5 bài tập hít thở phục hồi chức năng phổi chống COVID -19

Các bài tập thở rất tốt cho phổi và có thể có lợi cho việc giảm tác động của COVID-19 trước, trong và sau khi bị virus tấn công.

Video Bài thở phục hồi cho người bệnh covid và phòng bệnh.

Các bài tập thở mà chúng tôi nêu trong bài viết này sẽ không ngăn ngừa COVID-19, nhưng chúng có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bạn. Chúng cũng rất hữu ích để giảm bớt căng thẳng mà bạn có thể đang gặp phải giữa đại dịch này.

Lợi ích của các bài tập hít thở đối với bệnh do COVID-19 gây ra 

Như chúng ta đã biết, COVID-19 gây nên những biểu hiện khác nhau ở những người khác nhau. Viêm phổi và viêm đường hô hấp là những triệu chứng phổ biến gây khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong trường hợp mắc COVID nhẹ, trung bình hoặc nặng.

Những người có diễn biến bệnh nặng do mắc COVID-19 có thể bị viêm phổi. Tình trạng viêm khiến phổi chứa đầy chất lỏng và chất nhầy làm bệnh nhân càng khó thở và không nhận được đủ oxy mà cơ thể cần để hoạt động.

Nếu bạn có các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc hen suyễn từ trung bình đến nặng, dung tích phổi của bạn có thể thấp hơn bình thường và gây ra khó thở. Những bệnh này gây viêm phổi mãn tính, có thể trầm trọng hơn đáng kể ở những người nhiễm COVID-19.

COVID ảnh hưởng đến toàn bộ đường hô hấp, hơn nữa còn cản trở thông khí. Nó có thể làm khởi phát các cơn hen suyễn và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính (Acute respiratory distress syndrome - ARDS). Các bài tập thở sâu để làm sạch phổi và tăng cường chức năng phổi có thể đặc biệt có lợi cho những người mắc các bệnh này.

Các bài tập thở đưa oxy vào sâu trong phổi, giúp bạn loại bỏ bớt chất nhầy và các chất lỏng khác.

Trong quá trình hồi phục, các bài tập thở có tác dụng tăng sức bền cơ hoành, một cơ hô hấp chính nằm dưới phổi. Nó cũng có thể giúp tăng dung tích phổi, cung cấp đủ oxy cần thiết vào máu của bạn.

Các bài tập thở sâu cũng giúp bạn cảm thấy bình tĩnh, điều này có thể có lợi cho việc phục hồi hoặc đối phó với bệnh tật lâu dài. 

Thở đúng kỹ thuật có thể giúp ngăn ngừa nhiễm COVID-19 không?

Các bài tập thở không thể ngăn ngừa COVID-19 và không được sử dụng thay cho việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hoặc tiêm chủng.

Tuy nhiên, các bài tập thở có thể tăng cường sức khoẻ cho phổi của bạn, điều này có thể làm giảm tác động của COVID-19 lên hệ hô hấp của bạn.

Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp của 19 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng các kỹ thuật thở, chẳng hạn như thở chúm môi làm giảm triệu chứng khó thở. Các bài tập thở cũng cải thiện thông khí phổi (khả năng của phổi nhằm loại bỏ carbon dioxide và bụi bẩn).

Thở chúm môi

Thở chúm môi sẽ giúp bệnh nhân lấy được nhiều oxy vào phổi hơn so với kiểu thở bình thường. Nó cũng giúp đường thở của bạn mở lâu hơn bằng cách giảm số lần thở mỗi phút.

Làm theo các bước sau để thử thở chúm môi:

  • Thư giãn ở tư thế ngồi với cơ cổ và vai không bị siết chặt.
  • Hít vào từ từ bằng mũi trong vài lần và ngậm miệng của bạn lại. (Mũi của bạn làm ấm và làm ẩm không khí trước khi đến phổi - thở vào bằng miệng không thực hiện được điều này.)
  • Trước khi thở ra, hãy chúm môi lại, như thể bạn sắp thổi tắt một ngọn nến.
  • Giữ cho môi của bạn chúm, thở ra hết không khí trong phổi của bạn từ từ.
  • Cố gắng thở ra với số lần đếm dài hơn bạn hít vào.
  • Lặp lại vài lần.

Bài tập aerobic

Về bản chất, bất kỳ hình thức tập thể dục nào giúp bạn thở nhanh hơn đều là một bài tập thở. Điều này bao gồm đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội hoặc bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim và nhịp thở.

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện chức năng của phổi. Lá phổi khoẻ mạnh là lá chắn tốt nhất bảo vệ bạn khi bị nhiễm COVID-19.

Các bài tập thở tốt nhất nếu bạn bị COVID-19 cấp tính

COVID-19 là một bệnh đường hô hấp do coronavirus gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 bao gồm:

  • Sốt, có hoặc không kèm theo ớn lạnh
  • Đau cơ
  • Đau đầu
  • Viêm họng
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Sung huyết
  • Sổ mũi

Hoặc nếu bạn có một trong các triệu chứng hay tình trạng sau:

  • Bệnh hô hấp nghiêm trọng với viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp
  • Ho
  • Hụt hơi
  • Khó thở
  • Mất khứu giác và vị giác

Ở những người mắc COVID cấp tính, các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc và tự khỏi trong vòng 2 tuần. Một số người có các triệu chứng kéo dài, chẳng hạn như khó thở và mệt mỏi trong thời gian dài hơn.

