tuần
  • Mụn tái phát hoặc nhiều mụn cùng lúc

Bác sĩ sẽ đưa ra 2 lựa chọn điều trị chính nếu nhọt quá nặng, không thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà:

Chích và dẫn lưu: Nếu mụn cực kỳ đau hoặc lớn, bác sĩ có thể rạch vết sưng để dẫn lưu mủ và dịch. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị vô trùng, vì vậy đừng cố gắng thực hiện việc này tại nhà. Mụn bị nhiễm trùng nặng có thể cần phải dẫn lưu nhiều lần.

Thuốc kháng sinh: Nhiễm trùng nặng hoặc tái phát có thể cần thuốc kháng sinh để ngăn ngừa mụn nhọt trong tương lai. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau khi mụn được rút ra để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.

Làm thế nào để ngăn ngừa mụn

Cạo lông đúng cách giúp hạn chế bị mụn (Nguồn healthline.com)

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa mụn, nhưng những mẹo này có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị mụn:

  • Thay dao cạo thường xuyên: Dao cạo xỉn màu có thể làm tăng nguy cơ lông mọc ngược. Thay dao cạo hoặc lưỡi dao 3 đến 4 tuần một lần. 
  • Không dùng chung dao cạo: Vi khuẩn gây mụn có thể tổn tại trên dao cạo. Giữ dao cạo của bạn sạch sẽ, khô ráo và tránh dùng chung với những người khác.
  • Cạo lông dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm: Không nên cạo quá sát lông vùng mu của bạn. Sử dụng kem dưỡng hoặc kem cạo lông để giảm ma sát khi bạn cạo dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm.
  • Cạo theo hướng lông mọc: Giảm khả năng lông mọc ngược 
  • Nhẹ nhàng tẩy tế bào chết vùng mu: Nếu bạn cạo hoặc tẩy lông vùng mu, hãy giảm nguy cơ lông mọc ngược bằng cách tẩy tế bào chết nhẹ nhàng vùng này 2 lần mỗi tuần. Tẩy tế bào chết có thể giúp mở nang lông bị tắc nghẽn và cho phép lông phát triển.
  • Uống đủ loại thuốc kháng sinh theo đơn: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, hãy hoàn thành toàn bộ đơn thuốc. Tự ý ngừng thuốc có thể gây tái nhiễm.
  • Điều trị tụ cầu: Nếu bạn bị mụn tái phát, bác sĩ có thể lấy mẫu mủ từ mụn và xét nghiệm để xác định vi khuẩn gây ra mụn. Biết được vi khuẩn có thể giúp bác sĩ điều trị và ngăn ngừa mụn tốt hơn. Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng) là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da và nó có thể gây ra mụn tái phát cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Nếu vi khuẩn này là nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị đặc biệt.

Xem thêm: 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!