Tên chung: insulin lispro
Hoạt chất: Insulin
Insulin lispro là gì?
Insulin lispro hoạt động bằng cách làm giảm lượng đường glucose trong máu. Insulin lispro là một loại insulin tác dụng nhanh, bắt đầu hoạt động khoảng 15 phút sau khi tiêm, đạt đỉnh trong khoảng 1 giờ và tiếp tục kéo dài trong 2 đến 4 giờ.
Insulin lispro được sử dụng để cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh đái tháo đường.
Admelog và HumaLOG được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn hoặc bệnh đái tháo đường type 1 ở người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Lyumjev không được phép sử dụng cho người dưới 18 tuổi.
Video Các loại insulin thường gặp và lưu ý cần biết để tiêm insulin an toàn
Thận trọng trước khi dùng thuốc
Không chia sẻ thuốc insulin lispro với người khác, gồm bút tiêm, hộp mực, kim tiêm hoặc ống tiêm, ngay cả khi kim tiêm đã được thay đổi. Việc dùng chung có thể lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác, trong đó có các bệnh nhiễm trùng mà bạn có thể không biết mình mắc phải.
Lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra khi dùng insulin lispro. Lượng đường trong máu quá thấp có thể dẫn đến co giật, ngất xỉu, tổn thương não kéo dài và đôi khi tử vong. Kali trong máu thấp cũng có thể xảy ra khi dùng insulin lispro. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, khó thở và đôi khi gây tử vong.
Có thể khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn trong các trường hợp như sốt, nhiễm trùng, chấn thương hoặc phẫu thuật. Thay đổi hoạt động thể chất, tập thể dục hoặc thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến đường huyết.
Đừng lái xe nếu đường huyết thấp vì có nhiều khả năng gặp sự cố. Nói chuyện với bác sĩ trước khi uống rượu hoặc dùng các sản phẩm có chứa cồn.
Trước khi dùng thuốc
Không nên sử dụng insulin lispro nếu bị dị ứng với thuốc hoặc nếu đang bị hạ đường huyết.
Insulin lispro không nên dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi, không nên được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Để đảm bảo sử dụng insulin lispro an toàn, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng có:
- Bệnh gan hoặc thận
- Vấn đề tim mạch
- Lượng kali trong máu thấp (bị hạ kali máu)
Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn cũng dùng thuốc có chứa pioglitazone hoặc rosiglitazone. Dùng một số loại thuốc đái tháo đường đường uống trong khi đang sử dụng insulin lispro có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim nghiêm trọng.
Trường hợp mang thai hoặc cho con bú
Dùng insulin lispro đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có dự định mang thai hay đang mang thai. Kiểm soát bệnh đái tháo đường là rất quan trọng trong thời kỳ mang thai vì đường huyết cao có thể gây ra các biến chứng cho cả mẹ và con.
Bạn nên dùng insulin lispro như thế nào?
Video Hướng dẫn sử dụng bút tiêm Insulin điều trị tiểu đường
Sử dụng Insulin lispro đúng theo quy định của bác sĩ. Làm theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc và đọc kỹ tất cả các hướng dẫn sử dụng thuốc, nếu có thắc mắc hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
Insulin lispro được tiêm dưới da bằng ống tiêm và kim, bút tiêm hoặc bằng bơm truyền. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách tự sử dụng insulin lispro đúng cách. Chỉ chuẩn bị thuốc tiêm khi đã sẵn sàng tiêm. Không sử dụng nếu thuốc trông có màu đục, bị thay đổi màu sắc hoặc có các hạt trong đó. Gọi cho dược sĩ để lấy thuốc mới.
Admelog hoặc HumaLOG được dùng trong vòng 15 phút trước bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn. Lyumjev được dùng vào đầu bữa ăn hoặc trong vòng 20 phút sau khi ăn.
Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn vị trí tiêm insulin lispro trên cơ thể. Không tiêm vào cùng một vị trí hai lần liên tiếp. Không tiêm vào vùng da bị tổn thương, mềm, bầm tím, rỗ, có vảy, có sẹo hoặc cục cứng.
Không được dùng insulin lispro đậm đặc (200 đơn vị) bằng máy bơm insulin hoặc trộn lẫn với các loại insulin khác. Không chuyển lispro insulin từ bút tiêm sang ống tiêm, nếu không có thể xảy ra quá liều nghiêm trọng.
