Video Nguyên nhân co thắt dạ dày và cách điều trị
Bài viết này nói về co thắt dạ dày bao gồm nguyên nhân và các phương pháp điều trị.
14 nguyên nhân gây co thắt dạ dày
Các tình trạng sau đây đều được biết đến là nguyên nhân gây ra co thắt dạ dày:
Táo bón
Co cứng và co thắt là những triệu chứng phổ biến của táo bón.
Triệu chứng khác bao gồm:
- Đại tiện ít (thường ít hơn 3 lần một tuần).
- Đại tiện phân nhỏ hoặc cứng.
- Chướng bụng.
- Phải rặn khi đại tiện.
Mất nước
Mất nước gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể (đặc biệt là natri và kali). Các tế bào cơ đòi hỏi những chất này để hoạt động chính xác, vì vậy chúng sẽ bắt đầu co cứng và co thắt khi không được đáp ứng đủ.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác bao gồm:
Nhiều hơi
Quá nhiều hơi trong dạ dày có thể dẫn đến co thắt vì các cơ trong ruột căng ra để hơi thoát ra ngoài.
Nhiều hơi cũng có thể là nguyên nhân gây ra:
- Chướng hơi
- Cảm giác đầy bụng
- Đau dạ dày
Viêm dạ dày và viêm dạ dày - ruột
Viêm dạ dày là tình trạng viêm của riêng dạ dày, trong khi viêm dạ dày - ruột liên quan đến tình trạng viêm của cả dạ dày và ruột. Những bệnh này thường do nhiễm trùng.
Viêm dạ dày và viêm dạ dày - ruột cũng có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Chướng hơi
- Buồn nôn
- Đau dạ dày
- Nôn
- Ỉa chảy (chỉ trong trường hợp viêm dạ dày ruột)
Tắc ruột và liệt dạ dày
Thức ăn đi qua ruột nhờ các cơn co thắt cơ gọi là nhu động ruột. Khi nhu động chậm hoặc dừng lại ở bất kỳ đoạn nào của ruột được gọi là tắc ruột.
Một số nguyên nhân gây ra tắc ruột, bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Viêm
- Giảm nhu động ruột
- Phẫu thuật
- Sử dụng ma tuý
Các triệu chứng khác của tắc ruột bao gồm:
- Khó chịu ở bụng
- Buồn nôn
- Nôn
Tắc ruột liên quan đến dạ dày được gọi là chứng liệt dạ dày. Điều này cũng gây ra co thắt dạ dày, đặc biệt là sau bữa ăn.
Viêm đại tràng truyền nhiễm
Viêm đại tràng hay còn gọi viêm kết tràng (ruột già), có nhiều loại viêm đại tràng. Nếu tình trạng viêm là do nhiễm trùng được gọi là viêm đại tràng truyền nhiễm.
Ngoài co thắt dạ dày, các triệu chứng của viêm đại tràng nhiễm trùng bao gồm:
- Mất nước
- Tiêu chảy
- Đại tiện thường xuyên
Viêm đại tràng truyền nhiễm thường do ăn thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm do có chứa mầm bệnh như E. coli, Salmonella hoặc Giardia.
Viêm ruột
Viêm ruột là chỉ một nhóm các bệnh mạn tính liên quan đến viêm đường tiêu hóa. Viêm ruột ảnh hưởng đến 1,6 triệu người Hoa Kỳ.
Các loại viêm ruột phổ biến nhất là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Cả hai bệnh này đều gây ra co thắt và nhiều các triệu chứng khác gồm:
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Sốt
- Cảm giác muốn đại tiện thường xuyên
- Sút cân
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa chức năng có nghĩa là đường tiêu hóa dường như không bị tổn thương nhưng vẫn gây ra các triệu chứng.
Nó ảnh hưởng khoảng 10% - 15 % người trên toàn thế giới và trở thành rối loạn tiêu hóa chức năng phổ biến nhất.