Nếu bạn bị COVID-19, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập thở. Nếu bạn bị khó thở khi nghỉ ngơi, nhịp tim không đều hoặc đau ngực, bạn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh khi tập thể dục.

Ngoài thở chúm môi, các bài tập thở khác cũng có thể hữu ích trong khi phục hồi sức khỏe sau COVID-19. Một phân tích từ nhiều nghiên cứu của các bác sỹ đã phát hiện ra rằng khí công cũng là một môn luyện tập sử dụng hơi thở sâu và chuyển động chậm, cải thiện chức năng phổi và tăng dung tích phổi ở bệnh nhân COVID-19. 

Khí công thở bụng (thở cơ hoành)

Bạn có thể thực hiện bài tập này khi ngồi hoặc nằm.

  • Thư giãn cơ mặt, cổ, hàm và vai.
  • Đặt đầu lưỡi phía sau răng cửa trên.
  • Duỗi thẳng lưng.
  • Nhắm mắt lại.
  • Hít thở bình thường trong vài phút.
  • Đặt một tay lên ngực và một tay ở bụng dưới.
  • Hít thở sâu bằng mũi, cảm nhận lồng ngực và xương sườn nở ra khi hít vào. Bụng của bạn phải giãn rộng ra ngoài so với bàn tay của bạn.
  • Thở ra, cảm nhận thấy bụng nhẹ nhàng co vào trong.
  • Hít thở chậm và sâu theo các bước trên này từ 9 đến 10 lần.

Các bài tập thở tốt nhất nếu bạn bị COVID dai dẳng  

Bệnh nhân COVID -19 dai dẳng là người bị COVID mãn tính. Nếu bạn là người mắc bệnh dai dẳng, bạn có thể tiếp tục có các triệu chứng trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng này khác nhau nhưng có thể bao gồm: 

  • Hụt hơi
  • Khó thở
  • Không có khả năng tập thể dục
  • Chứng sương mù não
  • Ho
  • Giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác
  • Đau nhức cơ hoặc khớp
  • Đau ngực
  • Đau đầu
  • Thỉnh thoảng sốt 

Các bài tập thở có thể giúp cải thiện chức năng phổi ở những người mắc bệnh dai dẳng. Chúng cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo âu kéo dài do các triệu chứng COVID gây ra. 

Ngáp để cười

Bài tập thở này mở ra các cơ ở ngực, cho phép cơ hoành mở rộng hoàn toàn. Nó cũng tăng cường sức mạnh cho cánh tay và cơ vai.

Đây là cách thực hiện bài tập này: 

  • Ngồi thẳng lưng với tư thế thẳng.
  • Duỗi thẳng và nâng cánh tay lên ngang bằng vai. Bạn sẽ cảm thấy các cơ ở lưng căng ra.
  • Trong khi cánh tay của bạn ngang vai, hãy mở rộng miệng như thể bạn đang ngáp.
  • Đưa cánh tay của bạn trở lại để đặt trên đùi của bạn, trong khi chuyển ngáp của bạn thành một nụ cười.

Tạo âm thanh “hmmmmmm”

Tiếng “hmmmmmm”, tương tự như tụng kinh “om” trong yoga, có thể giúp kéo oxy vào phổi trong mỗi nhịp thở. Bài tập tạo âm thanh “hmmmmmm” cũng  giúp làm giảm căng thẳng duy trì sự phục hồi. 

Dưới đây là các bước cho bài tập này:

  • Ngồi thẳng lưng với tư thế thẳng.
  • Đặt mỗi tay lên hai bên bụng dưới của bạn.
  • Giữ môi của bạn khép lại và nhẹ nhàng đặt lưỡi lên vòm miệng.
  • Hít thở sâu và chậm bằng mũi, giữ cho môi của bạn khép lại và lưỡi của bạn ở vị trí.
  • Cho phép các ngón tay của bạn dang rộng trên bụng khi bụng mở rộng.
  • Giữ vai của bạn được thoải mái. Đừng để chúng vượt lên.
  • Một khi phổi của bạn cảm thấy đầy, hãy thở ra trong khi ngâm nga “hmmmmmmmmm”. Đảm bảo giữ cho đôi môi của bạn luôn đóng lại.
  • Lặp lại trong vài nhịp thở. 

Tiên lượng của những người sử dụng các kỹ thuật thở này là gì? 

Hầu hết những người mắc COVID-19 đều hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần. Các trường hợp mắc COVID nghiêm trọng có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để khỏi hoàn toàn.

Cho dù bạn có bị các biến chứng như viêm phổi hay phải đặt máy thở hay không thì việc tái tạo lại dung tích phổi có thể giúp bạn hồi phục sức khỏe  nhanh hơn.

Các bài tập thở làm từng nhịp thở trở nên sâu hơn, cải thiện quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide trong phổi. Điều này cải thiện tổng thể dung tích phổi.

Các bài tập thở cũng tạo ra cảm giác bình tâm - một yếu tố có giá trị trong việc phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn đang sử dụng các bài tập thở để hỗ trợ quá trình phục hồi thì đừng quá nóng vội. Bạn có thể phải bắt đầu từ từ và lặp lại nhiều lần trong quá trình điều trị.

Tập thể dục nhịp điệu cũng có thể giúp cải thiện đáng kể sức khoẻ của phổi. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng hãy tập một cách từ từ và không lạm dụng phương pháp này.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!