TOP 30 bài văn tả đồ vật mà em yêu thích (2024) HAY NHẤT

TOP 30 bài văn tả đồ vật mà em yêu thích hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới, giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 tốt nhất.

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 1

a) Mở bài: Giới thiệu chiếc đồng hồ treo tường của nhà em

Gợi ý:

  • Chiếc đồng hồ treo tường đó được treo ở đâu?
  • Nó đã được sử dụng bao lâu rồi?
  • Ai là người đã mua và treo nó lên tường nhà em?

b) Thân bài:

  • Đồng hồ treo tường nhà em thuộc hãng gì? Nó thuộc loại nào trong các loại đồng hồ treo tường?
  • Bề ngoài của nó còn mới hay đã có phần cũ kĩ?
  • Chiếc đồng hồ có hình gì? Kích thước của nó? Đồng hồ có đủ lớn để mọi người xem giờ không?
  • Đồng hồ dày hay mỏng? Màu sắc chủ đạo của chiếc đồng hồ là gì? Nó có hòa hợp với màu sơn tường và các đồ dùng khác trong nhà không?
  • Chất liệu chính làm nên chiếc đồng hồ là gì? Chất liệu đó có ưu diểm gì?
  • Phần viền của đồng hồ có màu sắc và đường nét, họa tiết như thế nào?
  • Mặt đồng hồ có hình dáng ra sao? Các con số, kim đồng hồ có đặc điểm gì?
  • Vị trí lắp pin của đồng hồ nằm ở đâu? Nó sử dụng pin gì? Bao lâu thì cần phải thay pin cho đồng hồ một lần? Khi thay có cần tháo đồng hồ xuống không?
    Có cách nào để điều chỉnh vị trí các kim đồng hồ không? Nút điều khiển đó nằm ở đâu của chiếc đồng hồ?
  • Chức năng của chiếc đồng hồ treo tường là gì? Nếu một ngày thiếu đi chiếc đồng hồ đó thì em sẽ cảm thấy thế nào?

c) Kết bài: Tình cảm của em dành cho chiếc đồng hồ treo tường của nhà mình.

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 2

a) Mở bài: Giới thiệu chiếc bàn học ở trường của em

b) Thân bài:

- Miêu tả khái quát chiếc bàn học:

  • Bàn học ở trường là bàn đôi hay bàn một người?
  • Chiếc bàn ấy được làm từ chất liệu gi? Có nặng hay không? Màu sắc chủ đạo là gì?
  • Bàn học được mua mới, hay đã qua sử dụng nhiều năm rồi? Bàn trông có sạch sẽ không?

- Miêu tả chi tiết bàn học:

  • Mặt bàn rộng và dày bao nhiêu? Có đủ để em sử dụng thoải mái không?
  • Hộc (ngăn) bàn được thiết kế như thế nào? Có đủ tấm ngăn ở ba mặt không? Em thường để gì dưới ngân bàn?
  • Bàn có bao nhiêu chân bàn? Làm từ chất liệu gì? Có vững chắc không?
  • Bàn có móc để treo đồ không? Nó nằm ở đâu?

- Hoạt động của em với bàn học:

  • Em thường làm gì để giữ gìn vệ sinh bàn học?
  • Em học tập như thế nào, làm những việc gì trên chiếc bàn?

c) Kết bài: Tình cảm của em dành cho chiếc bàn học

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 3

a. Mở bài

- Giới thiệu chung về cuốn sách tiếng việt lớp 5 tập 2 mà em muốn tả:

  • Cuốn sách đó được ai mua/ tặng cho em?
  • Em dùng cuốn sách đó để làm gì?
  • Em có yêu thích cuốn sách đó không?

b. Thân bài

- Miêu tả khái quát quyển sách tiếng việt lớp 5 tập 2:

  • Quyển sách có hình gì?
  • Nêu kích thước của quyển sách? (chiều dài, chiều rộng, bề dày - HS có thể dùng thước đo để có số liệu chính xác)
  • Quyển sách do Nhà xuất bản nào phát hành? Được bán với giá bao nhiêu tiền?

- Miêu tả bìa trước quyển sách tiếng việt lớp 5 tập 2:

  • Có màu sắc gì?
  • Có vẽ hình ảnh trang trí nào? (nêu rõ nội dung của hình ảnh minh họa: vẽ phong cảnh gì, vẽ những ai, đang làm gì…)
  • Trên bìa trước cuốn sách có những dòng chữ nào? In màu mực gì?

- Miêu tả bìa sau quyển sách tiếng việt lớp 5 tập 2:

  • Có màu sắc chủ đạo gì?
  • Có những hình ảnh gì xuất hiện? (huân chương, giá tiền, mã số sách, danh sách các cuốn sách giáo khoa lớp 5)

- Nội dung cuốn sách:

  • Bên trong cuốn sách gồm các nội dung gì? (tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn, kể chuyện)
  • Những nội dung đó được sắp xếp, phân chia như thế nào?
  • Trong các nội dung đó, em thích nhất là nội dung nào? Vì sao?

c. Kết bài

  • Tình cảm của em dành cho cuốn sách tiếng việt lớp 5 tập 2
  • Em sẽ giữ gìn, bảo vệ cuốn sách như thế nào?
  • Cùng với cuốn sách em sẽ học tập chăm chỉ để đạt kết quả tốt không?

Lập dàn ý tả chiếc đồng hồ báo thức

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 4

a. Mở bài: Giới thiệu chiếc đồng hồ nhà em (Ai mua? Vào lúc nào?)