Cùng với co thắt dạ dày, hội chứng ruột kích thích cũng gây ra các triệu chứng:
- Đau bụng
- Chướng hơi
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Nhiều hơi
Thiếu máu cục bộ ruột và đại tràng
Khi nguồn cung cấp máu kém gây ra viêm đại tràng, nó được gọi là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ. Khi vấn đề này ảnh hưởng đến ruột non thì được gọi là viêm ruột thiếu máu cục bộ.
Cả hai bệnh này đều dẫn đến co thắt dạ dày và các triệu chứng khác bao gồm:
- Tiêu chảy
- Sốt
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn
Căng cơ
Cơ bụng làm việc quá mạnh hoặc quá thường xuyên có thể dẫn đến co thắt dạ dày. Những người thường xuyên tập các bài gập bụng và bài tập ngồi lên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Các triệu chứng khác của căng cơ:
- Cơn đau tăng lên khi vận động
- Đau cơ
Co thắt dạ dày trong thời kỳ mang thai
Những thay đổi của cơ thể khi mang thai có thể dẫn đến co thắt dạ dày. Hầu hết các trường hợp co thắt dạ dày khi mang thai không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, những phụ nữ thường xuyên bị co thắt hoặc đau do co thắt nên đi khám.
Những điều sau đây có thể gây ra co thắt khi mang thai:
Braxton-Hicks được biết đến là chuyển dạ giả. Các cơn co thắt thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, một số trường hợp chúng có thể bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai.
Các cơn co thắt Braxton-Hicks là khi các cơ tử cung căng và co thắt lại trong 30 giây đến 2 phút trước khi giãn ra. Các cơn co thắt có xu hướng:
- Không thường xuyên
- Cường độ không đều
- Cảm giác khó chịu hơn là đau đớn
Các cơn co thắt giảm dần thay vì trở nên tồi tệ hơn có thể là cơn co thắt Braxton-Hicks, đặc biệt khi chúng xảy ra sớm hơn thời gian chuyển dạ dự kiến.
Đầy hơi
Nhiều phụ nữ mang thai bị đầy hơi do nồng độ hormone progesterone trong cơ thể tăng.
Trong khi progesterone cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh thì nó cũng khiến cơ ruột giãn ra, làm chậm quá trình tiêu hóa và dẫn đến tích tụ hơi.
Kéo căng cơ
Các cơ của dạ dày và tử cung căng ra trong suốt thai kỳ để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Khi cơ căng ra, chúng có thể co thắt nhẹ hoặc gây đau nhói.
Đau và co thắt cơ ở mức độ nhất định là hiện tượng bình thường của thai kỳ, nhưng cơn đau dữ dội hoặc kèm theo chảy máu hay sốt thì cần được cấp cứu ngay.
Sư chuyển động của thai nhi
Khi em bé đạp hoặc di chuyển thì người mẹ có thể cảm thấy như bị co thắt, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai. Thông thường, những cú đá này mạnh hơn và rõ rệt hơn trong tam cá nguyệt thứ ba và khác với cơn co thắt.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân của co thắt dạ dày dựa trên:
- Khám sức khỏe
- Tiền sử bệnh
- Xét nghiệm máu
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp CT
Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng của thai phụ và liệu các cơn co thắt có do bất kỳ tác nhân nào gây nên.
Bác sĩ có thể yêu cầu ghi lại thời điểm co thắt xảy ra, họ đã ăn gì vào ngày hôm đó và liệu họ có thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào không để giúp xác định nguyên nhân.
Khi nào đi khám bác sĩ
Trong nhiều trường hợp, co thắt dạ dày sẽ tự hết và không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi co thắt dạ dày nghiêm trọng hoặc xảy ra thường xuyên cho thấy rằng cần tìm nguyên nhân.
Nếu trải qua bất kỳ các triệu chứng sau đây nên đến cơ sở y tế ngay lập tức:
- Máu trongphân
- Đau ngực
- Khó thở
- Khó chịu do co thắt
- Sốt
- Đau dữ dội
- Nôn
- Vàng da
- Sút cân
Điều trị
Việc điều trị co thắt dạ dày sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Các biện pháp điều trị tại nhà
Nhiều người có thuyên giảm cơn co thắt dạ dày bằng các biện pháp điều trị tại nhà. Phụ nữ mang thai nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà vì chúng có thể không phù hợp hoặc không an toàn đối với thai kỳ.
Một số biện pháp điều trị có hiệu quả như sau:
- Nghỉ ngơi: những người đang bị co thắt do căng cơ có thể thấy nhẹ nhõm hơn bằng cách cho cơ dạ dày nghỉ ngơi và tránh các bài tập bụng.
- Nhiệt. Đặt túi chườm nhiệt hoặc chai nước nóng lên bụng làm giãn cơ và giảm co thắt.
- Xoa bóp. Nhẹ nhàng xoa bóp các cơ dạ dày giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm bớt chứng co cứng và co thắt.
- Sự hydrat hóa. Uống nhiều nước giúp tránh tình trạng mất nước - nguyên nhân gây co thắt dạ dày hoặc làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Đồ uống thể thao bổ sung chất điện giải cũng khá tốt, nhưng nên sử dụng vừa phải vì chứa nhiều đường.
- Tắm muối Epsom. Tắm nước ấm có sử dụng muối Epsom là một phương pháp điều trị tại nhà phổ biến cho nhiều chứng co cứng và co thắt. Nước ấm giúp thư giãn các cơ, muối Epsom chứa nhiều magiê, giúp cơ bắp tránh bị chuột rút.
Thuốc
Thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn đều có sẵn cho chứng co thắt dạ dày. Sử dụng loại thuốc nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra co thắt dạ dày.
Các loại thuốc có thể được khuyến nghị bao gồm:
- Aminosalicylat và corticosteroid. Những loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị các dạng viêm ruột.
- Thuốc trung hoà axit hoặc thuốc ức chế bơm proton H + (PPI). Những loại thuốc này làm giảm nồng độ axit trong dạ dày, có thể là nguyên nhân gây ra cơn co thắt liên quan đến viêm dạ dày.
- Thuốc kháng sinh. Được kê đơn cho các trường hợp nhiễm vi khuẩn gây viêm dạ dày hoặc ruột.
- Thuốc chống co thắt. Người bị hội chứng ruột kích thích có thể giảm co thắt khi sử dụng các loại thuốc này.
- Thuốc giảm đau. Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp giảm đau.
Phòng ngừa
Các bước sau đây giúp ngăn ngừa co thắt dạ dày xảy ra:
Uống đủ nước.
Mất nước dẫn đến co thắt dạ dày, vì vậy điều quan trọng là phải uống đủ nước. Nhu cầu nước cao hơn khi thời tiết nóng và khi tập thể dục cường độ cao.
Tập thể dục đúng cách
Không để cơ làm việc quá sức vì điều này dẫn đến co cứng cơ và chấn thương. Tập đúng các bài tập, duy trì đủ nước trong suốt quá trình tập và có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng co thắt.
Tránh thực phẩm không tốt
Một số loại thực phẩm gây khó tiêu dẫn đến co thắt dạ dày và nhiều triệu chứng khác. Hạn chế uống rượu, ăn đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ.
Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống khác nếu cần thiết.
Những người bị viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích và viêm ruột thấy rằng việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ làm giảm các triệu chứng của họ. Ví dụ, hạn chế ăn chất xơ có thể làm giảm đau. Khá hữu ích nếu nhận được tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định những gì nên và không nên ăn.
Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh.
Co thắt dạ dày liên quan đến các bệnh như viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích có thể biến mất hoặc giảm bớt khi bệnh này được kiểm soát thông qua việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống hoặc cả hai.
Kết luận
Tiên lượng của những người bị co thắt dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân của bệnh. Co thắt dạ dày thường giải quyết bằng điều trị tối thiểu hoặc không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể những đợt bệnh khác họ cần đến sự chăm sóc y tế.
Nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng co thắt dạ dày kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn hay kèm triệu chứng phân có máu, sốt, nôn mửa.
Xem thêm: