Chảy máu cam ở trẻ em: Khi nào cần đưa trẻ đi khám, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa

Chảy máu cam là một tình trạng thường gặp ở trẻ em. Những lần chảy máu chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và hiếm khi là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên những trường hợp chảy máu kéo dài, tái phát hoặc ồ ạt cần được chăm sóc y tế.

Khoảng 60% mọi người đều từng bị chảy máu cam. Trẻ em từ 2 đến 10 tuổi và người già từ 50 đến 80 tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị chảy máu nhất.

Chỉ khoảng 10% trường hợp chảy máu cam đủ nghiêm trọng để cần đến điều trị y tế.

Bài viết này sẽ cho bạn biết cần phải làm gì khi trẻ bắt đầu chảy máu cam và khi nào nên đi khám bác sĩ. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp thông tin về các phương pháp điều trị y tế, nguyên nhân và mẹo để phòng ngừa.

Phải làm gì khi bị chảy máu cam?

Trẻ bị chảy máu cam. Nguồn: medicalnewstoday.comTrẻ bị chảy máu cam. Nguồn: medicalnewstoday.com

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều có thể được điều trị tại nhà.

Điều quan trọng là bạn cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề vì đa số các trường hợp chảy máu cam chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và thường không phải điều đáng lo ngại.

Cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam:

  • Cho trẻ ngồi xuống và trấn an chúng. Cho chúng ngồi thẳng lưng và hơi nghiêng người về phía trước.
  • Không cho trẻ ngồi ngả lưng hay nằm xuống để tránh máu chảy ngược xuống mồm gây ho và nôn mửa.
  • Nhẹ nhàng kẹp hai cánh mũi của trẻ giữa hai ngón tay và khăn giấy hoặc khăn sạch. Cho trẻ thở bằng miệng.
  • Tiếp tục giữ khoảng 10 phút ngay cả khi máu ngừng chảy.

Không được bịt gạc, khăn giấy hay xịt bất cứ thứ gì vào mũi trẻ.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Những trường hợp trẻ bị chảy máu cam thường không cần chăm sóc y tế. Hầu hết những lần chảy máu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có thể dễ dàng được điều trị tại nhà.

Tuy nhiên hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng chảy máu cam:

  • Xảy ra thường xuyên
  • Xảy ra bất thường 
  • Xảy ra đồng thời với các bệnh tắc nghẽn mãn tính hoặc các dấu hiệu dễ chảy máu hoặc bầm tím khác
  • Xảy ra khi trẻ bắt đầu uống một loại thuốc mới 
  • Thường xuyên cần đến phòng cấp cứu

Chảy máu cam cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nếu:

  • Kéo dài sau 20 phút dùng áp lực nhéo mũi trẻ
  • Xảy ra sau chấn thương ở đầu, ngã hoặc va đập vào mặt
  • Trẻ bị đau đầu dữ dội, sốt và các triệu chứng liên quan khác
  • Mũi trẻ bị biến dạng hoặc gãy 
  • Trẻ có dấu hiệu mất nhiều máu như xanh xao, thiếu năng lượng, chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Trẻ ho hoặc nôn ra máu 
  • Trẻ bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu

Điều trị y tế

Những đứa trẻ bị chảy máu cam nghiêm trọng nên đi khám các chuyên gia y tế do họ có thể dễ dàng cầm máu hơn.

Các phương pháp điều trị:

  • Bôi bạc nitrat vào các mạch máu để cầm máu
  • Đốt điện các mạch máu để cầm máu
  • Bịt mũi bằng gạc tẩm thuốc co mạch máu 

Sau khi cầm máu, bác sĩ sẽ khám để xác định nguyên nhân. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cần được phẫu thuật để khắc phục sự cố với các mạch máu trong mũi.

Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em

Các hoạt động thể thao gây chấn thương mũi. Nguồn: medicalnewstoday.comCác hoạt động thể thao gây chấn thương mũi. Nguồn: medicalnewstoday.com Chấn thương hoặc một cú đánh vào mặt có thể kích động các mạch máu trong mũi.

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam là chảy máu cam trước (máu chảy ở phần thấp của vách ngăn chia mũi thành 2 lỗ mũi). Vách ngăn này chứa nhiều mạch máu nhỏ, dễ vỡ nếu chúng bị kich ứng hoặc viêm. 

Chảy máu cam sau khiến máu chảy xuống phía sau của miệng và họng. Trường hợp này hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Chảy máu cam sau thường nặng và khó xử lý hơn.

Các mạch máu bị kích ứng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chảy máu cam trước. Những nguyên nhân gây kích ứng mạch máu bao gồm:

  • Khí hậu khô
  • Ngoáy mũi
  • Dị ứng mũi 
  • Chấn thương hoặc bị đánh vào mũi, mặt do bị ngã hoặc do một quả bóng
  • Viêm xoang, cảm lạnh thông thường, cúm và các bệnh nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến mũi
  • Polyp mũi xoang (sự tăng trưởng lành tính các khối u trong khoang mũi, hình thành từ lớp niêm mạc mũi – xoang)
  • Lạm dụng thuốc xịt mũi

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn:

  • Các tình trạng ảnh hưởng đến máu hoặc đông máu như bệnh máu khó đông
  • Một số loại thuốc bao gồm thuốc chống đông máu 
  • Bệnh tim
  • Bệnh cao huyết áp 
  • Ung thư

Mẹo phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ

Tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng chảy máu cam ở trẻ em nhưng có một số biện pháp giúp giảm bớt tình trạng này như:

  • Điều trị dị ứng để tránh viêm mũi 
  • Sử dụng nước muối sinh lý xịt mũi để giữ ẩm
  • Bật máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi trong phòng ngủ để không khí không bị khô hanh
  • Cắt gọn móng tay để tránh gây thương tổn khi ngoáy mũi
  • Khuyến khích trẻ mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao hoặc khi tham gia các hoạt động có thể gây thương tổn cho mũi

Tóm lược

Chảy máu cam là hiện tượng hay gặp ở trẻ nhỏ và thường không đáng lo ngại. Bạn có thể xử trí chảy máu cam tại nhà bằng cách liên tục ấn nhẹ vào phần mềm của mũi trẻ trong khoảng 10 phút.

Gọi 911 hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu trẻ có biểu hiện chóng mặt, yếu ớt hoặc bất tỉnh. Hãy đến các cơ sở y tế ngay lập tức nếu máu chảy ồ ạt, không ngừng sau 20 phút hoặc xảy ra sau khi bị ngã hoặc chấn thương ở đầu.

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em là do không khí khô, ngoáy mũi, dị ứng mũi hoặc các yếu tố khác gây kích ứng các mạch máu nhỏ ở trước mũi.

Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa nếu trẻ bị chảy máu cam thường xuyên hoặc bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!