Virus dạ dày hay “cúm” dạ dày còn được gọi là viêm dạ dày ruột . Các loại virus khác nhau có thể gây ra căn bệnh này trong thời gian ngắn, cho dù bạn đang mang thai hay không.
Nếu bạn mắc bệnh, đừng lo lắng. Virus dạ dày có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu một cách thực sự nhanh chóng, nhưng chúng thường khá nhẹ và tự biến mất. Rất có thể là bạn và em bé sẽ khỏe mạnh, ngay cả khi bạn bị cúm dạ dày.
Tuy nhiên, có những trường hợp rất nghiêm trọng do virus dạ dày có thể gây ra các biến chứng khi mang thai. Dưới đây là những điều cần lưu ý và khi nào nên đến gặp bác sĩ nếu bạn bị bệnh dạ dày.
Video Mẹo chữa trào ngược dạ dày tại nhà
Các triệu chứng của virus dạ dày
Điều quan trọng là phải nhận biết được bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi mang thai, bao gồm cả những triệu chứng của virus dạ dày. Bởi vì một số triệu chứng của bệnh cúm dạ dày có thể giống với các dấu hiệu sắp chuyển dạ.
Nếu bị nhiễm virus dạ dày, bạn có thể có các triệu chứng như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Chuột rút hoặc đau bụng
- Bệnh tiêu chảy
- Đi ngoài phân lỏng nhiều nước
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau cơ
- Đau toàn thân hoặc đau nhức
Các loại virus dạ dày bạn có thể nhiễm trong thai kỳ
Các loại virus dạ dày phổ biến có thể mắc phải khi mang thai (hoặc những thời điểm khác) bao gồm:
- Norovirus (phổ biến nhất trong những tháng tháng 11 đến tháng 4)
- Rotavirus (phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em)
Nhiều loại virus dạ dày rất dễ lây lan nhưng kết thúc nhanh chóng. Các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ khi nào từ 12 giờ đến 2 ngày sau khi nhiễm virus. Bệnh sẽ dễ lây lan khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Bạn có thể nhiễm virus dạ dày thông qua các cách:
- Tiếp xúc gần gũi với ai đó
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm
- Ăn thức ăn sống hoặc nấu chưa chín
- Uống nước bị ô nhiễm
- Sử dụng chung phòng tắm hoặc thay tã khi trẻ nhỏ / trẻ sơ sinh trong nhà bị ốm
- Chạm vào bề mặt hoặc vật thể bị ô nhiễm
- Không rửa tay và chạm vào mặt hoặc miệng
Nguy cơ sức khỏe do virus dạ dày trong thai kỳ
Mặc dù khả năng bảo vệ của cơ thể bị giảm trong thời kỳ mang thai, nhưng cơ thể vẫn có rất nhiều biện pháp bảo vệ chống lại bệnh tật. Thai nhi sẽ được bảo vệ khỏi virus dạ dày và hầu hết các vi trùng khác xâm nhập vào.
Trên thực tế, ngay cả khi bạn bị bệnh nặng do virus dạ dày, vi trùng cũng hiếm khi vượt qua được hàng rào rau thai-tử cung bảo vệ xung quanh thai nhi. Mặc dù vậy, bệnh của mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Virus dạ dày có thể gây mất nước và khiến hệ thống miễn dịch phải hoạt động quá mức. Những tác dụng không mong muốn này đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ và sinh nở nghiêm trọng.
Những rủi ro trong quá trình sinh nở phụ thuộc vào thời điểm mang thai.
Tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ)
Bạn thậm chí có thể không biết rằng mình đang mang thai, nhưng 12 tuần đầu tiên rất quan trọng. Đây là lúc tim, não và các bộ phận quan trọng khác của thai nhi được hình thành, mặc dù chúng có kích thước rất nhỏ.
Việc nhiễm virus dạ dày sớm trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các dị tật về cột sống (ống thần kinh).
Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)
Trong tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi vẫn đang phát triển và tăng trưởng nhanh chóng. Một loại virus dạ dày, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về phát triển của thai nhi. Nếu bạn không thể ăn hoặc uống đầy đủ, có thể tạm thời làm chậm sự phát triển của thai nhi.
Nếu bị bệnh nặng về dạ dày và mất nhiều nước, thì nước ối (môi trường sống của thai nhi) cũng có thể bị cạn.
