Đứt gân và những điều cần biết

Trong cơ thể, gân là mô sợi có nhiệm vụ gắn cơ vào xương. Thực tế, gân có thể chịu được một lực gấp 5 lần trọng lượng cơ thể. Trong một vài trường hợp, gân có thể bị bong hoặc đứt. Bên cạnh đó thì việc tiêm corticoids vào gân hoặc người mắc bệnh gút, cường cận giáp, người nhóm máu O cũng làm tăng yếu tố nguy cơ gây đứt gân.

Video: Sơ cứu khi đứt gân Asin ở gót chân

Đứt gân có thể gây đau dữ dội và để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn nếu không được điều trị. Mỗi vị trí gân đứt sẽ có các dấu hiệu, triệu chứng và phương pháp điều trị riêng phụ thuộc vào mức độ tổn thương của chúng.

Trên thực tế có 4 vị trí đứt gân hay gặp nhất bao gồm:

Cơ tứ đầu đùi

  • Gồm 4 cơ kết hợp với nhau tạo thành một gân chung bám vào xương bánh chè.
  • Nhóm cơ này có tác dụng duỗi gối giúp cho hoạt động đi bộ và chạy  nhảy.

Gân Achilles

  • Đây là chỗ gắn các cơ bắp chân sau vào gót chân.
  • Nó có vai trò quan trọng giúp bạn kiễng được chân lên và nâng gót chân khi đi hoặc chạy.

Gân chóp xoay

  • Ở vai, nó bao gồm 4 cơ mà gân dẹt của chúng dính liền với nhau tạo thành một vòng tròn hoàn chỉnh bao quanh khớp vai gọi là gân chóp xoay. 
  • Chúng cùng hoạt động giúp nâng, xoay cánh tay và giữ cho vai không bị bật ra khỏi ổ khớp.
  • Tổn thương gân này rất hay gặp do chấn thương. Tỷ lệ gặp khoảng 8% đến 20% có rách gân.

 Cơ nhị đầu 

  • Cơ có chức năng là gấp khuỷu tay, gập cánh tay tại khớp vai.
  • Gân bị đứt chia làm 2 loại là đầu gần và đầu xa. Trên thực tế, đứt đầu gần xảy ra ở chỗ bám cơ trên vai là thường gặp hơn đứt đầu xa- là chỗ bám ở cẳng tay.

Nguyên nhân gây đứt gân

Nhìn chung, đứt gân thường xảy ra ở nam giới tuổi trung niên trở lên. Ở người trẻ thường gặp trong chấn thương rách cơ sẽ gây đứt gân. Nhưng ở người lớn tuổi, hoặc mắc các bệnh như gút, cường tuyến cận giáp, đứt gân thường phổ biến hơn.

Hình ảnh minh họa tập luyện không đúng cách có thể gây tổn thương gân (Nguồn ảnh từ Physio-network).Hình ảnh minh họa tập luyện không đúng cách có thể gây tổn thương gân (Nguồn ảnh từ Physio-network).
  • Nguyên nhân hay gặp của đứt gân bao gồm:
    • Chấn thương trực tiếp
    • Tuổi cao: về già thì lượng máu nuôi dưỡng đến gân bị giảm, dần dần gân bị yếu đi, dễ đứt
    • Khi cơ đang được kéo căng mà bị co kéo theo hướng ngược lại có thể là nguyên nhân gây đứt gân.
    • Tiêm thuốc corticoids vào gân cũng là yếu tố nguy cơ gây đứt gân. Tuy nhiên đây lại là một phương pháp điều trị được sử dụng cho trường hợp viêm gân nặng.

Một số loại thuốc kháng sinh như nhóm fluoroquinolones làm tăng nguy cơ đứt gân, đặc biệt là gân Achilles.

Cụ thể hơn, đứt gân cơ tứ đầu có thể do:

  • Chấn thương trực tiếp vào đầu gối ngay trên xương bánh chè.
  • Tuổi cao dẫn đến giảm cung cấp máu cho gân gây yếu gân.
  • Sự kết hợp giữa co và duỗi ngược nhau của cơ tứ đầu cùng lúc gây đứt gân.

Đứt gân gótcó thể do:

  • Tuổi cao dẫn đến giảm cung cấp máu cho gân gây yếu gân.
  • Hoạt động thể lực quá sức.
  • Chấn thương trực tiếp vào gót.
  • Khi tiếp đất bằng gót chân sau khi nhảy cao.
  • Do sự căng gân quá mức khi đẩy tạ bằng bàn chân.
  • Người có nhóm máu O thấy tăng nguy cơ đứt gân (tuy nhiên, điều này còn gây tranh cãi).

Đứt gân chóp xoay có thể do:

  • Nâng vật nặng trên cao
  • Chấn thương trực tiếp vào vai.
  • Dùng tay chống đỡ lại khi ngã.

Đứt gân nhị đầu cánh tay có thể do:

  • Nâng vật từ 150 pound trở lên. 
  • Tuổi cao dẫn đến sự yếu dần của gân.
  • Tuy nhiên, một vài trường hợp cho thấy nó có thể xảy ra một cách tự phát.

Các triệu chứng đứt gân

Khi đứt gân, bạn có thể gặp những triệu chứng sau:

  • Nghe hoặc cảm thấy tiếng ‘tách’ ngay sau gân bị đứt.
  • Đột ngột đau dữ dội
  • Khu vực có gân bị đứt trở nên bầm tím nhanh chóng
  • Chi bị đứt gân sẽ bị mất khả năng thực hiện các động tác tương ứng.
  • Chân bị đứt gân mất khả năng chịu trọng lượng.
  • Thường có biến dạng chi kèm theo.

Các triệu chứng ở từng vị trí cụ thể bao gồm:

  • Đứt gân gót chân: bạn sẽ không thể kiễng chân lên. Ngược lại có thể gập ngón chân xuống dễ dàng.
  • Đứt gân tại chóp xoay: Bạn sẽ không thể đưa cánh tay sang bên.
  • Đứt gân cơ nhị đầu: Bạn sẽ bị giảm động tác gấp khuỷu tay và nâng cánh tay ra ngoài khi úp lòng bàn tay.

Khi nào bạn cần đến cơ sở y tế?

Hãy đến gặp bác sỹ nếu bạn có các triệu chứng đã kể trên. Đặc biệt, nếu sau chấn thương bạn thấy đau dữ dội, hay mất khả năng cử động tay, chân hãy đến bệnh viện ngay. Bởi đó đều là những dấu hiệu cho thấy có thể có tổn thương khá nghiêm trọng.

 Các xét nghiệm thăm dò để đánh giá đứt gân

Hình ảnh XQ khớp gối mô tả xương bánh chè bị di lệch xa vị trí bình thường trong đứt gân tứ đầu đùi trái (Nguồn ảnh từ Dralexjimenez).Hình ảnh XQ khớp gối mô tả xương bánh chè bị di lệch xa vị trí bình thường trong đứt gân tứ đầu đùi trái (Nguồn ảnh từ Dralexjimenez).

Mặc dù có các triệu chứng lâm sàng khá điển hình khi bị đứt gân, nhưng để chẩn đoán chính xác thì cần có thêm các xét nghiệm thăm dò hình ảnh. Ngoài ra, trên chẩn đoán hình ảnh ta còn biết thêm về mức độ tổn thương.

Cơ tứ đầu

  • Chụp X-quang thường thấy xương bánh chè ở vị trí thấp hơn bình thường và so với bên lành.
  • Trên MRI đánh giá tốt hơn mức độ đứt gân là một phần hay toàn bộ.

Gân Achilles (gân gót)

  • Khi gân Achilles bị đứt sẽ thấy nghiệm pháp Thompson dương tính. Nghiệm pháp này được thực hiện như sau: bệnh nhân nằm sấp trên bàn, hai chân để tự do, người khám bóp mạnh hai bắp chân. Nghiệm pháp được coi là dương tính khi không có cử động nào ở cổ chân. Ngược lại, nếu có duỗi cổ chân thì là âm tính gặp ở người bình thường.
Hình ảnh minh họa nghiệm pháp Thompson dương tính (Nguồn ảnh từ Jetem).Hình ảnh minh họa nghiệm pháp Thompson dương tính (Nguồn ảnh từ Jetem).
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt một vòng đo huyết áp trên bắp chân của bạn và bơm lên mức 100 mm Hg. Sau đó điều chỉnh bàn chân sang tư thế kiễng chân lên. Nếu gân còn nguyên vẹn, sẽ thấy áp lực tăng lên khoảng trên 140 mm Hg. Nếu bạn bị đứt gân, áp lực sẽ tăng nhẹ hơn.
  • Đứt gân sẽ khiến bạn không thể kiễng chân lên, tuy nhiên vẫn gập được ngón chân xuống.
  • Chụp X-quang nghiêng có thể cho thấy hình ảnh sẫm màu hoặc gân dày lên ở vùng không gian hình tam giác phía trước gân Achilles.
  • Ngoài ra, MRI hoặc siêu âm có thể được sử dụng để xác định mức độ gân đứt, mặc dù chúng thường không cần thiết cho chẩn đoán.

Gân chóp xoay

  • Khi đứt gân vùng này, bạn sẽ không thể đưa cánh tay sang bên.
  • Nghiệm pháp nâng cánh tay sẽ giúp chẩn đoán. Trước tiên, người khám nâng cánh tay của bệnh nhân lên đến 90 ° sau đó yêu cầu người bệnh giữ nguyên ở vị trí này. Nếu gân bị đứt, chỉ một lực nhẹ lên cẳng tay, cánh tay của người bệnh sẽ đột ngột bị rơi xuống do không có gân giữ.
  • Chụp X-quang có thể cho thấy vị trí đầu trên xương cánh tay hơi lệch ra ngoài.
  • Chụp khớp vai giúp ích nhất trong trường hợp nghi ngờ rách gân. Người ta sử dụng một loại thuốc nhuộm được tiêm trực tiếp vào khớp vai sau đó chụp X-quang vai. Nếu thấy hình ảnh chất nhuộm bị rò rỉ ra từ khớp, thì rất có thể bạn đã bị đứt gân này.
  • MRI là một phương tiện không xâm lấn để đánh giá tốt tính toàn vẹn của gân mặc dù khá tốn kém và không đặc hiệu như chụp khớp.

Cơ nhị đầu

  • Chụp X-quang thấy xương cánh tay bên gân đứt bị lệch hoặc di lệch vị trí bám của cơ.
  • Nếu gân bị đứt hoàn toàn, bắp tay sẽ rút về phía khuỷu tay gây sưng to ngay trên nếp gấp khuỷu. Đây được gọi là biến dạng Popeye.
  • Bạn sẽ thấy giảm khả năng gấp khuỷu tay và nâng cánh tay sang bên.

Điều trị gân đứt như thế nào?

Tự chăm sóc tại nhà

Đối với tất cả các gân bị đứt, bất kể vị trí nào, hãy làm theo quy trình RICE (bao gồm Rest- nghỉ ngơi, Ice- chườm đá, Compression- băng-ép, Elavation- nâng cao. Cụ thể như sau:

Hình ảnh minh họa quy trình RICE đúng cách (Nguồn ảnh từ Coastalorthoteam).Hình ảnh minh họa quy trình RICE đúng cách (Nguồn ảnh từ Coastalorthoteam).
  • Nghỉ ngơi tức là tránh tác động vào chi bên bệnh.
  • Chườm đá 
    • Dùng đá lạnh trong túi nhựa bọc khăn mỏng hoặc tốt hơn là dùng túi chườm đá. Lưu ý là tránh việc áp trực tiếp đá lạnh vào vùng da bị tổn thương và không dùng băng đá quá lâu bởi tiếp xúc lâu với đá lạnh có thể khiến da bị tê cóng và tổn thương thêm.
  • Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế sưng.
    • Dùng băng ACE quấn lực vừa đủ lên vùng chấn thương. 
    • Đảm bảo rằng băng không quá chặt do có thể chặn dòng máu nuôi dưỡng đến gây hoại tử chi.
  • Nâng cao chi bị chấn thương lên
    • Cố gắng giữ cao hơn tim sẽ giúp làm giảm sưng tấy vùng chấn thương.
    • Khi đứt gân cơ tứ đầu nên được bất động ở tư thế duỗi thẳng chân (đầu gối thẳng) còn ở tay trong tư thế gấp khuỷu tay 90 °.

