Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo
Đề bài: Giới thiệu và phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo.
Một số bài văn mẫu Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo
Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo (mẫu 1)
“Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh là tập thơ ghi lại cảm xúc trong chuỗi ngày bị giam hãm ở nhà lao Trung Quốc. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, người đọc nhận ra những dòng cảm xúc rất bình dị, đời thường. “Mộ” là một bài thơ như vậy, tái diễn lại một khoảnh khắc khi sắp kết thúc một ngày, là chiều tối.
Bài thơ “Mộ” ghi lại khoảnh khắc mà Hồ Chí Minh đi từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền vào năm 1942. Cảm hứng chủ đạo chính là bức tranh và phông nền của thiên nhiên lúc về chiều, khi hoàng hôn sắp buông xuống. Phải thật tinh tế, sâu sắc, Hồ Chí Minh mới có thể diễn tả một cách đắc điệu nhịp sống nhẹ nhàng nơi núi rừng như vậy.
Nguyên tác của bài thơ như sau:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Hai câu thơ đầu như một nét vẽ chấm phá tạo khiến cho cảnh bầu trời về chiều hiện lên rõ nét và mang một nỗi buồn man mác:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không
Nỗi buồn như loang nhẹ, lan ra cả hai câu thơ khiến cho giọng thơ trở nên chùng xuống và tâm sự của tác giả dường như đẩy lên cao. Cánh chim khi chiều tà cũng trở nên “mỏi” đi tìm chốn ngủ. Một cánh chim đơn lẻ, đi lạc giữa rộng dài của bầu trời khiến người đọc có cảm giác như Hồ CHí Minh đang liên tưởng đến cuộc sống của người hiện tại. Cảnh tù đày bí bách, kìm hãm khiến Hồ Chí Minh khát khao có được một nơi chốn bình yên và ấm áp nhất để tìm về.
Hình ảnh “tầng mây trôi nhẹ” diễn tả sự vận động nhẹ nhàng, tinh tế của thiên nhiên đất trời. Nhịp thơ trở nên chậm, rất chậm và có lẽ lòng người cũng đang chậm.
Chỉ với hai câu thơ cũng đủ để cho người đọc nhận ra được khát khao muốn được như tầng mây đó, cứ trôi đi, không phụ thuộc, không phải chịu cảnh gông tù.
Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh luôn hiện lên nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm như vậy.
Đến hai câu thơ sau dường như bừng lên một tia sáng và thấy thấp thoáng bóng dáng con người:
Cô em xóm núi xây ngôi tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Mặc dù phần dịch thơ không thực sự bám sát và lột tả hết được tâm trạng cũng như con người trong bức tranh mang màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại này.
Chỉ bằng một nét vẽ tinh tế tác giả đã vẽ lên bức tranh bình dị của cuộc sống người dân nơi chân núi. Hành động “xay ngô” dường như là việc làm thường ngày của con người ở đây. Tuy bình dị nhưng ấm áp và tràn đầy tin yêu. Có thể nói trong cảnh gông cùm như thế này, Hồ Chí Minh rất khao khát có được một nơi để trở về bình dị như thế này.
Đến câu thơ cuối, người đọc nhận ra một sự chuyển động rất nhẹ và một nét sáng bừng lên cả bài thơ. Khi cô gái vùng sơn cước xây hết ngô thì lò than đã rực hồng. Một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, đều đặn hằng ngày. Giữa vùng núi hoang lạnh, khi mặt trời tắt, hoàng hôn loang xuống hình ảnh “lò than” hiện lên dường như làm sáng cả không gian và ấm áp trái tim Người. Có thể nói việc xây dựng hình ảnh cô em xóm núi và lò than dường như là một nỗi niềm thầm kín của tác giá. Đó là hiện thân của một mái ấm gia đình hạnh phúc, chứa chan yêu thương, và đó cũng chính là lòng mong mỏi của Hồ Chí Minh.
Bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh là bài thơ vừa mang màu sắc cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại đã mang đến dấu ấn riêng, đặc trưng. Bài thơ chính là tâm sự, là ước muốn nhỏ nhoi có thể thoát khỏi chốn gông cùm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo (mẫu 2)
Bài thơ “Từ ấy” là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người cộng sản Tố Hữu khi gặp lí tưởng Đảng.“Từ ấy” được cấu tứ dựa trên một sự kiện quan trọng, có tính chất bước ngoặt trong con đường đời, đường thơ của thi sĩ. Sự kiện ấy làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư tưởng tình cảm và con đường đấu tranh của người thanh niên cách mạng. Đó là sự kiện Tố Hữu được kết nạp Đảng năm 1938.
Toàn bộ bài thơ từ nhan đề đến các câu thơ, khổ thơ, hình ảnh, tình cảm của nhân vật trữ tình đều được triển khai từ sự kiện đó nên người đọc sẽ thấy: Từ ấy - niềm vui lớn “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý”, “hồn tôi – vườn hoa lá”; từ ấy - lẽ sống lớn “tôi buộc lòng tôi với mọi người”; Từ ấy - tình cảm lớn “tôi đã là con của vạn nhà”…
“Từ ấy” được đặt ở nhan đề và ngay dòng đầu bài thơ như bản lề vạch chia ranh giới rõ ràng giữa hai khoảng thời gian. Đó là bản lề cánh cửa khép lại quãng thời gian trước “Từ ấy” và mở ra khoảng thời gian sau “Từ ấy” trong cuộc đời nhà thơ. Trước “Từ ấy” là cuộc sống bế tắc, tối tăm, cô đơn tuyệt vọng chán chường đã từng được Tố Hữu ghi lại qua những dòng thơ hồi tưởng.
“Năm 20 của thế kỉ 20
Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người
Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ
Ôi những ngày xưa mưa xứ Huế
Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!
Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt.”
(Một nhành xuân)
“Từ ấy” đã khai quang con đường rộng mở, tươi sáng cho người thanh niên Nguyễn Kim Thành; mở ra những điều mới mẻ, thiêng liêng. “Từ ấy” là thời điểm Tố Hữu được ánh sáng lí tưởng soi chiếu, thời điểm hình thành nên chiến sĩ cách mạng Tố Hữu và cũng là thời điểm “khai sinh” hồn thơ Tố Hữu - hồn thơ trữ tình chính trị, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Vì thế, “Từ ấy” trở thành tứ của bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của nhận thức, tình cảm của nhà thơ; là điểm liên kết các khổ trong bài thơ.
“Từ ấy” là thời điểm khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống mới đầy hứa hẹn với niềm vui sướng, say mê toát lên từ sự thức tỉnh kì diệu. Tố Hữu ghi lại giây phút đổi thay ấy bằng những hình ảnh tươi sáng, giàu tính hình tượng: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
“Nắng hạ” là thứ ánh nắng chói chang, rực rỡ của mùa hè; khác hẳn ánh nắng dịu nhẹ của mùa thu hay ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Ánh nắng hạ chiếu sáng những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức của chàng thanh niên trẻ. “Mặt trời chân lí” là hình ảnh ẩn dụ cho lí tưởng Đảng. Mặt trời đem đến ánh sáng, sự sống cho muôn loài. Đối với Tố Hữu, lí tưởng của Đảng cũng như thế, soi rọi tâm hồn, đem lại sự sống giúp nhà thơ nhận ra con đường đi đến chân lí, lẽ phải, niềm vui và hạnh phúc. Để diễn tả tác động mạnh mẽ, sức ảnh hưởng lớn lao của lí tưởng cộng sản, Tố Hữu đã khéo léo sử dụng các động từ mạnh “bừng”, “chói”. Ánh sáng lí tưởng cộng sản không chỉ tác động về mặt lí trí mà còn “chói qua tim”, thức tỉnh cả về mặt tình cảm trong tâm hồn nhà thơ. Từ đó, mở ra một chân trời mới, nhà thơ như sống một cuộc đời mới đầy vui tươi, lạc quan như “vườn hoa lá”.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Hình ảnh so sánh hồn thơ - vườn hoa lá diễn tả một cách đầy đủ sức sống dào dạt, sinh sôi và niềm vui sướng hứng khởi trong tâm hồn nhà thơ trong những buổi đầu đến với lí tưởng cách mạng. Đó là cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị, có màu xanh yên bình của lá, của hoa, có hương thơm của hoa và âm thanh rộn ràng của tiếng chim. Việc sử dụng các tính từ chỉ mức độ như “đậm”, “rộn” nhấn mạnh hơn nữa niềm vui, sức sống kì diệu trong tâm hồn thi nhân khi bước theo ánh sáng lí tưởng đời mình.
Thời điểm “Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt hồi sinh cuộc đời nhà thơ, đem đến một cuộc sống mới đầy niềm vui, lạc quan mà còn là bước ngoặt hồi sinh tâm hồn, đem đến nguồn cảm hứng nghệ thuật dạt dào cho thơ ca của Tố Hữu. Vì vậy, có thể nói, “Từ ấy” chính là thời điểm khai sinh hồn thơ Tố Hữu, đem đến cho thơ ca của ông sức sống mới, nguồn cảm hứng mới – thơ trữ tình chính trị.
Sau những phút giây sung sướng đón nhận lí tưởng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức. Đó trước hết là ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, là nhận thức mới về lẽ sống.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Nhân vật trữ tình tự “buộc” lòng mình với mọi người. Đó là ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của nhà thơ vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống gắn bó với mọi người với thái độ dứt khoát, mạnh mẽ xác định bởi lí trí sáng suốt thể hiện. Con người cá nhân đã thoát dần cái tôi vị kỉ, nhỏ bé để vươn đến cái tôi rộng lớn - cái tôi hướng đến cuộc đời và mọi người. Để từ đó thiết lập tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ trước nỗi đau, vui buồn của bao kiếp người, đặc biệt là “bao hồn khổ”.
Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ; ở đó, nhà thơ tìm thấy niềm vui, tìm thấy sức mạnh mới của “khối đời”. Đó là sức mạnh đoàn kết gắn bó rộng lớn và đông đảo của nhân dân. Lẽ sống cao đẹp khi giác ngộ lập trường giai cấp, tự nguyện gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung trong ý thức đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
“Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt đem đến niềm vui lớn, lẽ sống lớn mà còn mở ra những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu. Trước khi giác ngộ cách mạng, Tố Hữu là thanh niên trí thức tiểu tư sản; lí tưởng cộng sản đã giúp nhà thơ vượt ra rào cản hẹp hòi của cá nhân để có được tình hữu ái giai cấp, tình thân ruột thịt với quần chúng lao khổ.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
Ba từ “là” xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ như lời khẳng định chắc nịch, rắn rỏi, dứt khoát cho sự hòa nhập tuyệt đối. Người chiến sĩ đã ở giữa đời, là con của gia đình, là em của kiếp đời phôi pha, là anh của các em thơ nghèo khổ, đói cơm rách áo. Số từ được nhà thơ sử dụng tăng dần từ một, mọi, trăm, khối, vạn như mở rộng khối đời đồng thời kết nối tình cảm yêu thương gắn bó giữa quần chúng nhân dân lao khổ.
Qua các cụm từ “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” ta không chỉ thấy ý thức trách nhiệm mà còn là tấm lòng chan chứa yêu thương, sự đồng cảm xót xa của nhà thơ dành cho những kiếp người bất hạnh, vất vả, đắng cay trong xã hội cũ. Ta như nhìn thấy hình ảnh của những chú bé đi ở (“Đi đi em”, “Hai đứa bé”), những cô gái giang hồ (“Tiếng hát sông Hương),… Càng yêu thương đồng cảm với những số phận phôi pha bao nhiêu, nhà thơ càng căm hận trước bao bất công, ngang trái trong xã hội cũ bấy nhiêu. Đó cũng là động lực để người chiến sĩ hăng say hoạt động cách mạng để đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, cho mọi người, cho quần chúng nhân dân còn bao cơ cực, lầm than.
“Từ ấy” là tuyên ngôn về lẽ sống của người cộng sản khi gặp lí tưởng của Đảng; là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Đó là thời điểm hồi sinh tâm hồn, bước ngoặt trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ. Còn nếu không có “Từ ấy”? Nhà thơ Tố Hữu đã từng tự trả lời: “Không biết tôi sẽ trở thành thế nào, may lắm là một người vô tội” (Câu chuyện về thơ). Chính vì thế “Từ ấy” được Tố Hữu lựa chọn trở thành tứ xuyên suốt, là mạch ngầm liên kết hình ảnh, câu từ, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ.
Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo (mẫu 3)
Trong văn học Nhật Bản, thơ hai-cư chiếm một vị trí khá quan trọng. Thể thơ này ra đời và phát triển rộng rãi trong thời kì Phục hưng văn học thế kỷ XVII - XVIII và song hành với đời sống văn hóa Nhật. Lúc đầu thơ hai-cư bắt nguồn từ các thể thơ ca truyền thống như trường ca, hòa ca, đoản ca... Sau đó một phần của bài thơ trong các thể thơ này tách ra độc lập và tồn tại một thời gian dài không có tên gọi chính thức, đến khi nhà thơ Shiki (1867-1902) gọi đó là thơ hai-cư vào những năm cuối thế kỷ XIX rồi nó tồn tại cho đến ngày nay.
Đặc điểm nổi bật nhất của thơ hai-cư là ở cấu trúc ngắn gọn với 17 âm tiết (nguyên bản tiếng Nhật, khi phiên âm la tinh hay dịch sang tiếng Việt thì số âm tiết này có thể thay đổi), được sắp xếp theo thứ tự 5-7-5. Bỡi quy định về cấu tứ ngắn gọn nên người làm thơ phải chọn lựa, chắt lọc những từ ngữ cô đọng tinh túy để diễn tả tâm trạng của mình khi viết về thiên nhiên, con người, tôn giáo hay các triết lí của tự nhiên...
Trong vườn thơ Nhật Bản, thơ hai-cư gắn liền với các tên tuổi tiêu biểu như: Buson, Chora, Chigô, Kikaku, Ba-sô.... Lần đầu tiên thơ hai-cư được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ở nhà trường phổ thông nước ta với một số bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Ba-sô. Mặc dù nằm ở phần đọc thêm nhưng sách giáo khoa và sách giáo viên đã có một hệ thống câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài khá rõ ràng.
Tuy nhiên, người viết bài này qua bước đầu tìm hiểu cũng có một cách hiểu, một vài điều muốn trao đổi cùng quý đồng nghiệp gần xa. Cũng cần nói thêm, người viết không có tham vọng trình bày như một bài soạn giảng mà chỉ chú trọng đến một số đặc điểm nghệ thuật của các tác phẩm như một nét chấm phá đơn sơ, mong rằng sẽ nhận được nhiều góp ý đáng kể. Ngoài những ý chính về nghệ thuật được các soạn giả trình bày trong sách giáo viên như: thủ pháp tượng trưng, chất triết lí, cảm thức thẩm mỹ, ngôn ngữ; thơ hai-cư còn có những đặc điểm nghệ thuật nổi bậc sau.
Ở hầu hết 8 bài thơ in trong sách giáo khoa, bước đầu tìm hiểu sơ bộ ta thấy lộ lên một số điểm chung, mà tiêu biểu là nghệ thuật sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập giữa các cặp phạm trù: vũ trụ - con người, vô hạn - hữu hạn, không gian - thời gian, hữu hình - vô hình, có - không, đen - trắng, tĩnh - động, tối - sáng, nhất thời - vĩnh hằng... Chính sự tương phản đối lập đó nhà thơ đã làm nổi bậc một cách cụ thể những vấn đề được nói đến trong thơ, và đây cũng chính là một cách giải mã khám phá bài thơ theo một hướng thi pháp riêng.
Từ một cuộc hành trình trở về quê hương sau mười năm xa cách, cảm nhận chính nỗi lòng mình với quê hương, về những điều được mất trong cuộc đời, nhà thơ Ba-sô viết:
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương.
Bằng trải nghiệm cũng như cảm nhận trong cuộc đời ở khoảng thời gian mười năm xa quê, nhà thơ khắc họa trước mắt chúng ta hai vùng đất khác nhau, hai khoảng không gian, thời gian xa vời; đất khách và quê hương, xưa và nay. Trước cái vô hạn của không gian thời gian ta bắt gặp cái hữu hạn trong cuộc sống con người khi tuổi mỗi ngày một qua đi, sự gắn bó với quê hương mỗi ngày một ngắn lại, từ đó nhà thơ cảm thấy yêu cuộc sống này hơn và "ngộ" ra một điều đâu cũng là quê hương. Ê-đô là cố hương.
Như vậy trước cái hữu hình rộng lớn, nhà thơ biến thành cái vô hình nhỏ bé trong lòng tự mình biết để cảm nhận và diễn tả trải dài tình cảm nỗi niềm của mình đối với quê hương và đất nước. Bài thơ ngắn gọn còn là một triết lí sâu sắc trong quy luật tình cảm của con người với bất cứ nơi đâu khi bước chân mình đã qua, dù ngắn hay dài thì chuỗi thời gian ấy khó vơi trong mỗi chúng ta, một lúc nào đó chợt nhớ mình lại cảm thấy day dứt xót xa như còn mang một món nợ lớn trong đời.
Một lần ngang qua cách rừng, nghe tiếng vượn hú não nề, nhà thơ nghĩ đến tiếng khóc của những em bé bị bỏ rơi trong khu rừng, ông viết:
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
gió mùa thu tái tê.
Bài thơ được cảm nhận bắt đầu từ giác quan thính giác. Tai nghe tiếng vượn hú rồi nhà thơ liên tưởng đến một điều có tính chất bức thiết trong cuộc sống con người( hay tiếng trẻ bị bỏ rơi). Đây không phải là sự chuyển đổi giữa nghe và nghĩ mà là một sự chuyển động giữa động và tĩnh: âm thanh bên ngoài, tiếng lòng sâu lắng của nhà thơ.
Hai chi tiết tiếng vượn hú và tiếng trẻ bị bỏ rơi giữa cơn gió mùa thu tạo cho người đọc cảm nhận được một bức tranh trong bài thơ vừa thật vừa ảo. Cái ảo là khoảng âm thanh không rõ ràng trong nhất thời, cái thực là chính là tiếng lòng của con người với thời cuộc nhân sinh tồn tại vĩnh hằng trong cuộc đời vốn có nhiều điều chưa nói hết. Bài thơ giản dị trong sáng nhưng ý nghiã tư tưởng lại vượt ra ngoài lớp vỏ ngôn từ chật hẹp gò bó khô khan. Một lần khi mùa xuân đến, cảm nhận cánh hoa đào rơi lả tả bên hồ Bi-oa, nhà thơ viết.
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-oa.
Bút pháp trong bài thơ thể hiện trước hết là ở sự tương phản đôí lập giữa không gian vũ trụ bao la (bốn phương trời xa) với những cái gì nhỏ bé hạn hữu trong đời sống thường ngày (cánh hoa rơi, mặt hồ gợn sóng). Nghệ thuật bài thơ còn thể hiện ở bút pháp động và tĩnh, giữa sáng tối, không gian và thời gian, thiên nhiên và con người... Người đọc cảm nhận một bức tranh non nước thiên nhiên hữu tình tinh tế có pha chút thiền tông phật giáo. Bài thơ còn thể hiện một triết lí tương giao giữu sự vật hiện tượng với vũ trụ làm cho hồn thơ nhẹ nhàng bay bổng lay tận chiều sâu trái tim người đọc. Có thể dẫn một bài thơ hai-cư khác của Ba-sô cũng tương tự.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
đêm thu.
Cả ba sự vật: con quạ, cành cây khô, đêm thu đã có sự đối lập tạo nên một khung cảnh thật ảm đạm. Con quạ đậu trên cành cây khô trụi lá vào đêm thu đã cuốn hút con người vào cõi mông lung tàn tạ. Mặt khác bài thơ không chỉ là nỗi buồn mà còn là sự tương phản giữa màu đen con quạ nhỏ xíu và màng đêm bao la hiu quạnh, con người cảm thấy nhỏ bé trước không gian rộng lớn bao la...
Thơ hai-cư chỉ là những nét chấm phá đơn giản, mạch logic của bài thơ có nhiều khoảng trống tạo sự liên tưởng cảm nhận ở người đọc. Chất liệu và đối tượng được đề cập trong thơ cũng không có gì cao xa lạ lẫm mà chỉ bình thường như : thiên nhiên con người, trăng tuyết hoa chim vượn khỉ, còn có cả bùn đất cỏ cây...Khi nghe tiếng chim đỗ quyên nhà thơ giật mình
Chim đỗ quyên hót
ở kinh đô
mà nhớ kinh đô.
Tiếng chim là tín hiệu gợi nhớ của lòng người trong thơ ca từ xưa đến nay. Cũng thế, Ba-sô một lần nghe tiếng chim để rồi khoảng trống trong lòng lại ùa về như một kí ức day dứt khó quên. Điều dễ nói cũng là điều khó nói, thế mà nhà thơ đã thốt thành lời. Ở đây ý thơ chưa diễn đạt hết mọi cung bậc đến tận chiều sâu tâm hồn nhưng khoảng lặng đã làm cho lòng ta tự hỏi tiếng chim hay tiếng lòng của nhà thơ? Chủ thể trữ tình bị xóa nhòa, ranh giới giữa quê hương và con người được bắt cầu bằng tiếng chim đỗ quyên trong mùa hè, dưới chiếc cầu đó là dòng sông lòng cuồn cuộn chở bao nhiêu phù sa bồi đắp cho quê hương.
Từ chất liệu đơn giản, ý thơ bộc phát, sự liên tưởng của nhà thơ có tính chất nhân văn hướng về đồng loại cộng đồng dân tộc hay những vấn đề lớn lao trong tư tưởng tình cảm của con người.
Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
Rõ ràng ước muốn của chú khỉ trong bài thơ hoàn toàn do chủ quan nhà thơ nghĩ giúp. Dó là sự tưởng tượng khi đang nhìn thấy chú khỉ ngồi ướt nhem bên vệ rừng khi nhà thơ đi qua. Chú khỉ đơn độc cũng là hình ảnh của người nông dân, những trẻ em Nhật trong cơn mưa đông lạnh lẽo. Nốt lặng của bài thơ được thể hiện qua những hình ảnh đơn sơ mộc mạc, là tấm lòng của con người với những sinh vật bé nhỏ tội nghiệp và đó cũng chính là lòng yêu thương đối với những người nghèo khổ.
Nhà thơ Chiyô viết
A! Hoa Asagaô
dây gàu vương hoa bên giếng
đành xin nước nhà bên.
Ta thấy chất liệu cấu tứ hình ảnh bài thơ vô cùng đơn giản. Ẩn đằng sau từng âm tiết là sự ý thức nhạy cảm, là tấm lòng của nhà thơ trước sự lung linh kỳ diệu của những cánh hoa trong một buổi sớm tinh mơ. Nhà thơ không muốn làm tan biến cái đẹp (Đành xin nước nhà bên) âu cũng là điều dễ hiểu, bỡi thiên nhiên đẹp, con người nâng niu và trân trọng cái đẹp trong cuộc sống vốn là một điều không lạ trong thơ ca truyền thống Á Đông. Bài thơ còn là một thông điệp gửi đến mọi người, mong mọi người hãy nâng niu cái đẹp ngay chính bên cạnh mình.
Trong thơ hai-cư ngoài một số bài có những cụm từ quý ngữ (từ chỉ mùa) cụ thể như hoa đào - mùa xuân, tiếng ve - mùa hè... còn có nhiều bài không có. Những bài này chỉ có một số từ ngữ gợi mùa như: mù sương trong bài số 1 gợi mùa thu, chim đỗ quyên trong bài số 2 gợi nhớ mùa hè, cánh đồng hoang vu bài 8 gợi nhớ mùa đông... Nhận xét về thơ hai-cư Nhật Bản, nhà thơ Tagor (Ấn Độ) cho rằng, trong thơ hai-cư "nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước nhanh sang một bên". Như vậy những từ này có khi được coi là đề tài, là điểm sáng, "là con mắt" để khám phá nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Chỉ vài nét chấm phá thời gian, nguời đọc có thể nắm bắt đề tài, tạo sự liên tưởng một cách dễ dàng.
Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
Tiếng ve ngâm là mùa hè, tiếng ve ngâm lại thường diễn ra vào buổi chiều nên ta dễ dàng nhận ra nội dung của bài thơ là tiếng ve im ắng cất lên trước cảnh đá vật nơi cửa thiền trong một buổi chiều chưa tắt nắng gợi cho con người một nỗi lòng u tịch mênh mông, lúc đó con người có thể ngộ ra một điều gì trong cuộc sống cho riêng mình. Nghệ thuật của bài thơ là sức gợi, là tính liên tưởng, là phương pháp suy luận. Nghệ thuật bài thơ cũng là tiếng nói, là nỗi lòng, là tâm tư tình cảm con người gửi gắm với công chúng yêu thơ hôn nay và mai sau...
Đã nhiều thế kỉ trôi qua nhưng tôi tin chắc rằng thơ hai-cư Nhật Bản mãi mãi sẽ là một viên ngọc quý ở xứ sở "mặt trời mọc" với công chúng yêu thơ.
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ Văn 11 - Kết nối tri thức hay khác:
Vẻ đẹp của bài thơ Mây và sóng theo cảm nhận của bạn
Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo
Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong “Truyện Kiều"