Một cơn đột quỵ có thể gây tử vong nếu nó làm tổn thương phần lớn vùng não. Đối với nhiều người bị đột quỵ, thời gian phục hồi là rất lâu nhưng vẫn có khả năng phục hồi được.
Các triệu chứng của đột quỵ
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí mạch máu não bị tổn thương và diện tích vùng não bị ảnh hưởng. Các triệu chứng của đột quỵ có thể bao gồm:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
- Nôn mửa
- Cứng gáy
- Mất thị lực hoặc nhìn mờ
- Chóng mặt
- Mất thăng bằng
- Tê hoặc yếu liệt ở một bên cơ thể hoặc một bên mặt
- Suy giảm ý thức
- Khó nói chuyện
- Khó nuốt
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị co cứng và hôn mê.
Nguyên nhân của đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi lượng máu đến não của bạn bị gián đoạn. Người bệnh có thể bị thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não.
Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ
Phần lớn các trường hợp đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể là kết quả của một cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến một vùng của não.
Cục máu đông có thể là huyết khối tĩnh mạch não (Cerebral Venous Thrombosis - CVT) - nó được hình thành tại chính vị trí tắc nghẽn trong não. Ngoài ra, cục máu đông cũng có thể được hình thành ở những cơ quan khác trong cơ thể và di chuyển đến não gây ra đột quỵ.
Đột quỵ do xuất huyết não
Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi các mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu tích tụ trong các mô não xung quanh. Điều này gây ra áp lực cho não. Nó có thể khiến một phần não của bạn bị thiếu máu và oxy. Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ ((American Stroke Association - ASA) ước tính khoảng 13% trường hợp đột quỵ là xuất huyết não.
Yếu tố nguy cơ của đột quỵ
Tiền sử gia đình
Tình dục
Ở hầu hết các nhóm tuổi - ngoại trừ người lớn tuổi - đột quỵ thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, đột quỵ ở nữ giới gây tử vong nhiều hơn ở nam giới. Điều này có thể là do đột quỵ phổ biến nhất ở người lớn tuổi và nữ giới thường sống lâu hơn nam giới. Thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nữ giới.
Chủng tộc
Những người thuộc các chủng tộc sau có nguy cơ đột quỵ cao hơn người da trắng. Tuy nhiên, nguy cơ của những nhóm người này giảm dần theo độ tuổi:
- Người Mỹ bản địa
- Người bản xứ Alaska
- Người Mỹ gốc Phi
- Người gốc Tây Ban Nha
Lối sống
Các lối sống sau đây đều làm tăng nguy cơ đột quỵ:
- Hút thuốc
- Chế độ ăn
- Không hoạt động thể chất
- Tiêu thụ số lượng nhiều đồ uống có cồn
- Hút ma túy
Thuốc và bệnh lý
Thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não. Bao gồm các thuốc:
- Ưarfarin (Coumadin)
- Rivaroxaban (Xarelto)
- Apixaban (Eliquis)
Đôi khi thuốc chống đông máu được kê đơn để giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não.
Mang thai và một số bệnh lý cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các bệnh này bao gồm:
- Các vấn đề về tim và mạch máu
- Bệnh đái tháo đường
- Tiền sử đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
- Cholesterol cao
- Huyết áp cao, đặc biệt là nếu không kiểm soát được huyết áp
- Béo phì
- Bệnh lý chuyển hóa
- Đau nửa đầu
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Các bệnh gây đông máu
- Các tình trạng gây chảy máu quá nhiều như giảm tiểu cầu và bệnh máu khó đông
- Điều trị bằng thuốc làm tan huyết khối
- Tiền sử phình động mạch não hoặc dị dạng mạch máu não
- Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS), vì nó liên quan đến chứng phình động mạch não
- Khối u trong não, đặc biệt là khối u ác tính
Tuổi tác
Người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ đột quỵ cao nhất, đặc biệt nếu họ có các yếu tố:
- Cao huyết áp
- Bệnh tiểu đường
- Ít vận động
- Thừa cân
Chẩn đoán bệnh đột quỵ
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang bị đột quỵ, họ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để phục vụ chẩn đoán.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám toàn thân. Họ sẽ kiểm tra ý thức và sự tỉnh táo của bạn. Họ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng:
- Tê bì hoặc yếu liệt ở mặt, cánh tay và chân
- Lú lẫn
- Khó nói
- Khó nhìn bình thường
Nếu bạn đã từng bị đột quỵ, bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây đột quỵ để đảm bảo rằng họ đang đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu não (MRA)
- Chụp cắt lớp vi tính não
- Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA)
- Siêu âm động mạch cảnh
- Điện tâm đồ (ECG)
- Siêu âm tim
- Xét nghiệm máu
Xử trí cấp cứu một cơn đột quỵ
Nếu bạn đang bị đột quỵ, bạn cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Bạn càng được điều trị sớm, cơ hội sống sót và hồi phục của bạn càng cao.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Các hướng dẫn về điều trị đột quỵ đã được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (American Stroke Association - ASA) cập nhật vào năm 2018.
Nếu bạn đến kịp phòng cấp cứu trong vòng 4,5 tiếng kể từ khi các triệu chứng bắt đầu, điều trị cấp cứu đột quỵ do thiếu máu cục bộ tập trung vào làm tan cục máu đông. Các bác sĩ thường cho aspirin trong những trường hợp khẩn cấp để ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông.
Trước khi bạn được điều trị bằng phương pháp này, bác sĩ phải chắc chắn rằng bạn không bị đột quỵ do xuất huyết não. Thuốc chống đông máu có thể làm cho tình trạng xuất huyết não trầm trọng hơn. Điều này thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Các phương pháp điều trị bổ sung có thể bao gồm thủ thuật can thiệp lấy huyết khối - rút cục máu đông ra khỏi động mạch bị tắc nghẽn bằng cách sử dụng ống thông nhỏ. Thủ thuật này có thể được thực hiện 24 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Khi cơn đột quỵ làm tổn thương đến một phần lớn diện tích của não, phẫu thuật để giảm áp lực nội sọ cũng có thể được thực hiện.
Đột quỵ do xuất huyết não
Nếu bạn đang bị đột quỵ do xuất huyết não, bác sĩ cấp cứu có thể cho bạn dùng thuốc để giảm huyết áp và làm chậm quá trình xuất huyết. Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc khác có tác dụng chống lại chúng vì những loại thuốc này làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết.
Nếu bạn bị đột quỵ do xuất huyết não, bạn có thể phải phẫu thuật cấp cứu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuất huyết. Bác sĩ sẽ sửa chữa mạch máu bị vỡ và loại bỏ lượng máu đã chảy ra có thể gây tăng áp lực trong não.
Biến chứng của đột quỵ
Các biến chứng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng đột quỵ. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Tê liệt
- Khó nuốt hoặc khó nói chuyện
- Gặp vấn đề về thăng bằng
- Chóng mặt
- Mất trí nhớ
- Khó kiểm soát cảm xúc
- Buồn phiền
- Đau
- Thay đổi hành vi
Các bác sĩ phục hồi chức năng có thể giúp giảm thiểu các biến chứng:
- Bác sĩ vật lý trị liệu (physical therapist) để phục hồi vận động
- Bác sĩ trị liệu nghề nghiệp (occupational therapist) để học cách thực hiện các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, nấu ăn và dọn dẹp
- Bác sĩ trị liệu ngôn ngữ để cải thiện khả năng nói
- Bác sĩ tâm lý để giúp đối mặt với cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm
Phục hồi sau đột quỵ
Một số người bị đột quỵ phục hồi nhanh chóng và có thể lấy lại chức năng bình thường của cơ thể chỉ sau vài ngày. Đối với một số người khác, quá trình phục hồi có thể mất sáu tháng hoặc lâu hơn.
Bất kể bạn mất bao lâu để hồi phục sau đột quỵ, phục hồi là một quá trình và bạn nên duy trì tinh thần lạc quan. Ghi nhận tất cả những tiến bộ bạn đạt được và trò chuyện với bác sĩ trị liệu cũng có thể giúp bạn phục hồi sức khỏe.
Hỗ trợ cho người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Trong quá trình phục hồi sau đột quỵ, bệnh nhân có thể cần được phục hồi chức năng liên tục. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, điều này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm.
Tự trang bị cho mình kiến thức về đột quỵ và quá trình phục hồi chức năng có thể hữu ích cho những người chăm sóc bệnh nhân. Họ cũng có thể tham gia các nhóm hỗ trợ, nơi họ có thể gặp gỡ những người khác cũng đang giúp những người thân yêu phục hồi sau đột quỵ.
Một số nguồn hữu ích để tìm trợ giúp bao gồm:
- Hiệp hội đột quỵ quốc gia (National Stroke Association)
- Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (American Stroke Association)
- Mạng lưới kết nối bệnh nhân đột quỵ (Stroke Network)
Tiên lượng
Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và thời gian sớm nhất được điều trị cấp cứu.
Nhìn chung, tiên lượng tốt hơn cho những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Do tăng áp lực lên não, đột quỵ do xuất huyết não dẫn đến nhiều biến chứng hơn.
Phòng ngừa cơn đột quỵ
Làm theo những lời khuyên sau để ngăn ngừa đột quỵ:
- Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Chế độ ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết hoặc tất cả các ngày trong tuần.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Hạn chế uống rượu.
- Nếu bạn bị tiểu đường, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì mức đường huyết trong giới hạn bình thường.
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì mức huyết áp trong giới hạn bình thường.
Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Chúng có thể bao gồm:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu như clopidogrel (Plavix) để giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong động mạch hoặc tim
- Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin)
- Aspirin
Nếu bạn chưa từng bị đột quỵ trước đây, bạn chỉ nên sử dụng aspirin để phòng ngừa nếu bạn có nguy cơ chảy máu thấp và nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (ví dụ: đột quỵ và nhồi máu cơ tim).
Xem thêm: