Điều trị bệnh máu khó đông (Hemophilia): Liệu pháp thay thế là gì?

Phương pháp điều trị chính cho bệnh máu khó đông là liệu pháp thay thế. Các chế phẩm chứa yếu tố đông máu VIII (đối với bệnh ưa chảy máu A) hoặc yếu tố đông máu IX (đối với bệnh ưa chảy máu B) được truyền hoặc tiêm vào tĩnh mạch, giúp thay thế yếu tố đông máu bị thiếu.

Video máu khó đông là bệnh gì

Chất cô đặc yếu tố đông máu có thể được sản xuất từ huyết tương người hiến. Máu sẽ qua xử lý để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh, chẳng hạn như viêm gan. Với các phương pháp sàng lọc và hiến máu hiện nay, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm từ các chế phẩm truyền là rất nhỏ.

Để giảm nguy cơ hơn nữa, người bệnh có thể dùng các chất cô đặc yếu tố đông máu không có nguồn gốc từ huyết tương người. Chúng được gọi là các yếu tố đông máu tái tổ hợp. Yếu tố đông kết dễ dàng bảo quản, trộn và sử dụng tại nhà — chỉ mất khoảng 15 phút để sử dụng yếu tố này.

Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế thường xuyên để ngăn ngừa chảy máu. Đây được gọi là liệu pháp dự phòng. Hoặc người bệnh có thể chỉ cần liệu pháp thay thế để cầm máu khi có triệu chứng, hay còn được gọi là liệu pháp điều trị theo nhu cầu.

Liệu pháp điều trị theo nhu cầu ít chuyên sâu và tốn kém hơn so với liệu pháp dự phòng. Tuy nhiên, có nguy cơ chảy máu sẽ gây ra tổn thương trước khi người bệnh nhận được liệu pháp điều trị theo yêu cầu.

Các biến chứng của liệu pháp thay thế

Các biến chứng của liệu pháp thay thế bao gồm:

  • Sinh các kháng thể (protein) tấn công yếu tố đông máu
  • Nhiễm virus từ các yếu tố đông máu của người hiến
  • Tổn thương khớp, cơ hoặc các bộ phận khác của cơ thể do điều trị chậm trễ

Các kháng thể có thể phá hủy yếu tố đông máu trước khi nó hoạt động. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chống lại các yếu tố đông máu truyền vào, khiến cho điều trị không hiệu quả..

Những kháng thể này, còn được gọi là chất ức chế, xuất hiện ở khoảng 20 – 30% những người mắc bệnh hemophilia A. Chất ức chế yếu tố IX xuất hiện ở 2–5% những người mắc bệnh hemophilia B.

Khi các kháng thể bất thường xuất hiện, các bác sĩ có thể sử dụng liều lượng yếu tố đông máu lớn hơn hoặc thử các nguồn yếu tố đông máu khác nhau. Đôi khi các kháng thể sẽ tự mất đi.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu các phương pháp mới để đối phó với các kháng thể chống lại các yếu tố đông máu.

Virus từ các yếu tố đông máu của con người. Các yếu tố đông máu được tạo ra từ máu người có thể mang virus gây bệnh HIV / AIDS và viêm gan. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do các yếu tố đông máu của con người là rất nhỏ do:

  • Sàng lọc cẩn thận những người hiến máu
  • Xét nghiệm các sản phẩm máu hiến 
  • Xử lý các sản phẩm máu được hiến tặng bằng hóa chất và nhiệt để tiêu diệt virus
  • Tiêm phòng cho những người mắc bệnh máu khó đông đối với bệnh viêm gan A và B

Tổn thương khớp, cơ và các bộ phận khác của cơ thể. Sự chậm trễ trong việc điều trị có thể gây ra những hậu quả như:  

  • Chảy máu khớp, nếu để diễn ra nhiều lần có thể dẫn đến biến dạng và làm suy giảm chức năng của khớp.
  • Sưng màng hoạt dịch khớp.
  • Đau, sưng đỏ khớp.
  • Phá hủy khớp.

Điều trị tại nhà với liệu pháp thay thế

Có thể thực hiện cả liệu pháp thay thế dự phòng (liên tục) và theo yêu cầu (khi cần thiết) tại nhà. Nhiều người học cách truyền dịch tại nhà cho con họ hoặc cho chính mình. Điều trị tại nhà có một số ưu điểm:

  • Có thể được điều trị nhanh hơn khi bị chảy máu. Điều trị sớm làm giảm nguy cơ biến chứng.
  • Ít cần đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu hơn.
  • Điều trị tại nhà có chi phí thấp hơn điều trị tại cơ sở chăm sóc y tế.
  • Điều trị tại nhà giúp trẻ chấp nhận điều trị và tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình.

Thảo luận về các lựa chọn điều trị tại nhà với bác sĩ. Bác sĩ có thể hướng dẫn các bước và quy trình an toàn để điều trị tại nhà. Các trung tâm điều trị bệnh máu khó đông là một địa điểm đáng tin cậy để tìm hiểu về cách điều trị tại nhà.

Các bác sĩ có thể phẫu thuật cấy ghép các thiết bị (cổng truyền) để giúp bệnh nhân tiếp cận tĩnh mạch dễ dàng hơn để điều trị bằng liệu pháp thay thế. Những thiết bị này có thể hữu ích nếu việc điều trị là thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi đặt cổng có thể có nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ quyết định xem loại thiết bị này có phù hợp bệnh nhân hay không.

Các hình thức điều trị khác

Desmopressin

Desmopressin (DDAVP) là một loại hormone nhân tạo được sử dụng để điều trị những người mắc bệnh máu khó đông nhẹ A. DDAVP không được sử dụng để điều trị bệnh hemophilia B hoặc bệnh hemophilia A nặng.

DDAVP kích thích giải phóng yếu tố VIII dự trữ và yếu tố von Willebrand; nó cũng làm tăng nồng độ của các protein này trong máu. Yếu tố Von Willebrand mang và liên kết với yếu tố VIII, yếu tố này sau đó có thể lưu lại trong máu lâu hơn.

DDAVP thường được sử dụng bằng cách tiêm hoặc xịt mũi. Vì tác dụng của thuốc này sẽ mất dần nếu được sử dụng thường xuyên, nên thuốc chỉ được dùng trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ, có thể dùng thuốc này trước khi làm răng hoặc trước khi chơi một số môn thể thao nhất định để ngăn ngừa hoặc giảm chảy máu.

Thuốc chống tiêu sợi huyết

Thuốc chống tiêu sợi huyết (bao gồm axit tranexamic và axit epsilon aminocaproic) có thể được sử dụng với liệu pháp thay thế. Chúng thường được dùng dưới dạng viên uống và giúp giữ cho cục máu đông không bị phá vỡ.

Những loại thuốc này thường được sử dụng trước khi làm răng hoặc để điều trị chảy máu miệng hoặc mũi hoặc chảy máu tiêu hóa nhẹ.

Liệu pháp gen

Liệu pháp gen điều trị bệnh hemophila. Nguồn ảnh: UPILiệu pháp gen điều trị bệnh hemophila. Nguồn ảnh: UPICác nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm cách chỉnh sửa các gen bị lỗi gây ra bệnh máu khó đông. Liệu pháp gen hiện vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thử nghiệm liệu pháp gen trong các thử nghiệm lâm sàng.

Điều trị khi bị chảy máu

Thuốc giảm đau, steroid và vật lý trị liệu có thể được sử dụng để giảm đau và sưng ở khớp bị ảnh hưởng. Hãy đi khám để được giải đáp về những loại thuốc an toàn cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị nào là tốt nhất?

Hình thức điều trị phù hợp phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh máu khó đông, các hoạt động của bệnhh nhân sẽ làm và các thủ thuật nha khoa hoặc y tế mà bệnh nhân sẽ phải trải qua.

  • Bệnh máu khó đông nhẹ: Liệu pháp thay thế thường không cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi DDAVP được đưa ra để nâng cao nồng độ yếu tố VIII của cơ thể.
  • Bệnh máu khó đông trung bình: Có thể chỉ cần điều trị thay thế khi chảy máu xảy ra hoặc để ngăn chảy máu có thể xảy ra khi thực hiện một số hoạt động nhất định. Bác sĩ cũng có thể đề nghị DDAVP trước khi làm thủ thuật hoặc thực hiện một hoạt động làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Bệnh máu khó đông nghiêm trọng: Thường cần liệu pháp thay thế để ngăn chảy máu có thể làm hỏng khớp, cơ hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Thông thường, liệu pháp thay thế được thực hiện tại nhà 2 hoặc 3 lần một tuần. Liệu pháp phòng ngừa này thường được bắt đầu ở những bệnh nhân còn trẻ và có thể phải điều trị suốt đời.

Đối với cả hai loại bệnh máu khó đông, điều trị nhanh chóng để cầm máu là rất quan trọng. Điều trị nhanh chóng có thể hạn chế tổn thương cho cơ thể và giảm mất máu. Nếu bị bệnh máu khó đông, hãy học cách nhận biết các dấu hiệu chảy máu.

Các thành viên khác trong gia đình cũng nên học cách để ý các dấu hiệu chảy máu ở trẻ mắc bệnh máu khó đông. Trẻ em đôi khi bỏ qua các dấu hiệu chảy máu vì chúng muốn tránh những khó chịu khi điều trị.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!