Giải SGK Khoa học tự nhiên 7 Bài 40 (Kết nối tri thức): Sinh sản hữu tính ở sinh vật

1900.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KHTN 7 Bài 40. Mời các bạn đón xem:

Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Mở đầu trang 164 Bài 40 KHTN lớp 7: Cây đậu ở hình bên không được sinh ra từ rễ, thân hay lá của cây mẹ mà lại mọc lên từ một bộ phận đặc biệt là hạt. Đây là ví dụ về sinh sản hữu tính. Vậy sinh sản hữu tính là gì và quá trình này diễn ra như thế nào?

Cây đậu ở hình bên không được sinh ra từ rễ, thân hay lá của cây mẹ (ảnh 1)

Trả lời:

- Khái niệm sinh sản hữu tính: Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự hợp nhất giữa giao tử đực và giao tử cái tạo nên hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới.

- Quá trình sinh sản hữu tính diễn ra theo 3 giai đoạn:

Cây đậu ở hình bên không được sinh ra từ rễ, thân hay lá của cây mẹ (ảnh 2)

+ Giai đoạn phát sinh giao tử: Cơ thể đực phát sinh ra tế bào giao tử đực, cơ thể cái phát sinh ra tế bào giao tử cái.

+ Giai đoạn thụ tinh: Giao tử đực kết hợp với giao tử cái tạo thành hợp tử.

+ Giai đoạn sinh trưởng và phát triển của hợp tử: Hợp tử sinh trưởng và phát triển để hình thành nên cơ thể mới.

I. Khái niệm sinh sản hữu tính

Câu hỏi trang 164 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ các loài sinh vật có hình thức sinh sản hữu tính mà em biết.

Trả lời:

Các loài có hình thức sinh sản hữu tính:

- Ở thực vật: lúa, ngô, chanh, xoài,…

- Ở động vật: trâu, bò, lợn, gà, cá chép, con người,…

II. Sinh sản hữu tính ở thực vật có hoa

Câu hỏi 1 trang 165 KHTN lớp 7: Quan sát Hình 40.1a, mô tả cấu tạo của hoa lưỡng tính. Hoa lưỡng tính có đặc điểm gì khác hoa đơn tính?

Quan sát Hình 40.1a, mô tả cấu tạo của hoa lưỡng tính. Hoa lưỡng tính có đặc điểm gì (ảnh 3)

Trả lời:

- Mô tả cấu tạo của hoa lưỡng tính:

+ Đế hoa: nơi nối cuống hoa với phần còn lại của hoa.

+ Lá đài: nằm giữa đế hoa và phần tràng hoa.

+ Tràng hoa: gồm các cánh hoa, có tác dụng bảo vệ nhị và nhụy của hoa đồng thời ở nhiều loài hoa, màu sắc tràng hoa sẽ giúp thu hút côn trùng đến thụ phấn cho hoa.

+ Nhị: gồm chỉ nhị và bao phấn; đây là cơ quan sinh sản đực của hoa (sản sinh hạt phấn).

+ Nhụy: gồm bầu nhụy, noãn và đầu nhụy; đây là cơ quan sinh sản cái của hoa (sản sinh giao tử cái).

- Phân biệt hoa đơn tính và hoa lưỡng tính:

+ Hoa lưỡng tính là hoa có cả nhị và nhụy trên một bông hoa.

- Hoa đơn tính là hoa chỉ mang nhị hoặc nhụy.

Câu hỏi 2 trang 165 KHTN lớp 7: Phân loại hoa đơn tính và hoa lưỡng tính trong Hình 40.2.

Phân loại hoa đơn tính và hoa lưỡng tính trong Hình 40.2 (ảnh 4)

Trả lời:

Dựa vào sự xuất hiện của nhị và nhụy trên cùng một hoa để phân loại hoa trong hình 40.2:

- Hoa lưỡng tính (có đủ cả nhị và nhụy trên cùng một hoa): hoa cải, hoa bưởi, hoa khoai tây, hoa táo tây.

- Hoa đơn tính (chỉ có nhị hoặc nhụy trên một hoa): hoa liễu, hoa dưa chuột.

Câu hỏi 1 trang 166 KHTN lớp 7: Đọc thông tin trên kết hợp quan sát Hình 40.3 để thực hiện các yêu cầu:

Mô tả các giai đoạn trong sinh sản hữu tính ở thực vật. Phân biệt quá trình thụ phấn (ảnh 5)

Mô tả các giai đoạn trong sinh sản hữu tính ở thực vật. Phân biệt quá trình thụ phấn và thụ tinh ở thực vật. Cho biết ý nghĩa của thụ tinh trong quá trình hình thành quả và hạt.

Trả lời:

- Các giai đoạn của quá trình sinh sản hữu tính ở thực vật:

+ Tạo giao tử: Cơ quan sinh sản của thực vật có hoa là nhị và nhụy trải qua quá trình phát sinh giao tử: Tế bào sinh hạt phấn nằm trong đầu nhị sinh ra hạt phấn (chứa giao tử đực). Tế bào sinh giao tử cái nằm trong noãn của nhụy sinh ra giao tử cái. 

+ Thụ phấn: Hạt phấn tiếp xúc với đầu nhụy bằng cách tự thụ phấn hoặc giao phấn. Sau khi thụ phấn, trên đầu nhụy, mỗi hạt phấn hút chất nhầy ở đầu nhụy trương lên và nảy nầm thành một ống phấn. Ống phấn xuyên qua đầu nhụy và vòi nhụy vào trong bầu. Khi ống phấn tiếp xúc với noãn, tế bào giao tử đực chui vào noãn.

+ Thụ tinh: Tại noãn, diễn ra quá trình thụ tinh, giao tử đực kết hợp với giao tử cái tạo thành hợp tử.

+ Hình thành quả và hạt: Hợp tử phân chia và phát triển thành phôi nằm trong hạt, hạt do noãn phát triển thành. Bầu nhụy sinh trưởng dày lên tạo thành quả chứa hạt.

+ Hạt gặp điều kiện thích hợp sẽ nảy mầm rồi tiến hành quá trình sinh trưởng và phát triển để tạo thành cây con.

- Phân biệt quá trình thụ phấn và thụ tinh ở thực vật:

Quá trình thụ phấn

Quá trình thụ tinh

Là quá trình di chuyển hạt phấn đến đầu nhụy.

Là quá trình kết hợp giữa nhân của giao tử đực và nhân của giao tử cái.

Kết quả: Hạt phấn tiếp xúc được với đầu nhụy, tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh có thể diễn ra.

Kết quả: Hình thành hợp tử.

- Ý nghĩa của thụ tinh trong quá trình hình thành quả và hạt: Quá trình thụ tinh quyết định phát triển của quả và hạt. Quả không được hình thành không qua thụ tinh là quả không hạt.

Câu hỏi 2 trang 166 KHTN lớp 7: Đọc thông tin trên kết hợp quan sát Hình 40.3 để thực hiện các yêu cầu:

Cho biết quả và hạt được hình thành từ bộ phận nào của hoa. Giải thích tại sao (ảnh 6)

Cho biết quả và hạt được hình thành từ bộ phận nào của hoa. Giải thích tại sao trong tự nhiên có loại quả có hạt và quả không có hạt.

Trả lời:

- Bầu nhụy sinh trưởng dày lên tạo thành quả chứa hạt, hạt do noãn phát triển thành.

- Trong tự nhiên có loại quả có hạt và quả không có hạt vì:

+ Quả được hình thành qua thụ tinh là quả có hạt.

+ Quả được hình thành không qua thụ tinh là quả không hạt hoặc có trường hợp quả được hình thành qua thụ tinh nhưng hạt bị thoái hóa.

III. Sinh sản hữu tính ở động vật

Hoạt động 1 trang 167 KHTN lớp 7: Quan sát Hình 40.4a, mô tả khái quát các giai đoạn sinh sản hữu tính ở gà và thỏ.

Quan sát Hình 40.4a, mô tả khái quát các giai đoạn sinh sản hữu tính ở gà và thỏ (ảnh 7)

Trả lời:

Các giai đoạn sinh sản hữu tính ở gà và thỏ:

- Hình thành giao tử:

+ Giao tử cái (tế bào trứng) được hình thành và phát triển trong cơ quan sinh dục cái.

+ Giao tử đực (tế bào tinh trùng) được hình thành và phát triển trong cơ quan sinh dục đực.

- Thụ tinh: là sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử. Quá trình thụ tinh có thể diễn ra bên ngoài hoặc bên trong cơ thể của con cái.

- Phát triển phôi: Hợp tử phân chia và phát triển phôi. Phôi có thể phát triển thành cơ thể con ở bên ngoài cơ thể mẹ (đối với loài đẻ trứng) hoặc ở bên trong cơ thể mẹ (đối với loài đẻ con).

Hoạt động 2 trang 167 KHTN lớp 7: Phân biệt sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính ở sinh vật.

Trả lời:

Điểm phân biệt

Sinh sản vô tính

Sinh sản hữu tính

Sự tham gia

của

tính đực, cái

- Không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái, tế bào mẹ trực tiếp sinh trưởng và phát triển tạo thành cơ thể mới.

- Có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái thông qua thụ tinh tạo thành hợp tử (2n), hợp tử phát triển thành cơ thể mới.

Đặc điểm

di truyền

- Các thế hệ con mang đặc điểm di truyền giống nhau và giống mẹ.

- Ít đa dạng về mặt di truyền.

- Các thế hệ con mang đặc điểm di truyền của cả bố và mẹ, có thể xuất hiện tính trạng mới.

- Có sự đa dạng di truyền cao hơn.

Khả năng

thích nghi

- Tạo ra các cá thể thích nghi với điều kiện sống ổn định.

- Tạo ra các cá thể thích nghi tốt với đời sống thay đổi.

Hoạt động 3 trang 167 KHTN lớp 7: Nêu những ưu điểm của hình thức mang thai và sinh con ở động vật có vú với hình thức đẻ trứng ở các động vật khác.

Trả lời:

Những ưu điểm của hình thức mang thai và sinh con ở động vật có vú với hình thức đẻ trứng ở các động vật khác:

- Quá trình thụ tinh sẽ diễn ra trong cơ quan sinh sản của con cái → Hiệu suất thụ tinh sẽ cao hơn so với hình thức đẻ trứng mà sự thụ tinh xảy ra ở bên ngoài cơ thể con cái.

- Con non sẽ có môi trường sống lí tưởng khi ở trong cơ thể mẹ (được cung cấp chất dinh dưỡng liên tục, điều kiện nhiệt độ thích hợp, được bảo vệ khỏi kẻ thù) → Tỉ lệ sống sót của con non cao.

IV. Vai trò và ứng dụng của sinh sản hữu tính ở sinh vật

Câu hỏi trang 168 KHTN lớp 7: Sinh sản hữu tính ở sinh vật có vai trò và ứng dụng như thế nào? Cho ví dụ.

Trả lời:

- Vai trò của sinh sản hữu tính ở sinh vật:

+ Tạo ra các cá thể mới đa dạng, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài và sự thích nghi của loài trước môi trường sống luôn thay đổi.

+ Tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú cho chọn giống.

- Ứng dụng sinh sản hữu tính ở sinh vật: Trong chăn nuôi và trồng trọt, con người đã ứng dụng sinh sản hữu tính để tạo ra thế hệ con mang các đặc điểm tốt của cả bố lẫn mẹ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người.

- Ví dụ:

+ Ở ngô, tiến hành cho hoa đực (bông cờ) của cây ngô tím có hạt ngọt, bắp to thụ phấn với hoa cái của cây ngô nếp ta hạt dẻo, màu trắng sẽ thu được các bắp ngô tím hạt dẻo, bắp to.

Sinh sản hữu tính ở sinh vật có vai trò và ứng dụng như thế nào? Cho ví dụ (ảnh 8)

+ Cho lai hữu tính giữa giống lợn thuần chủng Đại Bạch và giống lợn Ỉ Việt Nam đã tạo ra giống lợn lai Ỉ - Đại Bạch lớn nhanh, trọng lượng xuất chuồng lớn, tỉ lệ nạc cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem thêm lời giải bài tập SGK Khoa học tự nhiên lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 37: Ứng dụng sinh trưởng và phát triển ở sinh vật vào thực tiễn

Bài 38: Thực hành: Quan sát, mô tả sự sinh trưởng và phát triển ở một số sinh vật

Bài 39: Sinh sản vô tính ở sinh vật

Bài 41: Một số yếu tố ảnh hưởng và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật

Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Sinh sản hữu tính ở sinh vật KNTT
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!