Viêm gan A, B và C: Những điều cần biết về mỗi loại

Viêm gan là tình trạng xảy ra khi gan có phản ứng viêm trước các tác nhân khác nhau bao gồm nội sinh và ngoại sinh như vi rút, tình trạng tự miễn, rượu,...

Ba loại vi rút gây viêm gan phổ biến đó là:

  • Vi rút viêm gan A
  • Vi rút viêm gan B
  • Vi rút viêm gan C

Các loại vi rút này gây ra những bệnh viêm gan khác nhau, đường lây truyền vi rút cũng khác nhau. Một số vi rút chỉ gây viêm gan trong một thời gian ngắn (cấp tính), trong số đó một số loại khác có thể gây ra tình trạng viêm gan kéo dài (mãn tính).

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích sự khác biệt giữa viêm gan A, B và C một cách chi tiết hơn.

Viêm gan siêu vi là gì?

Viêm gan siêu vi là tình trạng gây viêm gan do cơ thể nhiễm vi rút viêm gan,  vi rút di chuyển đến gan, xâm nhập vào các tế bào gan và bắt đầu nhân lên, gây phá huỷ tế bào gan, gây ra phản ứng miễn dịch của cơ thể. Sự tấn công của các vi rút cũng như phản ứng viêm đều góp phần làm tổn thương tế bào gan.

Gan bị tổn thương có thể làm giảm chức năng gan, do đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này là do gan có một số chức năng quan trọng đối với cơ thể, bao gồm:

  • Loại các chất độc nội sinh và ngoại sinh trong cơ thể
  • Sản xuất mật giúp cho quá trình tiêu hoá
  • Tạo ra các protein quan trọng trong máu, bao gồm cả yếu tổ đông máu
  • Dự trữ glucose dưới dạng glycogen, có thể được sử dụng để tạo năng lượng khi cần thiết
  • Tổng hợp các yếu tố của hệ thống miễn dịch để chống lại nhiễm trùng

Các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi


Triệu chứng của viêm gan do vi rút (Nguồn ảnh: https://www.vectorstock.com)

Các triệu chứng của bệnh viêm gan A, B và C đều khá giống nhau, bao gồm:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau ở vùng hạ sườn phải
  • Đau khớp
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tiêu chảy (thường chỉ với viêm gan A)
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Vàng da hoặc mắt
  • Nước tiểu đậm màu
  • Phân nhạt màu đất sét (trắng xám)

Tuy nhiên, có thể nhiễm vi rút viêm gan mà không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Do đó, một số người không biết rằng họ bị viêm gan siêu vi.

Viêm gan A

Viêm gan A do vi rút viêm gan A (Hepatitis A virus - HAV) gây ra.

Các khu vực trên thế giới nơi bệnh viêm gan A phổ biến hơn bao gồm:

  • Châu Phi
  • Châu Á
  • Trung Mỹ và Nam Mỹ
  • Đông Âu
Tỉ lệ nhiễm viêm gan A trên thế giới (Nguồn ảnh: http://www.virology-online.com)

Đường lây truyền

Video Bệnh viêm gan A lây truyền qua đường nào?

HAV có thể có trong phân và máu của người nhiễm vi rút, chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hoá.

  • Ăn thức ăn do người bị viêm gan A chế biến mà không rửa tay sau khi đi vệ sinh
  • Uống nước không được xử lý, bị nhiễm vi rút
  • Ăn thực phẩm được rửa hoặc chế biến bằng nước chưa qua xử lý
  • Ăn động vật có vỏ nấu chưa chín có nguồn gốc từ nước bị nhiễm vi rút
  • Tiếp xúc với các vật bị nhiễm vi rút, chẳng hạn như nhà vệ sinh và khu vực thay tã và sau đó không rửa tay

Tiếp xúc giữa người với người với người bị viêm gan A như chăm sóc một người hiện đang bị bệnh hay quan hệ tình dục với người đang nhiễm vi rút.

Diễn biến bệnh

Thời gian ủ bệnh của viêm gan A có thể từ 15 đến 50 ngày (trung bình là 28 ngày). Sau thời gian này, các triệu chứng có thể xuất hiện hoặc không. Không giống như viêm gan B và C, viêm gan A chỉ gây bệnh cấp tính và không để lại di chứng.

