Video: Huyết áp thấp có nguy hiểm như huyết áp cao không?
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Huyết áp của bạn thay đổi suốt cả ngày và đêm, dựa trên những hoạt động bạn làm hàng ngày.Tập thể dục có thể làm tăng huyết áp tạm thời, trong khi ngủ thường làm giảm huyết áp.
Hạ huyết áp sau ăn thường gặp ở người lớn tuổi. Tụt huyết áp có thể dẫn đến choáng và ngã, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Nó có thể được chẩn đoán và kiểm soát, thường bằng một số điều chỉnh lối sống đơn giản.
Các triệu chứng của hạ huyết áp sau ăn là gì?
Các triệu chứng chính của hạ huyết áp sau ăn là chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu sau bữa ăn. Ngất là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mất ý thức xảy ra do huyết áp giảm.
Thông thường tình trạng này là do huyết áp tâm thu giảm sau khi ăn. Huyết áp tâm thu hay chỉ số trên là mức huyết áp cao nhất trong trong mạch máu xảy ra khi tim co bóp. Kiểm tra huyết áp của bạn trước và sau bữa ăn có thể cho biết liệu sự thay đổi có diễn ra trong khi bạn đang tiêu hóa hay không.
Nếu bạn bị tụt huyết áp vào những thời điểm khác mà không liên quan đến việc ăn uống, bạn có thể mắc các bệnh lý khác không liên quan đến hạ huyết áp sau ăn. Các nguyên nhân khác của hạ huyết áp có thể bao gồm:
- Bệnh van tim
- Mất nước
- Thai kỳ
- Bệnh tuyến giáp
- Thiếu vitamin B-12
Nguyên nhân của triệu chứng hạ huyết áp sau ăn
Khi bạn tiêu hóa, ruột yêu cầu thêm lưu lượng máu để hoạt động bình thường. Thông thường, nhịp tim sẽ tăng lên trong khi các động mạch cung cấp máu cho các khu vực khác ngoài ruột sẽ co lại. Khi động mạch thu hẹp, áp lực của dòng máu lên thành động mạch sẽ tăng lên. Điều đó làm tăng huyết áp.
Những thay đổi này trong mạch máu và nhịp tim được điều khiển bởi hệ thần kinh tự chủ, hệ thống này cũng kiểm soát nhiều quá trình khác của cơ thể một cách vô thức. Nếu bạn có một tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, nhịp tim của bạn có thể không tăng và một số động mạch có thể không co thắt. Lưu lượng máu sẽ vẫn bình thường.
Tuy nhiên, do nhu cầu thêm máu của ruột trong quá trình tiêu hóa, lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể sẽ giảm. Điều này sẽ làm giảm huyết áp đột ngột, nhưng tạm thời.
Một nguyên nhân khác có thể gây ra hạ huyết áp sau ăn liên quan đến sự hấp thụ nhanh của glucose, hoặc đường, và điều này có thể giải thích nguy cơ xảy ra tình trạng này cao hơn ở bệnh nhân tiểu đường.
Tuy nhiên, bạn có thể bị hạ huyết áp sau ăn ngay cả khi bạn không có tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ. Đôi khi các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân cơ bản gây hạ huyết áp sau ăn.
Các yếu tố nguy cơ khi bị hạ huyết áp sau ăn
Tuổi già làm tăng nguy cơ hạ huyết áp sau ăn và các dạng huyết áp thấp khác. Tình trạng hạ huyết áp sau ăn rất hiếm ở những người trẻ tuổi.
Một số bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị hạ huyết áp sau ăn vì chúng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận của não kiểm soát hệ thống thần kinh tự chủ. Bệnh Parkinson và bệnh tiểu đường là hai ví dụ phổ biến.
Đôi khi, những người bị tăng huyết áp (huyết áp cao) có thể bị giảm huyết áp đáng kể sau khi ăn. Trong những trường hợp đó, huyết áp giảm có thể do dùng thuốc hạ huyết áp. Các loại thuốc nhằm hạ huyết áp đôi khi có thể có hiệu quả quá cao và gây tụt huyết áp không an toàn.
Các biến chứng liên quan đến hạ huyết áp sau ăn
Biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến hạ huyết áp sau ăn là ngất xỉu và các chấn thương có thể xảy ra sau đó. Ngất xỉu có thể dẫn đến ngã, có thể gây gãy xương, bầm tím hoặc chấn thương khác. Mất ý thức khi đang lái xe ô tô có thể cực kỳ nghiêm trọng. Lượng máu cung cấp cho não giảm cũng có thể gây ra đột quỵ.
Hạ huyết áp sau ăn thường là một tình trạng tạm thời, nhưng nếu tình trạng huyết áp thấp ngày càng nghiêm trọng, một số biến chứng nặng có thể xảy ra. Ví dụ, bạn có thể bị sốc. Nếu nguồn cấp máu đến các cơ quan bị tổn hại đáng kể, bạn cũng có thể bị suy tạng.
Khám và điều trị khi bị hạ huyết áp sau ăn
Nếu bạn thường xuyên kiểm tra huyết áp và thấy huyết áp giảm xuống sau bữa ăn, hãy thông báo cho bác sĩ trong lần khám tiếp theo. Nếu hạ huyết áp đi kèm với chóng mặt hoặc các triệu chứng rõ ràng khác, hoặc nếu bạn thường xuyên nhận thấy các triệu chứng huyết áp thấp sau khi ăn, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán hạ huyết áp sau ăn
Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn. Nếu bạn đang theo dõi huyết áp của mình bằng máy theo dõi tại nhà, hãy cho bác sĩ xem các kết quả đó, lưu ý thời điểm huyết áp được ghi lại sau bữa ăn.
Bác sĩ nên đo huyết áp cơ bản trước bữa ăn và sau ăn để xác nhận việc kiểm tra tại nhà của bạn. Đo huyết áp có thể thực hiện trong nhiều thời điểm sau bữa ăn, bắt đầu từ 15 phút và kết thúc vào khoảng 2 giờ sau khi ăn.
Trong số 70% những người bị hạ huyết áp sau ăn, huyết áp giảm trong vòng 30 đến 60 phút sau bữa ăn.
Hạ huyết áp sau ăn có thể được chẩn đoán nếu bạn thấy huyết áp tâm thu giảm ít nhất 20 mm Hg trong vòng hai giờ sau một bữa ăn. Bác sĩ cũng có thể chẩn đoán hạ huyết áp sau ăn nếu huyết áp tâm thu trước bữa ăn thấp nhất là 100 mm Hg và sau ăn 2h là 90mmHg.
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra thay đổi huyết áp. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc lượng đường trong máu thấp
- Điện tâm đồ để tìm các vấn đề về nhịp tim
- Siêu âm tim để đánh giá cấu trúc và chức năng của tim
Điều trị và theo dõi hạ huyết áp sau ăn
Nếu bạn dùng thuốc hạ huyết áp, bác sĩ có thể khuyên bạn điều chỉnh thời gian dùng thuốc. Bằng cách tránh dùng thuốc hạ huyết áp trước khi ăn, bạn có thể giảm nguy cơ bị tụt huyết áp sau bữa ăn. Dùng liều nhỏ hơn thường xuyên hơn trong ngày cũng có thể là một lựa chọn, nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào về thời gian hoặc liều lượng thuốc trước khi tự mình thay đổi.
Nếu vấn đề không liên quan đến thuốc, một vài thay đổi lối sống có thể hữu ích. Một số chuyên gia sức khỏe tin rằng việc giải phóng insulin sau các bữa ăn nhiều carbohydrate có thể can thiệp vào hệ thống thần kinh tự chủ ở một số người, dẫn đến hạ huyết áp. Insulin là một loại hormone giúp các tế bào hấp thụ glucose (đường) từ máu để sử dụng làm năng lượng. Nếu bạn đang bị hạ huyết áp sau ăn, hãy ghi nhớ những gì bạn đang ăn. Nếu thường xuyên nhận thấy các triệu chứng sau bữa ăn giàu carbohydrate, hãy xem xét giảm lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn. Ăn nhiều bữa, nhưng các bữa ăn ít carb trong ngày cũng có thể hữu ích.
Đi bộ sau bữa ăn cũng có thể giúp chống lại việc giảm huyết áp. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng huyết áp của bạn có thể giảm xuống khi bạn ngừng đi bộ.
Bạn cũng có thể giữ huyết áp tăng sau bữa ăn nếu dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trước bữa ăn. Các NSAID phổ biến bao gồm ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve).
Uống một tách cà phê hoặc một loại caffeine khác trước bữa ăn cũng có thể hữu ích. Caffeine làm cho các mạch máu co lại. Tuy nhiên, không nên dùng caffein vào buổi tối vì nó có thể cản trở giấc ngủ, có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Uống nước trước bữa ăn có thể ngăn ngừa hạ huyết áp sau ăn. Một nghiên cứu cho thấy uống 500 mL nước trước khi ăn làm giảm sự biến chứng hạ chuyết áp
Nếu những thay đổi này không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc octreotide (Sandostatin). Đó là một loại thuốc thường được kê cho những người có quá nhiều hormone tăng trưởng. Nhưng nó cũng đã được chứng minh hiệu quả ở một số người trong việc giảm lưu lượng máu đến ruột.
Kết luận
Hạ huyết áp sau ăn có thể là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng nó thường có thể điều trị được bằng cách thay đổi lối sống hoặc điều chỉnh thuốc hạ huyết áp.
Nếu bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng sau khi ăn, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ. Trong thời gian chờ đợi, hãy mua máy đo huyết áp tại nhà và học cách sử dụng nó đúng cách. Theo dõi các chỉ số huyết áp là một cách để chủ động về khía cạnh quan trọng này đối với sức khỏe tim mạch.