Suy nghĩ về sức mạnh tình mẫu tử qua Tấm lòng người mẹ
Đề bài: Từ đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" (trích Những người khốn khổ - Huy-gô), em hãy nêu suy nghĩ của mình về sức mạnh của tình mẫu tử.
Suy nghĩ về sức mạnh tình mẫu tử qua Tấm lòng người mẹ
Tình mẫu tử là một đề tài bất tận của văn học nghệ thuật. Trong cuộc sống, điều gì cũng có thể thay đổi nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm vĩnh cửu nhất, không thể đong đếm được. Thông qua trích đoạn “Tấm lòng của mẹ” trong tác phẩm “Những người khốn khổ’ của nhà văn Vích-to Huy-gô, em càng thấy được sự sáng tỏ về tình cảm thiêng liêng đó không chỉ tồn tại trên sách truyện mà nó luôn luôn đúng với cuộc sống của chúng ta.
Hình ảnh Phăng-tin – một cô gái bị hoàn cảnh xô đẩy, hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng, phải gửi gắm đứa con gái Cô-dét cho người khác nuôi. Cô có tình yêu thương con sâu sắc, nhưng hoàn cảnh xô đẩy, bị đuổi việc, chủ nợ liên tục giục giã, lâm vào đường cùng mà cô đã bất chấp làm mọi công việc, bán tất cả mọi thứ - bán tóc, bán răng và thậm chí cô bán đi cả danh dự và nhân phẩm của mình để đi làm gái điếm. Tác phẩm khắc họa lên hình ảnh người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả để đổi lại lấy cuộc sống ấm no cho cô con gái. Qua đó, ta thấy được sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng, lớn lao, hi sinh tất cả, đó là thứ tình cảm không gì có thể đánh đổi dễ dàng.
Trong cuộc sống, tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở,…mà người mẹ dành cho con, tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả. Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Bởi mẹ chính là người đã chăm sóc nuôi nấng ta từng ngày, vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời là người chắp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng. Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho mỗi đứa con sau mỗi lần vấp ngã; là nơi mỗi người con như chúng ta có thể thổ lộ mọi điều thầm kín; là hình ảnh thu nhỏ của những ước mong, những khát khao thanh bình và hạnh phúc, là nguồn động viên, là tình yêu, là cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở, là niềm tự hào chính đáng của một con người. Từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, trưởng thành, mẹ luôn dõi theo từng bước chân của con. Khi con vấp ngã, mẹ sẵn sàng nâng con dạy. Khi con vui hay buồn, mẹ luôn là người ở bên con, chia sẻ và động viên con. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Và quả thật, nhìn lại từ xưa đến nay, có biết bao tấm lòng người mẹ làm ta thêm thổn thức. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện cổ tích sự tích cây vú sữa được nghe kể ngày ấu thơ. Câu chuyện kể về đứa con hư vì bị mẹ mắng mà bỏ nhà đi, khi quay lại nhà mẹ đã mất vì thương nhớ con. Người mẹ hóa thành cây vú sữa. Lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt người mẹ khóc chờ con. Hương vú sữa cũng ngọt ngào tựa dòng sữa mẹ. Thế mới thấy, mẹ sẵn sàng bao dung, vị tha trước những hành vi sai trái của con. Cũng ngược về hơn nửa thế kỉ trước là tấm gương những bà mẹ Việt Nam anh hùng tuy mất hết con ruột trong chiến trận nhưng sẵn sàng nhận và cưu mang những người chiến sĩ khác. Họ sẵn sàng dùng cái chết của bản thân để đảm bảo an toàn cho những “đứa con chiến sĩ” thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của giặc.
Là người con trong xã hội hiện đại, chúng ta càng phải hiểu rõ trách nhiệm bản thân trước tình mẫu tử ấy. Hãy cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để đền đáp công ơn cha mẹ: biết giúp đỡ việc gia đình, phấn đấu trong học tập, biết yêu thương người khác.
Cuộc đời của con chính là những trang nhật kí của người mẹ, nơi mẹ gửi trọn bao vui buồn, bao hi vọng. Tình mẫu tử là mạch nguồn bất tận, không bao giờ vơi cạn. Vậy nên, ai đang được sống trong niềm may mắn đó hãy biết trân trọng từng ngày.
Suy nghĩ về sức mạnh tình mẫu tử qua Tấm lòng người mẹ
Victor Hugor đã từng nói: “Cuộc đời là đóa hoa, còn tình yêu là mật ngọt”. Và chắc hẳn, tình mẫu tử chính là dòng mật ngọt ngào, ấm áp nhất trên cõi đời. Đoạn trích “Tấm lòng người mẹ” trích trong tiểu thuyết kinh điển “Những người khốn khổ” chính là câu chuyện cảm động viết về một người mẹ hết lòng vì con. Từ đó, tác phẩm cho ta thấy sức mạnh phi thường của tình mẫu tử trong đời sống hằng ngày.
Phăng - tin là một người phụ nữ xinh đẹp và có tình yêu thương với con sâu sắc. Cô khốn khổ vô cùng sau khi bị đuổi việc, tất cả bởi vì cô đã sinh ra một đứa con hoang. Nhưng cô lại không hề vì hoàn cảnh mà bỏ rơi, ruồng rẫy cô bé ấy. Cô để lại đứa con gái thân yêu Cô-dét của mình cho nhà Tê – nác – đi – ê nuôi với hy vọng ngây thơ rằng đứa con bé bỏng sẽ được hạnh phúc. Lần đầu tiên, Phăng-tin bán đi mái tóc để có tiền mua một chiếc váy len cho Cô-dét. Vợ chồng Tê – nác – đi – ê nói trong thư rằng con gái cô đang phải trần truồng, rách rưới. Mái tóc vàng óng ả ngang lưng của mình là tượng trưng cho vẻ đẹp mỹ miều của cô gái nhưng Phăng tin sẵn sàng hi sinh nó để Cô – dét được an toàn. Lần thứ hai vợ chồng Tê – nác – đi - ê gửi thư cho cô, chúng nói rằng Cô – dét đang mắc bệnh sốt ban, cần thuốc đắt tiền để chạy chữa. Nghĩ về sự xấu xí của mình khi mất đi hai chiếc răng, cô cảm thấy thật nực cười và gớm ghiếc. Nhưng nghĩ đến sự đau đớn của con, Phăng-tin đã không ngần ngại bán hai chiếc răng cửa của mình cho người bán răng dạo và gửi bốn mươi phờ - răng cho nhà Tê – nác – đi – ê. Tổn thương về thân thể, bị những chủ nợ giày vò, Phăng – tin rơi xuống vực thẳm. Phăng – tin càng khốn đốn thì nhà Tê – nác – đi – ê càng độc ác. Chúng ép cô gửi thêm một trăm phờ - răng. Cuối cùng, Phăng – tin đã chấp nhận hi sinh cả danh dự và nhân phẩm, trở thành gái điếm để có tiền gửi đi.
Qua đoạn trích, ta thấy được sức mạnh vĩ đại mà không một ranh giới nào cản nổi của tình mẫu tử. Với Phăng – tin, tình yêu thương con là động lực để cô làm việc, vượt qua những khắc nghiệt của đời sống. Ngay cả trong giây phút tối tăm nhất hình ảnh đứa con vẫn là nguồn sáng ủi an tâm hồn cô, là hi vọng để cô hướng về. Thậm chí, tình thương con của Phăng – tin đã được đẩy lên cao độ khi Phăng – tin có thái độ chống đối với xã hội tàn ác, tham lam. Không ai thấu hiểu và thương cảm cho cô, chỉ mình cô sống với tình thương con. Chính nhờ có sự hy sinh của Phăng-tin mà Cô-dét được sống.
Trong cuộc sống đời thường, tình mẫu tử cũng là thứ tình cảm tự nhiên, thuần khiết và không thể thiếu trong đời sống con người. Trước hết, tình mẫu tử thể hiện ở công sinh thành và dưỡng dục. Người mẹ đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, sẵn sàng dành cuộc đời để che chở con và mang lại cho con cái cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Không chỉ vậy, mẹ còn là người thầy truyền tải những giá trị đạo đức tốt đẹp, những tri thức về tự nhiên và xã hội. Mẹ trao đi tình yêu thương suốt cuộc đời mà không đòi hỏi sự đền đáp. Đáp lại điều ấy, việc con cái hiếu thảo, thấu hiểu và cảm thông trước những vất vả của mẹ cũng chính là một biểu hiện của tình mẫu tử.
Tình mẫu tử mang lại những ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống con người. Nhờ có tình mẫu tử mà ta có một điểm tựa vững chắc để dựa vào mỗi khi cuộc sống mệt mỏi. Tình mẫu tử khiến ta có thêm sức mạnh để vững bước trên con đường đời đầy chông gai, truyền cho ta động lực phấn đấu. Cảm nhận được tình mẹ ấm áp, mỗi ngày thức dậy, ta đều thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Cảm nhận được cảm giác khi nuôi dưỡng đứa con, người mẹ cũng cảm thấy tâm hồn mình hạnh phúc. Bên cạnh đó, tình mẫu tử còn dạy cho ta bài học về nguồn cội, gốc gác. Dù đối với người làm mẹ hay người làm con, thứ tình cảm ấy luôn quý giá đến mức không gì có thể cân đo đong đếm được. Thiếu đi tình mẫu tử, con người sẽ trở nên cô đơn và lạc lõng, không thể phát triển một cách toàn diện. Hiện nay, trong xã hội vẫn còn tồn tại những thành phần sẵn sàng vứt bỏ, ruồng rẫy người thân, quên đi sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Điều ấy thật đáng buồn.
Cũng như Trái Đất chỉ có một Mặt Trời, ta chỉ có một cuộc đời để sống và cũng chỉ có một mẹ mà thôi. Vậy nên, hãy yêu thương mẹ cha khi còn có thể. Rồi sau này, chính ta sẽ trở thành những người mẹ, người cha và thấm thía hơn giá trị tình mẫu tử:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Suy nghĩ về sức mạnh tình mẫu tử qua Tấm lòng người mẹ
Nổi bật trong đoạn trích "Tấm lòng người mẹ" là tình yêu thương, hi sinh mà Phăng-tin dành cho con của mình. Em xin phép được trình bày về điều này trong bài nói ngày hôm nay.
Tình mẫu tử là tình yêu thương, sự đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng mà mẹ dành cho con. Đây là thứ tình cảm cao cả, thiêng liêng bậc nhất trên cuộc đời.
Tình mẫu tử trong "Tấm lòng người mẹ" càng được nhân lên gấp nhiều lần thông qua hoàn cảnh éo le của mẹ con Phăng-tin. Vì không có tiền, chị đã bán tóc, bán hai chiếc răng cửa và bán cả thân mình. Tất cả chỉ để con được ăn no, mặc ấm và không chết vì bệnh tật. Có thể thấy, Phăng-tin không tiếc bất cứ điều gì, mặc cho người ta chê cười, chỉ trỏ. Tất cả mọi điều chị làm đều là vì con. Tình cảm mà Phăng-tin dành cho con khó có thể dùng lời nói mà ca ngợi được.
Ngoài đời sống, có rất nhiều người mẹ như Phăng-tin. Họ đã hi sinh sức khỏe, ngoại hình, tuổi xuân,... để lo cho con một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Những người mẹ với tấm lòng đầy cao thượng, sẵn sàng bao dung, bảo qua khi con phạm lỗi. Luôn yêu thương chở che con những khi mệt mỏi hay vấp ngã. Họ làm tất cả mọi điều vì con mà không mong cầu được báo đáp. Tình mẫu tự cao quý và kì lạ đến vậy.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những người mẹ không tốt, sẵn sàng đánh đổi con mình để lấy nhiều thứ hơn. Họ bắt con lao động, chụp ảnh, quay phim,... để nuôi mình hoặc dùng con để đổi lấy lòng thương hại của người khác,... Tất cả những người như thế đều đáng lên án.
Mẹ không chỉ là một danh từ mà còn là một người yêu thương, che chở, nuôi dưỡng ta vô điều kiện. Chúng ta phải biết ơn và hiếu thảo với mẹ, khiến mẹ vui lòng. Mong rằng các bạn sẽ làm được điều đó.
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ Văn 11 - Cánh diều hay khác:
Vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong Tôi yêu em
Sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người qua Chí Phèo
Vấn đề xã hội trong Kép Tư Bền
Vì sao phải coi luật pháp như khí trời để thở
Văn bản Tạ Quang Bửu – người thầy thông thái mang lại cho em những thông tin và nhận thức bổ ích gì