Không bao giờ dùng chung bút tiêm, hộp mực hoặc ống tiêm với người khác, ngay cả khi kim tiêm đã được thay đổi. Dùng chung các thiết bị này có thể lây bệnh hoặc nhiễm trùng từ người này sang người khác.
Ngoài ra, hãy để ý các dấu hiệu của lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) như tăng cảm giác khát nước hoặc tăng đi tiểu. Lượng đường trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, bệnh tật, phẫu thuật, tập thể dục, sử dụng rượu hoặc bỏ bữa ăn. Hãy hỏi bác sĩ trước khi thay đổi liều lượng hoặc lịch dùng thuốc.
Bảo quản insulin lispro trong hộp đựng, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao. Không làm đông lạnh lọ insulin lispro, vứt bỏ bất kỳ lọ nào đã bị đông lạnh.
Cách lưu trữ insulin lispro chưa mở (không sử dụng):
- Bảo quản lạnh và sử dụng cho đến khi hết hạn sử dụng
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 28 ngày
Cách lưu trữ insulin lispro đã mở (đang sử dụng)
- Bảo quản lọ trong tủ lạnh hoặc nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 28 ngày
- Bảo quản hộp đựng hoặc bút tiêm (không gắn kim) ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 28 ngày
Chỉ sử dụng kim, ống tiêm một lần và đặt chúng vào những hộp đựng vật nhọn chống thủng. Nên tuân theo luật ở địa phương về cách vất bỏ những vật dụng này. Hãy để kim và các loại thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi.
Nên làm gì nếu quên một liều?
Vì insulin lispro được sử dụng trong bữa ăn nên có thể không có lịch dùng thuốc đúng giờ. Bất cứ khi nào bạn sử dụng insulin lispro, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc về việc có nên sử dụng thuốc trước, sau khi ăn hay không. Không sử dụng hai liều cùng một lúc.
Nên làm gì nếu dùng quá liều?
Hãy gọi cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến bệnh viện gần nhất. Quá liều insulin có thể gây hạ đường huyết và đe dọa tính mạng. Các triệu chứng bao gồm buồn ngủ, lú lẫn, mờ mắt, tê hoặc ngứa ran trong miệng, khó nói, yếu cơ, cử động vụng về, co giật hoặc mất ý thức.
Những điều cần tránh khi sử dụng insulin lispro
Insulin có thể gây ra lượng đường trong máu thấp. Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi bạn biết insulin lispro sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Tránh dùng các loại thuốc lỗi, hết hạn sử dụng bằng cách luôn kiểm tra nhãn thuốc trước khi tiêm insulin lispro.
Tránh uống rượu.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng insulin lispro
Đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức nếu có những dấu hiệu của dị ứng insulin: đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, ngứa da, phát ban trên toàn bộ cơ thể, khó thở, tim đập nhanh, mất ý thức, sưng lưỡi hoặc họng.
Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng:
- Tăng cân, sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân, khó thở
- Hạ đường huyết với các triệu chứng: đau đầu, đói, đổ mồ hôi, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, lo lắng hoặc run rẩy
- Hạ kali máu với các triệu chứng: chuột rút ở chân, táo bón, rối loạn nhịp tim, tăng cảm giác khát hoặc đi tiểu, tê hoặc ngứa ran, yếu cơ.
Các tác dụng phụ thường gặp của insulin lispro có thể bao gồm:
- Hạ đường huyết
- Tăng cân
- Sưng ở bàn tay hoặc bàn chân
- Ngứa
- Da dày lên, sưng tại vị trí tiêm thuốc.
Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn về tác dụng phụ của thuốc.
Insulin lispro có thể tương tác với thuốc nào?
Nhiều loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của insulin.
Một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn có ít triệu chứng hạ đường huyết hơn, do đó khó nhận biết khi nào lượng đường trong máu thấp.
Báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng hiện tại và bất kỳ loại thuốc nào bạn bắt đầu hoặc ngừng sử dụng. Tất cả bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và thảo dược.
Thêm thông tin
Hãy nhớ để tất cả các loại thuốc ngoài tầm với của trẻ em, không bao giờ dùng chung thuốc với người khác và chỉ sử dụng insulin lispro theo chỉ định được kê đơn của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào.
Xem thêm: