Bài tập về hệ sinh thái
Kiến thức cần nhớ
KHÁI NIỆM HỆ SINH THÁI
- Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và sinh cảnh của quần xã.
- Trong hệ sinh thái, các sinh vật luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các nhân tố vô sinh của môi trường tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
- Trong hệ sinh thái, trao đổi chất và năng lượng luôn diễn ra giữa các cá thể trong quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng. Trong đó, quá trình “đồng hóa” tổng hợp chất hữu cơ do các sinh vật tự dưỡng thực hiện và quá trình “dị hóa” do các sinh vật phân giải chất hữu cơ thực hiện.
CÁC THÀNH PHẦN CẤU TRÚC CỦA HỆ SINH THÁI
1. Thành phần vô sinh
- Các yếu tố khí hậu (to, độ ẩm, ánh sáng, gió, lượng mưa,…)
- Các yếu tố thổ nhưỡng
- Nước
- Xác sinh vật trong môi trường
2. Thành phần hữu sinh
- Thực vật, động vật, vi sinh vật. Tuỳ theo quan hệ dinh dưỡng trong hệ sinh thái mà xếp chúng thành 3 nhóm:
+ Nhóm sinh vật sản xuất: là sinh vật có khả năng sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời tổng hợp nên chất hữu cơ. (chủ yếu là thực vật, vi sinh vật quang hợp)
+ Nhóm sinh vật tiêu thụ: gồm các sinh vật ăn thực vật và sinh vật ăn động vật.
+ Nhóm sinh vật phân giải: gồm vi khuẩn, nấm, một số động vật không xương (giun đất, sâu bọ); chúng phân giải xác sinh vật thành chất vô cơ của môi trường.
CÁC KIỂU HỆ SINH THÁI CHỦ YẾU TRÊN TRÁI ĐẤT
1. Các hệ sinh thái tự nhiên:
- Các hệ sinh thái trên cạn: hệ sinh thái rừng nhiệt đới, sa mạc, savan đồng cỏ,thảo nguyên, rừng ôn đới,rừng thông phương Bắc, đồng rêu đới lạnh.
- Các hệ sinh thái dưới nước:
+ Hệ sinh thái nước mặn: ở ven biển,những vùng ngập mặn, vùng biển khơi
+ Hệ sinh thái nước ngọt: hệ sinh thái nước đứng (ao, hồ) và hệ sinh thái nước chảy (sông, suối).
2. Các hệ sinh thái nhân tạo
- Đồng ruộng, hồ nước, rừng thông, thành phố …đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người
Các dạng bài tập
Câu 1: Khi nói về thành phần hữu sinh của hệ sinh thái, phát biểu nào sau đây là sai?
A. Thực vật, một số vi khuẩn và động vật nguyên sinh là nhóm sinh vật có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ
B. Tất cả các loài vi khuẩn đều là sinh vật phân giải, chúng có vai trò phân giải các chất hữu cơ thành các chất vô cơ
C. Sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật.
D. Nấm là một nhóm sinh vật có khả năng phân giải các chất hữu cơ thành chất vô cơ
Đáp án:
Phát biểu sai là: B vì: một số vi sinh vật còn là sinh vật sản xuất. (vi sinh vật tự dưỡng)
Đáp án cần chọn là: B
Câu 2: Xét các sinh vật sau:
1. Nấm rơm. 2. Nấm linh chi. 3. Vi khuẩn hoại sinh
4. Rêu bám trên cây. 5. Dương xỉ. 6. Vi khuẩn lam.
Có mấy loài thuộc nhóm sinh vật sản xuất?
A. 5
B. 2
C. 4
D. 3
Đáp án:
Các loài thuộc nhóm sinh vật sản xuất: (4), (5), (6).
Những sinh vật này có khả năng tổng hợp chất hữu cơ.
(1), (2), (3) là các sinh vật phân giải.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Xét các sinh vật sau:
1. Nấm rơm. 2. Nấm linh chi. 3. Vi khuẩn hoại sinh.
4. Rêu bám trên cây. 5. Dương xỉ. 6. Vi khuẩn lam.
Có mấy loài thuộc nhóm sinh vật phân giải?
A. 5
B. 2
C. 4
D. 3
Đáp án:
Các loài thuộc nhóm sinh vật phân giải: (1), (2), (3)
Các loài thuộc nhóm sinh vật sản xuất: (4), (5), (6).
Đáp án cần chọn là: D
Câu 4: Hệ sinh thái nào sau đây có sức sản xuất thấp nhất:
A. Vùng nước khơi đại dương
B. Hệ Cửa sông
C. Đồng cỏ nhiệt đới
D. Rừng lá kim phương Bắc
Đáp án:
Hệ sinh thái có sức sản xuất thấp nhất là: vùng nước khơi đại dương
Do đây là vùng nước mặn, có độ sâu lớn nên có ít loài sinh vật sản xuất, ở đây sinh vật sản xuất chủ yếu là các loại tảo và thực vật bậc thấp, có số lượng nhỏ.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: Hệ sinh thái nào sau đây có sức sản xuất cao nhất:
A. Rừng ngập mặn ven biển
B. Rừng nhiệt đới ẩm
C. Đồng cỏ nhiệt đới
D. Rừng lá kim phương Bắc
Đáp án:
Hệ sinh thái có sức sản xuất cao nhất là: Rừng nhiệt đới ẩm
Do đây là vùng có điều kiện vô sinh thuận lợi, có sự đa dạng về thành phần loài lớn nên có nhiều loài sinh vật sản xuất, ở đây sinh vật sản xuất chủ yếu là các loại thực vật có hạt.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 6: Ở Việt Nam có nhiều hệ sinh thái. Hai học sinh đã tranh luận về một số hệ sinh thái và rút ra một số nhận định:
1. Có tính đa dạng cao hơn hệ sinh thái tự nhiên.
2. Có tính ổn định cao hơn hệ sinh thái tự nhiên.
3. Có năng suất cao hơn hệ sinh thái tự nhiên.
4. Có chuỗi thức ăn dài hơn hệ sinh thái tự nhiên.
Có mấy đặc điểm không phải là đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp?
A. 1
B. 4
C. 3
D. 2
Đáp án:
Các hệ sinh thái không phải hệ sinh thái nông nghiệp là: (1),(2),(4)
Đáp án cần chọn là: C
Câu 7: Ở Việt Nam có nhiều hệ sinh thái. Hai học sinh đã tranh luận về một số hệ sinh thái và rút ra một số nhận định:
1. Có tính đa dạng thấp hơn hệ sinh thái tự nhiên.
2. Có tính ổn định cao hơn hệ sinh thái tự nhiên.
3. Có năng suất cao hơn hệ sinh thái tự nhiên.
4. Có chuỗi thức ăn dài hơn hệ sinh thái tự nhiên.
Các đặc điểm không phải là đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp?
A. 1, 2.
B. 2, 4.
C. 3, 4.
D. 2, 3.
Đáp án:
Các hệ sinh thái không phải hệ sinh thái nông nghiệp là: (2),(4)
Đáp án cần chọn là: B
Câu 8: Số đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp là :
(1) Nguồn năng lượng được cung cấp gồm : điện, than, dầu mỏ, thực phẩm….
(2) Toàn bộ vật chất đều được tái sinh
(3) Ngoài năng lượng mặt trời còn bổ sung thêm nguồn vật chất khác như : phân bón, thuốc trừ sâu…
(4) Phần lớn sản phẩm được đưa ra khỏi hệ sinh thái để phục vụ con người
(5) Phần lớn sản phẩm được chôn lấp hoặc chuyển sang hệ sinh thái khác
A. 4
B. 3
C. 1
D. 2
Đáp án:
Đặc điểm của HST nông nghiệp là: (3),(4).
Đáp án cần chọn là: D
Câu 9: Số đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp là :
(1) Nguồn năng lượng được cung cấp gồm : ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo
(2) Toàn bộ vật chất đều được tái sinh
(3) Ngoài năng lượng mặt trời còn bổ sung thêm nguồn vật chất khác như : phân bón, thuốc trừ sâu…
(4) Phần lớn sản phẩm được đưa ra khỏi hệ sinh thái để phục vụ con người
(5) Phần lớn sản phẩm được chôn lấp hoặc chuyển sang hệ sinh thái khác
A. 4
B. 3
C. 1
D. 2
Đáp án:
Đặc điểm của HST nông nghiệp là: (1), (3),(4).
(2), (5): đặc điểm của HST tự nhiên.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 10: Khi nói về hệ sinh thái nông nghiệp, kết luận nào sau đây sai ?
A. Hình thành do hoạt động của các quy luật tự nhiên
B. Đa dạng sinh học thấp, chuỗi thức ăn ít bậc dinh dưỡng
C. Có năng suất sinh học cao
D. Sinh vật dễ bị dịch bệnh
Đáp án:
Phát biểu sai là A. hệ sinh thái nông nghiệp do con người tạo nên.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 11: “Năng lượng mặt trời là năng lượng đầu vào chủ yếu, được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế” là những đặc điểm của
A. Hệ sinh thái thành phố
B. Hệ sinh thái nông nghiệp
C. Hệ sinh thái biển
D. Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới
Đáp án:
“Năng lượng mặt trời là năng lượng đầu vào chủ yếu, được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế” là những đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp
Đáp án cần chọn là: B
Câu 12: Đơn vị sinh thái nào sau đây bao gồm cả nhân tố vô sinh và nhân tố hữu sinh?
A. Quần thể.
B. Quần xã.
C. Hệ sinh thái.
D. Cá thể.
Đáp án:
Đơn vị bao gồm cả nhân tố vô sinh và nhân tố hữu sinh là hệ sinh thái.
Trong đó nhân tố vô sinh là môi trường vật lý (sinh cảnh) và nhân tố hữu sinh là quần xã sinh vật (gồm sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải)
Đáp án cần chọn là: C
Câu 13: Hệ sinh thái là gì?
A. bao gồm quần xã sinh vật và môi trường vô sinh của quần xã
B. bao gồm quần thể sinh vật và môi trường vô sinh của quần xã
C. bao gồm quần xã sinh vật và môi trường hữu sinh của quần xã
D. bao gồm quần thể sinh vật và môi trường hữu sinh của quần xã
Đáp án:
Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và sinh cảnh của quần xã (môi trường vô sinh của quần xã).
Đáp án cần chọn là: A
Câu 14: Cho các phát biểu sau về cấu trúc của hệ sinh thái:
(1) Tất cả các loài động vật đều được xếp vào nhóm động vật tiêu thụ.
(2) Một số thực vật kí sinh được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.
(3) Xác chết của sinh vật được xếp vào thành phần hữu cơ của môi trường.
(4) Tất cả các loài sinh vật đều được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.
Số phát biểu sai là:
A. 2
B. 4
C. 3
D. 1
Đáp án:
Các phát biểu sai là: (1),(2),(4)
Đáp án cần chọn là: C
Câu 15: Cho các phát biểu sau về cấu trúc của hệ sinh thái:
(1) Một số loài động vật được xếp vào nhóm động vật phân giải.
(2) Một số thực vật kí sinh được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.
(3) Xác chết của sinh vật được xếp vào thành phần hữu cơ của môi trường.
(4) Tất cả các loài sinh vật đều được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.
Số phát biểu đúng là:
A. 2
B. 4
C. 3
D. 1
Đáp án:
Các phát biểu đúng là: (1), (3).
( 2) Sai, vì thực vật kí sinh được xếp vào nhóm sinh vật tiêu th.
( 4) Sai, vì chỉ một số loài được xếp vào nhóm sinh vật phân giải.
Đáp án cần chọn là: A
Xem thêm các dạng câu hỏi và bài tập liên quan khác:
50 bài tập về phiên mã và dịch mã (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 bài tập về đột biến gen (2024) có đáp án chi tiết nhất
70 bài tập về nhiễm sắc thể và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 bài tập về quy luật Menđen: Quy luật phân li (2024) có đáp án chi tiết nhất
70 bài tập về tương tác gen và tác động đa hiệu của gen (2024) có đáp án chi tiết nhất