Yếu tố nguy cơ

  • Những người đi du lịch đến các khu vực trên thế giới nơi bệnh viêm gan A phổ biến
  • Quan hệ tình dục đồng giới nam - nam
  • Những người sử dụng chất gây nghiện (cả đường tiêm và không tiêm)
  • Người chăm sóc cho những người bị viêm gan A
  • Những người vô gia cư
  • Tiếp xúc với người từ vùng tỉ lệ nhiễm viêm gan A cao

Điều trị

Viêm gan A được điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi, ăn đồ ăn lỏng và thực phẩm lành mạnh. Thuốc cũng có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng như sốt, đau nhức.

Vắc-xin viêm gan A được khuyến cáo cho trẻ em và những người có nguy cơ nhiễm vi rút cao.

Ngoài ra, tiêm một liều vắc-xin viêm gan A trong vòng 2 tuần sau khi có yếu tố nguy cơ có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm bệnh.

Tiên lượng

Hầu hết những người bị viêm gan A tự khỏi mà không có bất kỳ biến chứng nào. Một khi đã bị viêm gan A, sẽ không thể bị lại nữa. Các kháng thể chống lại virus sẽ bảo vệ cơ thể suốt đời.

Một số người nguy cơ viêm gan A nghiêm trọng hơn bao gồm: 

  • Người cao tuổi
  • Người nhiễm HIV
  • Những người đã mắc bệnh gan

Viêm gan B

Viêm gan B do vi rút viêm gan B (hepatitis B virus - HBV) gây ra. Bạn có thể bị nhiễm HBV khi tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị viêm gan B. Một số trường hợp có thể gây lây nhiễm bao gồm: 

  • Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
  • Dùng chung bơm kim tiêm
  • Được sinh ra khi người mẹ mắc bệnh viêm gan B
  • Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc vết loét hở của người bị viêm gan B
  • Bị thương do vật sắc nhọn
  • Dùng chung các vật dụng cá nhân có thể tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác, chẳng hạn như dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc đồ cắt móng tay

Thời gian ủ bệnh của viêm gan B có thể từ 60 đến 150 ngày (trung bình là 90 ngày). Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh viêm gan B cấp tính cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng.

Khoảng 95% người mắc viêm gan B có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Số còn lại có thể trở thành mãn tính. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mãn tính cao nhất ở những người tiếp xúc với HBV khi còn nhỏ. Nhiều người bị viêm gan B mãn tính không có triệu chứng cho đến khi tổn thương gan đáng kể.

Ở một số người đã bị viêm gan B, vi rút có thể tái hoạt động sau này. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng của tổn thương gan có thể xuất hiện. Những người suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc đang điều trị viêm gan C có nguy cơ tái hoạt động HBV cao hơn.

Các đối tượng có nguy cơ nhiễm HBV cao hơn:

  • Bạn tình của người bị viêm gan B
  • Nam quan hệ tình dục đồng giới
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B
  • Những người sử dụng thuốc tiêm
  • Những người có nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với HBV
  • Những người được lọc máu

Điều trị

Tương tự như viêm gan A, điều trị viêm gan B chủ yếu là điều trị triệu chứng. Một số loại thuốc có tác dụng kháng vi rút như: 

  • Entecavir (Baraclude)
  • Tenofovir alafenamide (Vemlidy)
  • Tenofovir disoproxil fumarate (Viread)

Những người bị viêm gan B mãn tính cần thăm khám định kỳ để phát hiện dấu hiệu tổn thương gan hoặc ung thư gan.

Vắc xin phòng viêm gan B được nên được tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm HBV cao.

Tiên lượng

Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng và thường nhẹ. Bệnh biểu hiện nặng hơn thường ở người lớn tuổi.

Người bệnh bị viêm gan B mãn tính có nguy cơ cao hơn phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Tuy nhiên, khi HBV được chẩn đoán và điều trị sớm, khả năng xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng sẽ thấp hơn.

Viêm gan C

Viêm gan C do vi rút viêm gan C (hepatitis C virus - HCV) gây ra.

