Video Top 10 thực phẩm tốt nhất nên dùng sau khi bị ngộ độc thực
Sau khi ngộ độc, bạn nên lựa chọn những loại thức ăn mềm và không gây kích ứng dạ dày để bổ sung năng lượng. Bên cạnh đó, bù đủ nước cũng rất quan trọng để cơ thể nhanh chóng được hồi phục.
Các loại thực phẩm nên ăn khi bị ngộ độc thực phẩm
Sau khi bị ngộ độc, bạn nên chọn chế độ ăn BRAT với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như:
- Chuối
- Cơm
- Nước sốt táo
- Bánh mì nướng
Chế độ ăn BRAT bao gồm các loại thực phẩm nhiều tinh bột và ít hương liệu. Chế độ này có thể giúp bạn phục hồi nhanh chóng sau khi mắc phải các bệnh lý đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nó còn làm đặc phân và cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của chế độ ăn BRAT với bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, một số báo cáo cho rằng chuối xanh và cơm có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em.
Ngoài ra, chuối có chứa rất nhiều kali để thay thế cho lượng điện giải đã mất.
Sau đây là các loại thực phẩm nên dùng sau khi ngộ độc thực phẩm:
- Nước dùng, đặc biệt là nước hầm xương
- Yến mạch ít đường
- Khoai tây
- Bánh mặn
- Gà nướng không da
- Gà tây
Những loại thực phẩm này dễ tiêu hoá, chứa nhiều tinh bột và chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, chúng không thể cung cấp đủ calo cho cơ thể nếu các triệu chứng của bệnh kéo dài trên 24 giờ. Khi đó, bạn cần quay trở lại thực đơn thông thường với các loại thức ăn chứa nhiều protein hơn để tránh bị tiêu cơ.
Bạn có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ sung men vi sinh như:
- Sữa chua
- Dưa cải bắp
- Súp miso
- Tương nén
- Nấm thủy sâm
Đồ uống nên dùng
Các thức uống bổ sung nước hiệu quả bao gồm:
- Ceralyte
- Oralyte
- Pedialyte
Uống các loại trà không chứa caffeine như trà gừng hoặc trà chanh cũng là một phương pháp bù nước hiệu quả. Bên cạnh đó, trà bạc hà còn có tác dụng làm dịu cơn đau bụng.
Tránh sử dụng đồ uống có chứa caffein vì chúng có thể gây kích ứng dạ dày và tăng nặng tình trạng mất nước.
Lợi khuẩn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung lợi khuẩn giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Thực phẩm giàu lợi khuẩn bao gồm các sản phẩm từ sữa như sữa chua men sống và nấm sữa kefir cùng với một số thức ăn lên men như dưa cải bắp.
Các loại thực phẩm cần tránh khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá, dẫn đến viêm dạ dày – ruột. Do đó, bạn nên tránh những loại thực phẩm có khả năng kích thích đường tiêu hoá.
Thực phẩm từ sữa
Khi bị ngộ độc, bạn không nên sử dụng các sản phẩm từ sữa như pho mai, kem và sữa chua vì chúng có thể gây đau dạ dày. Thay vào đó là những loại thức ăn mềm, không gây kích ứng và uống đủ nước.
Thực phẩm giàu chất béo
Các loại thực phẩm như gà rán, khoai tây chiên và các món giàu chất béo khác khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn và làm tăng nặng triệu chứng tiêu chảy.
Đồ ăn cay
Những loại thức ăn có chứa ớt và gia vị cay có thể gây đau dạ dày.
Thực phẩm gây đầy hơi
Các loại thực phẩm giàu carbohydrate có thể lên men (fodmaps) và gây chướng bụng, đặc biệt là với bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS - irritable bowel syndrome). Do đó, hạn chế ăn các loại thực phẩm này cũng mang lại hiệu quả trong giảm nhẹ các triệu chứng đầy hơi và đau bụng khi bị ngộ độc thực phẩm.
Các loại thực phẩm dễ lên men bao gồm:
- Táo
- Đậu
- Bắp cải
- Hành
- Tỏi
Những loại đồ uống cần tránh
Sử dụng các loại đồ uống có chứa chất điện giải là một phương pháp bù nước rất tốt cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì (CDC - Centers for Disease Control and Prevention) khuyên bạn nên thận trọng khi sử dụng chúng, vì các sản phẩm này không được sản xuất với mục đích bù nước do tiêu chảy.
Ngoài ra, chúng còn chứa một lượng đường rất cao, có thể gây kích thích ruột và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Nếu phải sử dụng, bạn hãy pha loãng chúng với nước.
Các loại đồ uống cần tránh bao gồm:
- Cà phê
- Nước ngọt sẫm màu có ga
- Sữa
- Trà có chứa caffein
Chúng làm cho cơ thể bị mất nước nhiều. Bên cạnh đó, sữa không phù hợp với một số bệnh nhân mắc chứng không dung nạp lactose sau nhiễm khuẩn tiêu hoá.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Trong các trường hợp nhẹ, ngộ độ thực phẩm có thể tự điều trị được tại nhà bằng cách sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Đại tiện ra máu hoặc phân có màu như bã cà phê
- Có các dấu hiệu mất nước như thiểu niệu, khô miệng hoặc chóng mặt
- Tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày
- Sốt cao trên 38,5°C
- Nôn nhiều
Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị như:
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước cho cơ thể.
- Thuốc chống buồn nôn và thuốc giảm nhu động ruột để kiểm soát tiêu chảy, sau khi tình trạng nhiễm khuẩn đã được khống chế
- Thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Thuốc chống buồn nôn và thuốc giảm nhu động ruột chỉ có thể sử dụng sau khi tình trạng nhiễm khuẩn đã được khống chế. Nếu không, vi khuẩn có thể phát triển ở đường ruột trong một thời gian dài.
Kết luận
Ngộ độc thực phẩm là một bệnh lý thường gặp và các triệu chứng có thể tự biến mất sau vài ngày. Uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa là những phương pháp đơn giản giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, trong các trường hợp nặng, bệnh nhân bị mất nước, nôn nhiều hoặc đại tiện ra máu thì cần được cấp cứu ngay.
Xem thêm:
- Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài bao lâu? Nguyên nhân và cách phòng tránh
- 10 triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm mà bạn cần biết
- Xử trí ngộ độc thực phẩm ở phụ nữ đang cho con bú
- Ngộ độc thực phẩm ở bà bầu: Nguyên nhân, biểu hiện, xử trí và phòng ngừa
- Các phương pháp điều trị ngộ độc thực phẩm tại nhà