TOP 25 Bài văn Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (2024) SIÊU HAY

Dưới đây là TOP 25 Bài văn Nghị luận về câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" hay nhất hướng dẫn chi tiết, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, giúp cải thiện khả năng viết văn của các em. Mời bạn đọc tham khảo:

Đề bài: Viết bài văn (khoảng 400 chữ) nghị luận về câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn"

Dàn ý: Nghị luận về câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn"

Dàn ý mẫu 1

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần chứng minh.

2. Thân bài

a) Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ

- "Uống nước" ở đây nghĩa là gì?

  • Nghĩa đen: Hành động sử dụng dòng nước có sẵn, khi uống nó ta hãy nghĩ đến từ đâu đã tạo ra nguồn nước mà ta đang uống.
  • Nghĩa bóng: Hưởng thụ và sử dụng thành quả của người khác để lại.

- "Nguồn" ở đây cũng có hai lớp nghĩa:

  • Nghĩa đen: Đây là nguồn gốc, cội nguồn của dòng nước.
  • Nghĩa bóng: Là nơi đã tạo ra, đã để lại những thành quả mà người khác đang thừa hưởng.

→ Ý nghĩa: Câu tục ngữ là lời nhắn nhủ của cha ông ta đến các thế hệ "Hãy luôn biết ơn và đền đáp những người đã có công giúp đỡ mình, không được "qua cầu rút ván" hay "ăn cháo đá bát".

b) Chứng minh: Tại sao ta phải uống nước nhớ nguồn?

- Vì đó là hành động đẹp, một nghĩa cử đẹp mà cha ông ta đã đúc kết lại qua bao đời nay nên chúng ta cần trân trọng, giữ gìn và phát huy vẻ đẹp truyền thống đó.

- Biểu hiện:

  • Ghi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của người đã sinh ra mình (tục lệ thờ cúng tổ tiên, ngày lễ, Tết,...)
  • Ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy cô (chúc mừng ngày 20/11,...)
  • Nhớ ơn những thế hệ đi trước đã bỏ công sức và trí tuệ làm cho đất nước phát triển như ngày hôm nay (ngày 27/7 tri ân các anh hùng liệt sĩ,...)

c) Mở rộng vấn đề

  • Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn, ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy nét đẹp văn hóa bản sắc dân tộc.
  • Lên án những người có suy nghĩ, tư tưởng phá hoại những nét đẹp truyền thống đó.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ.
  • Nêu bài học cho bản thân.

Dàn ý mẫu 2

1. Mở bài

- Giới thiệu về câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”.

- Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

2. Thân bài

a. Giải thích câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”

- “Uống nước”: là thành quả, là kết quả của người khác, chỉ việc hưởng thụ mà không làm gì hết

- “Nguồn”: là nơi bắt nguồn của nguồn nước, chúng ta có thể hiểu từ dùng để thể hiện cho sự bắt nguồn của thành quả mà mình hưởng được.

=> Câu tục ngữ như nhắc nhở chúng ta biết ơn những thành quả của thế hệ đi trước hay những người khác để lại.

b. Lí do cần phải uống nước nhớ nguồn

- Trong cuộc sống hằng ngày, trong xã hội thì các thành công và thành quả không có cái nào là không có nguồn gốc, không do sức lao động của con người tạo nên.

- Của cải do bàn tay ta lao động tạo nên, con cái do cha mẹ tạo nên, đất nước trở nên giàu đẹp là do cha ông ta đã giữ gìn và xây dựng.

- Lòng biết ơn là một đức tính tốt, ta cần phải có lòng biết ơn.

c. Cần làm gì để có được lòng biết ơn

- Chúng ta cần tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc.

- Ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.

- Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình và đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài.

- Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.

d. Phê phán những người đi ngược lại với đạo lí, sống với sự vô ơn.

3. Kết bài

- Nêu ý nghĩa của câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”.

Dàn ý mẫu 3

1. Mở bài

  • Nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, hơn thế nữa, đã tạo nên thành quả cho mình được hưởng, xưa nay vốn là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta. Bởi vậy, tục ngữ có câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. ''Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng". Cũng cùng ý nghĩa trên, tục ngữ còn có câu ''Uống nước nhớ nguồn".
  • Ngay trong cuộc sống hôm nay, lời dạy đạo lí làm người này càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

2. Thân bài

a. Giải thích: "Uống nước nhớ nguồn".

  • Uống nước: Thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh của các thế hệ trước.
  • Nguồn: Chỗ xuất phát dòng nước. Nghĩa bóng: Nguyên nhân dẫn đến, con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó.
  • Ý nghĩa: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước.

b. Tại sao uống nước phải nhớ nguồn:

  • Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
  • Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gây dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là đạo lí tất yếu.
  • Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người "trồng cây" phục vụ cho biết bao người "ăn trái".

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

  • Khi "bưng bát cơm đầy", ta phải biết trân trọng, nhớ ơn những ai đã "một nắng hai sương", "muôn phần cay đắng" để làm nên "dẻo thơm một hạt". Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống tự do, thanh bình, no ấm ta phải khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ.
  • Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội nhân ái đoàn kết. Lòng vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội.

c. Phải làm gì để "nhớ nguồn".

  • Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
  • Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình, và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nước ngoài.
  • Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.

3. Kết bài

  • Khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.
  • Nhớ nguồn trước hết là nhớ ơn cha mẹ, thầy cô những người đã sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta thành người hữu dụng. Ngoài ra, còn phải nhớ ơn xã hội đã giúp đỡ ta.
  • Phải sống sao xứng đáng, trọn nghĩa trọn tình theo đúng truyền thống đạo lí tốt đẹp của cha ông.

Một số bài văn mẫu hay:

Bài văn mẫu 1

Con người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều truyền thống quý báu, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ người khác. Một trong những đức tính, truyền thống tốt đẹp mà ta phải nhắc đến đó chính là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.

Câu tục ngữ vô cùng đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Nguồn theo nghĩa đen được hiểu là thượng nguồn, nơi bắt đầu của dòng sông, còn ý nghĩa của nguồn trong câu tục ngữ này là cội nguồn, là tổ tiên, thế hệ đi trước của con người chúng ta. Câu nói mang ý nghĩa khuyên nhủ con người được hưởng nền độc lập, những thành tựu bây giờ thì phải luôn nhớ về và biết ơn thế hệ đi trước đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng xã hội phát triển hơn để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển.

Biểu hiện của hành động uống nước nhớ nguồn của đồng bào ta được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là việc chúng ta biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó là việc chúng ta cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Để tưởng nhớ những vị anh hùng, thế hệ đi trước, chúng ta có những hành động thiết thực để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của họ như: tổ chức lễ hội, đặt tên các con đường theo tên vị anh hùng,… việc uống nước nhớ nguồn mang lại cho chúng ta ý nghĩa vô cùng to lớn: nó khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn. Bên cạnh đó, điều này còn giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Việc uống nước nhớ nguồn cũng góp phần xây dựng cho con người những đức tính quý báu khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, chỉ việc hưởng thụ. Lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích.

Mỗi chúng ta đều có cội nguồn, có tổ tiên. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có hành động đền ơn đáp nghĩa, biết ơn tổ tiên của mình và phát triển bản thân mình mạnh mẽ hơn nữa, gây dựng tương lai tươi sáng cho bản thân và trở thành công dân tốt cho xã hội.

Tài liệu VietJack

Bài văn mẫu 2

“Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Đạo lý ấy được lưu giữa và phát huy suốt theo chiều dài lịch sử đất nước.

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn” mượn hình ảnh uống nước phải nhờ về nơi tạo ra dòng nước ấy. Để ẩn dụ cho sự biết ơn, nhớ về nguồn cội. Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy bày học về lòng biết ơn qua những câu thơ, bài hát, những câu chuyện nhỏ. Chính ông bà, cha mẹ cũng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Lòng biết ơn được thể hiện từ tình cảm chân thành và suy nghĩ kính trọng dành cho người đã giúp đỡ chúng ta. Nó đơn giản là lời cảm ơn, là hành động đền đáp trong khả năng của chính mình. Truyền thống biết ơn đấy hiện diện trong từng nhịp sống của người dân Việt ta. Qua truyền thống thờ cúng tổ tiên, hiếu đạo với cha mẹ, ông bà. Qua những ngày lễ, những sự kiện tôn vinh người lao đông, những bác sĩ, nhà giáo, bộ đội… Cứ như thế, truyền thống Uống nước nhớ nguồn vẫn tiếp tục duy trì và le lỏi vào cuộc sống của chúng ta. Hiện nay, xuất hiện một bộ phận giới trẻ đi ngược với đạo lý của ông cha để lại. Họ mặc sức nhận lấy nhưng lại có thái độ hờ hững, không có lòng biết ơn với người khác. Họ không biết nói lời cảm ơn, không biết tri ân những người đã cống hiến cho cuộc sống hôm nay của mình. Thật đáng buồn thay. Tuy chỉ là số lượng nhỏ, nhưng họ vẫn gây ảnh hưởng đến tập thể. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục ngay từ trên ghế nhà trường, để thế hệ trẻ ngày hôm nay thấm nhuần tư tưởng Uống nước nhớ nguồn mà ông cha để lại.

Em tin rằng, những bài học và giá trị của câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn là vô cùng ý nghĩa. Vì vậy, dù cho những giá trị của cuộc sống này có thay đổi theo thời gian thì câu tục ngữ ấy vẫn sẽ mãi còn vẹn nguyên sức nặng như thuở ban đầu.

Bài văn mẫu 3

Bất kì ai trong chúng ta cũng từng được dạy về bài học “Uống nước nhớ nguồn”.

Bài học ấy được hiện diện dưới hình thức của một câu tục ngữ ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ. Tác giả dân gian đã mượn hành động khi uống nước thì phải nhớ đến nơi xuất phát, tạo ra dòng nước ấy. Để nói về bài học luôn nhớ đến và biết ơn những người đã lao động, cống hiến để tạo ra những món đồ, những giá trị mà mình được hưởng thụ. Những điều đó có thể là các giá trị vật chất như nhà cửa, đường đi, cây cối, hoa quả, đồ chơi, sách vở… Nhưng còn có thể là các giá trị tinh thần như bài học giáo dục, tình yêu thương, một cuộc sống hòa bình, bình đẳng… Để có những điều đấy, những thế hệ đi trước chúng ta đã lao động hăng say, quên mình. Vì vậy, ta phải luôn nhớ đến họ, nhớ đến những vất vả họ đã trải qua để nuôi lòng biết ơn, kính trọng đến những lớp người đấy. Đồng thời, càng thêm nâng niu những hiện vật mà mình được nhận. Tinh thần biết ơn đấy vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống, trong mỗi cá thể. Và minh chứng rõ ràng nhất chính là truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta. Cùng với đó, là các ngày lễ tôn vinh những người có góp phần cống hiến cho đất nước, như ngày thầy thuốc, ngày nhà giáo, ngày thương binh liệt sĩ…

Lớn lên trong bầu không thấm nhuần tinh thần nhớ ơn. Em vẫn luôn đã và đang hướng đến những đạo lí tốt đẹp như thế của dân tộc. Bởi em tin rằng chính những truyền thống ấy sẽ giúp dân tộc ta ngày càng phát triển hơn.

Bài văn mẫu 4

Tục ngữ là một bộ phận trong kho tàng văn học dân gian, được xem là túi khôn của nhân loại, bời vì đó là những bài học trí tuệ sâu sắc của người xưa được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn. Chúng ta có thế tìm thấy ở đấy những kinh nghiệm sống trong thực tế và những bài học về luân lí đạo đức. Ngay từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nhắc nhở thế hệ đi sau phải có tình cảm trân trọng biết ơn đối với những người đã tạo dựng thành quả cho mình. Lời khuyên nhủ ấy được gởi gắm trong câu tục ngữ giàu hình ảnh:

"Uống nước nhớ nguồn"

Chúng ta có suy nghĩ như thế nào khi đọc lời khuyên dạy của tiền nhân? "Nguồn" là nơi xuất phát của dòng nước, mạch nước từ núi, từ rừng ra suối, ra sông rồi đổ ra biển cả mênh mông, không bao giờ cạn. Thứ nước khởi thủy đó trong mát, tinh khiết nhất. Khi ta uống dòng nước làm vơi đi cơn khát thì phải biết suy ngẫm đến nơi phát xuất dòng nước ấy. Từ hình ảnh cụ thể như vậy, người xưa còn muốn đề cập đến một vấn đề khái quát hơn."Nguồn" có thể được hiểu chính là những người đã tạo ra thành quả về vật chất, tinh thần cho xã hội. Còn "uống nước" đó chính là sử dụng, đón nhận thành quả ấy. Câu tục ngữ nhằm khuyên nhủ chúng ta phải biết ơn những người đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống.

Thật vậy, trong cuộc sống, không có hiện tượng nào là không có nguồn gốc, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên, tất cả mọi thành quả đều phần lớn do công sức lao động của con người làm ra. Ta không thể tự tạo mọi thứ từ đôi tay, khối óc của mình cho nên ta phái nghĩ đến những ai đã tạo ra nó. Mặt khác, người tạo ra thành quả phải đổ mồ hôi công sức, thậm chí phải chịu phần mất mát hy sinh. Trong khi đó người thụ hưởng thì không bỏ ra công sức nào cả, vì lẽ đó chúng ta phải biết ơn họ. Đó là sự công bằng trong xã hội.

Hơn nữa, lòng biết ơn sẽ giúp ta gắn bó với cha anh, với tập thể tạo ra một xã hội thân ái, kết đoàn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nêu truyền thống ấy được lưu giữ và xem trọng. Con người sống ân nghĩa sẽ được người khác quý trọng, được xã hội tôn vinh.

Ngược lại, thiếu tình cảm biết ơn, sống phụ nghĩa quên công, con người trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm, những kẻ ấy sẽ bị người đời chê trách, mỉa mai, bị gạt ra ngoài lề xã hội và lương tâm của chính họ sẽ kết tội.

Bên cạnh đó, ta thấy "Uống nước nhớ nguồn" còn là đạo lí của dân tộc, là lẽ sống tốt đẹp từ bao đời nay cho nên thế hệ đi sau cần kế thừa và phát huy. Bài học đạo đức làm người ấy cứ trở đi trở lại trong kho tàng văn học dân gian: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ người đào giếng", "Đường mòn ân nghĩa chẳng mòn", "Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm"...

Thật đáng chê trách cho những ai còn đi ngược lại với lẽ sống cao thượng ấy. Sống dưới mái ấm gia đình, có những người con vẫn chưa cảm nhận hết công sức của đấng sinh thành, họ thản nhiên tiêu xài hoang phí những đồng tiền phải đánh đối bằng những giọt mồ hôi, nước mắt của cha mẹ, thậm chí còn có kẻ đã ngược đãi với cả những người đã tạo dựng ra mình. Dưới mái học đường, nhiều học sinh vẫn còn xao lãng với chuyện học hành. Đó là gì, nếu không phải là vô ơn với thầy cô? Trong xã hội cũng không ít kẻ "uống nước" nhưng đã quên mất "nguồn".

Câu tục ngữ là lời khuyên nhủ chân tình: con người sống phải có đạo đức nhân nghĩa, thủy chung, vừa là lời ca ngợi truyền thống đạo lí lâu đời của dân tộc Việt. Nó còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với ai đã đối xử một cách vô ơn bạc nghĩa với những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ. Học tập câu tục ngữ này, cụ thể là phải biết ơn, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả những gì mà người khác tạo dựng. Là một người con trước hết ta phải biết khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, còn là một người học sinh, biết ơn công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo, sự giúp dỡ của tập thể lớp, trường. Sống trong cuộc đời, ta phải biết khắc ghi công ơn những ai đã cưu mang, giúp đỡ mình khi gặp hoạn nạn khó khăn. Suy rộng ra là con cháu vua Hùng, thuộc dòng dõi Lạc Hồng, ta phải biết tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Thừa hưởng cuộc sống tự do, thanh bình phải biết khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ, khi "bưng bát cơm đầy", ta phải cảm hiểu "muôn phần đắng cay" của những người nông dân... Không chỉ biết ơn đối với những lớp người đi trước, ta còn phải ý thức quý trọng giữ gìn những giá trị mà quá khứ đã tạo nên bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu, tiếp tục phát triển các thành quả của quá khứ. Nói như Bác: "Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Trong tương lai, hãy đem tài năng của mình ra xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh đó chính là cách "trả ơn" quý báu nhất.

Đồng thời còn phải biết đấu tranh chống lại những biểu hiện vô ơn "ăn cháo đá bát", có thế xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Mỗi con người sẽ sống chan hòa với nhau bằng những tình cảm chân thành hơn.

Qua việc sử dụng câu tục ngữ ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh cụ thể mà ý nghĩa thật vô cùng sâu sắc, người xưa đã khuyên nhủ thế hệ đi sau phải biết nhớ ơn những ai đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống để từ đó khéo léo nhắc nhở, cảnh tinh những kẻ còn có lối sống bất nghĩa vô ơn. Mặc dù trái qua bao thâm trầm của thời đại, ý nghĩa câu tục ngữ trên vẫn sống mãi với thời gian... Đọc lại lời dạy của tổ tiên, ta không khỏi tự nhủ với lòng mình. Không bao giờ trở thành kẻ sống thiếu trách nhiệm đối với xã hội, sống và làm việc xứng đáng với đạo lí và truyền thống dân tộc, sống chân thành trọn nghĩa trọn tình, có trước có sau.

Bài văn mẫu 5

Trải qua nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã đúc kết được vô vàn truyền thống tốt đẹp qua những câu tục ngữ ngắn gọn mà đi hết đời, chúng ta cũng không học hết được những điều hay lẽ phải ấy. Một trong những truyền thống quý báu được thể hiện qua câu tục ngữ hàm súc: "Uống nước nhớ nguồn".

Trước hết ta phải hiểu nội dung câu tục ngữ là như thế nào. “Uống nước” chính là sự hưởng thụ những thành quả vật chất và tinh thần; “Nhớ nguồn” là sự tri ân, giữ gìn phát huy những thành quả của người làm ra chúng. Như vậy cả câu tục ngữ là lời khuyên, lời dạy bảo chúng ta phải biết ơn thế hệ cha anh và phát huy những thành quả của họ.

Thật vậy, thành quả không tự nhiên mà có. Đất nước hoà bình mà chúng ta sống hôm nay được đổi bằng sinh mạng của biết bao người ngã xuống. Bởi vậy ta không được phép quên tổ tiên, nòi giống và những người đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ quê hương. Cha mẹ, ông bà người thân đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn, thầy cô dạy dỗ ta học hành trở nên người có ích cho xã hội. Tất cả đều là “nguồn” để ta phải nhớ, phải tri ân.

Lòng biết ơn là cở sở của đạo làm người. Một xã hội chỉ thực sự tốt đẹp khi được xây dựng vững vàng trên nền tảng đạo lý. Trên khắp đất nước Việt Nam lòng biết ơn thể hiện ở việc xây dựng các đền, miếu, chùa chiền phụng thờ, tôn vinh các bậc anh hùng có công với nước. Trong mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng. Nhiều năm nay, cả nước dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với những thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những gia đình có công với cách mạng. Đến bất kỳ nơi nào cũng có thể tìm thấy những biểu hiện sinh động phong phú của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trên đất nước ta.

Nhớ nguồn không chỉ là biết ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả đã có mà bản thân mỗi người cần cố gắng cống hiến, bổ sung thêm những thành quả mới cho “nguồn nước” dân tộc luôn tràn đầy và bất diệt. Có như vậy mới phát huy được tinh hoa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, làm cho xã hội ngày một phát triển. Đó mới là nhớ nguồn một cách thiết thực. Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa làm ra của cải vất chất, tinh thần cho xã hội, do đó hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành với cha mẹ, thầy cô bằng lời nói, việc làm cụ thể của mình: phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.

Câu tục ngữ không chỉ là lời khuyên dạy, nó còn là lời nhắc nhở sâu sắc, thấm thía đối với những kẻ vô ơn, “khỏi vòng cong đuôi”, “qua cầu rút ván”, “khỏi rên quên thầy”. Mạch nguồn trong trẻo của truyền thồng ân nghĩa thuỷ chung sẽ có một ngày làm cho những trái tim lầm đường thức tỉnh!

Lòng biết ơn thực sự là một nét truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc song nó không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của quá trình rèn luyện, tu dưỡng lâu dài của con người. Có lẽ bởi vậy mà tự thủơ ấu thơ, lời ru thấm đượm ân tình của bà của mẹ đã gieo mầm ân nghĩa:

“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao…”

Bài văn mẫu 6

“Uống nước nhớ nguồn” là câu tục ngữ mà cha ông ta thường dùng để nhắn nhủ con cháu về lòng biết ơn.

Bài học về sự biết ơn, nhớ đến nguồn cội ấy bất kì ai trong chúng ta cũng biết, cũng thấm nhuần từ trong tư tưởng. Đó không chỉ là một đạo lý, mà còn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta tự bao đời nay. Những thứ chúng ta ta đang có ngày hôm nay, đều là nhờ những thế hệ đi trước. Từ quả ngọt, ngôi nhà, con đường, đến nền giáo dục, sự hòa bình… Tất cả đều nhờ vào sự cống hiến, hi sinh của những thế hệ đi trước. Vì vậy, chúng ta cần phải ghi nhớ công lao, biết ơn và kính trọng họ.

Đạo lý ấy đã thấm nhuần vào cuộc sống của nhân dân ta đến mức có thể dễ dàng nhìn thấy trong các nếp sống hằng ngày. Đó là cái cảm ơn và cúi chào. Là những mâm cơm thờ cúng tổ tiên. Là những ngày tưởng niệm, thể hiện lòng biết ơn với các thương binh liệt sĩ, với các thầy cô, bác sĩ, thầy thuốc… Bất kì ai cũng xứng đáng được trân trọng và tôn vinh với những cống hiến của mình.

Niềm biết ơn ấy không chỉ là sự ghi nhận, cảm ơn chân thành với cống hiến của thế hệ trước. Mà nó còn chính là một sợi dây gắn kết giữa những con người khác thế hệ, đưa mọi người về gần nhau hơn. Đồng thời, nó còn là nguồn động lực cho lớp trẻ ngày hôm nay lao động sáng tạo hăng say, để có thể tạo ra những thành tựu cho các thế hệ mai sau. Đó chính là sự tiếp nối giữa các thế hệ trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Giúp đất nước ngày càng phát triển hơn.

Bài học “Uống nước nhớ nguồn” ấy, thực sự chứa đựng bài học nhân văn và giá trị to lớn. Nên vẫn luôn là điều mà những đứa trẻ được học từ khi còn nhỏ xíu cho đến khi trưởng thành.

Bài văn mẫu 7

Từ xưa, ông cha ta luôn rất chú trọng trong việc gìn giữ, truyền dạy cho con cháu đời sau những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, những câu tục ngữ đậm tính giáo dục đã ra đời. Trong đó, không thể không nhắc đến câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

Câu tục ngữ nói đến hành động uống nước thì phải nhớ về nguồn cội, nơi sản sinh ra dòng nước ấy. Từ đó, chỉ hành động biết ơn, tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, những thế hệ đi trước đã chiến đấu, dựng xây, tạo nên cuộc sống thái bình và những điều chúng ta đang tận hưởng.

“Nhớ ơn” là một truyền thống vô cùng tốt đẹp, gắn kết biết bao thế hệ người lại với nhau. Những người con người cháu biết ơn, kính trọng những hi sinh, chăm sóc của ông bà, cha mẹ. Những thế hệ sau nhớ ơn, khắc ghi những gì mà thế hệ trước đã kiến tạo.

Điều đó thể hiện qua từng hành động thường ngày đến các phong tục tập quán của nhân dân ta. Tiêu biểu là qua những ngày lễ tôn vinh, tưởng nhớ các thế hệ người đã cống hiến cho dân tộc. Như ngày thương binh liệt sĩ, ngày nhà giáo, ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thầy thuốc… Đặc biệt chính là tập tục thờ cúng tổ tiên đã có từ ngàn năm nay của nước ta. Đơn giản hơn, chính là sự hiếu kính, chăm sóc, biết ơn của những người con, người em trong gia đình.

Tuy thời gian đã trôi qua, nhưng nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” vẫn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy mạnh mẽ. Tuy có một bộ phận nhỏ chưa thấm nhuần được tư tưởng của cha ông, nhưng cũng sớm được “cải tạo” để sống đúng với thuần phong mĩ tục của dân tộc mình.

Bài văn mẫu 8

Sống trong xã hội, con người cần có thái độ như thế nào đối với những người đã giúp đỡ mình? Trước mắt ta, không thiếu những kẻ trâng tráo vô ơn làm nên những hiện tượng “ăn cháo đá bát” mà nhân dân ta ai cũng cực lực phê phán. Những kẻ ấy đã không hiểu được một đạo lí truyền thống của dân tộc ta đã được đúc kết từ thực tế, một mối quan hệ cần thiết trong đời sống con người đó là: “Uống nước nhớ nguồn”. Ta nên hiểu câu tục ngữ này ra sao? Trong cuộc sống hiện nay, ý nghĩa của câu trên càng trở nên sâu sắc hơn như thế nào?

Trước tiên ta cần hiểu thế nào là “uống nước nhớ nguồn”. Câu tục ngữ đã bắt đầu bằng một hình ảnh cụ thể, dễ thấy và dễ hiểu đó là “uống nước”. “Uống nước” là thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động hay thành quả đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước đã qua rồi còn để lại. Nguồn là nơi xuất phát dòng nước. Nói rộng hơn, là nguyên nhân dẫn đến, là con người: cá nhân hay tập thể đã đổ tâm huyết và công sức làm ra thành quả đó. “Uống nước nhớ nguồn” là lời khuyên nhủ, nhắc nhở của ông cha chúng ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai, đang và sẽ thừa hưởng thành quả được tạo nên do công lao của bao thế hệ người đi trước.

Có điều là vì sao “uống nước” phải “nhớ nguồn” cũng như ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây? Điều này thật là dễ hiểu! Bởi vì trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, không có bất cứ một sự vật nào, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động làm nên cả. Giống như hoa thơm trái ngọt phải có người trồng cây đổ biết bao mồ hôi công sức đôi khi cả xương máu của mình nữa để cây xanh non tươi tốt. Của cải vật chất trong xã hội cũng vậy, cũng đều cần đến bàn tay khối óc cần lao của người lao động khổ công nhọc trí làm ra.

Ngay cả đến một dải đất nước giàu đẹp của chúng ta hiện nay cũng chính là thành quả của biết bao thế hệ ông cha đã đổ máu xương công sức ra gầy dựng và tiếp truyền cho. Trong phạm vi hạn hẹp hơn là gia đình thì con cái là “thành quả” do các bậc cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục. Người thừa hưởng sử dụng các thành quả đó phải biết đến công lao của những người tạo ra chúng. Vì thế “nhớ nguồn” là đạo lí tất yếu. Ân nghĩa, thủy chung, không quên công lao của tổ tiên từ đó đã là một trong những phẩm chất tốt đẹp đã trở thành truyền thống cao quý của con người Việt Nam. Ta đã từng bắt gặp tình cảm ấy trong ca dao, tiếng nói tâm tình của dân tộc ta:

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Khi “bưng bát cơm đầy” ta phải biết trân trọng nhớ ơn những ai đã “một nắng hai sương, muôn phần đắng cay” để làm nên “dẻo thơm một hạt”. Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống thanh bình, no ấm hiện nay nhất thiết ta phải khắc ghi công lao của các vị anh hùng liệt sĩ đi trước đã hi sinh biết bao xương máu mồ hôi và nước mắt.

Do đó, “Uống nước nhớ nguồn” chính là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái đoàn kết đầy đạo lí làm người. Ai chẳng biết là lòng vô ơn, bội bạc, thái độ “ăn cháo đá bát” sẽ làm con người trở nên nhỏ nhen, ích kỉ ăn bám gia đình và xã hội.

Thế nhưng để “nhớ nguồn” chúng ta phải làm gì? Là người Việt Nam, tự hào với lịch sử anh hùng, và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, chúng ta phải ra sức góp phần bảo vệ đất nước, tích cực học tập và lao động để góp phần xây dựng đất nước trở nên giàu đẹp hơn.

Không những chỉ có ý thức giữ gìn bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình mà chúng ta chứ không phải ai khác – phải ý thức tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.

Ngoài ra, để “nhớ nguồn” chúng ta phải có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người. Có như thế mới xứng đáng trọn nghĩa trọn tình đúng với truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của cha ông.

Tóm lại, câu tục ngữ trên là lời khuyên, lời nhắc nhở ngắn gọn, súc tích, hình tượng rõ ràng đơn giản dễ hiểu mà ý nghĩa thật sâu sắc. Từ bao đời nay, cha ông chúng ta vẫn dùng câu tục ngữ để giáo dục chúng ta đạo lí làm người Việt Nam.

Là học sinh, hơn ai hết, chúng ta phải khắc ghi trong lòng công ơn sinh thành nuôi nấng của cha mẹ và công lao tận tâm dạy dỗ của thầy cô giáo. Phải biết bảo vệ các thành quả vật chất lẫn tinh thần của bao thế hệ cha ông để lại, và đồng thời cũng biết kế thừa phát 

Bài văn mẫu 9

Lật dở kho tàng ca dao tục ngữ của dân tộc, ta thấy không biết bao điều hay, điều quý được cha ông ngàn đời đúc kết. Ấy là kho báu tinh thần, là lời răn dạy ngàn đời sau vẫn cần tiếp thu và học hỏi. Một trong số đó là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở về thái độ sống biết ơn của mỗi con người. Câu tục ngữ súc tích mà lại thật giàu hình ảnh sâu sắc.

Lời dạy của cố nhân nên được hiểu ra sao? “Uống nước” ở đây là việc hưởng thụ, đón nhận thành quả lao động của những người khác. Những giá trị mà ta đang sử dụng chính là việc “uống nước”. “Nguồn” lại chính là nơi bắt đầu của dòng nước, đầu những con suối, trên những ngọn núi cao. Mạch nguồn của nước theo sông, suối đổ ra bể lớn, không bao giờ nguôi cạn. Vì thế nó có thêm nét nghĩa là sự bắt nguồn của những thành quả mình hưởng thụ. Nơi ấy đã tạo ra “trái ngọt” về cả vật chất lẫn tinh thần cho xã hội. Vậy nên cần “Nhớ nguồn” hay cần ghi nhớ người tạo ra những giá trị lao động. Thật vậy, cuộc sống này mọi thứ mà ta đang hưởng đều do cá nhân, tập thể nào đó tạo nên, không phải ngẫu nhiên mà có. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhớ ta khi được hưởng thụ những thành quả do người khác tạo ra, ta cần biết ơn, tri ân, ghi nhớ những công lao ấy. Họ đã sẵn sàng đánh đổi mồ hôi, sức lực thận chí là cả nước mắt và sinh mạng để cho ra đời nhưng “nguồn sống” thật đẹp và hữu dụng. Lòng biết ơn vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Kho tàng tục ngữ dân tộc còn rất nhiều câu ca đồng nghĩa như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn cây nào, rào cây ấy”, … Tất cả đều mang ý nghĩa tích cực trong cuộc sống của mỗi người hiện nay.

Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, bốn nghìn năm khói lửa và bom tạt, bốn nghìn năm có biết bao thế hệ ngã xuống để cho thế hệ sau đứng lên:

“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, với các vị anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng,.. chính là ngọn nguồn sức mạnh cho dân tộc “cứ đi lên phía trước”. Hàng năm, các lễ hội lại trải dài trên khắp đất nước thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với những người có công: giỗ tổ Hùng Vương, hội Gióng, lễ hội Huyền Trân Công Chúa,… Một loạt các ngày ý nghĩa như 27/12, 20/11, 20/10,… cũng được chọn lựa nhằm truyền tải những tấm lòng biết ơn khác nhau. Đó là những biểu hiện tiêu biểu của lòng biết ơn, của đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”. “Nhớ nguồn” không chỉ là việc nhớ tới công lao đó mà cần có hành động cụ thể để đền đáp, phát huy những gì mà ta may mắn được nhận.

Trong cuộc sống, không có bất cứ thành quả nào là tự nhiên có, mà nó cần đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt để tạo nên. Chỉ khi được trả bằng sức lao động, thành quả ấy mới thực sự có ý nghĩa. Chúng ta được hưởng những “trái ngọt” đó từ bố mẹ, ông bà, từ những thế hệ đi trước đấu tranh, gìn giữ cho. Luôn giữ thái độ trân trọng những gì mình có cũng là thể hiện đức tính tốt đẹp của con người. Chỉ khi có lòng biết ơn, con người mới có thể có thái độ yêu quý với những gì mình được nhận và cố gắng cho tương lai. Tương lai ấy là một tương lai có sự chọn lọc tinh hoa nhân loại để làm giàu đẹp cho văn hoá nước nhà. “Uống nước nhớ nguồn” là nền tảng chắc chắn cho khối đoàn kết xã hội, con người luôn yêu thương và giúp đỡ nhau. Có nó là chúng ta đã cầm chắc trong tay chìa khoá giải quyết những khó khăn, thử thách sau này. Hơn nữa, nét sống ân nghĩa thuỷ chung càng tôn thêm giá trị con người trong xã hội, khiến ta được mọi người tôn vinh và kính trọng.

Càng hiểu vậy, ta lại càng thấy chê trách cho những người đi ngược lại với cách sống ấy. Trong xã hội còn nhiều lắm những kẻ “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván” và ta cần lên án, phê phán là hành động cần thiết. Dù sống dưới tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô nhưng vẫn không thiếu những bạn cảm không biết trân quý những điều mình được nhận, coi đó là tất nhiên. Lòng vô ơn, ích kỉ sẽ biến con người thành kẻ thiếu đạo đức, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình và xã hội. Họ thậm chí có thể ngược đãi cha mẹ, vô ơn với thầy cô, đi ngược lại tất cả những giá trị sống ngàn đời của dân tộc. Thực trạng này có đáng lên án hay không? Lời ru của bà, của mẹ năm xưa con còn nhớ hay đã quên:

               “Công cha như núi ngất trời,
         Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
                     Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

Hơn nữa cũng cần nhớ rằng, giúp người khác cũng không phải để được trả ơn mà là để gìn giữ truyền thống dân tộc, để chia sẻ tình yêu thương. “Nước” không phải lúc nào cũng cần phải báo đáp “nguồn”, đôi khi “nước” chỉ cần làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình trong cuộc đời đã là sự đền ơn đáp nghĩa đáng quý nhất.

Thế hệ trẻ hôm nay càng cần nhớ bài học đạo lí này. Mỗi người nên sử dụng một cách hợp lí, trân trọng những thành quả thế hệ trước để lại. Biết bao sức lao động mới đổi được những thành tự ngày hôm nay? Vậy nên, tự hào và biết ơn với những truyền thống tốt đẹp nhân dân ta đang từng ngày bảo vệ là thái độ sống đúng đắn, cần thiết. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, khi văn hoá các nước ồ ạt giao thoa với nhau thì tự hào với những giá trị văn hoá dân tộc như nền tảng cho mọi sự hoà nhập sau này. Nó sẽ giúp ta tiếp thu một cách có chọn lọc văn hoá nước ngoài: “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Bản thân mỗi cá thể cũng cần không ngừng cố gắng tôi luyện bản thân để giúp ích gia đình, xã hội. Có như thế, “nước” kia mới có thể báo đáp “nguồn”.

Như vậy, câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng luôn là lời dạy bảo sâu sắc cho muôn thế hệ. Đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” sẽ ở lại mãi với dân tộc Việt Nam, nhắc nhở con cháu về lòng biết ơn, đức báo đáp trong cuộc đời. Đây chính là bài học đạo đức căn bản cho những cánh chim trước khi rời tổ mẹ để vỗ cánh thực hiện hoài bão hay xây dựng nước nhà:

“Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy hỏi ta làm gì cho Tổ Quốc hôm nay?”

Bài văn mẫu 10

Tài liệu VietJack

Dân tộc Việt Nam từ trước đến nay vốn có truyền thống nhân nghĩa thuỷ chung son sắt. Có thể nhận thấy được đó chính là lòng biết ơn đối với người khác, đó chính là những người đã có công ơn với mình. Và để có thể đời đời ghi nhớ “khắc cốt ghi tâm” thì ông cha ta đã khéo léo đúc kết và lưu truyền cho con cháu đời sau bằng câu tục ngữ vô cùng ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”

Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng dường như lại đã chứa đựng bài học luân lí về cách sống, về tình nghĩa cao đẹp của người Việt Nam. Tất cả chúng ta khi mà được uống ngụm nước trong lành thì nhất định ta không được quên cội nguồn – nơi dòng nước chảy tới. Vẫn đúng là việc dùng đặc điểm quen thuộc của dân gian để có thể gửi gắm vào đó những bài học những lời răn dạy về lòng biết ơn của con người chúng ta. Để có thể đạt được những thành quả cuộc sống như ngày hôm nay thì tất cả chúng ta không ai được quên đi những người đã có thể mang đến được cho ta được sự ấm no cũng như niềm hạnh phúc.

Thực sự rằng truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" từ xưa cho đến nay thì nó đã như đi vào chính đời sống, là nét đẹp trong phẩm chất của người Việt. Có thể thấy được sự gần gũi là thờ cúng ông bà tổ tiên trong những ngày lễ Tết, giỗ. Trong những ngày này con cháu như được đoàn viên lại quây quần nói chuyện với nhau và cũng thắp hương tưởng nhớ và cảm ơn Tổ tiên ta. Chắc hẳn là người Việt thì không ai có thể quên được ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ đến những chiến công, những công lao của các vị anh hùng dân tộc. Tất cả họ đã đem đến cho chúng ta ngày nay có được một cuộc sống thật tiến bộ. Chúng ta phải làm theo được như lời của vị lãnh tụ kính yêu – Hồ Chí Minh đã từng nói "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Cho nên đân ta vẫn có câu hát đó là:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Và để có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, ngày trước cha ông ta cũng đã phải đổ biết bao mồ hôi cũng như là xương máu thì mới có thể giữ được sự bình yên cho nước nhà. Ta vẫn còn nghe kể về những anh lính cụ Hồ, những cô gái Trường Sơn năm nào họ như vẫn cứ hát ca bài ca:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Thế hệ đi trước đã không quản khó khăn mệt nhọc thậm chí là cả tính mạng để bảo vệ non sông đất nước ta. Chúng ta – những thế hệ trẻ hiện nay được sống trong chính niềm vui tự do, độc lập thì phải nhớ ơn đến những người đã ngã xuống. Bên cạnh đó còn có không ít bạn trẻ hiện nay họ coi độc lập tự do – thứ mà trước đây phải đánh đổi bằng mạng sống mới có thể có được là khí trời. Và quả thật đáng buồn biết bao nhiêu. Một dân tộc không thể nào mà đánh mất lịch sử của chính mình được. Thế hệ trẻ hiện nay phải am hiểu lịch sử, am hiểu không chỉ là biết rồi để đó. Mà thông qua kiến thức lịch sử ta thêm được sự tự hào cũng như phải biết ơn thế hệ cha anh đi trước. Có như vậy mới giúp ta thêm những bản lĩnh, ý chí để sống sao cho không phụ lòng mong mỏi của thế hệ đi trước.

Không chỉ là đối với các vị anh hùng dân tộc thì tôn sư trọng đạo cũng là một biểu hiện lòng biết ơn. Khi mà được gần gũi với học sinh nhất là ngày 20-11 – ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Ta như thấy được có cả câu tục ngữ rất hay để nói về người thầy đó chính là câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "không thầy đố mày làm nên" chính là để nói về công lao như trời biển của các thầy cô. Cho nên ngày 20 – 11 chính là ngày mà để các em học sinh, những thế hệ học trò đến để là để nói về công lao to lớn của thầy cô giáo đối với các thế hệ học trò thể hiện lòng biết ơn đối với thày cô. Lòng biết ơn đối với thầy có lẽ nó còn được thể hiện ở sự say mê, chăm học, có được những kết quả tốt. Đối với các thế hệ cựu học sinh chính là sự thành đạt.

Nói về lòng biết ơn thì không thể không nhắc đến công sinh thành của cha mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Đó còn chính là tình yêu của cha chăm lo cho bạn. Vậy đấy, xung quanh ta còn biết bao nhiêu điều mà không phải là khí trời mà chúng ta cần trân trọng và biết ơn. Sự nhớ ơn người mang lại cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc trở thành lẽ tự nhiên, và nó dường như cũng sẽ trở thành nếp sống, nếp nghĩ và phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta.

Có thể thấy được câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” như gợi nhắc cho bản thân chúng ta cần phải biết ơn những thế hệ đi trước, những người đã giúp cho ta có được sự thành công như ngày hôm nay. Họ đã đi xa nhưng thành quả của họ tạo ra sẽ được giữ gìn và phát huy bởi chính bạn. Hãy tiếp nối những thành quả đó cho thế hệ mai sau nhé bạn!

Bài văn mẫu 11

Ân nghĩa, thuỷ chung là một lòng là nét đẹp mang tính truyền thống của đạo lí dân tộc, thể hiện lối ứng xử mang vẻ đẹp nhân văn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Bài học đạo lí Uống nước nhớ nguồn đã thành tục ngữ, hoá thân trong lời hát câu ca, đã thấm sâu vào tâm hồn hàng triệu triệu con người Việt Nam xưa nay.

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn có hình tượng đẹp, hàm chứa một tư tưởng, tình cảm đẹp, một lối ứng xử đẹp.

Chỉ vỏn vẹn bốn chữ ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa. Uống nước là điều kiện, nhớ nguồn là hệ quả. Nguồn là nơi phát nguyên những nguồn nước. Nước đầu nguồn thì trong mát ngọt lành. Nguồn nước có bao giờ vơi cạn? Nhờ nguồn mà sông suối, ao hồ, biển cả có nước quanh năm, sự sống được nở hoa kết trái. Uống nước là được hưởng thụ; nhờ có nguồn mà ta được uống nước. Chữ nhớ trong câu tục ngữ thể hiện tấm lòng nhớ ơn, biết ơn.

Câu Uống nước nhớ nguồn nêu lên mối quan hệ lịch sử, xã hội. Đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi chúng ta bài học đạo đức: Phải nhớ ơn, biết ơn những người đã đem lại ấm no, hạnh phúc và yên vui cho mình.

Câu tục ngữ đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa bốn nghìn lớp người trong xã hội ta. Nó nêu lên một quan niệm nhân sinh đầy tình người, đúc kết một nét đẹp về đạo lí, nhắc nhở mỗi người sống có tình có nghĩa, trọn vẹn thuỷ chung.

Lòng nhớ ơn, biết ơn là một tình cảm rất đẹp. Câu tục ngữ giáo dục chúng ta lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nó nhắc nhở chúng ta biết ơn nhân dân vĩ đại đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và bảo vệ đất nước. Bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách, ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tâm hồn ta... đã thấm sâu công ơn hàng triệu người dân cày, người thợ, thầy giáo, cô giáo... Lá quốc kì đỏ thắm, đất nước độc lập thanh bình... là do xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Giang sơn gấm vóc hôm nay là do nguồn thiêng ông cha, như một nhà thơ đã ca ngợi:

Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm.)

Lòng biết ơn không chỉ được khắc sâu trong tâm hồn mà còn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tục cúng lễ giỗ tết với nén hương thơm toả khói trên bàn thờ gia tiên. Con cái chăm học chăm làm, sống tốt đẹp làm vẻ vang cho dòng họ, biết săn sóc ông bà cha mẹ khi già yếu. Ngày 27/7 và ngôi nhà tình nghĩa là sự thể hiện lòng biết ơn của toàn dân đối với thương binh liệt sĩ. Học sinh biết tôn sư trọng đạo... Đó là hành động biết “Uống nước nhớ nguồn”.

Để giáo dục lòng biết ơn, nhân dân ta đã sáng tạo nên những câu tục ngữ, bài ca dao đậm đà, ý đẹp lời hay đã thấm sâu vào máu thịt và hồn người: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Ai ơi bưng bát cơm đầy / Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?.", "Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn."

Ở đời, người nhân hậu làm ơn không bao giờ nghĩ tới chuyện trả ơn. Họ coi việc cứu giúp mọi người là nghĩa vụ của lương tâm. Lòng biết ơn luôn nhắc nhở chúng ta vừa nhớ tới cội nguồn, nhớ tới thế hệ đi trước, đồng thời phải nghĩ tới những lớp người mai sau. Biết nhớ nguồn còn phải biết khơi nguồn là vậy.

Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học lớn dạy ta biết làm người. Nó gợi nhớ trong lòng ta món nợ đời sâu nặng:

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.

Bài văn mẫu 12

Lòng biết ơn là một đức tính cao quý và là một nét đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người từ bao đời nay, truyền thống đó luôn được giữ gìn và phát huy. Và đã có biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ được ông cha ta đúc kết lại để nói về nét đẹp ấy, trong đó có câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" khá quen thuộc và gần gũi với chúng ta.

Câu tục ngữ ngắn gọn mà chứa đựng nhiều ý nghĩa, nó không đơn thuần chỉ nói về lớp nghĩa thực: Đó là nguồn gốc của nguồn nước thiên nhiên đã ban tặng cho con người, để mọi người có được dòng nước sử dụng hằng ngày như ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt...Và mỗi lần sử dụng dòng nước ấy, con người sẽ luôn nhớ tới và thầm biết ơn thiên nhiên đã cho ta những nguồn nước quý giá đó. Mà sâu xa hơn, đó chính là lời nhắn nhủ của ông cha ta muốn gửi gắm đến con cháu thế hệ sau: Phải biết ghi nhớ công ơn, những tình cảm, những hành động hay việc làm mà người khác đã giúp đỡ mình, đã hi sinh cống hiến để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình. Đấy mới là giá trị lâu bền, là nền tảng xây dựng tốt các mối quan hệ xã hội.

Có thể nói rằng, trong mỗi chúng ta không có một thành công nào tự nhiên có nếu như không có công lao của một ai đó tạo nên. Công lao ấy có thể đơn giản chỉ là những lời động viên hay sự định hướng đúng đắn, cũng có thể đó là sự hỗ trợ về kinh tế để làm bước đệm khi chúng ta muốn tiến xa hơn... Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây lại chính là sợi dây gắn kết để tạo nên một bước ngoặt mới cho mỗi con người.

Mỗi chúng ta, không phải tự nhiên mà ta được sinh ra trên cuộc đời này, đó là công lao của cha mẹ, những người đã mang nặng đẻ đau và nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta khôn lớn thành người. Nếu không có cha mẹ thì làm sao có chúng ta, vậy nên, công ơn sinh thành dạy dỗ ta phải luôn ghi nhớ trong tận đáy lòng, không những biết ơn mà ta nên báo đáp sao cho vẹn tròn chữ hiếu. Ví dụ như, khi ta đã trưởng thành, đi làm có lương ta có thể mua tặng cha mẹ mình một món quà nào đó thể hiện sự quan tâm, lòng hiếu thảo của mình. Hay khi cha mẹ già yếu, không còn sức khỏe lao động nữa, ta nên đền đáp công ơn đó bằng cách làm chỗ dựa thật vững chắc cho cha mẹ nương tựa. Chỉ cần vậy thôi chứ không nhất thiết phải là cái gì đó to tát, cao siêu mới là có hiếu.

Đó là trong gia đình. Còn ngoài xã hội thì sao? Những người thầy, người cô đã dìu dắt, dạy dỗ cho chúng ta kiến thức, tiếp thêm cho chúng ta những ước mơ trong sự nghiệp, đó cũng là những người ta không được phép quên. Đơn giản có thể chỉ là những tin nhắn hỏi thăm, những lời chúc mừng nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, hay những bó hoa tươi tắn kèm theo những dòng chữ chúc mừng. Chỉ cần những hành động nhỏ nhặt đó nhưng đã đem lại nụ cười, tạo sự gắn kết yêu thương giữa con người với nhau và thực sự nó có ý nghĩa rất lớn, mang đậm tính nhân văn. Lòng biết ơn những thế hệ đi trước đã đổ bao nhiêu công sức, thậm chí hi sinh cả một phần xương máu của bản thân để giành lại độc lập tự do cho đất nước, cho chúng ta có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay. Đó là ngày 27/7 - ngày lễ tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng liệt sĩ... đã ngã xuống để bảo bệ Tổ quốc.

Nhưng trong thực tế, vẫn có một số người đã đánh mất đi cái đạo lý ấy, sẵn sàng phản bội, "ăn cháo đá bát" với những người đã từng giúp đỡ mình. Đó là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân và họ sẽ phải trả giá cho sự vô ơn của mình.

Tóm lại, câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" đã dạy cho con người hiểu rõ hơn về lòng biết ơn, về sự báo đáp với những người đã có công lao giúp đỡ mình. Câu tục ngữ mang đậm tính nhân văn và chúng ta là những người thế hệ sau nên có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp đó. Để tạo nên một xã hội văn minh hơn, lịch sự hơn, góp phần làm cho đất nước phát triển phồn vinh hơn.

Bài văn mẫu 13

Sống trong xã hội, con người cần có thái độ như thế nào đối với những người đã giúp đỡ mình? Trước mắt ta, không thiếu những kẻ trâng tráo vô ơn làm nên những hiện tượng “ăn cháo đá bát” mà nhân dân ta ai cũng cực lực phê phán. Những kẻ ấy đã không hiểu được một đạo lí truyền thống của dân tộc ta đã được đúc kết từ thực tế, một mối quan hệ cần thiết trong đời sống con người đó là : “Uống nước nhớ nguồn”. Ta nên hiểu câu tục ngữ này ra sao? Trong cuộc sống hiện nay, ý nghĩa của câu trên càng trở nên sâu sắc hơn như thế nào?

Trước tiên ta cần hiểu thế nào là “uống nước nhớ nguồn”. Câu tục ngữ đã bắt đầu bằng một hình ảnh cụ thể, dễ thấy và dễ hiểu đó là “uống nước”. ”Uống nước” là thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động hay thành quả đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước đã qua rồi còn để lại. Nguồn là nơi xuất phát dòng nước. Nói rộng hơn, là nguyên nhân dẫn đến, là con người : cá nhân hay tập thể đã đổ tâm huyết và công sức làm ra thành quả đó. ”Uống nước nhớ nguồn” là lời khuyên nhủ, nhắc nhở của ông cha chúng ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai, đang và sẽ thừa hưởng thành quả được tạo nên do công lao của bao thế hệ người đi trước.

Có điều là vì sao “uống nước” phải “nhớ nguồn” cũng như ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây? Điều này thật là dễ hiểu! Bởi vì trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, không có bất cứ một sự vật nào, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động làm nên cả. Giống như hoa thơm trái ngọt phải có người trồng cây đổ biết bao mồ hôi công sức đôi khi cả xương máu của mình nữa để cây xanh non tươi tốt. Của cải vật chất trong xã hội cũng vậy, cũng đều cần đến bàn tay khối óc cần lao của người lao động khổ công nhọc trí làm ra.

Ngay cả đến một dải đất nước giàu đẹp của chúng ta hiện nay cũng chính là thành quả của biết bao thế hệ ông cha đã đổ máu xương công sức ra gầy dựng và tiếp truyền cho. Trong phạm vi hạn hẹp hơn là gia đình thì con cái là “thành quả” do các bậc cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục. Người thừa hưởng sử dụng các thành quả đó phải biết đến công lao của những người tạo ra chúng. Vì thế “nhớ nguồn” là đạo lí tất yếu. Ân nghĩa, thủy chung, không quên công lao của tổ tiên từ đó đã là một trong những phẩm chất tốt đẹp đã trở thành truyền thống cao quý của con người Việt Nam. Ta đã từng bắt gặp tình cảm ấy trong ca dao, tiếng nói tâm tình của dân tộc ta:

Ai ơi ! Bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Khi “bưng bát cơm đầy” ta phải biết trân trọng nhớ ơn những ai đã “một nắng hai sương, muôn phần đắng cay” để làm nên “dẻo thơm một hạt”. Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống thanh bình, no ấm hiện nay nhất thiết ta phải khắc ghi công lao của các vị anh hùng liệt sĩ đi trước đã hi sinh biết bao xương máu mồ hôi và nước mắt.

Do đó, ”Uống nước nhớ nguồn” chính là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái đoàn kết đầy đạo lí làm người. Ai chẳng biết là lòng vô ơn, bội bạc, thái độ “ăn cháo đá bát” sẽ làm con người trở nên nhỏ nhen, ích kỉ ăn bám gia đình và xã hội.

Thế nhưng để “nhớ nguồn” chúng ta phải làm gì? Là người Việt Nam, tự hào với lịch sử anh hùng, và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, chúng ta phải ra sức góp phần bảo vệ đất nước, tích cực học tập và lao động để góp phần xây dựng đất nước trở nên giàu đẹp hơn.

Không những chỉ có ý thức giữ gìn bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình mà chúng ta chứ không phải ai khác – phải ý thức tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.

Ngoài ra, để “nhớ nguồn” chúng ta phải có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người. Có như thế mới xứng đáng trọn nghĩa trọn tình đúng với truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của cha ông.

Tóm lại, câu tục ngữ trên là lời khuyên, lời nhắc nhở ngắn gọn, súc tích, hình tượng rõ ràng đơn giản dễ hiểu mà ý nghĩa thật sâu sắc. Từ bao đời nay, cha ông chúng ta vẫn dùng câu tục ngữ để giáo dục chúng ta đạo lí làm người Việt Nam.

Là học sinh, hơn ai hết, chúng ta phải khắc ghi trong lòng công ơn sinh thành nuôi nấng của cha mẹ và công lao tận tâm dạy dỗ của thầy cô giáo. Phải biết bảo vệ các thành quả vật chất lẫn tinh thần của bao thế hệ cha ông để lại, và đồng thời cũng biết kế thừa phát huy và giữ gìn giá trị vật chất, tinh thần của những thành quả đó.

Bài văn mẫu 14

Ca dao tục ngữ xưa luôn giàu ý tình và chất chứa biết bao những bài học đạo lý vô cùng sâu sắc, và một trong số đó chính là bài học về sự biết ơn, đền ơn đáp nghĩa trong cuộc sống. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” chính là một minh chứng tiêu biểu cho đạo lý đó của dân tộc.

Chắc hẳn, đây là câu tục ngữ đã không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta, “uống nước” là hành động tượng trưng cho sự thừa hưởng, hưởng thụ những thành quả của người khác dành cho mình. Từ đó ông cha ta khuyên dạy mỗi người cần biết “nhớ nguồn”, tức là nhớ về cội nguồn, nguồn gốc của nơi mà đã cho ta thứ để ta sử dụng, hay sâu xa hơn là biết ơn, ghi nhớ, cảm kích đối với những người đã đã giúp đỡ ta ,tạo ra thành quả để ta hưởng thụ. Qua câu tục ngữ trên, ông cha ta đã đề cao vai trò của lòng biết hơn trong cuộc sống.

Có thể nói, đây là một bài học đạo lý vô cùng ý nghĩa. Tại sao lại như vậy? Trước tiên, trong cuộc sống này, không điều gì là có sẵn trong tự nhiên, kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Những gì mà ta có được hiện tại không hoàn toàn là do một mình bàn tay ta có thể tạo nên mà đó là sự cộng hưởng, công lao của biết bao những yếu tố, những con người khác, chẳng hạn như những vật dụng đồ dùng hiện nay đều là quá trình thế hệ trước nghiên cứu và phát minh ra, hay ta có được kiến thức, sự giáo dục tốt là nhờ công lao của thầy cô, cha mẹ. Đó đều là những “nguồn” sống để ta có được như ngày hôm nay, do đó, con người cần biết ơn, ghi nhớ, tôn trọng công lao nuôi dưỡng, cung cấp, sinh thành của những người cho ta cuộc sống đầy đủ hiện tại.

“Uống nước nhớ nguồn” là một đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc, nó thể hiện sự biết ơn với cội nguồn của mỗi người, nhớ ơn công lao của các thế hệ đi trước đã rày công xây dựng mà nên. vfo.vn Ta có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay là nhờ ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, là những giọt mồ hôi, những giọt máu của biết bao các hệ cha anh đã kiên cường, anh dũng, chiến đấu hết mình, đánh đuổi giặc ngoại xâm mà hy sinh. Đó là lý do vì sao ngày nay, có rất nhiều những ngày lễ truyền thống của dân tộc nhằm tưởng nhớ công lao của cha ông ta ngày trước như Giỗ tổ Hùng Vương 10 -3, Ngày Thương binh liệt sĩ,...Tri ân những con người đã góp phần tạo nên cuộc sống cho ta như các bậc làm cha làm mẹ, thầy cô giáo,...đất nước ta cũng có những ngày lễ như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10,...để mỗi người con, người cháu tri ân, tỏ lòng thành kính đối với các bậc đi trước.

Cuộc sống nếu như không có cái gọi là lòng biết ơn thì liệu xã hội có được ổn định và vững bền? Lòng biết ơn không chỉ thể hiện tình cảm nhớ ơn mà còn là sợi dây gắn kết giữa con người với người. Khi ta biết ơn người khác, ta sẽ luôn nhận được sự yêu mến, cảm kích, tự hào của những người xung quanh, ngược lại, nếu cuộc sống chỉ toàn những kẻ “ăn cháo đá bát”, vong ân bội nghĩa với những người đã giúp đỡ mình, họ sẽ luôn bị người đời chê trách, trách cứ, và xa lánh. Câu chuyện về mẹ con Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh hay mẹ con Cám trong truyện cổ tích Tấm cám có lẽ là những minh chứng tiêu biểu nhất cho sự vong ơn bội nghĩa và phải trả giá một cách xứng đáng.

Lòng biết ơn chỉ thực sự giàu ý nghĩa khi nó xuất phát từ chính trái tim của người mang ơn đối với người làm ơn, nếu như nó không thật lòng từ trong sâu thẳm con tim mà chỉ là sự gượng ép, miễn cưỡng, hay đôi khi là cố tình để thể hiện bản thân mình thì nó cũng thật vô nghĩa làm sao. Sông nào cũng có nguồn, “ăn quả” không thể không nhớ đến “kẻ trồng cây”, mỗi cá nhân trong cuộc sống hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần ý thức được sâu sắc trách nhiệm của bản thân đối với cội nguồn và hành động một cách đúng đắn, cũng như phát huy hết mình truyền thống quý báu ấy của dân tộc.

Như vậy, câu tục ngữ đã không chỉ đặt ra một bài học đạo lý sâu sắc mà còn đưa ra yêu cầu cần biết phát huy và bảo tồn để thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, để đọa lý truyền thống luôn sống mãi trong mỗi trái tim con người Việt Nam muôn đời.

Bài văn mẫu 15

Trong cuộc sống, đạo đức là một yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện sự văn minh, lịch sự, nếp sống, tính cách và phần nào có thể đánh giá được phẩm chất, giá trị bản thân con người. Một trong số đó là sự biết ơn, nhớ ghi công lao mà người khác đã giúp đỡ mình. Đó cũng là một chân lí thiết thực trong đời thường. Chính vì vậy ông cha ta có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn”. Cả hai câu tục ngữ trên đều mang một triết lí nhân văn sâu xa. Đó là cần phải biết ơn những người đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chúng ta.

Câu đầu tiên mượn hình ảnh “ăn quả” và “trồng cây” ý muốn nói, khi được hưởng thụ những trái ngọt, trái thơm, cần nhớ tới công sức, mồ hôi nước mắt của người đã làm ra nó. Điều đó được ẩn dụ nhằm khuyên răn thái độ của mỗi con người xử sự sao cho đúng, cho phải đối với những người đã giúp đỡ mình để không phải hổ thẹn với lương tâm. Hành động đó đã thể hiện một tư tưởng cao đẹp, một lối ứng xử đúng đắn. Lòng biết ơn đối với người khác đó chính là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa tới nay. Đó cũng chính là biết sống ân nghĩa mặn mà, thuỷ chung sâu sắc giữa con người với con người. Tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự dưng mà có. Đó chính là công sức của biết bao lớp người. Từ những bát cơm dẻo tinh trên tay cũng do bàn tay người nông dân làm ra, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi mà. Rồi đến tấm áo ta mặc, chiếc giày ta đi cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù trong đó. Những di sản văn hoá nghệ thuật, những thành tựu độc đáo sáng tạo để lại cho con cháu. Còn nhiều, rất nhiều những công trình vĩ đại nữa mà thế hệ trước đã làm nên nhằm mục đích phục vụ thế hệ sau. Tất cả, tất cả cũng chỉ là những công sức lớn lao, sự tâm huyết của mỗi người dồn lại đã tạo nên một thành quả thật đáng khâm phục để ngày nay chúng ta cần biết ơn, phục hồi, tu dưỡng, phát triển những di sản đó. Những lòng biết ơn, kính trọng không phải chỉ là lời nói mà còn cần hành động để có thể thể hiện được hết ân nghĩa của ta. Đó chính là bài học thiết thực về đạo lí mà mỗi con người cần phải có.

Đến câu tục ngữ thứ hai “Uống nước nhớ nguồn”. Cũng giống câu tục ngữ thứ nhất. Câu tục ngữ này đều mang ý ẩn dụ dưới hình thức cụ thể, sinh động. Nước chính là thứ chúng ta hưởng thụ còn nguồn chính là người tạo ra cái để chúng ta hưởng thụ đó. Câu tục ngữ này chỉ vẻn vẹn có bốn chữ mà ý tứ sâu xa ẩn dưới cấu trúc mô hình điều kiện, hệ quả. Nói đến nước trong nguồn là nói đến sự mát mẻ, thanh tao. Và nguồn nước sẽ mãi không bao giờ vơi cạn. Chữ “nhớ” trong câu là một từ quan trọng, tâm điểm của câu tục ngữ. Ý nghĩa câu tục ngữ này thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Lòng nhớ ơn luôn mang một tình cảm cao đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn. Nó giáo dục chúng ta cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc cho chúng ta có những năm tháng sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội, phần để thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của chúng ta, phần vì không hổ thẹn với những người ngã xuống giành lấy sự độc lập. Có ai hiểu được rằng, một sự biết ơn được thể hiện như một đoá hoa mai ửng hé trong nắng vàng, một lòng kính trọng bộc lộ như một ánh sao đêm sáng rọi trên trời cao. Đó là những cử chỉ cao đẹp, những hành động dù chỉ là nhỏ nhất cũng đều mang một tấm lòng cao thượng. Những người có nhân nghĩa là những người biết ơn đồng thời cũng biết giúp đỡ người khác mà không chút tính toán do dự. Chính những hành động đó đã khơi dậy tấm lòng của biết bao nhiêu con người, rồi thế giới này sẽ mãi là một thế giới giàu cảm xúc.

Tóm lại hai câu tục ngữ trên giúp ta hiểu được về đạo lí làm người. Lòng tôn kính, sự biết ơn không thể thiếu trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta luôn phải trau dồi những phẩm chất cao quý đó, hãy biết rèn luyện, phấn đấu bằng những hành động nhỏ nhất vì nó không tự có trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải biết ơn những người đã có công dẫn dắt ta trong cuộc sống nhất là đối với những người trực tiếp giúp đỡ chỉ bảo ta như cha mẹ, thầy cô. Bài học đó sẽ mãi là một kinh nghiệm sống ẩn chứa trong hai câu tục ngữ trên và nó có vai trò, tác dụng rất lớn đối với cuộc sống trên hành tinh này.

Bài văn mẫu 16

Tài liệu VietJack

Qua quá trình lao động của nhân dân ta và trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã chống lại ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt đã lập nên bao chiến công hiển hách, những trang sử vẻ vang. Chính đặc điểm lịch sử đó đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và trong cuộc sống ngày hôm nay lời dạy đó càng trở nên sâu sắc.

Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là “uống nước nhớ nguồn”. “Uống nước” là sự thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước. “Nguồn” chỉ nguồn gốc, nguồn cội hay có thể hiểu rộng ra là nguyên nhân dẫn đến con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó. “Nhớ nguồn” là hành động mang tính đạo đức cao, hưởng thụ những thành quả không tự nhiên mà có. Câu tục ngữ như một lời khuyên lời nhắc nhủ cảu ông cha ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng những thành quả công lao của những người đi trước đã để lại cho ta.

Trong cuộc sống không gì gọi là tự nhiên có sẵn. không gì là không có nguồn gốc. Và chúng ta đuợc sống trong một xã hội hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay thì đã có biết bao nhiêu mồ hôi và xương máu ông cha ta phải đổ xuống .. Chúng ta đã cố gắng làm được nhiều việc để đền đáp công ơn thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với nước. Vào dịp 27-7 hằng năm, ngày thương binh liệt sĩ, toàn Ðảng, toàn dân ta có dịp nhìn lại những việc đã làm để đền ơn đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ. Cùng với đó là hàng loạt hoạt động tri ân khác cũng đồng loạt diễn ra với sự thành kính, biết ơn những người đã ngã xuống. Chắc khó có nơi nào trên thế giới, hoạt động đền ơn đáp nghĩa lại có sức lan tỏa rộng khắp như ở Việt Nam, “Uống nước, nhớ nguồn”… Dân tộc Việt Nam là vậy, con người Việt Nam là vậy – chung thủy, nghĩa tình. Gần gũi với chúng ta hơn đó là cha mẹ.. Ai ai cũng lớn lên qua những câu hát chứa chan tình thương của mẹ. Rồi chính bố là người dẫn dắt ta đi khắp nẻo đường đời.Tình thương của cha mẹ luôn là trời bể. Các thầy cô giáo là những người dạy dỗ chúng ta nên người. Thầy cô trang bị cho chúng ta những hành trang vững chắc nhất để vào đời, đó là kiến thức. Do đó, ai cũng rất yêu mến cha mẹ, kính trọng thầy cô, không quên công lao to lớn của họ đã giúp chúng ta khôn lớn. Một lần nữa, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện cụ thể nhất. Vì thế, ‘nhớ nguồn’ là bổn phận tất yếu, là đạo lý làm người, là một tình cảm đẹp đẹp xuất phát từ trong chính mỗi con người chúng ta, xuất phát từ ý thức ghi nhớ công lao người đã tạo nên những điều tốt đẹp đến với ta.

Một đất nước, gia đình, xã hội mà giữ được đạo lí “uống nước nhớ nguồn” thì đất nước, gia đình, xã hội ấy tốt đẹp, thân ái biết bao. Song trong cuộc sống không phải ai cũng hiền lành, trung thực, đạo đức tốt, cũng có lắm kẻ giả dối, vong ân bội nghĩa những người làm ra thành quả. Câu tục ngữ thể hiện thật chính xác và sâu sắc ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” nhằm khuyên răn những kẻ “có mới nới cũ”, “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”,…

Mỗi khi được hưởng một thành quả nào, chúng ta phải có nghĩa vụ giữ gìn, trân trọng và phát huy những gì mà ông cha ta đã cố gắng gây dựng và bảo vệ như các bản sắc văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc. Không chỉ có thế, chúng ta còn phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để làm cho truyền thống văn hóa ta ngày càng phong phú. Bản thân là một trong những thanh niên của xã hội mới, ta phải cố gắng học tập thật nghiêm túc, cần cù lao động, tạo ra những thành quả không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho xã hội. Đó chính là biểu hiện cụ thể của tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”.

“Uống nước nhớ nguồn” là lời nhắn nhủ hết sức ngắn gọn và giản dị, là bài học sâu sắc, có giá trị từ ngàn xưa và cho đến mai sau. “Uống nuớc nhớ nguồn” – Sống cho trọn nghĩa trọn tình: nhớ ơn sinh thành,dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, công ơn của những thế hệ đi trước … Từ đó phải biết học tập và làm việc sao cho xứng đáng với đạo lý làm người và truyền thống dân tộc ta.

Bài văn mẫu 17

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống có từ lâu đời của cha ông ta truyền lại cho thế hệ trẻ mai sau. Đây là truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy từ đời này sang đời khác. Nó hình thành nên nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Từ xưa đến nay, trong tâm linh của người Việt Nam thì lòng biết ơn, hướng về cội nguồn là điều mà mỗi người cần phải ghi nhớ. Hiểu một cách nôm na thì uống nước nhớ nguồn chính là sống luôn hướng về tổ tiên, về quê hương, đất nước, về những người đã có công ơn nuôi dưỡng và sinh thành chúng ta.

Biểu hiện của lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn trong cuộc sống rất rõ nét. Nó thể hiện qua lời ăn tiếng nói, qua hành động của mỗi người khi nhớ về quá khứ của mình. Dân tộc ta đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm của chiến tranh. Sự mất mát, hi sinh của những người đồng chí, đồng đội để đổi lấy sự yên bình của đất nước như bây giờ. Cha ông ta, những người con đã nằm lại với đất mẹ. Những người đã đánh đổi cả tuổi trẻ của mình vì độc lập tự do dân tộc. Họ không còn nữa nhưng vong linh của họ còn mãi nằm lại trong tâm trí của những người ở lại. Hằng năm cứ đến ngày 27/7, các cơ quan đoàn thể đều tổ chức Ngày thương binh liệt sĩ để tưởng nhớ công ơn của những người đã ngã xuống, cũng như những người còn sống nhưng dấu vết chiến tranh còn in hằn trên người họ.

Đó là một trong những biểu hiện của lòng biết ơn, lối sống uống nước nhớ nguồn đối với những người có công với cách mạng.

Chúng ta không phải kể đến những việc xa xôi, uống nước nhớ nguồn còn là thái độ, lòng biết ơn đối với bố mẹ, ông bà. Họ là những người có công lao sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta từ khi còn bé đến lúc trưởng thành. Người xưa vẫn có câu:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Công lao trời biển ấy dù con cái có báo đáp cũng không thể báo đáp được, nhưng tấm lòng của con cái dành cho cha mẹ mới là điều quan trọng nhất. Dù mai này lớn lên, dù có đi đâu, làm gì thì ba mẹ vẫn luôn là nơi để chúng ta trở về. Họ mãi là người sẵn sàng chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm bạn gây ra.

Truyền thống uống nước nhớ nguồn đã tạo nên một nét đẹp truyền thống đối với dân tộc Việt Nam. Truyền thống này giúp cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Nó sẽ hình thành nên hệ tư tưởng tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác.

Bên cạnh những người có tinh thần biết ơn, uống nước nhớ nguồn thì còn có những kẻ đi ngược lại với đạo lý ấy. Đó là những người phản bội đất nước, bán nước, ích kỷ, không chịu cống hiến. Trong những năm qua tình trạng con cái bỏ rơi cha mẹ khi về già đang diễn ra ngày càng căng thẳng. Họ đang chà đạp lên những người đã có công ơn nuôi dưỡng, sinh thành. Thật đáng buồn cho những người như vậy.

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Mỗi người cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này để có thể xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh hơn.

Bài văn mẫu 18

Biết ơn người khác là một trong những vẻ đẹp trong kho tàng nhân cách của con người. Kẻ sống không có lòng biết ơn cũng chẳng khác nào dòng nước đục chảy giữa cánh đồng xanh, bông hoa không có hương thơm, loài chim không biết hót. Nhắc nhở con người sống phải có lòng biết ơn, người xưa từng nói khuyên uống nư­ớc phải nhớ lấy nguồn.

N­ước là sự vật tự nhiên, có vai trò duy trì sự sống của mọi sinh vật. Nguồn là nơi nư­ớc bắt đầu chảy. Uống n­ước là tận dụng môi trường tự nhiên để tồn tại và phát triển.

Nư­ớc chính là thành quả vật chất và tinh thần mang tính lịch sử của cộng đồng dân tộc. Uống n­ước là hưởng thụ các thành quả của dân tộc. Nguồn là những ngư­ời đi trước đã có công sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Nhớ nguồn thể hiện lòng biết ơn cha ông, tổ tiên, các vị tiền bối của dân tộc.

Sống phải biết ơn người khác luôn là đạo lí tồn tại trong mọi xã hội, bởi không ai một mình mà có thể tạo ra cả thế giới. Những gì chúng ta có được hôm nay được tạo dựng và bồi đắp từ muôn thế hệ đi trước. Mỗi lớp người đi qua trong lịch sử đều để lại những giá trị nhất định cho các thế hệ đi sau thừa hưởng và tiếp tục phát huy làm cuộc sống không ngừng phát triển.

Những dòng sông được bao bọc bởi con đê kiên cố, đồng bằng màu mỡ xanh tươi là công sức của cha ông đời đời trị thủy, cấy cày. Nền khoa học đạt được thành tựu rực rỡ như hôm nay được ươm mầm từ những sáng tạo không ngừng nghỉ của biết bao con người từ thời nguyên thủy cho đến tận ngày nay. Con người có thể bay vào vũ trụ, khám phá các thiên hà xuất phát từ ước mơ vươn tới những vì sao xa mà thuở hồng hoang, biết bao người dã khao khát. Cái gì là hiện thực của hôm nay đều xuất phát từ những ước mơ trong quá khứ. Không có những ước mơ ấy, không thể có tiến bộ như hôm nay.

Sống có lòng biết ơn, cách sống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ nghìn năm qua. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa mà trở thành cách sống, cách ứng xử, phẩm chất đạo đức cần ở mỗi con người. Không có truyền thống đó chắc hẳn sẽ không có những trang sử chống giặc ngoại xâm hiển hách, không có những hiền tài xuất chúng, không có lòng tốt để ngày nay chúng ta nhớ đến, tự hào và ngợi ca.

Sống có lòng biết ơn thể hiện phẩm chất cao quý của con người. Biết ơn người khác nâng cao nhân cách, xây dựng lòng tin và tình yêu thương ở người khác, là yếu tố dẫn đến thành công.

Đối với đa số người được giáo dục chu đáo, có hiểu biết sâu sắc và có lòng tự trọng thì luôn có ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những thành quả đã có của cha ông. Đối với một số kẻ kém hiểu biết thì dễ nảy sinh tư­ tưởng sùng ngoại, thái độ coi thường, chê bai những thành quả của dân tộc.

Ngày nay, khi đ­ược thừa hưởng những thành quả của dân tộc, mỗi chúng ta không chỉ khắc sâu lòng biết ơn, mà còn phải có trách nhiệm nỗ lực học tập và lao động tốt hơn nữa để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào kho tàng di sản của dân tộc.

Câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” đã nhắc nhở mọi ng­ười ghi nhớ một đạo lí của dân tộc, đạo lí của người đư­ợc hư­ởng thụ. Hãy sống và làm việc theo truyền thống tốt đẹp đó. Nghĩa là môi chúng ta không chỉ có quyền đ­ược hưởng thụ, mà còn phải có trách nhiệm và nghĩ vụ đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của dân tộc.

Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:

TOP 30 Bài văn giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn (2024) SIÊU HAY

TOP 20 Bài văn Giải thích về câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên (2024) SIÊU HAY

TOP 30 Bài văn chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ Có chí thì nên (2024) SIÊU HAY

TOP 40 Bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" (2024) HAY NHẤT

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!