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)
Virus dạ dày và các loại khác như virus cúm có thể gây chuyển dạ sớm hoặc sinh non trong tam cá nguyệt thứ ba. Điều này có nghĩa là cơn co thắt dạ dày có thể dẫn đến cơn co tử cung gây ra chuyển dạ quá sớm. Đặc biệt, nếu bạn bị mất nước nặng, có thể dẫn đến cạn ối và suy thai do thai nhi không được cung cấp đủ nước.
Mất nước cũng có thể làm giảm lượng nước ối trong tam cá nguyệt này. Và trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể không đủ sữa để cho con bú ngay sau khi em bé chào đời.
Khi nào cần liên hệ bác sĩ
Hầu hết các virus trong dạ dày sẽ biến mất trong khoảng 48 giờ. Nếu bạn có các triệu chứng kéo dài hơn mức này hoặc nếu bạn không thể ăn uống bất cứ thứ gì, kể cả nước, hãy gặp bác sĩ ngay.
Trước tiên, bác sĩ sẽ đảm bảo rằng bạn không bị mất nước. Điều này có thể có hại cho mẹ và bé. Tiếp theo, bạn có thể cần làm một số xét nghiệm, chẳng hạn như kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác như:
- Nhiễm khuẩn
- Ngộ độc thực phẩm
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Viêm ruột thừa
- Doạ đẻ non
Đau bụng do nhiễm vi khuẩn có thể tồn tại lâu hơn virus dạ dày. Nó cũng có thể có hại hơn trong thời kỳ mang thai.
Hãy liên hệ bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng dạ dày lâu hơn khoảng 2 ngày. Nếu bị nhiễm trùng do vi khuẩn, như bệnh listeriosis, bạn sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Điều trị virus dạ dày
Virus dạ dày thường tự biến mất, mà không cần điều trị, nhưng các biện pháp hỗ trợ tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Ở nhà
- Tránh lây truyền cho người khác
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất
Nếu bạn hơi thèm ăn, hãy ăn một số thực phẩm giàu tinh bột - nhưng nhạt (bánh mì, mì ống, khoai tây, gạo).
Sau khi các triệu chứng biến mất, hãy bổ sung vi khuẩn đường ruột của bạn bằng các thực phẩm giàu probiotic, chẳng hạn như sữa chua.
Nếu bạn cần giảm đau do đau đầu và co thắt dạ dày, hãy hỏi bác sĩ để có sự lựa chọn tốt nhất.
Acetaminophen thường an toàn trong thời kỳ mang thai. Bạn có thể dùng đến 2 viên 500mg 4 lần một ngày.
Tránh sử dụng các thuốc không kê đơn như thuốc trị tiêu chảy và thuốc chống buồn nôn. Chúng có thể không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai.
Tầm quan trọng của việc giữ đủ nước
Sự thật về virus dạ dày (cho dù có mang thai hay không) là chúng có thể gây mất nước từ cả hai đầu. Không bổ sung nước ngay lập tức có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước.
Cơ thể cần nhiều nước hơn bình thường khi mang thai. Giữ cho cơ thể và thai nhi luôn đủ nước khi vượt qua cơn đau dạ dày bằng cách:
- Uống nhiều chất lỏng trong như nước lọc, trà thảo mộc, nước dùng và nước trái cây
- Uống đồ uống có ga như bia gừng
- Uống đồ uống thể thao có bổ sung vitamin và khoáng chất (nhưng hãy để ý lượng đường)
- Ngậm đá hoặc thanh nước trái cây đông lạnh
- Ăn trái cây ngon ngọt như cam hoặc dưa hấu
- Thêm muối bù nước vào đồ uống
- Tránh cafein (và luôn tránh rượu khi mang thai)
Nếu mất nước nghiêm trọng, cần nhập viện điều trị. Dung dịch muối sinh lý sẽ được tiêm và truyền tĩnh mạch để nhanh chóng cung cấp nước cho cơ thể. Mất nước có thể gây ra các biến chứng khác và khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nếu bạn bị cúm dạ dày, hãy kiểm tra các dấu hiệu mất nước nếu có sau:
- Nước tiểu màu vàng sẫm
- Tiểu ít
- Cảm thấy khát
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Cáu gắt
- Nhịp tim nhanh
- Thở nhanh
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Bồn chồn, hồi hộp
Kết luận chung
Virus dạ dày rất phổ biến và hầu hết mọi người đều có thể mắc bệnh. Nhưng phụ nữ có thai sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm virus dạ dày. Có thể bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng cơ thể bạn tự biết cách bảo vệ thai nhi.
Virus dạ dày hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, tùy vào mức độ bệnh có thể gây ra các ảnh hưởng khác nhau. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng mới nào trong thai kỳ.
Xem thêm: