TOP 6 Bài văn Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (2024) HAY NHẤT

Bài viết dưới đây giới thiệu tới bạn đọc bài viết Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo lớp 11 Cánh diều gồm các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo

Đề bài: Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 dòng ghi lại ấn tượng sâu đậm nhất của em về hình tượng Chí Phèo.

Tài liệu VietJack

Dàn ý về hình tượng Chí Phèo

I. Mở bài:

– Giới thiệu chân dung tác giả Nam Cao;

– Giới thiệu tác phẩm Chí Phèo

II.Thân bài:

Hình tượng Chí Phèo

a. Từ khi sinh đến trước khi vào tù

– Xuất thân:

Là người con bị ruồng bỏ, không cha, không mẹ, không thân không thích

Bị bán trao tay bao nhiêu người, lại trở về

– Lớn lên:

Hiền lành, thật thà chất phác

Có tâm tự trọng

Có ước mơ giản dị một mái ấm bình yên chồng đi làm thuê cuốc mướn, vợ trồng vải giống những người nông dân khác

b. Bị đẩy vô nhà tù và bị tống giam khi ra tù

– Nguyên nhân:

Cơn ghen tuông của Bá Kiến đã đẩy Chí vô tù

Nhà tù thực dân phong kiến đã nhào nặn nên con người Chí và khiến hắn trở thành kẻ hư hỏng hẳn

– Ra tù chí lại sa vào con đường tội phạm hoá

+ Chí bị tàn phá tính người: mặt gã chằng chịt không biết bao nhiêu là sẹo, khắp mình săm trổ, v.v

+ Huỷ hoại tính người: Chí trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, con quỷ dữ của làng Vũ Đại

Doạ nạt, chửi rủa, vò đầu đập mặt ăn vạ, chém giết cướp phá đó toàn là thành tích bất hảo của Chí

Chí chìm trong cơn say liên miên

Chí từng bước bán linh hồn cho quỷ dữ

 Bị xã hội loài người ruồng bỏ:

Tiếng quát của Chí đầu đoạn truyện là bằng chứng, hắn cũng chửi bới đáp trả hắn chỉ là tiếng chó sủa. Chí Phèo tiêu biểu cho cả một  bi thảm trong xã hội cũ có tính quy luật: hiên tượng tha hoá, bị phá huỷ các giá trị của con người sức mạnh tố cáo xã hội, giá trị hiện thực sâu sắc. Chí Phèo thức tỉnh khi thấy Thị Nở

– Thị Nở: xấu xí, lẳng lơ, không chồng, nghèo khó nhưng là con nhà mả hủi

– Cuộc gặp tình cờ giữa đêm trăng đã thay đổi cuộc đời tăm tối của Chí

– Lòng thương yêu, cảm thông chân tình của người phụ nữ đó đã khiến bản chất lương thiện bị huỷ hoại bấy lâu nay của Chí có dịp thức tỉnh

– Sáng hôm sau Chí tức dậy trễ, tỉnh lại, Chí thấy bồi hồi lòng

– Rồi Chí ngẫm thấy nhiều điều trong đời này, hiện tại của Chí là số không tròn trĩnh: không vợ, không con, không nhà, không công việc và tương lai chỉ có sự đơn độc

– Bát cháo hành là hương vị cuối cùng của tình cảm chân thật và hạnh phúc bình dị mà Chí đã lựa chọn.

 Ngòi bút tài tình của Nam Cao đã nhìn thấy bản chất lương thiện nằm bên trong cái vỏ quỷ dữ của Chí Phèo. Khi có tình người đụng vào nó sẽ thức tỉnh, thông qua tác phẩm Nam Cao đã khẳng định lòng tin hướng thiện của con người

d. Sự bế tắc trên con đường trở về làm người lương thiện

– Mối tình đầu với Thị Nở tan vỡ

Nguyên nhân: thành kiến xã hội, bà cô thị không hợp. Đến một con người như thị mà Chí cũng không được phép yêu

 có thể nói trong cái xã hội đó Chí đã thực sự bị rũ bỏ, Chí khóc và bi kịch đau đớn khi phát hiện thấy mình không trở trở lại với xã hội phẳng của những người lương thiện được nữa

– Đến nhà Bá Kiến

*Chí đến đòi lương thiện

Với Chí sự khao khát cuộc sống lương thiện lúc bấy giờ càng quan trọng hơn tính mạng và Chí đâm Bá Kiến rồi tự tử

Cái chết của Chí Phèo có tính tố cáo xã hội không chỉ đẩy con người đến sự thoái hoá, biến chất mà đẩy họ tìm về cái chết

Ở chí phèo ta cũng thấy tư duy hiện thực sắc sảo của nhà văn Nam Cao: thực trạng mâu thuẫn xung đột ở nông thôn Việt Nam lúc ấy chỉ có thể giải quyết qua ngòi bút

 Chí Phèo điểm hình được cái điều tủi khổ nhất của người nông dân nhưng ở họ lại lấp lánh ánh sáng lương thiện

III. Kết bài:

Khẳng định được một số nét nổi bật nhất về mặt tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm Chí Phèo.

Với tác phẩm này, nam Cao đã tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến và sự tôn trọng, khám phá và khẳng định bản chất lương thiện của con người.

Một số bài văn mẫu Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (mẫu 1)

Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao điển hình cho số phận đầy bất công, oan trái của người nông dân trong xã hội cũ. Chí được sinh ra trong một cái lò gạch cũ và được nuôi lớn dưới sự đùm bọc của xóm làng. Chí vốn là người lương thiện, thật thà, chăm chỉ nhưng vì sự ghen tuông mù quáng của tên cường hào Bá kiến hắn đã đẩy Chí vào con đường tù tội, khiến chí tha hóa, trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Từ một người được mọi người quý mến, Chí đi tù trở về với vết sẹo dài trên mặt khiến ai cũng xa lánh, khiếp sợ. Chí suốt ngày chìm trong cơn say, Chí chửi bất cứ thứ gì mà Chí thấy “chửi cả làng Vũ Đại”. Thế rồi Thị Nở xuất hiện đã khiến trái tim Chí thổn thức, khát vọng làm người trước giờ xa vời với Chí nhưng nay lại bùng cháy, sục sôi. Bát cháo hành của Thị đã thức tỉnh con người hắn: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao, thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Ấy thế mà Bà cô đã cấm Thị quen một người chuyên đi rạch mặt ăn vạ như Chí, chính bà cô đã tước đi quyền làm người của Chí, chính bà là điển hình cho những hủ tục của xã hội đương thời. Chí suy sụp, đau khổ, hắn muốn trở lại làm người nhưng không ai cho hắn quyền được sống như vậy. Hắn hận đời, hận người đã khiến cuộc đời mình thành như vậy, hắn vung dao giết tên Bá Kiến rồi kết liễu bản thân mình, đó cũng là con đường đúng đắn giải thoát cho hắn khỏi cuộc sống tù đày.

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (mẫu 2)

Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong lò gạch cũ nhưng Chí lớn lên dưới tình yêu thương của xóm làng và là con người lương thiện. Thế nhưng cuộc đời như muốn trêu đùa với Chí, chỉ vì sự ghen tuông thái quá của tên Bá Kiến, hắn đã thông đồng với quan trên để đầy chí vào khung sắt ngục tù. Chính hắn đã khiến Chí từ một người hiền lành, chăm chỉ trở thành “con quỷ của làng Vũ Đại”. Cuộc đời của Chí tưởng trừng sẽ chìm trong bế tắc, mãi mãi không nhận ra kẻ thù của mình cho đến khi Chí gặp được Thị Nở. Thị Nở cho hắn cảm nhận được quan tâm, yêu thương,khiến hắn lâu lắm rồi với có cảm giác tỉnh rượu, khiến hắn bỗng dưng nghe được những âm thành của cuộc sống: tiếng chim hót, tiếng người đi chợ,… Những điều đó khiến Chí bừng lên khao khát về cuộc sống, khao khát được hào nhập với mọi người. Thế nhưng chính Thị lại là người dập tắt đi khát vọng của Chí, Thị cự tuyệt Chí vì bà Cô không cho phép quen người chuyên đi rạch mặt ăn vạ như vậy. Chí đau khổ, suy sụp lắm, Chí càng uống rượu lại càng tỉnh, tỉnh để ngẫm về cuộc đời nghiệt ngã của mình. Thế rồi Chí cầm giao đến nhà Bá Kiến đòi quyền lương thiện: “Ai cho tao lương thiện”, Chí vung dao giết kẻ thù của mình là Bá Kiến rồi tự kết liễu cuộc đời mình, kết thúc chuỗi ngày tháng đau khổ.

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (mẫu 3)

Hình tượng Chí Phèo trong truyện Nam Cao để lại trong em một ấn tượng sâu đậm về số phận đầy đau thương và bất công. Em cảm nhận được sự hiền lành, chăm chỉ của Chí Phèo trong khi còn sống dưới tình yêu thương của xóm làng. Nhưng sự đố kị và ghen tuông mù quáng của Bá Kiến đã khiến Chí bị đẩy vào con đường tù tội và trở thành con quỷ của làng. Em cảm thấy xót xa và đau lòng khi Chí không được sống như một con người đúng nghĩa và khao khát được hào nhập với mọi người nhưng lại bị Thị Nở cự tuyệt vì bị cấm đoán bởi bà cô. Em cảm thấy thương cảm khi Chí vượt qua đau khổ, uống rượu để tỉnh táo suy nghĩ về cuộc đời mình. Và em cảm thấy cảm động khi Chí cầm giao đến nhà Bá Kiến đòi quyền lương thiện, vung dao giết kẻ thù và tự kết thúc cuộc đời mình.

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (mẫu 4)

Chí Phèo là tên nhân vật trong một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Các tác phẩm của Nam Cao thường xuyên đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lí, nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Chí Phèo chính là một tấn bi kịch của người nông dân bị tha hóa trong xã hội phong kiến đầy áp bức bất công. Thông qua tác phẩm Chí Phèo, tác giả đã mang đến cho người đọc những thông điệp về giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Nhân vật Chí Phèo vốn là một thanh niên hiền lành, lương thiện nhưng đã bị bọn cường hào ở làng Vũ Đại đẩy vào bước đường cùng. Là một đứa con hoang bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối không con đem về nuôi. Bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà khác. Hoàn cảnh éo le không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Trong khoảng thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được tiếng là hiền như đất. Dù nghèo khổ, không được giáo dục nhưng Chí vẫn biết đâu là phải trái, đúng sai, đâu là tình yêu và đâu là sự dâm đãng đáng khinh bỉ. Mỗi lần bị mụ vợ ba lí Kiến bắt bóp chân, Chí chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì. Và cũng như biết bao nông dân nghèo khác, Chí đã từng mơ ước một cuộc sống gia đình đơn giản mà đầm ấm: Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Nếu làm ăn khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Một con người rất lành rồi cái mầm thiện trong con người Chí sớm bị quật ngã tả tơi và không sao gượng dậy được nữa.

Có ai ngờ đâu một anh canh điền chất phác đến thật thà ấy đã thực sự bị tha hóa bởi sự ghen ghét, tù đày, để rồi biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì ghen tuông vô lối, lí Kiến đã nhẫn tâm đẩy anh Chí vào tù và nhà tù thực dân đã nhào nặn Chí thành một con người khác hẳn. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp tạo nên bước ngoặt đau thương và bi kịch trong cuộc đời Chí. Nhưng có thể nói nguyên nhân sâu xa chính là xã hội đương thời với những thế lực bạo tàn luôn tìm cách vùi dập những người nông dân thấp cổ bé họng như Chí. Chí bị đẩy vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa là tất yếu.

Khi ra tù, Chí như đã biến thành một con người hoàn toàn khác trước, với một cái tên sặc mùi giang hồ là Chí Phèo.

Khi mà Chí Phèo trở về làng Vũ Đại, cái mảnh đất quần ngư tranh thực, cá lớn nuốt cá bé ấy, Chí Phèo không thể hiền lành, nhẫn nhục như trước nữa. Hắn đã nắm rõ được quy luật khắt khe của sự sinh tồn: những kẻ cùng đinh càng hiền lành càng bị ức hiếp đến không thể ngóc đầu lên được. Hắn dường như đã hiểu và biết rằng phải dữ dằn, lì lợm, tàn ác mới mong tồn tại. Hắn đã mượn men rượu để tạo ra những cái đó. Hắn chìm ngập trong những cơn say triền miên và làm những việc như rạch mặt ăn vạ, đâm chém người cũng trong cơn say. Chí Phèo đã bị bá Kiến – kẻ thù của hắn biến thành con dao trong tay cường hào, thâm độc.

Và với nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã phản ánh chân thực và sinh động bi kịch bị hủy diệt tâm hồn và nhân phẩm của những người nông dân nghèo khổ. Chí Phèo đã bị sa lầy trong vũng bùn của sự tha hóa mà không thể nào gượng đứng lên được, càng lúc càng lún sâu xuống đáy. Cũng có lẽ rằng hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dơ của làng Vũ Đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá vỡ bao nhiêu cơ nghiệp của mọi người, đập nát bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Và vô tình hắn cũng đã đập nát tất cả những gì thuộc về tư cách của một con người trong hắn. Tất cả dân làng Vũ Đại đều quay lung lại với hắn, khinh bỉ và ghê tởm hắn. Người ta rất sợ bộ mặt đầy những vết sẹo ngang dọc gần giống như mặt của một con thú dữ, sợ con quỷ trong tâm hồn hắn.

Có thể nói để giành lại sự sống cho tâm hồn, thì Chí Phèo buộc phải từ bỏ thể xác. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống của một người lương thiện. Cái chết vật vã, đau đớn và câu hỏi cuối cùng của Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện ? còn làm day dứt và ám ảnh lương tâm người đọc cho đến tận ngày nay. Đó cũng là câu hỏi lớn của Nam Cao: Làm thế nào để con người được sống đích thực là con người trong cái xã hội tàn bạo ấy?

Với truyện ngắn đặc sắc “Chí Phèo’, Nam Cao đã thực sự đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng. Nhà văn không dừng ở hiện tượng bên ngoài mà đi sâu vào thể hiện bản chất bên trong của con người. Nam Cao cũng đã chứng tỏ bút lực già dặn của mình qua tài nghệ xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Ý nghĩa xã hội của hình tượng Chí Phèo rất lớn và sức sống của nó cũng thật lâu dài. Có thể nói tác phẩm và nhân vật đã tôn vinh tên tuổi Nam Cao trong lịch sử văn chương của nước ta.

Ấn tượng về hình tượng Chí Phèo (mẫu 5)

Nam Cao sáng tác từ trước năm 1940, nhưng chỉ sau khi truyện ngắn Chí Phèo ra đời, ông mới được biết đến như một cây bút hiện thực xuất sắc. Cũng từ khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang viết của Nam Cao, nhân vật này đã để lại dấu ấn khó quên và nỗi day dứt, ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc.

Với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao xứng đáng là một trong những tên tuổi lớn của trào lưu văn học hiện thực giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Cùng viết về đề tài nông dân nhưng các tác phẩm của Nam Cao, đặc biệt là truyện ngắn Chí Phèo đã đạt tới một giá trị nhân đạo sâu sắc thông qua một hình thức mới mẻ. Nếu như các nhà văn khác đi sâu vào phản ánh phong tục hay đời sống cùng cực của nông dân dưới thời thực dân phong kiến thì Nam Cao lại chú trọng đến việc thể hiện nỗi đau đớn của những tâm hồn, nhân cách bị xúc phạm, bị hủy diệt. Đồng thời, ông cũng kín đáo bênh vực và khẳng định nhân phẩm của những con người cùng khổ. Chí Phèo là nhân vật thể hiện rõ nhất cái nhìn mới mẻ của Nam Cao về người nông dân trước Cách mạng.

Chí Phèo vốn là một thanh niên hiền lành, lương thiện nhưng đã bị bọn cường hào ở làng Vũ Đại đẩy vào bước đường cùng. Là đứa con hoang bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối không con đem về nuôi. Bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà khác. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí được tiếng là hiền như đất. Dù nghèo khổ, không được giáo dục nhưng Chí vẫn biết đâu là phải trái, đúng sai, đâu là tình yêu và đâu là sự dâm đãng đáng khinh bỉ. Mỗi lần bị mụ vợ ba lí Kiến bắt bóp chân, Chí chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì. Cũng như bao nông dân nghèo khác, Chí từng mơ ước một cuộc sống gia đình đơn giản mà đầm ấm: Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Thế nhưng cái mầm thiện trong con người Chí sớm bị quật ngã tả tơi và không sao gượng dậy được.

Có ai ngờ anh canh điền chất phác ấy đã thực sự bị tha hóa bởi sự ghen ghét, tù đày, để rồi biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì ghen tuông vô lối, lí Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí vào tù và nhà tù thực dân đã nhào nặn Chí thành một con người khác hẳn. Đây là nguyên nhân trực tiếp tạo nên bước ngoặt đau thương và bi kịch trong cuộc đời Chí. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là xã hội đương thời với những thế lực bạo tàn luôn tìm cách vùi dập những người nông dân thấp cổ bé họng như Chí. Chí bị đẩy vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa là tất yếu.

Ra tù, Chí biến thành một con người hoàn toàn khác trước, với một cái tên sặc mùi giang hồ là Chí Phèo: Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng đá… Cái đầu thì trọc lốc. Cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Nhà tù thực dân tiếp tay cho tên cường hào lí Kiến, bắt bỏ tù một anh Chí hiền lành, vô tội, để rồi thả ra một gã Chí Phèo lưu manh, côn đồ. Từ một người lương thiện, Chí bị biến thành quỷ dữ.

Trở về làng Vũ Đại, cái mảnh đất quần ngư tranh thực, cá lớn nuốt cá bé ấy, Chí Phèo không thể hiền lành, nhẫn nhục như trước nữa. Hắn đã nắm được quy luật của sự sinh tồn: những kẻ cùng đinh càng hiền lành càng bị ức hiếp đến không thể ngóc đầu lên được. Phải dữ dằn, lì lợm, tàn ác mới mong tồn tại. Hắn đã mượn men rượu để tạo ra những cái đó. Hắn chìm ngập trong những cơn say triền miên và làm những việc như rạch mặt ăn vạ, đâm chém người cũng trong cơn say. Chí Phèo đã bị bá Kiến – kẻ thù của hắn biến thành con dao trong tay đồ tể.

Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã phản ánh chân thực và sinh động bi kịch bị hủy diệt tâm hồn và nhân phẩm của những người nông dân nghèo khổ. Chí Phèo đã sa lầy trong vũng bùn của sự tha hóa: Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dơ của làng Vũ Đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá vỡ bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Tất cả dân làng Vũ Đại quay lưng với hắn, khinh bỉ và ghê tởm hắn. Người ta sợ bộ mặt đầy những vết sẹo ngang dọc gần giống như mặt thú dữ của hắn, sợ con quỷ trong tâm hồn hắn.

Sự tha hóa của Chí Phèo một mặt tố cáo sự tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến đã không cho con người được làm người, mặt khác thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ của Nam Cao trong cách nhìn nhận số phận người nông dân trước Cách mạng.

Đi sâu vào bi kịch tinh thần của nông dân, Nam Cao nhận ra vẻ đẹp ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn họ. Chí Phèo bị bạo lực đen tối hủy diệt nhân phẩm nhưng trong đầu óc hắn vẫn le lói ánh lửa thiên lương và khát khao được làm người. Cái độc đáo của Nam Cao chính là ở chỗ tác giả đã để cho nhân vật Chí Phèo chênh vênh giữa hai bờ Thiện – Ác. Đằng sau bộ mặt dở người dở thú là nỗi đớn đau, vật vã của một kẻ sinh ra là người mà bị cự tuyệt quyền làm người. Trong cơn say, Chí Phèo cất tiếng chửi trời, chửi đời… Tiếng chửi của hắn như một thông điệp phát đi cầu mong có sự đáp lại nhưng cả làng Vũ Đại chẳng ai thèm chửi nhau với hắn. Rút cục, chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu. Người ta coi hắn chẳng khác gì một con chó dại.

Những lúc tỉnh rượu, nỗi lo sợ xa xôi và sự cô đơn tràn ngập lòng hắn. Hắn thèm được làm hòa với mọi người biết bao! Mối tình bất chợt với Thị Nở có thể nói là món quà nhân ái mà Nam Cao ban tặng cho Chí Phèo. Tình yêu của Thị Nở đã hồi sinh Chí Phèo, đánh thức lương tri và khát vọng làm người của hắn. Lần đầu tiên trong đời, hắn sợ cô đơn và hắn muốn khóc khi nhận bát cháo hành từ tay Thị Nở. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, những âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng đến tai hắn và ngân vang trong lòng hắn, khiến hắn càng thèm được làm một con người bình thường như bao người khác và khấp khởi hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.

Nhưng cánh cửa cuộc đời vừa mới hé mở đã bị đóng sập lại trước mặt Chí Phèo. Bà cô Thị Nở – đại diện cho dân làng Vũ Đại – đã dứt khoát không chấp nhận Chí Phèo. Từ hi vọng, Chí Phèo rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng. Lần đầu tiên trong đời hắn ý thức sâu sắc về số phận bất hạnh của mình. Hắn lại đem rượu ra uống để mong cơn say làm vơi bớt khổ đau, tủi nhục nhưng khốn nỗi càng uống hắn càng tỉnh. Hắn thực sự muốn làm người nhưng cả làng Vũ Đại tẩy chay hắn, không ai coi hắn là người. Hắn cũng không thể tiếp tục làm quỷ dữ bởi đã ý thức sâu sắc về bi kịch đời mình.

Để giành lại sự sống cho tâm hồn, Chí Phèo buộc phải từ bỏ thể xác. Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống của một người lương thiện. Cái chết vật vã, đau đớn và câu hỏi cuối củng của Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện? còn làm day dứt và ám ảnh lương tâm người đọc cho đến tận ngày nay.

Đó cũng là câu hỏi lớn của Nam Cao: Làm thế nào để con người được sống đích thực là con người trong cái xã hội tàn bạo ấy?

Với truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng. Nhà văn không dừng ở hiện tượng bên ngoài mà đi sâu vào thể hiện bản chất bên trong của con người. Nam Cao cũng đã chứng tỏ bút lực già dặn của mình qua tài nghệ xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Ý nghĩa xã hội của hình tượng Chí Phèo rất lớn và sức sống của nó cũng thật lâu dài. Có thể nói tác phẩm và nhân vật đã tôn vinh tên tuổi Nam Cao trong lịch sử văn chương của nước ta.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ Văn 11 - Cánh diều hay khác:

Hình tượng trăng trong Thề nguyền

Suy nghĩ về tình yêu Thuý Kiều - Kim Trọng

Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao

Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ

Nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!