Làm thế nào để phân biệt được đột quỵ và co giật?

Đột quỵ và co giật đều là những tình trạng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, nguyên nhân và tác động của chúng lên não là khác nhau.


Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não xảy ra do quá trình tuần hoàn máu lên não bị gián đoạn. Còn co giật xảy ra do sự gia tăng hoạt động điện trong não.

Bên cạnh đó, đột quỵ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến nhận thức và khả năng vận động, nhưng những tác động của cơn co giật thường là tạm thời. 

Các triệu chứng 

Đột quỵ và co giật có chung một số triệu chứng, như:

  • Đau đầu
  • Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở các bộ phận của cơ thể
  • Lú lẫn
  • Khó nói hoặc khó hiểu được những gì người khác nói

Một cơn đột quỵ hoặc co giật nghiêm trọng cũng có thể khiến bạn bất tỉnh. 

Các triệu chứng của cơn co giật

Hình ảnh minh họa cho co giật. Nguồn ảnh: https://www.miklasemploymentlaw.com Hình ảnh minh họa cho co giật. Nguồn ảnh: https://www.miklasemploymentlaw.com Một cơn co giật điển hình thường gồm ba giai đoạn bắt đầu, giữa và kết thúc. Bạn có thể không nhận ra được khi nào một giai đoạn kết thúc và một giai đoạn khác bắt đầu. Mỗi giai đoạn của cơn co giật có một nhóm các triệu chứng riêng biệt.

Giai đoạn đầu của cơn co giật có thể bắt đầu vài phút, vài giờ, hoặc thậm chí lâu hơn trước khi cơn co giật thực sự xảy ra. Một đặc điểm của giai đoạn này là “hào quang”. Hào quang là sự thay đổi trong khả năng nhìn và các giác quan khác của bạn. Bạn có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng, hoặc nhìn thấy những ánh sáng và màu sắc kỳ lạ mà không ai khác có thể nhìn thấy. Khứu giác và vị giác của bạn cũng có thể trở nên méo mó. Các dấu hiệu khác trước khi lên cơn co giật có thể gồm chóng mặt và cảm giác lo âu.

Khi bước vào giai đoạn giữa của cơn co giật, bạn có thể bị mất ý thức, hoặc thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh trong vài phút hoặc lâu hơn. Bạn có thể gặp khó khăn khi nghe hoặc nhìn, thậm chí gặp ảo giác.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm:

  • Chớp mắt liên tục
  • Chảy nước dãi
  • Mất kiểm soát cử động của cơ 
  • Giật cơ hoặc cứng cơ
  • Cắn lưỡi 
  • Đổ nhiều mồ hôi 
  • Lặp đi lặp lại các hành động, chẳng hạn như đi bộ hoặc mặc quần áo rồi lại cởi quần áo
  • Đại tiểu tiện không tự chủ tạm thời

Vào giai đoạn cuối, bạn có thể cảm thấy:

  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn
  • Mất trí nhớ
  • Sợ hãi
  • Liệt tạm thời 

Các triệu chứng của đột quỵ

Nguồn ảnh: https://www.lifeline24.co.ukNguồn ảnh: https://www.lifeline24.co.ukĐột quỵ có xu hướng xảy ra khá đột ngột. Bạn có thể đột nhiên bị đau đầu dữ dội kèm các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Tê hoặc đau ở một bên cơ thể
  • Méo mặt
  • Khó khăn khi đi lại
  • Thiếu phối hợp các động tác một cách đột ngột
  • Lời nói thiếu mạch lạc
  • Không hiểu được lời người khác nói

Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc không biến mất, bạn có khả năng bị đột quỵ. 

Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ và co giật?

Nguyên nhân đột quỵ

Hai loại đột quỵ chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ do nhồi máu não phổ biến hơn nhiều so với đột quỵ do xuất huyết não. 

Nhồi máu não xảy ra do sự tắc nghẽn trong động mạch cung cấp máu cho não. Sự tắc nghẽn có thể là do cục máu đông đọng lại trong lòng động mạch hoặc sự gián đoạn dòng chảy của máu qua một trong các động mạch cảnh (các động mạch này đưa máu từ hai bên cổ lên não).

Xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ. Kết quả là, máu rò rỉ vào mô não xung quanh. Dòng chảy của máu cũng bị ngừng lại tại  điểm mà động mạch bị vỡ.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết não là tăng huyết áp, do huyết áp cao có thể làm suy yếu thành mạch và vỡ mạch.

Nguyên nhân co giật

Huyết áp cao cũng là một trong nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra cơn co giật. Các nguyên nhân khác bao gồm sốt cao, hội chứng cai sau khi bỏ rượu, dùng thuốc trị rắn cắn hoặc động kinh... Động kinh là một tình trạng rối loạn ở não dẫn đến xảy ra co giật thường xuyên nếu việc dùng thuốc không kiểm soát được nó. 

Các yếu tố nguy cơ 

Các yếu tố nguy cơ gây co giật

Nếu bạn bị động kinh, bạn có nguy cơ cao bị co giật. Tiền sử gia đình có thành viên gặp các rối loạn liên quan đến co giật cũng có thể làm tăng nguy cơ co giật.

Một chấn thương ở đầu cũng làm tăng nguy cơ co giật, nhưng chúng có thể không xuất hiện ngay lập tức mà phải mất vài tháng hoặc hơn một năm sau chấn thương đó. Đột quỵ cũng có thể gây ra co giật, ngay khi khởi phát hoặc khi bạn đã hồi phục sau cơn đột quỵ. 

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ là bệnh tim mạch, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim khiến máu bị đọng lại và hình thành cục máu đông trong tim. Các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh động mạch cảnh
  • Hút thuốc
  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc bệnh tim mạch

Một số yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và hút thuốc lá, có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống. Khi cần thiết, thuốc cũng có thể giúp kiểm soát chúng. 

Đột quỵ và co giật được chẩn đoán như thế nào?

Chụp CT và MRI là hai phương pháp khá hữu ích để chẩn đoán đột quỵ và co giật. Nguồn: https://www.mskcc.org/newsChụp CT và MRI là hai phương pháp khá hữu ích để chẩn đoán đột quỵ và co giật. Nguồn: https://www.mskcc.org/newsNếu bạn nghi ngờ mình đang bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi tiến hành một cuộc thăm khám toàn diện, nếu hướng tới đột quỵ, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức, như chụp CT hoặc MRI, nhằm xác định những tổn thương đang diễn ra trong não bộ.

Các phương pháp này cũng có thể giúp chẩn đoán một cơn co giật. Xét nghiệm máu và khám sức khỏe toàn diện cũng là một phần của quá trình chẩn đoán. Lời mô tả về quá trình cơn co giật xảy ra cũng sẽ rất có giá trị. 

Điều trị

Điều trị đột quỵ

Nếu bạn đến bệnh viện trong vòng 3-4 tiếng rưỡi với đột quỵ do nhồi máu não, bạn có thể đủ điều kiện để được tiêm chất kích hoạt plasminogen mô (tPA). Được biết đến như một loại thuốc làm tan cục máu đông, nó có thể giúp khôi phục lưu lượng máu bình thường. Rủi ro chính khi sử dụng tPA là biến cố chảy máu nghiêm trọng, vì nó cản trở quá trình đông máu của bạn.

Bác sĩ cũng có thể đưa một số thiết bị vào động mạch và điều khiển chúng đến vị trí của cục máu đông để lấy cục máu đông ra và khôi phục dòng chảy của máu.

Công tác chăm sóc sau đột quỵ sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Vật lý trị liệu thường được áp dụng, đặc biệt nếu đột quỵ làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại hoặc sử dụng tay. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc chống đông và thuốc hạ huyết áp.

Bên cạnh đó, bạn nên thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, giảm cân và tập thể dục thường xuyên khi bạn đã hồi phục sức khỏe.

Điều trị co giật

Hiện có hàng chục loại thuốc để kiểm soát và ngăn ngừa co giật. Loại thuốc phù hợp với bạn tùy thuộc vào loại co giật mà bạn mắc phải. Nếu co giật là do động kinh, bạn sẽ cần phải dùng thuốc hằng ngày.

Bạn cần được nghỉ ngơi trong một môi trường yên tĩnh sau một cơn co giật. Sự phục hồi có thể cần tới vài giờ đồng hồ. 

Góc nhìn

Bạn có thể bị đột quỵ nhẹ với các biến chứng tối thiểu hoặc đột quỵ nặng hơn gây tàn tật vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Nếu được điều trị nhanh chóng sau đột quỵ, khả năng hồi phục tốt của bạn sẽ cao hơn nhiều. Việc tích cực tập luyện phục hồi chức năng cũng nâng cao cơ hội hồi phục hoàn toàn. Đối với một số người, phục hồi sau đột quỵ là một hành trình kéo dài cả cuộc đời.

Một khi bạn tìm được loại thuốc phù hợp để kiểm soát cơn co giật, việc sống chung với bệnh động kinh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu động kinh không phải là nguyên nhân gây ra co giật, bác sĩ sẽ cần tìm ra nguyên nhân thực sự và điều trị chúng. 

Dự phòng

Nếu bạn đã từng bị co giật hoặc trải qua một trạng thái mà bạn nghĩ là co giật, hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Đừng cho rằng co giật là không thể tránh khỏi. Hãy chủ động tìm kiếm sự trợ giúp để kiểm soát và ngăn ngừa chúng.

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc hút thuốc, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau ngay bây giờ:

  • Bỏ hút thuốc.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Uống thuốc theo đúng chỉ định. 

Co giật và đột quỵ có thể rất nghiêm trọng. Nhưng bạn có thể ngăn chặn chúng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chính mình bằng cách thực hiện các biện pháp dự phòng và chăm sóc sức khỏe thích hợp ngay bây giờ.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!