5 điều cần biết về loãng xương tuổi già

Loãng xương tuổi già là tình trạng mất xương do quá trình lão hóa. Ban đầu có thể không biểu hiện triệu chứng gì, tuy nhiên đi kèm theo nó là nguy cơ dễ bị gãy xương hơn và các biến chứng nặng nề theo sau. Bài viết này nêu các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của loãng xương tuổi già.

Loãng xương tuổi già là gì?

Loãng xương là tình trạng suy giảm khối lượng và sức mạnh của xương. Loãng xương tuổi già liên quan đến quá trình lão hóa, thường bắt đầu sau 70 tuổi khi mà khối lượng xương mất dần theo thời gian.

Triệu chứng của loãng xương tuổi già

Ban đầu có thể không biểu hiện triệu chứng. Đôi khi dấu hiệu đầu tiên là gãy xương hay lún xẹp đốt sống (bản chất là gãy đốt sống). Gãy đốt sống xảy ra cấp tính có thể gây đau lưng dữ dội. Nếu quá trình này diễn ra từ từ, người ta chỉ nhận thấy sau một thời gian bản thân bị ‘lùn đi’, bị gù lưng.

Hình ảnh: Chiều cao giảm dần theo tuổi do loãng xương đốt sống. Nguồn: InternetHình ảnh: Chiều cao giảm dần theo tuổi do loãng xương đốt sống. Nguồn: Internet

Loãng xương làm xương yếu hơn và trở nên dễ gãy. Bởi vậy người bị loãng xương bị gãy xương ngay khi chịu một lực tác động mà đáng lẽ xương khỏe mạnh sẽ không làm sao, ví dụ sau một cú ngã nhẹ, cúi xuống, nâng đồ, hay thậm chí khi ho.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây loãng xương tuổi già

Khi già đi, con người bị mất xương nhiều hơn và tốc độ phát triển xương mới chậm hơn. Bất cứ ai cũng có thể nguy cơ bị loãng xương tuổi già, tuy nhiên nguy cơ cao hơn và mức độ nghiêm trọng hơn ở phụ nữ bởi sự thay đổi nội tiết tố, cụ thể là nồng độ estrogen sụt giảm sau độ tuổi mãn kinh. Ở nam giới, lượng testosteron giảm dần theo tuổi cũng có liên quan tới tình trạng loãng xương.

Video Loãng xương | Dấu hiện nhận biết, Điều trị, Ăn uống và Phòng bệnh

Các yếu tố nguy cơ loãng xương tuổi già có thể kể đến như:

  • Kích thước cơ thể: Những người có khung xương nhỏ hơn có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn phụ nữ Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico. Đàn ông da trắng cũng có nguy cơ loãng xương cao hơn đàn ông Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico.
  • Tiền sử gia đình: Loãng xương phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc gãy xương hông.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn ít canxi, vitamin D hoặc protein có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
  • Lối sống: ít hoạt động thể chất, uống quá nhiều rượu, hút thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương.

Theo dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) các tình trạng sức khỏe sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương:

  • Tình trạng nội tiết mà ảnh hưởng đến việc sản xuất hoặc giải phóng hormone
  • Bệnh đường tiêu hóa
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Một số loại ung thư
  • HIV
  • Chán ăn tâm thần
  • AIDS

NIH cũng thấy rằng một số loại thuốc khi dùng lâu dài làm tăng nguy cơ loãng xương, có thể kể đến như:

  • Glucocorticoid, hoóc-môn vỏ thượng thận
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc - một loại thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thiazolidinediones điều trị đái tháo đường typ 2
  • Thuốc chống động kinh
  • Liệu pháp hoóc-môn để điều trị ung thư

Điều trị loãng xương tuổi già

Điều trị loãng xương tuổi già bằng cách duy trì tập thể dục và các loại thuốc cải thiện chất lượng xương, bên cạnh đó cần phòng tránh té ngã dẫn đến nguy cơ gãy xương.

Tập thể dục

Lựa chọn các bài tập chịu trọng lực nhằm cải thiện sức mạnh xương. Ví dụ như đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, chơi quần vợt, tập tạ và leo cầu thang.

Các bài tập này không chỉ giúp tăng cường sức mạnh xương mà còn duy trì sức mạnh cơ, điều hợp động tác và thăng bằng. Từ đó làm giảm nguy cơ ngã cũng như giúp thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn.

Canxi và vitamin D

Một chế độ ăn uống cung cấp đủ canxi và vitamin D là hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa mất xương. Các thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như:

  • Các loại rau có lá màu xanh đậm: cải thìa, cải ngọt, bông cải xanh
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo
  • Cá mòi và cá hồi
  • Thực phẩm và đồ uống tăng cường canxi như sữa đậu nành, nước cam và ngũ cốc

Da tổng hợp vitamin D thông qua quá trình tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một số thực phẩm giàu vitamin D như:

  • Cá béo, dầu cá
  • Lòng đỏ trứng
  • Gan
  • Thực phẩm và đồ uống tăng cường vitamin d như sữa, ngũ cốc
  • Nếu lượng vitamin D từ tổng hợp qua da, từ thực phẩm không đảm bảo đủ nhu cầu thì cần bổ sung bằng thuốc hoặc các chế phẩm vitamin D.

NIH khuyến nghị lượng canxi và vitamin D hàng ngày cho người lớn tuổi:

Nam giới 51–70 tuổi: 1.000 miligam (mg) canxi, 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày

Phụ nữ 51-70 tuổi: 1.200 mg canxi và 600 IU vitamin D mỗi ngày

Người trên 70 tuổi: 1.200 mg canxi và 800 IU vitamin D mỗi ngày

Thuốc

Một số loại thuốc làm chậm hoặc ngăn ngừa mất xương ở những người bị loãng xương do tuổi già. Các thuốc đó là:

  • Bisphosphonates
  • Calcitonin, dùng sau khi mãn kinh
  • Liệu pháp hoóc-môn, dùng sau khi mãn kinh
  • Chất tương tự hoóc-môn tuyến cận giáp
  • Chất ức chế sclerostin

Phòng ngừa té ngã

Phòng tránh ngã hết sức quan trọng, bởi vì xương rất dễ gãy khi bị loãng xương, chỉ cần một cú ngã nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương, nguy hiểm hơn là các biến chứng do gãy xương gây ra như bất động, nằm lâu, loét,... Các phương pháp sau đây giúp phòng tránh ngã:

  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của cơ thể cũng như sự khéo léo, phối hợp động tác.
  • Kiểm tra mắt và thính giác thường xuyên
  • Lưu ý khi dùng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng phụ gây buồn ngủ, chóng mặt
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên
  • Sử dụng các thiết bị trợ giúp khi cần thiết, chẳng hạn như gậy
  • Cẩn thận khi đi trên bề mặt ẩm ướt hoặc trơn trượt
  • Đi giày dép đế thấp, bám đất tốt

Cần báo cho bác sĩ biết bất kỳ khi nào bị ngã. Bác sĩ có thể tư vấn, xem xét thay đổi trong chiến lược phòng tránh ngã cũng như kiểm tra xem có vấn đề gì hay không.

Phòng ngừa loãng xương

Để phòng loãng xương do tuổi già cần duy trì lối sống lành mạnh:

  • Thường xuyên hoạt động thể chất
  • Tập thể dục các bài tập chịu trọng lượng như quần vợt, khiêu vũ hoặc tập tạ
  • Cải thiện sự dẻo dai, thăng bằng bằng các bài tập thái cực quyền, yoga
  • Chế độ ăn giàu canxi, bổ sung đủ vitamin D
  • Tránh hút thuốc và uống quá nhiều rượu
  • Phòng tránh ngã

Loãng xương ở tuổi già gây suy giảm chất lượng xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Các chiến lược điều trị và tự chăm sóc có thể làm chậm sự tiến triển, giúp ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cũng có thể bảo vệ chống lại sự mất xương thêm và giảm nguy cơ té ngã.

Tổng kết

Loãng xương tuổi già là tình trạng mất xương do quá trình lão hóa. Nó có thể gặp ở bất kỳ người lớn tuổi nào, đặc biệt là trên 70 tuổi.

Gãy xương do ngã hoặc chấn thương nhẹ có thể là dấu hiệu đầu tiên của loãng xương tuổi già. Thuốc và thay đổi chế độ ăn uống cũng như lối sống có thể giúp ngăn ngừa mất xương thêm. Thực hiện các bước ngừa té ngã cũng là chìa khóa để giảm nguy cơ gãy xương.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!