Video GÃY XƯƠNG ĐÒN có cần mổ hay không và các câu hỏi liên quan
gãy xương đòn. Hầu hết các xương đòn bị gãy chưa bị dịch chuyển ra khỏi vị trí một cách đáng kể sẽ tự lành dần theo thời gian hoặc khi sử dụng các biện pháp hỗ trợ như chườm đá, thuốc giảm đau, hỗ trợ cánh tay (địu tay), vật lý trị liệu. Trường hợp phức tạp hơn, các đầu xương gãy lệch ra ngoài đáng kể thì bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để sắp xếp lại xương gãy và cấy các đĩa, nẹp vít vào xương để giữ xương cố định trong quá trình lành lại.
Cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi bịTriệu chứng của gãy xương đòn
Các dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương đòn bao gồm:
- Đau khi cử động vai
- Sưng tấy
- Cảm thấy đau khi chạm hoặc ấn vào
- Bầm tím
- Sưng phồng ở vùng xương đòn
- Có tiếng răng rắc khi bạn cố gắng vận động vai.
- Cảm giác cứng nhắc, khó khăn trong vận động vai
- Trẻ sơ sinh thường sẽ không cử động cánh tay trong vài ngày sau nếu bị gãy xương đòn sơ sinh.
Khi nào cần đi khám gặp bác sĩ
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của gãy xương đòn ở bạn hoặc con bạn, hoặc nếu đau đến mức không thể cử động như bình thường thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị sẽ làm giảm hiệu quả chữa bệnh.
Nguyên nhân gãy xương đòn
Nguyên nhân phổ biến của gãy xương đòn bao gồm:
- Ngã, chẳng hạn như ngã đập vai xuống hoặc ngã chống tay xuống đất
- Chấn thương thể thao, chẳng hạn như một va chạm trực tiếp vào vai của bạn trên sân bóng đá, sân trượt băng hoặc sân tennis.
- Tai nạn giao thông khi điều khiển hoặc ngồi trên ô tô, mô tô hoặc xe đạp.
- Chấn thương khi sinh xảy ra trong quá trình sinh nở.
Các yếu tố nguy cơ
Xương đòn của người chưa hoàn toàn cứng cáp cho đến năm 20 tuổi. Điều này khiến trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ cao bị gãy xương đòn. Nguy cơ giảm đi sau tuổi 20, nhưng sau đó tăng trở lại ở những người lớn tuổi khi mật độ xương giảm dần theo tuổi tác.
Các biến chứng có thể gặp khi gãy xương đòn
Hầu hết các xương đòn bị gãy đều lành lại mà không gặp khó khăn đáng kể. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu. Các đầu lởm chởm của xương đòn gãy làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu lân cận. Cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn thấy tê hoặc lạnh ở cánh tay hoặc bàn tay của mình.
- Làm chậm hoặc giảm hiệu quả điều trị. Trong trường hợp nghiêm trọng, xương đòn bị gãy sẽ chậm hoặc vĩnh viễn không phục hồi. Sự chậm liền các đầu xương gãy trong quá trình lành lại có thể khiến xương bị ngắn lại.
- Hình thành cục u ở xương. Đây là một phần của quá trình chữa bệnh, nơi xương đan vào nhau tạo thành một cục xương. Cục xương này rất dễ nhận thấy vì nó nằm sát da. Hầu hết các cục xương biến mất theo thời gian, nhưng cũng có một số tồn tại vĩnh viễn
- Viêm xương khớp. Nếu vị trí gãy xương đòn có liên quan đến khớp nối xương này với xương bả vai hoặc xương ức sẽ làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp ở khớp đó.
Chẩn đoán gãy xương đòn
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị ảnh hưởng xem có bị đau, sưng tấy, biến dạng hoặc có vết thương hở hay không, sau đó sẽ chỉ định chụp X-quang xác định mức độ gãy xương đòn, xác định chính xác vị trí của nó và xác định xem có chấn thương ở các khớp hay không. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT để có hình ảnh chi tiết hơn.
Điều trị gãy xương đòn
Việc hạn chế cử động là điều rất quan trọng để chữa lành tình trạng gãy ở bất kì xương nào. Để cố định phần xương đòn bị gãy, bạn sẽ cần phải đeo một chiếc đai tay.
Thời gian cố định xương gãy phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Sự liền xương thường mất từ 3-6 tuần đối với trẻ em và 6-12 tuần đối với người lớn. Xương đòn của trẻ sơ sinh bị gãy trong khi sinh thường chỉ lành lại khi kiểm soát được cơn đau và chăm sóc trẻ cẩn thận.
Thuốc men
Để giảm đau và tiêu viêm, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu bạn bị đau dữ dội, bạn sẽ cần loại thuốc kê đơn có chứa chất gây nghiện trong vài ngày.
Trị liệu
Cần tiến hành phục hồi chức năng ngay sau khi điều trị ban đầu. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ cần bắt đầu một số cử động nhẹ nhàng để làm giảm sự cứng vai trong khi vẫn đang đeo đai tay. Sau khi tháo đai, bác sĩ sẽ đề xuất các bài tập phục hồi chức năng bổ sung hoặc vật lý trị liệu để phục hồi sức mạnh cơ bắp cũng như tính linh hoạt và khả năng chuyển động của khớp.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật nếu xương đòn gãy đâm xuyên qua da, bị di lệch nghiêm trọng hoặc bị gãy thành nhiều mảnh. Phẫu thuật xương đòn gãy thường bao gồm việc đặt các thiết bị cố định như đĩa, vít hoặc nẹp để duy trì vị trí thích hợp của xương trong quá trình lành. Các biến chứng phẫu thuật có thể bao gồm nhiễm trùng và không liền xương, tuy nhiên rất hiếm xuất hiện.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Chườm đá vào khu vực bị ảnh hưởng do gãy xương đòn từ 20-30 phút một lần, vài lần một ngày trong từ 2-3 ngày đầu tiên sau khi gãy xương đòn giúp kiểm soát cơn đau và sưng tấy.
Chuẩn bị sẵn cho phẫu thuật chỉnh hình
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xương gãy, bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ cấp cứu sẽ đề nghị bạn hoặc con bạn nên đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.
Bạn cần làm gì?
Bạn nên liệt kê sẵn một danh sách bao gồm:
- Mô tả chi tiết về các triệu chứng và sự kiện đã gây ra thương tích của bạn
- Tiền sử y tế của bạn (bệnh mãn tính, tiền sử dị ứng, ….)
- Tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đã và đang sử dụng
- Những câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ
Bác sĩ sẽ cần những thông tin gì từ bạn?
Bác sĩ thường sẽ hỏi một số câu hỏi sau:
Làm sao bạn bị gãy xương?
Bạn đã bao giờ bị gãy xương chưa?
Bạn đã từng được chẩn đoán là xương bị yếu bao giờ chưa?
Xem thêm: