Vì sao thử thai âm tính nhưng vẫn không có kinh?

Trước đây, phụ nữ không có bất kì phương pháp thử thai đáng tin cậy nào ngoài việc đến khám bác sĩ. Mãi cho đến khi que thử thai đầu tiên được phát minh vào năm 1976, phụ nữ mới có thể tự mình thử thai.

Video: Hướng dẫn cách thử thai tại nhà

Nhưng bất chấp những tiến bộ của công nghệ thì các vấn đề về chu kì kinh nguyệt của phụ nữ vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn.

Họ có thể bị chậm kinh hoặc mất kinh nhưng que thử thai vẫn chỉ cho ra kết quả âm tính. Trong những trường hợp này, họ thường phân vân không biết liệu mình có mang thai hay không, hoặc có điều gì đó không ổn hay không?

Dưới đây là một số lý do mà bạn có thể bị chậm kinh trong khi thử thai vẫn âm tính:

Nồng độ hormon thấp

Nếu bạn đang cố gắng để mang thai thì đây có thể là một tin tốt bởi vì có thể bạn vẫn có thai. Đôi khi, nồng độ của hormon thai nghén HCG trong giai đoạn sớm của thời kì mang thai vẫn chưa tăng đủ cao để que thử thai tại nhà có thể phát hiện ra.

Một nghiên cứu cho thấy rằng que thử thai tại nhà chỉ phát hiện chính xác được có thai khoảng 99% khi nồng độ HCg trong nước tiểu đạt trên 25mIU/mL. Các tác giả của một nghiên cứu năm 1991 đã tính toán được rằng để que thử phát hiện được 95% trường hợp mang thai thì nồng độ HCG tối thiểu là 12.4mIU/mL. Nhưng không phải tất cả các que thử tại nhà đều có đủ độ nhạy để làm được như vậy.

Chu kì kinh nguyệt của mỗi người có thể rất khác nhau, nhưng nếu bạn thụ thai ở giai đoạn muộn của chu kì kinh thì có thể nồng độ hormon của bạn vẫn chưa đủ cao kể cả khi bạn đã chậm kinh

Ngày rụng trứng có thể có sự chênh lệch đến 13 ngày, điều đó có nghĩa là bạn có thể nghĩ rằng mình mang thai 4 tuần, trong khi thực tế chỉ mới có 2 tuần. Những yếu tố như ra máu khi mang thai, sử dụng các thuốc tránh thai nội tiết tố hoặc đang cho con bú đều có thể cản trở việc xác định chính xác ngày rụng trứng của bạn.

Nếu bạn nghĩ mình có thai sau khi trễ kinh mà que thử âm tính, bạn hãy thử lại 1 lần nữa sau vài ngày. Nếu bạn tiếp tục chậm kinh, hãy đến gặp bác sĩ ngay để xác định các bệnh lý liên quan khác.

Chửa ngoài tử cung

Thực tế rất hiếm khi chửa ngoài tử cung có thể cho kết quả âm tính trên que thử thai. Con số này chỉ khoảng 3 % các trường hợp mang thai ngoài tử cung.

Bạn cần phải đến các cơ sở y tế khi que thử thai âm tính nhưng có các biểu hiện sau:

  • Đau dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc ở một bên
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Chảy máu ít hoặc lấm tấm
  • Buồn nôn và ói mửa

 Chửa ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở vị trí khác buồng tử cung (nguồn: https://hongngochospital.vn/)

Chửa ngoài tử cung là tình trạng thai làm tổ ở vị trí khác buồng tử cung (nguồn: https://hongngochospital.vn/)

Lối sống hằng ngày

Một số yếu tố ngoại cảnh có thể làm thay đổi chu kì kinh nguyệt của bạn, chằng hạn như căng thẳng cũng có thể dẫn đến chậm kinh. Ngoài ra còn có suy dinh dưỡng, hay thói quen uống quá nhiều cafein, hoặc ăn uống không đủ chất

Việc thay đổi lối sống đột ngột, ví dụ như tập thể dục cường độ cao hoặc làm việc thâu đêm cũng có thể khiến kinh nguyệt của bạn không đều.

Đang cho con bú

Trong giai đoạn cho con bú, kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi bất thường. Ngay cả khi bạn đã sinh con và đã có kinh trở lại thì bạn vẫn cần một khoảng thời gian để chu kì của bạn trở lại bình thường.

Việc cho con bú đôi khi cũng không thể đoán trước được, bởi vì khi trẻ lớn lên thì việc bú mẹ của chúng cũng thay đổi, ví dụ như khi con bạn đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và phải tăng tần suất bú đêm. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt.

Hình ảnh minh họa chia sẻ từ https://raisingchildren.net.au/

Giai đoạn cho con bú có thể gây một số thay đổi.

Tình trạng bệnh tật

Một số bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc các vấn đề tuyến giáp có thể khiến kinh nguyệt thất thường và chậm kinh. Một số người có thể rong kinh hoặc thiểu kinh, thậm chí là vô kinh.

Thời kì mãn kinh ở phụ nữ thường bắt đầu từ khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, ở một số người nó có thể bắt đầu sớm hơn, có khi là trước tuổi 40. Nếu bạn bị chậm kinh trong vòng 90 ngày và que thử thai vẫn âm tính, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình.

Thuốc

Thuốc tránh thai có thể gây ra những bất thường với chu kì kinh của bạn. Một số loại thuốc khác như thuốc huyết áp hoặc dị ứng có thể làm bạn bị chậm kinh

Điều cần làm tiếp theo

Có thể có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc kết quả thử thai âm tính mặc dù bạn bị chậm kinh. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với một số bệnh lý chưa được chẩn đoán như buồng trứng da nang, hoặc có thể vấn đề chỉ là do lối sống hay căng thẳng quá mức gây ra. Sau khi thấy que thử âm tính, bạn nên thử lại một lần nữa sau đó vài ngày hoặc 1 tuần. Nếu kết quả âm tính lần hai mà bạn vẫn chưa có kinh, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Giải đáp thắc mắc

Câu hỏi: Có nên cho bác sĩ biết về việc bị chậm kinh dù không mang thai không?

Bác sĩ Euna Chi : Chậm kinh có thể do nhiều yếu tố gây ra, trong đó một số nguyên nhân chỉ tạm thời và một số thì kéo dài hơn. Nếu gặp phải tình trạng không có kinh trong vòng 3 tháng thì nên báo cho bác sĩ biết vấn đề này. Có thể bác sĩ sẽ cần kiểm tra sâu hơn và chẩn đoán một số bệnh lý tiềm ẩn gây ra vấn đề này cũng như xác định xem bạn có thật sự mang thai hay không.

Câu trả lời trên chỉ đại diện cho ý kiến của chuyên gia y tế. Tất cả nội dung chỉ mang tính chất cung cấp thông tin và không được coi là chỉ định chuyên khoa.

Xem thêm : 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!