Điều trị tại cơ sở y tế

  • Cơ tứ đầu đùi
    • Nếu đứt một phần có thể không cần phẫu thuật mà điều trị nội khoa bằng cách bó bột hoặc bất động chân thẳng trong 4-6 tuần.
    • Bất động chân đến khi có thể nâng chân lên mà không bị đau trong khoảng 10 ngày.
  • Gân Achilles
    • Điều trị nội khoa mà không cần phẫu thuật
    • Điều trị tương tự bao gồm bất động bàn chân tư thế lòng bàn chân hướng xuống trong 4-8 tuần.
    • Phương pháp điều trị này được cho là có hiệu quả tương đương với phẫu thuật về hồi phục vận động cũng như sức mạnh cơ. Tuy nhiên nó có tỷ lệ tái phát cao lên đến 30%. Mặc dù vậy, nó vẫn được coi là một lựa chọn hợp lý cho những người có nguy cơ cao của phẫu thuật như: tuổi cao, bệnh lý nặng kèm theo,..
  • Gân chóp xoay
    • Hơn 90% trường hợp tổn thương gân là mạn tính kéo dài, và 33-90% các triệu chứng tự biến mất mà không cần phẫu thuật.
    • Ngược lại, đứt gân cấp tính, như trong chấn thương thì điều trị phẫu thuật hay không còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương nghiêm trọng của nó.
    • Nếu gân đứt nhỏ hơn 50% chiều dày của đai xoay hoặc nhỏ hơn 1 cm, nội soi khớp sẽ được thực hiện. Thông qua đó, phẫu thuật viên có thể nhìn thấy và loại bỏ tổ chức chết mà không cần phải mổ mở khớp vai giúp tổn thương nhanh lành hơn.
  • Cơ nhị đầu
    • Hầu hết các phẫu thuật viên không đề xuất việc phẫu thuật gân bị đứt vì thực tế chức năng cơ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.
    • Các nghiên cứu cho thấy rằng, đứt gân cơ nhị đầu chỉ mất một phần nhỏ khả năng gập của khuỷu tay và giảm khoảng 10% -20% sức mạnh cơ khi ngửa lòng bàn tay.

Phẫu thuật được chỉ định khi nào?

Cơ tứ đầu đùi

  • Trừ trường hợp rách một phần gân còn lại phẫu thuật sẽ được thực hiện để nối lại gân.
  • Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được bó bột hoặc bất động.
  • Đồng thời, thực hiện các bài vật lý trị liệu mang lại hiệu quả tốt giúp chân bị thương hồi phục nhanh chóng sau 6 tháng. 

Gân Achilles

  • Phẫu thuật được thực hiện cho một số ít người muốn hồi phục sức mạnh cơ hoàn toàn gần như bình thường. Một ưu điểm nổi trội của phẫu thuật là tránh tái phát tốt nhất.
  •  Sau khi phẫu thuật, bàn chân sẽ được bất động ở tư thế hướng các ngón chân xuống dưới trong 3-4 tuần và sau đó dần dần đưa về vị trí trung gian trong vòng 2-3 tuần trước khi bắt đầu tập với tạ. Tuy nhiên, việc phẫu thuật sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu hơn so với điều trị nội khoa.

Gân chóp xoay

  • Nhiều bác sĩ ưu tiên việc điều trị nội khoa hơn ngay cả trong trường hợp đứt gân kích thước lớn hơn.
  • Điều trị phẫu thuật thường thực hiện cho đứt gân mức độ nặng ở người trẻ tuổi hoặc ở người lớn tuổi (từ 60-70 tuổi) đột ngột thấy không thể xoay cánh tay của họ ra ngoài.
  • Phẫu thuật bao gồm việc tạo hình, cắt bỏ dây chằng ngoài cơ và sửa chữa gân. Kết quả phẫu thuật khá tốt vì gần như sẽ giúp hồi phục hoàn toàn tổn thương.

Cơ nhị đầu

  • Phẫu thuật thường được thực hiện để sửa chữa gân đứt ở người trẻ tuổi.
  • Phẫu thuật cũng được xem xét với những người trung niên mà có công việc yêu cầu khả năng hoạt động cơ này cao.
  • Sau khi phẫu thuật cần bất động gấp khuỷu 90 độ. Người ta thấy rằng phẫu thuật giúp khả năng gập khuỷu tay và khả năng ngửa bàn tay gần như bình thường trong khoảng 12 tuần.

Có thể làm gì để phòng tránh đứt gân? 

Hình ảnh minh họa chấn thương gân trong thể thao (Nguồn ảnh từ Utswmed).Hình ảnh minh họa chấn thương gân trong thể thao (Nguồn ảnh từ Utswmed).Để ngăn ngừa, cách tốt nhất là biết và tránh các nguyên nhân có thể làm đứt gân hoặc điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đứt gân nếu có.

Kết luận

Tiên lượng cho cả phẫu thuật và điều trị nội khoa là khác nhau tùy theo vị trí và mức độ nghiêm trọng của gân bị đứt.

Việc sửa chữa trong phẫu thuật, kết hợp với vật lý trị liệu bổ sung, có thể giúp hồi phục rất tốt tổn thương. Bên cạnh đó thì việc điều trị nội khoa cũng cho thấy hiệu quả đáng kể.

Điều trị nội khoa có hiệu quả nhất trong trường hợp đứt gân một phần. Hạn chế của phương pháp điều trị này là khả năng hồi phục không về được hoàn toàn tốt như ban đầu. Bên cạnh đó, thì các lợi ích mang lại bao gồm giảm nguy cơ nhiễm trùng và thời gian hồi phục thường ngắn hơn.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!