Vai trò của khẩu trang trong đại dịch

Năm 1910, 10.000 thợ săn đã đổ xô vào một khu vực phía đông bắc Trung Quốc nằm trên biên giới với Nga. Họ đang tìm kiếm một loài động vật có tên là rái cá cạn, nhà của nó ở trong các hang ngầm và có giá trị cao nhờ lớp da của nó.

Lông thú là loại thời trang cao cấp ở châu Âu. Các thợ buôn Đức gần đây đã nghĩ ra cách nhuộm lông rái cá để chúng trông như lông chồn nâu và lông chồn Zibelin đắt tiền hơn nhiều để kiếm lời. Giá rái cá cạn tăng gấp bốn lần, khiến hàng loạt người nước ngoài lùng sục khắp các khu rừng ở Mãn Châu để tìm loài gặm nhấm có kích thước to bằng máy nướng bánh mì, vốn là họ hàng của sóc.

Những thợ săn này là lý do ngày nay tất cả chúng ta đều đeo khẩu trang.

Thay vì làm theo các phương pháp truyền thống của những thợ săn rái cá cạn lành nghề, những người mới đến thiếu kinh nghiệm đã đào những con vật ra khỏi hang ngầm của chúng. Các nhà sử học tin rằng phương pháp này đã khiến các thợ săn tiếp xúc với những con vật bị nhiễm vi khuẩn Yersinia pestis, vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch - một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất cho con người. 

Ngay sau đó, những người thợ săn bắt đầu chết hàng loạt, nôn ra máu và chuyển sang màu tím. Bệnh tiến triển nhanh và hầu hết bệnh nhân đều tử vong trong vòng 2 ngày (các hồ sơ ghi chép chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp sống sót). Không ai biết làm sao để ngăn nó lại nên bệnh nhanh chóng lan rộng.

Khi các thi thể bắt đầu chất đống trên các đường phố của thị trấn Cáp Nhĩ Tân, Hoàng đế Trung Hoa đã cử một bác sĩ 32 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Cambridge, Anh –Ngũ Liên Đức đến giải quyết tình hình. Ông là người đàn ông Trung Quốc đầu tiên theo học tại trường y khoa danh tiếng. Ông đã mang y học phương Tây đến thị trấn biên giới, một trong những điểm dừng cuối cùng trên tuyến đường sắt xuyên Siberia mới được xây dựng, nơi đã mở rộng giao thương giữa châu Á và châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dịch bệnh sẽ theo đường sắt lan đi rất nhanh. 

Bác sĩ Ngũ Liên Đức- ảnh CNN

Bác sĩ Ngũ Liên Đức- ảnh CNN

Sau khi đến vào đêm Giáng sinh năm 1910. Ông nhanh chóng thực hiện khám nghiệm tử thi một trong những nạn nhân mới nhất. Bản thân việc khám nghiệm tử thi đã là một hành động báng bổ (nhưng tiến bộ) vì nó vi phạm tín ngưỡng truyền thống về cách chăm sóc người chết. Để giải quyết vấn đề, ông phải thuyết phục một người đàn ông địa phương cho ông khám nghiệm thi thể của người vợ đã chết của anh ta, người Nhật Bản. Khám nghiệm tử thi cho thấy căn bệnh này đã ăn thủng phổi và vi khuẩn dịch hạch trong phổi của bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên có người nhìn thấy bệnh dịch hạch thể phổi, hay bệnh dịch hạch phổi.

Không giống như các đợt dịch hạch trước đây, được truyền sang người do vết cắn của bọ chét bị nhiễm bệnh, bệnh này lây từ người sang người. Ông Đức nhận ra nó đang truyền trong không khí, trong các giọt bắn từ hơi thở. Ông kêu gọi mọi người che mặt và ông yêu cầu các nhân viên y tế và những người đào mộ quấn khuôn mặt của mình trong nhiều lớp bông và gạc để lọc bỏ vi khuẩn, tạo ra tiền thân của mặt nạ lọc hạt N95 hiện đại. 

Không phải ai cũng tin vào giả thuyết của ông. Một bác sĩ nổi tiếng người Pháp và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với bệnh dịch hạch đã đến Cáp Nhĩ Tân và mặc lời cảnh báo của người đồng nghiệp trẻ Ngũ Liên Đức, bác sĩ này từ chối đeo khẩu trang khi điều trị bệnh nhân. Và việc ông ta chết vì dịch hạch vài ngày sau đó đã thu hút sự chú ý lớn của quốc tế.

Sau đó, tất cả mọi người đều đeo khăn che mặt của Đức. Thậm chí thiết kế của Đức đã chiến thắng  một cuộc thi thiết kế quốc tế về khẩu trang. 

Jeremy Howard, nhà khoa học dữ liệu và nhà nghiên cứu tại Đại học San Francisco tình cờ nghe được câu chuyện của Đức khi anh ấy dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về khẩu trang vào đầu năm 2020. Howard cho rằng vụ việc trên đã khiến cả thế giới chú ý để rồi từ đó khẩu trang trở thành một phần quan trọng khi đối phó với các đại dịch về hô hấp.

“Thật thú vị khi biết thiết kế của ông ấy hiệu quả như thế nào. Những thứ chúng ta đang tìm hiểu hoặc đang bắt đầu tìm hiểu lại là những gì ông và nhóm của mình đã tìm ra  từ những năm đầu của thế kỷ 20. Có thể nói rằng ông ấy đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu với các dịch bệnh hô hấp, ”Howard chia sẻ thêm.

Đợt bùng phát đã giết chết hơn 60.000 người trong 4 tháng. Vào tháng 3 năm 1911, dịch bệnh đã được kiểm soát và bác sĩ Ngũ Liên Đức được khắp nơi ca ngợi vì những nỗ lực của mình trong việc sử dụng khẩu trang, cách ly, truy tìm liên lạc và nhiều hành động khác để kiểm soát bệnh dịch. Năm 1935, ông trở thành bác sĩ Trung Quốc đầu tiên được đề cử giải Nobel. Các trường đại học trên khắp thế giới - bao gồm cả Johns Hopkins ở Baltimore - đã trao bằng danh dự cho ông.

Khẩu trang sau đó một lần nữa đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực kiểm soát đại dịch cúm năm 1918 . Nhưng qua nhiều thập kỷ sau ở phương Tây, phần nào đó khẩu trang đã bị lãng quên.

Lịch sử lặp lại

Các nước châu Á sẽ không bao giờ quên bài học về dịch bệnh Mãn Châu. Ở châu Á, đeo khẩu trang nơi công cộng được coi là một phần của việc giữ vệ sinh tốt. Nhiều người có sẵn ở nhà và đeo khẩu trang ở nơi công cộng nếu họ thấy bị ốm, đặc biệt là trong mùa lạnh và cúm. Những người bị nhìn thấy ho hoặc hắt hơi mà không che chắn ở nơi công cộng sẽ bị xa lánh vì trốn tránh nghĩa vụ công dân là bảo vệ sức khỏe của người khác.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau khi nhìn thấy những trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở các thành phố như Hồng Kông- nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus SARS lần đầu tiên vào năm 2003, và ở các quốc gia như Đài Loan, gần như tất cả mọi người đều bắt đầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Những nơi này đã ghi nhận số trường hợp mắc và tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới. Đài Loan, với dân số gần 24 triệu người, đã ghi nhận con số chính thức là 16.000 trường hợp mắc COVID-19 và 740 trường hợp tử vong. Một khu vực đông dân như Hong Kong với 7,5 triệu người chỉ ghi nhận 11.952 trường hợp mắc bệnh và 212 trường hợp tử vong.

Theo Howard các đợt dịch sẽ sớm ập đến Hồng Kông vì chính phủ mở cửa biên giới với Trung Quốc đại lục mặc dù số ca bệnh ở đại lục ngày càng tăng. Chính phủ Hong Kong cũng đã đưa ra nhiều biện pháp: người dân tự giác đeo khẩu trang; yêu cầu đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng. Các cuộc thống kê cho thấy 98% người dân Hồng Kông đeo khẩu trang và tỷ lệ nhiễm vẫn ở mức thấp.

Việt Nam, quốc gia có gần 100 triệu dân giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, cũng đã áp dụng rộng rãi việc đeo khẩu trang trong hầu hết đại dịch và mới ghi nhận 23.185 trường hợp nhiễm COVID-19 và 105 trường hợp tử vong chủ yếu do bệnh nền.

Với một nhà khoa học dữ liệu như Howard đây quả thực là những kết quả rất ấn tượng với ông dù vẫn cần sự giải thích kĩ lưỡng hơn.

Thí nghiệm trên Youtube- ảnh PH Healthcare

Thí nghiệm trên Youtube- ảnh PH Healthcare

Vào thời điểm đó, các quan chức y tế công cộng ở đây không khuyến khích việc đeo khẩu trang, vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung cấp cho các nhân viên y tế.

Sau đó, Howard tìm thấy một đoạn video ẩn danh trên YouTube về một người đàn ông nói những từ như “giữ gìn sức khỏe” trong một buồng tối đen như mực nhưng có tán xạ tia laser. Nếu anh ta không đeo khẩu trang, bạn sẽ thấy những đốm sáng màu xanh lá cây bay về phía máy quay khi người đó nói chuyện trong bóng tối. Khi đeo khẩu trang,  thì hoàn toàn không nhìn thấy gì, điều đó cho thấy: Đeo khẩu trang làm giảm nguy cơ lây lan vi-rút.

Hóa ra những người tạo ra đoạn video này lại chính là các nhà khoa học tại Viện Y học Quốc gia và đại học Philadelphia. Tạp chí Y học New England  sau đó cũng đã công bố một văn bản mô tả thí nghiệm này.

Vậy nên Howard khẳng định đây là một nghiên cứu được thực hiện rất tốt, và rõ ràng các lớp vải này đang chặn các giọt bắn truyền bệnh.

Khi nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của khẩu trang xuất hiện, Trump đã thông báo thay đổi chính sách vào ngày 3 tháng 4 năm 2020 Ông nói rằng tất cả người Mỹ nên tự nguyện đeo khẩu trang, mặc dù ông đã tự gạt thông điệp đó bằng cách nói rằng ông không nghĩ rằng mình sẽ làm điều đó. 

Mặc dù chính phủ liên bang đã từ chối ban hành quy định về khẩu trang cho toàn quốc, các bang riêng lẻ đã hành động. Ba phần tư trên tổng số các bang yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Mississippi cuối cùng cũng đã tham gia vào danh sách nàu vào ngày 4 tháng 8 năm 2020 sau khi số ca nhiễm ngày càng tăng.

Một cuộc thăm dò vào tháng 7 năm 2020 của Associated Press - Trung tâm Nghiên cứu   Các Vấn đề Công cộng của NORC cho thấy 86% người Mỹ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà so với 73% vào tháng Năm.

Các chính sách dường như đang có hiệu quả. Một nghiên cứu trên tạp chí Health Affairs  gần đây đã kết luận rằng các quy định về khẩu trang ở các bang có thể đã ngăn ngừa được từ 230.000 đến 450.000 trường hợp mắc mới. Một phân tích dữ liệu gần đây của The New York Times cũng cho  thấy rằng khi các trường hợp COVID-19 giảm ở Mỹ, các bang tăng tỉ lệ giảm đó đều có một số quy định về khẩu trang ở địa phương. Nhiều người cũng đã tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại, đóng cửa các quán bar, phòng tập thể dục và nhà hát.

Tuy nhiên, có một số người khá khó bị thuyết phục. Christos Lynteris, Tiến sĩ, một nhà nhân chủng học về y tế tại Đại học St. Andrews ở Scotland, đã nghiên cứu ý nghĩa xã hội của khẩu trang, cho rằng lý do  nhiều người không đeo khẩu trang phức tạp cả hơn chính trị. Ông cho rằng đó là một hiện tượng phức tạp, mỗi người lại nhìn nhận theo một chiều hướng khác nhau: ví dụ như nhiều người trẻ nghĩ rằng đây không phải là bệnh của họ, rằng đó là bệnh của người già và nó sẽ không ảnh hưởng gì đến họ. Lynteris cho biết mới đây ông đã nhìn thấy một nhóm thanh niên trao nhau một chiếc khẩu trangbên ngoài một tiệm kem. Cửa hàng yêu cầu một chiếc khẩu trang để vào cửa, nhưng cả nhóm chỉ có một chiếc khẩu trang, vì vậy ngay khi một người bước ra, anh ta sẽ đưa chiếc mặt nạ cho người tiếp theo đeo nó để đi vào. “Họ tuân thủ các chính sách một cách chống đối và việc họ đang làm cực kỳ nguy hiểm. Đây cũng là sự chế giễu nỗ lực của cả xã hội”- Ông chỉ trích.

Đối với những người khác, từ chối đeo khẩu trang đã trở thành một biểu tượng trực quan của việc trở thành một người theo chủ nghĩa tự do và không tuân thủ nguyên tắc.  

Vẫn còn những người khác coi việc che mặt là người châu Á và là công cụ kiểm soát của cộng sản, Lynteris nói. “Bạn biết đấy, khẩu trang châu Á dành cho người Trung Quốc, chúng sẽ không làm chúng ta trở thành những kẻ vô tâm.”

Howard thực sự đau đầu về những quan điểm đang tồn tại này. Ông cũng không thể hiểu nổi vì với ông việc đeo khẩu trang chỉ giống như mang một đôi tất – một biện pháp duy trì vệ sinh cơ bản.

Các cuộc nghiên cứu đang cho những câu trả lời rõ ràng hơn

Thí nghiệm của Marr-ảnh explaincovid

Thí nghiệm của Marr-ảnh explaincovid

Các nhà khoa học từng nghiên cứu về bioaerosols mới đây đã nghiên cứu hiệu quả của khẩu trang giải đáp các câu hỏi thực tế, chẳng hạn như loại vải nào phù hợp nhất và thiết kế như thế nào là hiệu quả nhất.   (bioaerosols là những giọt nước bọt khô nhỏ nhất mang theo các hạt virus và lơ lửng ở trong không khí trong nhiều giờ).

Một trong số họ là Tiến sĩ Linsey Marr, giáo sư kỹ thuật dân sự và môi trường tại Đại học Vermont.

Cô ấy đã thử nghiệm các loại vải và độ vừa vặn của khẩu trang với các kích cỡ khác nhau của các giọt bắn - từ những hạt bình xịt nhỏ li ti trôi nổi đến những giọt chất béo mô phỏng đờm rơi nhanh xuống sàn sau khi chúng ta ho hoặc hắt hơi.

Để làm được điều này, cô đã đặt hai hình nộm cách nhau khoảng 30,48 cm trong một chiếc hộp dạng lò vi sóng lớn. Các ma-nơ-canh được lắp các ống thông qua miệng của chúng:

  • Một hình nộm, hãy gọi nó là người bị ho, được gắn một máy tạo khí dung- sử dụng để biến thuốc thành sương lơ lửng. Marr sử dụng cùng một hỗn hợp nước muối mà chính phủ yêu cầu để kiểm tra hiệu quả của mặt nạ N95.  Để tạo ra các giọt lớn hơn cô ấy sử dụng máy nén khí và nhuộm đỏ dung dịch muối để cô ấy có thể nhìn thấy nơi nó hạ cánh.
  • Hình nộm còn lại có một ống nhẹ nhàng hút không khí vào, giống như khi hít vào. 

Cô ấy đánh giá khi hai hình nộm để mặt trần; chỉ với một người đeo mặt nạ một người không và cả hai đều đeo khẩu trang.

Thử nghiệm vẫn đang được tiến hành, nhưng cô ấy nói rằng có thể khẳng định được vài điều.

Đầu tiên, chỉ có khẩu trang N95, khẩu trang hình vòm, chặn được các giọt bắn nhỏ nhất, đó là lý do tại sao chúng rất quan trọng đối với các nhân viên y tế, những người cần mức độ bảo vệ cao.

Nhưng khi các giọt này lớn hơn một chút, có kích thước khoảng 2 micro mét, những hạt mà chúng tôi nghĩ thực sự quan trọng đối với việc truyền bệnh, hầu như tất cả các loại vải khác nhau mà chúng tôi đã thử nghiệm và các loại khẩu trang đều chặn ít nhất một nửa số đó.

Và một khi các giọt có kích thước lên đến khoảng 5 micro mét, hầu hết khẩu trang vải sẽ chặn khoảng 80% - Tiến sĩ Marr cho biết thêm.

Cũng theo cô nếu muốn có một chiếc khẩu trang tốt, loại vải không quan trọng bằng số lớp khẩu trang. Bạn cần ít nhất hai lớp để có sự bảo vệ tốt nhất. Nếu đang khẩu trang có hai lớp rồi, điều quan trọng  tiếp theo là sự vừa vặn với khuôn mặt. Nó thậm chí còn quan trọng hơn loại vải bạn có. Khẩu trang phải ôm sát khuôn mặt và che phủ hoàn toàn cả mũi và miệng.

Cô cho biết trong tất cả các thử nghiệm của mình, loại vải hiệu quả nhất mà họ thấy là vải da nhân tạo vi sợi . Nó chặn gần như 80% thậm chí là các hạt nhỏ nhất. Nhưng vải này khá cứng và khi họ đặt nó lên hình nộm có những khoảng trống xung quanh mũi và miệng, hơn nữa nó không hoạt động tốt và phù hợp được như một chiếc áo phông cotton được làm theo thiết kế của CDC.

Không may, cũng đã có những tranh cãi xoay quanh kiểu dáng, dây chun đeo của một chiếc khẩu trang. Marr lo ngại nhiều người sẽ từ bỏ đeo khẩu trang vì đó là lựa chọn mà họ có thể duy trì sử dụng.

Mặc dù thí nghiệm của Marr đã khá toàn diện và thiết kế tốt, nhưng nó có phần hạn chế vì cô ấy không sử dụng các phần tử vi rút thực sự. Để làm việc với vi-rút gây ra COVID-19, bạn cần một phòng thí nghiệm chuyên biệt gọi là phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3. Phòng này hoạt động dưới sự an toàn và bảo mật cao để ngăn chặn vi-rút vô tình lây nhiễm cho các nhà nghiên cứu hoặc cộng đồng.

Bác sĩ Don Milton, giáo sư về sức khỏe môi trường ứng dụng tại Đại học Maryland, gần đây đã nhận được giấy chứng nhận cấp cao đó cho phòng thí nghiệm của mình và anh ấy mới bắt đầu nghiên cứu cách vi rút SARS-CoV-2 di chuyển khi ho và hắt hơi. Nghiên cứu của ông đang tập hợp những người có kết quả xét nghiệm dương tính với nhiễm COVID-19.

Tiến sĩ Jacob Bueno de Mesquita, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, đang thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Milton, cho biết mục tiêu của họ là đánh giá lượng vi rút được thải ra trong hơi thở khi thở ra. Để làm được điều đó, họ sẽ cho mọi người ho, hắt hơi và nói, khi đeo và không đeo khẩu trang, vào một hình nón khổng lồ mà Milton thiết kế được gọi là “máy Gesundheit”.

Kết quả từ một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 5 cho thấy khẩu trang phẫu thuật có hiệu quả trong việc ngăn chặn các hạt của cả vi rút corona theo mùa và cúm và kết luận rằng khẩu trang có thể ngăn chặn sự lây truyền của những bệnh nhiễm khuẩn đó.

Cũng đã có những nghiên cứu khác chỉ ra hiệu quả của khẩu trang. Một trường hợp ở Missouri, hai nhà tạo mẫu tóc bị nhiễm COVID-19 nhưng họ đều đeo khẩu trang trong các buổi lịch hẹn nên đã không lây nhiễm cho 139 F1 là khách hàng hay các F2 nào tiếp xúc với họ. Hầu hết khách hàng của họ cũng đeo khẩu trang. Tất cả các loại nghiên cứu và quan sát trên đều giống với việc mà Bác sĩ Ngũ Liên Đức đã tiến hành ở Trung Quốc trong Đại dịch Mãn Châu năm 1911, “tất nhiên là sử dụng các tiêu chuẩn của thời đó,” Lynteris bố sung thêm và ông cũng cho rằng ở thời đó những điều này là khoa học viễn tưởng.

Tuy nhiên, Lynteris nghĩ rằng ngày nay đó phải là điều hiển nhiên.

Ông đùa rằng bác sĩ Đức- người phát minh ra khẩu trang giúp ngăn chặn một trong những đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử, sẽ rất kinh hoàng khi biết rằng một số người vẫn không tin vào chúng.

Xem thêm : 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!