Bệnh zona liệu có bị tái phát không?

Vi rút Varicella-zoster gây ra bệnh zona và cũng gây ra bệnh thủy đậu.

Bệnh zona là gì?

Video Zona thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sau khi bạn khỏi bệnh thủy đậu, vi rút vẫn nằm trong các tế bào thần kinh ở trạng thái không hoạt động. Vi rút có thể tái hoạt động sau này và thành bệnh zona (tên tiếng anh là herpes zoster). Bất kỳ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu thì sau này đều có thể bị bệnh zona.

Phát ban của bệnh thường tạo thành chùm hoặc một dải ở một bên của cơ thể, có thể xuất hiện trên cánh tay, đùi, mặt, tai hoặc mắt. Bệnh zona thường gặp ở mọi lứa tuổi trừ trẻ sơ sinh, nhưng xảy ra ở người lớn nhiều hơn, có tới gần 70% người bị zona trên 45 tuổi, gần 5% trường hợp trẻ dưới 15 tuổi. Người khỏe mạnh cũng bị zona nhưng thường gặp hơn ở người cao tuổi, càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Bạn cũng có thể bị bệnh zona lần thứ hai. Điều này ít phổ biến hơn và được gọi là bệnh zona tái phát.

Các triệu chứng của bệnh zona và bệnh này có tái phát không?

Triệu chứng đầu tiên của bệnh zona thường là đau, ngứa ran hoặc cảm giác nóng rát ở một vùng cơ thể. Trong vòng vài ngày, xuất hiện mụn nước màu đỏ, chứa dịch hoặc mủ bên trong, sau đó các mụn nước này vỡ ra và đóng vảy. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Ngứa và đau ở vùng da bị phát ban
  • Vùng da bị phát ban nhạy cảm hơn
  • Mệt mỏi và các triệu chứng giống bệnh cúm khác
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Ớn lạnh

Bệnh zona tái phát có các triệu chứng giống nhau và thường các đợt tái phát xảy ra ở cùng một vị trí trên cơ thể. Theo một nghiên cứu, khoảng 45% trường hợp bệnh zona tái phát ở một vị trí khác trên cơ thể.

 

Bệnh zona gây phát ban ngứa và đau, xuất hiện nhiều mụn nước (nguồn ảnh: https://www.medicinenet.com/)

Bao lâu thì bệnh zona tái phát lại?

Dữ liệu về tần suất tái phát bệnh zona còn hạn chế. Nghiên cứu ở Minnesota năm 2011 trong hơn 7 năm cho thấy rằng từ 5,7 đến 6,2% những người bị zona sẽ bị tái phát lần thứ hai. Nói chung, nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ bạn mắc bệnh zona lần thứ hai cũng tương tự với nguy cơ bạn mắc bệnh lần đầu tiên.

Khoảng thời gian giữa lần bị bệnh zona đầu tiên và đợt tái phát vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong một nghiên cứu từ năm 2011, bệnh zona tái phát xảy ra từ 96 ngày đến 10 năm sau đợt bị zona lần đầu, nhưng nghiên cứu này chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian 12 năm.

Các yếu tố nguy cơ tái phát bệnh zona

Mọi người không biết điều gì làm bệnh zona tái phát, nhưng một số yếu tố nhất định sẽ làm tăng khả năng tái phát bệnh.

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nhiều khả năng bị bệnh zona một lần nữa. Một nghiên cứu đã xác định rằng tỷ lệ tái phát bệnh zona là 12% giữa những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Con số này cao hơn khoảng 2,4 lần so với những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Bạn có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch nếu:

  • Đang được hóa trị hoặc xạ trị
  • Cấy ghép nội tạng
  • Bị HIV hoặc AIDS
  • Đang dùng liều cao corticosteroid như prednisone

Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

  • Cơn đau kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn trong lần bị bệnh zona đầu tiên 
  • Đau từ 30 ngày trở lên trong lần bị bệnh zona đầu tiên
  • Là phụ nữ
  • Trên 50 tuổi

Gia đình đã có người bị bệnh zona cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể bị bệnh zona một lần nữa (nguồn ảnh: https://www.vectorstock.com/)

Điều trị bệnh zona tái phát

Việc điều trị bệnh zona tái phát cũng giống như điều trị bệnh zona.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh zona tái phát, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Dùng thuốc kháng vi rút như Acyclovir (Zovirax), Valacyclovir (Valtrex) hoặc Famciclovir (Famvir) có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và giảm thời gian kéo dài của bệnh.

Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để giảm đau và giúp bạn dễ ngủ. Đơn thuốc có thể bao gồm:

  • Các miếng dán da với thuốc giảm đau lidocaine. Bạn có thể dán chúng lên vùng da bị phát ban trong một khoảng thời gian cụ thể.
  • Các miếng dán da có 8% capsaicin, một chiết xuất từ quả ớt giúp giảm đau. Một số người không thể chịu được cảm giác bỏng rát, mặc dù da đã bị tê trước khi dán miếng dán.
  • Thuốc chống co giật như gabapentin (Neurontin, Gralise, Horizant) và pregabalin (Lyrica) làm giảm đau bằng cách giảm hoạt động của dây thần kinh. Chúng có các tác dụng phụ có thể hạn chế lượng thuốc mà bạn dung nạp.
  • Thuốc chống trầm cảm như duloxetine (Cymbalta) và nortriptyline (Pamelor) có thể hữu ích, đặc biệt là để giảm đau và giúp bạn dễ ngủ.
  • Thuốc giảm đau opioid có thể giúp giảm đau, nhưng có tác dụng phụ như chóng mặt, lơ mơ và có thể gây nghiện.

Bạn cũng có thể tắm nước mát với bột yến mạch để giảm ngứa, hoặc chườm lạnh lên vùng da bị phát ban. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng.

Biến chứng bệnh zona 

Bệnh zona thường khỏi trong vòng hai đến sáu tuần. Trong một số ít trường hợp, cơn đau có thể vẫn còn sau khi vết phát ban đã lành. Đây là biến chứng của bệnh zona được gọi là chứng đau dây thần kinh sau zona (Postherpetic neuralgia - PHN). Có tới 2% những người bị bệnh zona bị PHN trong 5 năm trở lên, nguy cơ bị biến chứng này sẽ tăng dần theo độ tuổi.

Bạn có thể ngăn ngừa bệnh zona tái phát không?

Người được tiêm chủng ngừa bệnh zona thường ít bị tái phát bệnh zona hơn (nguồn ảnh: https://www.verywellfamily.com/)

Bệnh zona tái phát không thể ngăn ngừa được mà chỉ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tiêm chủng vacxin ngừa bệnh zona, ngay cả sau khi bạn đã bị bệnh zona. Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy rằng những người đã tiêm chủng ngừa bệnh zona ít bị mắc bệnh zona trở lại hơn 51%. Đối với những người từ 50-59 tuổi, vacxin tiêm chủng ngừa bệnh zona giảm 69,8% nguy cơ mắc bệnh zona.

Theo nghiên cứu, những người được tiêm chủng ngừa bệnh zona thường ít bị bệnh zona hơn. Họ cũng có số lần xuất hiện chứng đau dây thần kinh sau zona (PHN) ít hơn. Các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm chủng ngừa bệnh zona cho những người trên 50 tuổi nhưng không cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Xem thêm : 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!