HCV được truyền qua máu và các chất dịch cơ thể có chứa máu. Một số tình huống có thể truyền bệnh như:

  • Dùng chung bơm kim tiêm
  • Được sinh ra khi người mẹ mắc bệnh viêm gan C
  • Quan hệ tình dục với người bị viêm gan C
  • Xỏ lỗ hoặc hình xăm bằng thiết bị đã được sử dụng lại hoặc chưa được khử trùng đúng cách
  • Bị thương kim đâm hoặc vật nhọn
  • Dùng chung các vật dụng cá nhân có thể tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác, chẳng hạn như dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc đồ cắt móng tay
  • Nhận máu, sản phẩm máu hoặc nội tạng của người hiến không được sàng lọc viêm gan C
Đường lây truyền của HBV và HCV(Nguồn ảnh: https://medicoinfo.org/wp-content)

Thời gian ủ bệnh trung bình của viêm gan C là từ 14 đến 84 ngày nhưng có thể kéo dài đến 182 ngày. Một số người chỉ trải qua một đợt bệnh cấp tính, sau đó cơ thể tự loại bỏ được hết vi rút. Giống như bệnh viêm gan B, bệnh viêm gan C cũng có thể tiến triển thành một dạng bệnh mãn tính. Nhiều người bị viêm gan C mãn tính không có triệu chứng, trong khi một số người có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi hoặc cảm giác trầm cảm.

Những người bị viêm gan C mãn tính có thể phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan sau nhiều năm mắc bệnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiến triển thành xơ gan bao gồm:

  • Trên 50 tuổi
  • Nam
  • Uống rượu
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Mắc một bệnh gan khác

Yếu tố nguy cơ

  • Người tiêm chích ma tuý
  • Người nhiễm HIV
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị HCV
  • Những người có nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp với HCV (ví dụ: nhân viên y tế,...)
  • Những người đã được lọc máu
  • Những người được truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng mà người hiến chưa được sàng lọc viêm gan C
  • Những người đã nhận được các yếu tố đông máu mà người hiến chưa được sàng lọc viêm gan C

Điều trị

Thuốc kháng vi rút được khuyến cáo điều trị cho cả viêm gan C cấp tính và mãn tính. Một đợt điều trị kháng vi-rút HCV thường bao gồm 8 đến 12 tuần. Thuốc dùng qua đường uống. Một số thuốc kháng vi-rút được sử dụng để điều trị viêm gan C bao gồm:

  • Daclatasvir (Daklinza)
  • Elbasvir/ grazoprevir (Zepatier)
  • Ledipasvir/ sofosbuvir (Harvoni)
  • Simeprevir (Olysio)
  • Sofosbuvir (Sovaldi)

Khoảng hơn 90% người bị HCV có thể loại bỏ được vi rút bằng một đợt điều trị thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, vẫn có thể mắc lại HCV sau khi hoàn thành điều trị.

Hiện không có vắc xin chủng ngừa HCV.

Tiên lượng

Khi bị nhiễm HCV, một số trường hợp có thể tự khỏi. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan C mãn tính.

Bất kể là cấp tính hay mãn tính, viêm gan C đều có thể điều trị được bằng thuốc kháng vi rút. Chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương gan xảy ra.

Bảng so sánh viêm gan A, B và C

Đặc điểm so sánh

Viêm gan A

Viêm gan B

Viêm gan C

Đường truyền

Tiêu hoá

Máu và dịch tiết

Máu

Thời gian ủ bệnh

15-50 ngày

60-150 ngày

14-84 ngày

Cấp và mạn tính

Chỉ biểu hiện cấp tính

Có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Hầu hết người lớn tự khỏi nhưng trẻ em nhiễm HBV có nhiều khả năng tiến triển thành viêm gan B mãn tính.

Có thể là cấp tính hoặc mạn tính, hơn một nửa số người nhiễm vi rút sẽ phát triển thành bệnh viêm gan C mãn tính.

Điều trị

Điều trị triệu chứng

Cấp: điều trị triệu chứng.

Mạn: có thể dùng thuốc kháng vi rút.

Một đợt thuốc kháng vi-rút có thể loại bỏ vi-rút trong hầu hết trường hợp.

Vắc xin

Không


Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!