Video viêm da tuyến bã da đầu "cứt trâu" trẻ em
Ở trẻ sơ sinh, tình trạng viêm da tiết bã chủ yếu gặp trên da đầu và được dân gian gọi là “cứt trâu”, hay nắp nôi. Nó thường xuất hiện trong vài tuần đầu tiên sau khi trẻ chào đời và dần biến mất trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ về các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm da tiết bã.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây nên viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định chắc chắn. Nhưng các bác sĩ tin rằng có hai yếu tố chính góp phần vào sự xuất hiện của tình trạng này.
Yếu tố đầu tiên là do lượng dầu được sản xuất ra quá nhiều. Lượng dầu dư thừa trên da có thể đóng vai trò như một tác nhân gây kích ứng, khiến da trở nên nhờn và ửng đỏ.
Yếu tố góp phần thứ hai là Malassezia - một loại nấm được tìm thấy trong dầu tiết trên da. Đôi khi, chúng có thể sinh sôi nảy nở một cách bất thường, khiến da sinh phản ứng viêm và tiết nhiều dầu hơn bình thường, từ đó có thể dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã.
Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh do những thay đổi nội tiết tố ở người mẹ trong lúc mang thai. Nồng độ hormone dao động được cho là có thể kích thích các tuyến tiết dầu ở trẻ sơ sinh, dẫn đến sản xuất quá nhiều dầu.
Viêm da tiết bã là một bệnh lý về da cần được điều trị liên tục. Trao đổi với bác sĩ, xây dựng một thói quen chăm sóc da hợp lý, học cách nhận biết và loại bỏ các yếu tố kích thích có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả.
Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã có thể trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố khác nhau, như căng thẳng, thời tiết giao mùa và uống nhiều rượu. Các loại triệu chứng biểu hiện ra ở mỗi người có thể không giống nhau và chúng cũng có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Các khu vực bị ảnh hưởng
Như đã nói ở trên, bệnh viêm da tiết bã có xu hướng phát triển ở những vùng da nhờn trên cơ thể. Nó thường ảnh hưởng nhiều nhất đến da đầu, nhưng đồng thời cũng có thể xảy ra ở những khu vực sau:
- Trong và xung quanh tai
- Lông mày
- Mũi
- Lưng
- Ngực trên
Đặc điểm hình thái
Viêm da tiết bã đặc trưng với sự xuất hiện của các triệu chứng:
- Da đóng vảy và bong ra. Các vảy này có màu trắng hoặc hơi vàng, thường được gọi là gàu, chủ yếu xuất hiện ở da đầu, tóc, lông mày hoặc râu.
- Da nổi các mảng ban đỏ. Đó là những mảng da dày đóng vảy gồ lên, rắn chắc, có thể chuyển sang màu vàng và nhờn dính trong những trường hợp nặng.Da ở khu vực bị tổn thương có xu hướng trở nên nhờn hơn, ngứa và ửng đỏ. Lông và tóc ở các khu vực này cũng có thể bị rụng.
Các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã có nhiều điểm tương tự như các triệu chứng của một số bệnh về da khác, như bệnh Rosacea và vẩy nến.
Đặc điểm bệnh viêm da tiết bã trên từng bộ phận cụ thể
Da đầu
Da đầu và chân tóc thường bị ảnh hưởng, với các triệu chứng từ có gàu nhẹ đến các mảng da khô dày.
Gàu là biểu hiện chung của bệnh viêm da tiết bã và có thể xuất hiện dưới dạng những mảng da chết nhỏ, mịn. Nó có thể dễ dàng được nhìn thấy trên tóc của bạn hoặc trên quần áo tối màu.
Trong trường hợp nặng, bạn có thể bắt gặp những mảng da đỏ đóng vảy dày nổi gồ lên và mọc khắp da đầu. Nếu không được điều trị, mảng bám có thể dày lên, có màu vàng và nhờn, từ đây nhiễm trùng thứ phát có thể xảy ra.
Trên mặt
Trên mặt, viêm da tiết bã thường gặp ở những nơi có nhiều lông - như lông mày, lông mi, ria mép và râu. Nó cũng có thể xuất hiện trên trán, ống tai ngoài, các nếp gấp sau tai, xung quanh miệng và mũi của bạn.
Viêm da tiết bã trên mặt có thể làm cho da nổi mẩn đỏ, sưng tấy và bóng nhờn. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, da có thể đóng vảy trắng hoặc vàng.
Thân người và bụng
Viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện trên thân người. Nó thường phát triển xung quanh các nếp gấp da như rốn, bẹn, nách, cũng như bên dưới vú và ở các nếp gấp da xung quanh bộ phận sinh dục. Tăng tiết bã nhờn thường phân bố đối xứng hai bên cơ thể.
Ngoài ra, viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện ở lưng và cổ.
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã?
Các bác sĩ hiện chưa tìm ra được lý do chắc chắn tại sao một số người bị viêm da tiết bã trong khi những người khác thì không. Nhưng có vẻ như nguy cơ xuất hiện tình trạng này ở bạn sẽ tăng lên nếu một thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh.
Các yếu tố khác được cho là làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Béo phì
- Thói quen chăm sóc da kém
- Căng thẳng
- Ô nhiễm môi trường
- Có các vấn đề về da khác, như mụn trứng cá
- Sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da nhất định, đặc biệt là những sản phẩm có chứa cồn. Dùng chất tẩy rửa mạnh, xà phòng, hóa chất
- Mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như HIV hoặc bệnh Parkinson
- Thời tiết lạnh, khô
- Dùng một số loại thuốc bao gồm psoralen, interferon và lithium
- Thay đổi nội tiết tố
Làm thế nào để chẩn đoán?
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng thể và kiểm tra cẩn thận các khu vực da bị tổn thương, đồng thời hỏi bạn về tính chất các triệu chứng.
Sinh thiết da cũng có thể cần được thực hiện trước khi đi tới được chẩn đoán. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ lấy đi một ít tế bào da ở vùng bị ảnh hưởng, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả sinh thiết sẽ giúp loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Điều trị
Điều trị tại nhà
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên thử các biện pháp điều trị tại nhà trước khi xem xét các phương pháp điều trị y tế.
Dầu gội có tác dụng trị gàu thường được sử dụng để điều trị viêm da tiết bã trên da đầu. Chúng thường cần được sử dụng hàng ngày để mang lại kết quả tối ưu. Hãy đảm bảo làm theo tất cả các hướng dẫn trên sản phẩm một cách cẩn thận.
Bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp tại nhà khác như:
- Sử dụng kem chống nấm và giảm ngứa không kê đơn
- Sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa không gây dị ứng
- Chú ý xả kĩ xà phòng và dầu gội khỏi da và da đầu
- Cạo râu hoặc ria mép thường xuyên
- Mặc quần áo cotton rộng rãi để tránh kích ứng da
Gặp bác sĩ
Không phải tất cả các trường hợp viêm da tiết bã đều có thể được kiểm soát chỉ thông qua việc sử dụng dầu gội trị gàu và thuốc không kê đơn. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn:
- Dùng dầu gội trị gàu thông thường không có hiệu quả
- Có những khu vực da rất đỏ
- Có những vùng da rất đau
- Da tiết mủ, chảy dịch hoặc đóng vảy
- Đang thấy khó chịu ở một mức độ đáng kể và cảm thấy cần đến sự trợ giúp về y tế
- Tình trạng “cứt trâu” ở trẻ trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.
Bác sĩ có thể gợi ý cho bạn một số lựa chọn sau:
- Dầu gội và thuốc mỡ có chứa hydrocortisone, fluocinolone hoặc desonide. Những loại thuốc này có thể được bôi trực tiếp lên khu vực bị ảnh hưởng. Mặc dù rất có hiệu quả trong việc điều trị, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài.
- Trong một số trường hợp, thuốc chống nấm sẽ được chỉ định. Nhưng loại thuốc này thường không được khuyến khích vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm dị ứng và các vấn đề tại gan.
- Metronidazole là một loại thuốc khác có thể làm giảm các triệu chứng nhờ tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Loại thuốc này có cả dạng kem và dạng gel. Bạn có thể thoa nó lên da một hoặc hai lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.
- Sử dụng kết hợp psoralen và liệu pháp ánh sáng để giúp kiểm soát các triệu chứng. Psoralen có thể được dùng bằng đường uống hoặc bôi trực tiếp lên da. Sau khi uống hoặc bôi psoralen, vùng da bị tổn thương sẽ được chiếu tia cực tím trong một thời gian ngắn.
Cứt trâu ở trẻ sơ sinh
Tình trạng này ở trẻ sơ sinh thường không cần điều trị y tế và thường biến mất trong vòng 6 tháng. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể thử áp dụng một số thói quen sau đây mỗi ngày để giúp giảm bớt các triệu chứng cho trẻ:
- Cạo nhẹ các mảng vảy bằng cách xoa bóp da đầu của trẻ hoặc dùng một chiếc bàn chải lông mềm
- Gội đầu cho trẻ bằng dầu gội có hoạt tính nhẹ. Sau đó xả sạch tóc và da đầu
- Chải tóc cho trẻ bằng bàn chải sạch, lông mềm
- Nếu cảm thấy khó tẩy và rửa sạch vảy, hãy xoa bóp da đầu của trẻ với một chút dầu ô liu trước khi gội đầu.
Hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại kem chống nấm hoặc cortisone không kê đơn nào. Một số có thể gây độc cho trẻ sơ sinh khi chúng được hấp thụ qua da. Bên cạnh đó, các loại dầu gội trị gàu có chứa axit salicylic cũng thường không được khuyên dùng cho trẻ sơ sinh.
Tiên lượng xa
Viêm da tiết bã là một tình trạng mãn tính, vì vậy bạn có thể cần phải đối phó với nó ở một mức độ nào đó trong suốt phần đời còn lại của mình. Bạn có thể trải qua một thời gian dài với ít hoặc không có triệu chứng, và thi thoảng các đợt bùng phát có thể xuất hiện.
Dần dần, bạn sẽ xác định được một quy trình chăm sóc da phù hợp với bản thân và giảm thiểu tác động của tình trạng viêm da. Học cách nhận biết và loại bỏ các yếu tố kích thích cũng sẽ giúp bạn kiểm soát viêm da tiết bã hiệu quả hơn. Thông thường nó sẽ không dẫn đến bất kỳ một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hay một biến chứng nào khác.
Hiện tượng cứt trâu ở trẻ sơ sinh thường tự biến mất mà không cần điều trị trong vòng 6 tháng.
Xem thêm: