Bệnh tay chân miệng là gì?
Video Biểu hiện bệnh chân tay miệng trẻ em - Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh nặng?
Mặc dù có cái tên đáng sợ nhưng bệnh tay chân miệng là một căn bệnh phổ biến, dễ lây lan do các loại virus khác nhau gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng trẻ ở độ tuổi lớn hơn và người lớn cũng có thể mắc bệnh này.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng có giai đoạn ủ bệnh từ 3 – 6 ngày từ khi trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh tay chân miệng. Sau đó các triệu chứng đầu tiên thường là sốt, đau họng và chảy nước mũi - giống như cảm lạnh thông thường - nhưng tiếp theo các mụn nước li ti và phát ban bắt đầu xuất hiện trên các vị trí cơ thể như:
- Trong miệng ở:
- Má
- Nướu
- Bên trong của môi
- Hai bên lưỡi
- Ngón tay
- Lòng bàn tay
- Lòng bàn chân
- Mông
Lưu ý: Một, một vài hoặc tất cả các vị trí trên cơ thể có thể nổi mụn nước.
Các triệu chứng nặng nhất trong vài ngày đầu tiên nhưng thường biến mất hoàn toàn trong vòng 1 tuần. Việc bong tróc da ở ngón tay, ngón chân sau 1 - 2 tuần có thể xảy ra nhưng vô hại.
Chẩn đoán bệnh tay chân miệng như thế nào?
Bác sĩ có thể biết trẻ có bị bệnh tay chân miệng hay không dựa trên các triệu chứng bố mẹ cung cấp và xem các mụn nước, vết loét, phát ban ở miệng của trẻ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể lấy mẫu ngoáy họng hoặc phân của trẻ để làm xét nghiệm.
Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, hãy thông báo cho trường học, nhà trẻ. Họ có thể cần thông báo cho các phụ huynh và nhân viên khác về việc theo dõi các triệu chứng.
Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Đối với đau miệng:
Ở trẻ trên 1 tuổi, bố mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ vì có nhiều loại thuốc bôi niêm mạc miệng hoặc súc miệng có thể giảm đau do loét miệng. Không sử dụng nước súc miệng thông thường vì gây rát.
- Từ 1 – 6 tuổi: Nhỏ vài giọt vào miệng hoặc dùng tăm bông chấm vào miệng trẻ.
- Trên 6 tuổi: Dùng 5 ml (1 thìa cà phê) nước súc miệng, ngậm càng lâu càng tốt. Sau đó để trẻ nhổ ra.
Tránh mất nước:
Trẻ bị tay chân miệng cần uống nhiều nước. Nếu nghi ngờ trẻ bị mất nước, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?
Virus gây bệnh tay chân miệng thường lây lan qua tiếp xúc giữa người với người theo những cách khác nhau:
Đường hô hấp:
- Tiếp xúc với các giọt bắn hình thành khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Những giọt này có thể rơi vào hoặc bị dụi vào mắt, mũi hoặc miệng. Hầu hết những giọt bắn này không ở lâu trong không khí; thông thường, chúng di chuyển không quá 1 m và rơi xuống đất.
- Tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp (nước mũi hoặc nước bọt) từ các đồ vật bị nhiễm virus.
Đường phân – miệng :
- Tiếp xúc với phân của trẻ bị nhiễm bệnh, thường do trẻ bị bệnh làm bẩn ngón tay của mình và sau đó chạm vào đồ vật mà trẻ khác chạm vào. Đứa trẻ đã chạm vào bề mặt bị nhiễm virus sau đó đưa ngón tay vào miệng của mình.
Bệnh tay chân miệng lây nhiễm trong bao lâu?
Cách ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của bệnh tay chân miệng?
Dạy trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy dùng một lần (nếu có thể) hoặc bằng ống tay nếu không có sẵn khăn giấy. Hướng dẫn trẻ rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi, tiếp xúc với chất nhờn và sau khi đi vệ sinh.
- Rửa tay sau khi thay tã. Bố mẹ có thể lây lan virus sang các bề mặt khác khi tiếp xúc với phân, dịch phồng rộp hoặc nước bọt nhiễm virus.
- Tránh chia sẻ thức ăn, đồ uống và các vật dụng cá nhân có thể chạm vào miệng của trẻ như dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng và khăn tắm.
- Bảo vệ những trẻ khác trong nhà. Hãy chắc chắn rằng không tiếp xúc gần với trẻ bị nhiễm bệnh. Ôm, hôn, dùng chung cốc và đồ dùng có thể làm lây nhiễm bệnh nhanh chóng. Nếu trẻ ở chung phòng với trẻ khác, hãy tách trẻ ra trong giai đoạn bệnh dễ lây lan.
- Làm sạch, khử trùng đồ chơi có thể đã tiếp xúc với dịch của trẻ và khử trùng bất kỳ bề mặt nào mà trẻ tiếp xúc thường xuyên – điều này có thể hữu ích để ngăn anh chị em của trẻ hoặc người khác bị lây bệnh.
Trẻ có thể đi học nếu bị bệnh tay chân miệng không?
Trẻ có thể đi học, ngoại trừ khi:
- Trẻ bị sốt hay cảm thấy không đủ khỏe để tham gia lớp học.
- Giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ không thể chăm sóc trẻ mà không ảnh hưởng đến việc chăm sóc các trẻ khác trong lớp.
- Trẻ bị nổi nhiều mụn nước. Thường mất khoảng 7 ngày để các mụn nước khô lại.
- Trẻ có các tiêu chí loại trừ khác.
Lưu ý: Việc cách ly trẻ khỏi trường lớp sẽ không làm giảm sự lây lan của bệnh tay chân miệng vì trẻ có thể lây lan virus ngay cả khi không có triệu chứng và virus có thể tồn tại trong phân trong nhiều tuần sau khi hết triệu chứng.
Khi nào trẻ có thể trở lại trường học?
Trẻ có thể trở lại trường học hoặc nơi giữ trẻ sau khi tất cả các tiêu chí loại trừ (liệt kê ở trên) được giải quyết và trẻ cảm thấy đủ khỏe để tham gia. Hãy xin ý kiến từ bác sĩ nếu bố mẹ không chắc khi nào trẻ nên quay lại trường học hoặc nơi giữ trẻ.
Nếu trẻ đã bị tay chân miệng rồi thì có bị bệnh lại không?
Trẻ đã bị tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh trở lại với cùng một loại virus hoặc loại khác gây ra bệnh tay chân miệng.
Xem thêm: