Đề bài: Viết Bài văn Nghị luận phân tích một nhân vật trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng"
I. Dàn ý: Bài văn Nghị luận phân tích một nhân vật trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng"
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả O. Hen-ri và tác phẩm Chiếc lá cuối cùng.
- Giới thiệu nhân vật Giôn-xi.
2. Thân bài
a. Tóm tắt câu chuyện Chiếc lá cuối cùng
Hai nữa họa sĩ trẻ là Xu và Giôn-xi cùng sống trong một khu trọ dành cho người nghèo ở phía tây công viên Oa-sinh-tơn. Sống tầng dưới là cụ Bơ-mơn, người họa sĩ già, hơn bốn mươi năm qua vẫn theo đuổi ước mơ vẽ một bức tranh kiệt tác. Vào một mùa đông, Giôn-xi bị mắc chứng viêm phổi. Sự nghèo túng và bệnh tật khiến cô nghĩ đến cái chết.
Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, Giôn-xi luôn nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trước cửa rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời. Biết được ý nghĩ đó, cụ Bơ-mơn đã âm thầm vẽ chiếc lá thường xuân. Việc chiếc lá vẫn còn sau một đêm mưa bão đã giúp Giôn-xi có thêm nghị lực sau. Sau đêm đó, cụ Bơ-mơn lại không qua khỏi vì bị sưng phổi. Xi đã thông báo cho bạn về cái chết của cụ Bơ-mơn và bí mật của chiếc lá cuối cùng.
b. Phân tích nhân vật Giôn-xi:
- Giôn-xi và bạn của mình là Xiu - hai họa sĩ nghèo, còn trẻ và sống trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn.
- Giôn-xi bị mắc bệnh sưng phổi - điều đó đã khiến cô vô cùng tuyệt vọng.
- Cô thường ngồi trên giường, đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuyên bám vào trên vách tường gạch đối diện cửa sổ. Và cho rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì mình sẽ chết.
=> Điều đó cho thấy một tinh thần suy sụp trước bệnh tật, cũng như sự chờ đợi cái chết.
- Khi nhìn thấy chiếc lá vẫn còn đó sau trận mưa vùi dập hôm qua:
- Tự cảm thấy mình một con bé hư.
- Chịu ăn cháo và uống sữa pha chút rượu vang đỏ.
- Muốn ngồi dậy xem Xiu nấu nướng.
- Hy vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ.
=> Thoát khỏi tuyệt vọng, bệnh tật và có hy vọng vào cuộc sống. Chiếc lá đã giúp Giôn-xi lấy lại được tinh thần tiếp tục sống.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận của em về nhân vật Giôn-xi.
II. Bài văn mẫu: Bài văn Nghị luận phân tích một nhân vật trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng"
Bài văn mẫu số 1
Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn người Mỹ O. Hen-ri được xuất bản lần đầu vào năm 1907 trong tập truyện The Trimmed Lamp and Other Stories. Giôn-xi, nhân vật yếu đuối, tuyệt vọng trước bi kịch số phận cuộc đời mình, nhưng rồi cô đã vượt qua tất cả, hồi sinh tấm lòng trân trọng cuộc sống nhờ niềm tin, sự hi sinh và tình cảm cao đẹp giữa con người với con người..
Truyện lấy bối cảnh ở khu Greenwich Village, Manhattan, thành phố New York, Hoa Kì khi Xiu và Giôn-xi là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Cùng với cụ Bơ-mơn, là một họa sĩ già cũng sống ở đó, cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được.
Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống là sẽ là lúc mình lìa đời. Xiu vô cùng lo lắng và hết lòng chạy chữa cho bạn nhưng vô Ích, Giôn-xi vẫn bi quan như vậy. Cô gái tội nghiệp âm thầm đếm từng chiếc lá.
Biết được ý nghĩ điên rồ đó của Giôn-xi, cụ Bơ-mơn rất giận, la mắng Giônxi, nhưng cuối cùng cụ Bơ-mơn đã làm ra một việc thật sự vô cùng vĩ đại và cao cả. Cụ âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng giống như thật. Nó đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Giôn-xi suy nghĩ lại, cô hy vọng và muốn được sống, được sáng tạo. Giôn-xi từ cõi chết trở về nhưng cụ Bơ-mơn lại chết vì bệnh sưng phổi sau đêm sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Giôn-xi. Xiu lặng lẽ đến bên Giôn-xi báo cho bạn về cái chết của cụ Bơ-mơn và bí mật của chiếc lá cuối cùng
Trước kia Giôn-xi cũng là một cô gái có nghị lực sống rất mạnh mẽ. Giôn-xi từng mơ ước sẽ vẽ một bức tranh về vịnh Na-plơ nhưng rồi ước mong bình dị ấy của cô lại không được thực hiện khi căn bệnh sưng phổi khiến cô nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tâm lý cô bất ổn, cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng vô cùng, mất hết nghị lực sống, chờ đón cái chết một cách bình thản. Hằng ngày cô ngồi trên giường bệnh đếm những chiếc lá của cây leo bám bên kia tường, nghĩ rằng mình sẽ như chúng, cũng sẽ không cưỡng lại được với mùa đông lạnh lẽo. Khắp con người Giôn-xi, chỉ còn đôi mắt có tia hy vọng của sự sống, nhưng đôi mắt ấy cứ trân trân nhìn cái đầu hồi nhà gạch bên cạnh. Cái nhìn trân trân, bất động khiến cho mọi hoạt động như ngừng lại, màu sắc của bức tranh cuộc sống của cô trông càng ảm đạm hơn.
Mất hết ý chí, nghị lực, Giôn-xi có những suy nghĩ lạ lùng, bi quan. Cô chắc mẩm rằng, sự sống đối với cô giờ đây là một điều xa xỉ. Hơn thế cô lại bị ám ảnh bởi suy nghĩ chiếc lá cuối cùng ngoài kia rơi xuống cũng là khi cô bắt buộc phải rời bỏ thế giới này khiến tâm bệnh của cô còn trầm trọng hơn thực bệnh Đối với Giôn-xi, chiếc lá là biểu tượng của thước đo thời gian, thước đo cuộc đời cô. Đó là một suy nghĩ điên rồ, bi quan nhưng với tình cảnh của Giôn-xi thì nó lại rất hợp lý. Giôn-xi là một họa sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Cô bị giày vò bởi sự bất lực của bản thân, cô phải sống dựa dẫm vào người khác.
Và sự hy sinh của cụ Bơ-mơn đối với Giôn-xi là điều thực sự cao cả. Chiếc màn xanh mà hàng ngày Giôn-xi nắm giữ, để kéo lên, để trông chiếc lá, để xem sự phán quyết của chiếc lá đối với cuộc đời mình, chiếc màn xanh được kéo lên và chiếc lá vẫn còn đó. Có một cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy… rồi hi vọng một ngày nào đó sẽ được về vịnh Na-plơ lại trỗi dậy trong cô. Cùng với niềm hy vọng ấy, nhựa sống lại được lên men, nghị lực và mầm sống lại hồi sinh
Tác phẩm kiệt xuất của cụ Bơ-man mà cụ đã vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng. Vì tác phẩm kiệt xuất ấy, vì sự sống của Giôn-xi cụ Bơ-mơn đã không ngần ngại đổi nó bằng cuộc sống của chính mình. Nghệ thuật chân chính chất chứa tinh thần nhân đạo và sức mạnh hồi sinh. Nó đã thức dậy niềm tin vào cuộc sống cho Giôn-xi và cho cả tất cả người đọc.
"Chiếc lá cuối cùng" là kiệt tác đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời cụ Bơ- men. Kiệt tác xuất phát từ tình yêu thương cao cả, tấm lòng đồng cảm sâu sắc của những con người nghèo khổ với nhau và sức sống mãnh liệt của chiếc lá đó đã gieo vào lòng Giôn- xi một tia sáng của niềm tin và hy vọng để Giôn-xi vượt qua cái chết. Sức mạnh của nó là vô cùng to lớn.
Bài văn mẫu số 2
Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn hay của nhà văn người Mỹ, O. Hen-ri. Trong truyện, nổi bật nhất là nhân vật Giôn-xi, được khắc họa gửi gắm bài học giá trị.
Nội dung của truyện kể về Xiu và Giôn-xi, là hai nữ hoạ sĩ nghèo, còn trẻ, sống trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn. Người hàng xóm của họ là cụ Bơ-mơn cũng là một hoạ sĩ nghèo thuê phòng ở tầng dưới. Bốn chục năm nay cụ mơ ước vẽ một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được; cụ thường ngồi làm mẫu vẽ cho các hoạ sĩ để kiếm tiền. Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, Giôn-xi luôn nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trước cửa rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời. Biết được ý nghĩ của Giôn-xi, cụ Bơ-mơn âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Nhờ vậy, Giôn-xi đã có thêm nghị lực sống. Nhưng sau đêm đó, cụ Bơ-mơn lại qua đời. Xiu lặng lẽ đến bên Giôn-xi báo cho bạn về cái chết của cụ Bơ-mơn và bí mật của chiếc lá cuối cùng.
Nhân vật Giôn-xi được khắc họa chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động. Giôn-xi là một họa sĩ nghèo, còn trẻ nhưng vì bệnh tật mà trở nên bi quan, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cô bị bệnh sưng phổi. Giôn-xi đã có một hành động và suy nghĩ vô cùng kì lạ. Mỗi ngày, cô đều đếm những chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì cô cũng buông xuôi, lìa đời. Rõ ràng, điều này cho thấy một tinh thần suy sụp trước bệnh tật, cũng như sự chờ đợi cái chết của Giôn-xi.
Biết được ý nghĩ của Giôn-xi, cụ Bơ-mơn âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân, giúp Giôn-xi có thêm nghị lực sống. Khi nhìn thấy chiếc lá vẫn còn đó sau trận mưa vùi dập hôm qua, Giôn-xi đã hoàn toàn thay đổi. Cô nói Xiu rằng mình là một con bé hư. Không chỉ vậy, Giôn-xi còn chịu ăn cháo và uống sữa pha chút rượu vang đỏ. Cô muốn được ngồi dậy xem Xiu nấu nướng, thậm chí là bày tỏ nguyện vọng được vẽ vịnh Na-plơ. Nhân vật Giôn-xi hoàn toàn đã thoát khỏi tuyệt vọng, cô không còn muốn chết và có hy vọng vào cuộc sống. Chiếc lá hay chính cụ Bơ-mơn đã giúp Giôn-xi lấy lại được tinh thần tiếp tục sống.
Như vậy, nhân vật Giôn-xi trong truyện đã gửi gắm một thông điệp ý nghĩa về niềm tin, khao khát được sống của con người. Truyện Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm hay và giá trị.
Bài văn mẫu số 3
O. Hen-ri là một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, với gia tài các tác phẩm đồ sộ. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Trong đó, nhân vật Giôn-xi được khắc họa gửi gắm bài học giá trị.
Câu chuyện được mở ra trong bối cảnh một khu nhà ba tầng, cũ nát tồi tàn. Nơi đó có sự trú ngụ của một họa sĩ già là cụ Bơ-mơn, người vẫn luôn day dứt vì chưa vẽ được một tác phẩm nào để đời. Sống bên trên cụ là hai nữ họa sĩ Xiu và Giôn-xi họ đều là những cô gái, lương thiện, hiền lành và sống bình lặng. Nhưng thật không may rằng, Giôn-xi bất hạnh đã bị bệnh sưng phổi, phần vì bệnh nặng, phần vì túng thiếu không có tiền thuốc men, thế nên bệnh trạng của cô mãi không có tiến triển tốt. Sự đau đớn của bệnh tật, cộng với bế tắc trong cuộc sống, khiến Giôn-xi mất hết niềm tin vào sự sống, mặc cho có sự chăm sóc của người chị em tốt là Xiu bên cạnh. Cô phó thác số mạng của mình vào cái dây thường xuân đang rụng lá, ngày ngày đếm từng chiếc lá, và nghĩ rằng đến khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cũng là lúc cô lìa đời. Thực tế rằng tâm hồn nghệ sĩ không phải là xấu, nhưng đối với bệnh tình của Giôn-xi lại là một chuyện xấu vô cùng.
Giôn-xi thực là một cô gái tội nghiệp, bệnh nặng và nghèo khó đã bào mòn hết sự kiên trì níu giữ cuộc sống bên trong tâm hồn cô, người con gái trẻ tuổi ấy hoàn toàn tuyệt vọng và nghĩ rằng chỉ có cái chết mới có thể giải thoát tất cả. Sự suy sụp của cô đến một cách mạnh mẽ và nhanh chóng mà những con người như Xiu không tài nào cứu rỗi được bằng những lời quan tâm, hay sự chăm sóc ân cần. Bởi lẽ Giôn-xi đã đặt hết niềm tin cũng như sự sống của mình vào cái dây thường xuân đang rụng lá trước cửa sổ rồi. Buổi tối hôm trước trước khi kéo màn đi ngủ, Giôn-xi đã hướng đôi mắt ra ngoài và đếm thấy còn lại 4 chiếc lá, lá càng ít đi thì ý muốn sống sót của Giôn-xi càng tụt xuống không thể cứu vãn, và cô đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để thần chết tới mang mình đến bên kia thế giới mà không màng tới sự đau khổ, buồn rầu của người bạn, cũng như sự tức giận của cụ Bơ-mơn về cái suy nghĩ ngớ ngẩn của mình (thực tế là cô không biết điều này và cũng không đủ tỉnh táo để nhận ra nó là một suy nghĩ xuẩn ngốc).
Trong lần đầu tiên, Giôn-xi giục Xiu kéo mành lên, rõ ràng cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc từ bỏ thế gian, giọng nói lạnh lùng lùng, cương quyết, mặc cho sự chần chừ sợ hãi của người bạn. Giôn-xi chỉ mong xem có còn lá không, chỉ mong tạo hóa sớm chấm dứt cuộc sống khốn khổ của mình bằng cách cho gió thổi bay hết 4 chiếc lá còn sót lại, nhưng thật may mắn vẫn còn một chiếc lá bám trụ trên dây thường xuân, kiên cường, trơ trọi. Không hiểu cô gái ấy đã có tâm trạng gì khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng ấy, một chút thất vọng, một chút vui mừng hoặc là một cái gì khác nữa. Nhưng chuyện còn sót lại một chiếc lá sau đêm mưa cũng chẳng khiến Giôn-xi thay đổi ý niệm về cuộc đời mình, cô vẫn lạnh lùng quả quyết rằng "hôm nay nó sẽ rụng thôi và lúc đó thì em sẽ chết". Lại một đêm mưa bão dồn dập, cứ ngỡ rằng lá sẽ rụng, Giôn-xi vẫn tàn nhẫn quyết tâm bắt Xiu kéo tấm mành chắn lên, và chỉ trong một khoảnh khắc đó, có cái gì đã vỡ ra trong tâm trí của cô gái trẻ. Cô đã tỉnh ngộ, đã nhận thức được rằng chiếc lá yếu đuối kia, vàng vọt kia trải qua bao bão tố, bao nhiêu đêm mưa thế mà vẫn cứ kiên cường bám trụ lấy sự sống, quyết không chịu để gió bẻ gãy. Còn bản thân cô thì sao quyết lìa đời, từ bỏ sự sống, tàn nhẫn với bản thân và mặc kệ sự đau đớn của người bên cạnh, thật ích kỷ biết bao nhiêu. Giôn-xi nhận thức được cái suy nghĩ tệ hại của bản thân "muốn chết là một tội", cô lập tức phấn chấn, niềm khao khát sống lại đầy ắp trong cô gái trẻ tuổi, cô muốn ăn cháo, uống sữa pha rượu vang đỏ sau bao ngày không thiết tha gì. Tâm hồn thiếu nữ sống dậy với khao khát làm đẹp dung nhan khi nhờ Xiu đưa cho chiếc gương, và lòng quan tâm đến cuộc sống khi nhờ Xiu xếp gối xung quanh để xem chị nấu nướng. Không chỉ hồi sinh ham muốn sống sót mà ở cô còn tạo dựng lại cho mình tình yêu đối với nghệ thuật, thứ mà cô bỏ ngỏ kể từ khi bệnh tật, Giôn-xi mong muốn một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ. Đây có thể xem là một điểm nhấn đắt giá mà O. Hen-ri đã tạo ra trong quá trình hồi sinh nhân vật này, "một ngày nào đó" tức là một mốc ước định của tương lai, còn vịnh Na-plơ lại là một vịnh nổi tiếng nằm ở nước Ý xa xôi. Như vậy nhân vật Giôn-xi muốn vẽ nó tức là trong lòng cô đã có những khao khát sống còn mãnh liệt, cô muốn khỏi bệnh, muốn được sống đến khi có điều kiện đi đến đất nước xinh đẹp kia bằng đôi chân của mình để thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình. Còn có sự hồi sinh nào tuyệt vời đối với người nghệ sĩ hơn là sự hồi sinh của tình yêu nghệ thuật nữa? Cuối cùng hai cô gái đã cùng nhau chiến thắng bệnh tật, Giôn-xi hồi phục và hí hoáy đan một chiếc khăn màu xanh vô dụng. Cùng lúc đó cô gái cũng nhận được tin tức về cái chết nhanh chóng của cụ Bơ-mơn, mà qua lời kể của Xiu thì hẳn cô cũng đã nhận ra lý do của sự ra đi đột ngột này là vì bản thân cô. Như vậy có thể nói rằng mạng sống của Giôn-xi đã được kéo lại nhờ tấm lòng nhân ái của cụ Bơ-mơn, sự chăm sóc của Xiu, sự kiên cường kỳ lạ của chiếc lá và cuối cùng chính là ý chí sống còn mạnh mẽ của chính bản thân cô. Hẳn rằng sau khi biết chuyện cụ Bơ-mơn, Giôn-xi sẽ càng trân quý mạng sống của mình hơn và không bao giờ còn cái suy nghĩ phó thác ngu ngốc như trước đó nữa.
Với nhân vật Giôn-xi, ban đầu hẳn nhiều độc giả cũng vừa thương vừa bực tức với cái suy nghĩ xuẩn ngốc của cô gái trẻ như cụ Bơ-mơn, nhưng sau đó người ta lại càng khâm phục hơn cái nghị lực sống còn, tấm lòng yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật được hồi sinh của cô gái trẻ. Câu chuyện của Giôn-xi chính là bài học đáng quý cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang chịu cảnh bế tắc, sinh tử mong manh rằng chỉ cần có nghị lực, có ý chí quyết tâm sống còn thì tạo hóa sẽ chẳng nỡ để chúng ta rời khỏi thế gian trong nuối tiếc, và hơn thế nữa xung quanh ta còn biết bao nhiêu con người nhân hậu, dũng cảm, sẵn lòng yêu thương chúng ta vô điều kiện chẳng hạn như cụ Bơ-mơn, chị Xiu.
Bài văn mẫu số 4
Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ri là một truyện ngắn vô cùng thành công thể hiện tinh thần nhân văn cao của tác giả với những số phận nghèo khổ trong cuộc sống. Trong đó, nhân vật Giôn-xi được khắc họa hiện lên chân thực.
Xiu và Giôn-xi là hai nữ hoạ sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Sống cùng với họ trong khu trọ đó là cụ Bơ-men, cũng là một họa sĩ. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô cảm thấy tuyệt vọng. Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, Giôn-xi luôn nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trước cửa rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời.
Biết được ý nghĩ của Giôn-xi, cụ Bơ-men âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá khiến Giôn-xi có thêm nghị lực sống. Nhưng sau đêm đó, cụ Bơ-men lại qua đời. Xiu lặng lẽ đến bên Giôn-xi báo cho bạn về cái chết của cụ Bơ-men và bí mật của chiếc lá cuối cùng.
Một xã hội với những người nghệ sĩ nghèo nhưng có tấm lòng vô cùng nhân đạo. Ông cụ già Bơ Men là một người yêu nghệ thuật ông thường mơ ước có thể sáng tác một tác phẩm để đời. Nhưng cuộc sống nghèo khổ đã khiến ông phải đi làm mẫu vẽ cho những nghệ sĩ mới vào nghề kiếm vào đồng tiền lẻ sống qua ngày.
Nghệ thuật chân chính mang lại sự hồi sinh, cho con người đó chính là chân lý mà tác phẩm chiếc lá cuối cùng mang tới cho người đọc, thể hiện sự nhân văn nhân đạo của tác giả O. Hen-ri.
Bài văn mẫu số 5
Chiếc lá cuối cùng thuộc phần cuối của tác phẩm cùng tên của nhà văn người Mĩ - O. Hen-ri. Truyện là bài ca, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh tình người giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Đồng thời tác phẩm còn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa.
Trong tác phẩm gồm ba nhân vật chính gồm Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-mơn. Giôn-xi là một cô họa sĩ nghèo sống trong một nhà trọ tồi tàn ở ngoại ô, cô sống trong cảnh nghèo khổ và bệnh tật (bệnh sưng phổi), đây không phải là căn bệnh khó chữa, nhưng cô đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nên bệnh tình ngày càng xấu đi. Cô không buồn uống thuốc, chán nản, chỉ đếm những chiếc lá trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cuộc sống này.
Qua một đêm mưa gió, khi chiếc mành cửa được kéo lên, cô vẫn thấy một chiếc lá bám trên tường gạch. Đó quả là một điều khó tin vì đêm qua mưa gió, bão tuyết lớn, vậy mà chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám trên cành cây như vậy. Chính chiếc lá cuối cùng đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, giúp cô lấy lại được nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, cô đã vượt qua bệnh tật, tiếp tục mang trong mình những ước mơ, hoài bão.
Chiếc lá cuối cùng đã khắc họa được tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ. Qua nhân vật Giôn-xi, tác giả đã gửi gắm một bài học giá trị về cuộc sống.
Xem thêm bài văn mẫu lớp 7 hay chi tiết:
TOP 30 Bài văn nghị luận về tính trung thực (2024) SIÊU HAY
TOP 7 Bài văn Nghị luận phân tích một nhân vật trong tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" (2024) SIÊU HAY
TOP 20 Bài văn nghị luận xã hội về mặt tích cực của gia đình (2024) HAY NHẤT
TOP 50 Bài văn Nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm (2024) SIÊU HAY
TOP 25 Bài văn Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (2024) SIÊU HAY