  • Nhân dịp đầu năm học mới
  • Mẹ mua cho em chiếc đồng hồ để báo thức

b. Thân bài:

- Tả bao quát: hình dáng, màu sắc, chất liệu

  • Hình dáng tròn, bằng chiếc đĩa đựng trái cây.
  • Lớp vỏ bên ngoài làm bằng nhựa
  • Màu hồng tươi, pha lẫn màu trắng hai bên.
  • Chân đế bằng làm bằng sắt xi mạ bóng loáng.

- Tả chi tiết: mặt số, kim đồng hồ, quả lắc, bộ máy, …..

  • Mặt số màu đỏ thẫm, có in hình chú chuột Mickey cầm bó hoa rất ngộ nghĩnh.
  • Có 12 chữ số màu trắng, viền đen
  • Có bốn cây kim : kim giờ, kim phút, kim giây và kim báo thức
  • Phía dưới có một con lắc hình tròn cũng có in hình chú chuột Mickey lúc nào cũng lắc qua lại một cách đều đặn.
  • Phía sau có một cái hộp màu đen chứa bộ máy chính.

c. Kết bài:

  • Chiếc đồng hồ rất có ích trong đời sống hàng ngày.
  • Nó báo giờ, báo thức giúp em đi học đúng giờ
  • Nó còn nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng thời gian và dùng thời gian vào những việc có ích.

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 5

a. Mở bài:

  • Đó là chiếc cặp em được má mua cho vào dịp khai giảng năm học lớp 5.

b. Thân bài:

- Tả bao quát chiếc cặp sách:

  • Chiếc cặp có quai đeo
  • Làm bằng vải da
  • Hình khối hộp chữ nhật
  • Màu xanh tươi và xanh thẫm

- Tả chi tiết từng bộ phận:

+ Nắp cặp và mặt trước:

  • Màu xanh tươi có hình trang trí.
  • Đường viền cặp màu vàng.
  • Khóa sáng loáng.

- Mặt sau cặp:

  • Hình chữ nhật xanh thẫm hơn mặt trước.
  • Có vân chìm, đặt tay lên thấy ram ráp.

- Quai cặp:

  • Quai da den để xách.
  • Dây đeo màu xanh, để deo qua vai.

- Các bộ phận bên trong:

  • Cặp có 3 ngăn, một ngăn rộng, 2 ngăn hẹp.
  • Công dụng của từng ngăn,...

c. Kết bài:

  • Tình cảm gắn bó với chiếc cặp

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 6

a. Mở bài

  • Đúng vào dịp sinh nhật, em được tặng một cây bút máy.
  • Cây bút đó rất tốt, em mới dùng khi vào học lớp ba.

b. Thân bài

- Tả bao quát hình dáng bên ngoài

  • Bút đặt trong một chiếc hộp nhựa trong.
  • Hình dáng cây bút: dài và thon thon, trông rất xinh xắn.

- Tả từng bộ phận

  • Thân bút và nắp bút bằng nhựa, màu hồng... Cái cài bút màu vàng sáng loáng.
  • Nắp bút đậy vừa khít vào thân bút.
  • Mở nắp thấy rõ ngòi bút màu vàng; đầu ngòi tròn, chắc nịch.
  • Cái lưỡi gà màu đen có những rãnh nhỏ, hơi vót nhọn phía đầu; nó nằm dưới ngòi bút.
  • Ruột bút làm bằng một thứ nhựa tốt, nằm giữa hai mảnh sắt nhỏ như hình cái nhíp. Bên trong ruột là một ống dẫn nước, bé như que tăm.

c. Kết luận

  • Tác dụng của chiếc bút và cách em giữ nó.
  • Ví dụ: Chiếc bút giúp em viết đẹp hơn trước. Vì vậy em bảo quản nó rất cẩn thận…

Dàn ý chi tiết tả đồ vật mà em yêu thích số 7

a. Mở bài: giới thiệu hộp bút

b. Thân bài: tả hộp bút

- Tả bao quát hộp bút

  • Hộp bút được làm bằng vải
  • Hộp bút màu hồng
  • Hộp bút hình chữ nhật
  • Hộp bút dài 20 cm, rộng 5cm và cao 4cm
  • Bên ngoài hộp bút dược trang trí là hình con mèo kitty

- Tả chi tiết từng bộ phận hộp bút

  • Hộp bút có 2 ngăn, một ngăn đựng thước bút và một ngăn đựng vật nhỏ nhỏ như: tẩy, đồ gọt bút chì,….
  • Ngăn lớn có thể đựng được máy tính bỏ túi
  • Khi mở hoặc đóng là hộp bút đều có khóa
  • Hộp bút mở giống như một quyển sách
  • Bên trong hộp bút là màu trắng, được làm từ vải mịn

c. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về chiếc hộp bút

  • Đây là món quà ba mẹ tặng nên em rất trân trọng
  • Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng ba mẹ
  • Em sẽ giữ gìn cẩn thận và sạch sẽ hộp bút

Đồ vật

Sơ đồ tư duy tả đồ vật

Sơ đồ tư duy tả đồ vật ngắn gọn, dễ nhớ

Bài văn tả đồ vật mà em yêu thích ngắn gọn nhất

Tả đồ vật ngắn: Bàn học (Mẫu 1)

Ở giữa nhà em có một chiếc bàn trà rất đẹp. Chiếc bàn ấy do chính bố em tạo ra đấy.

Chiếc bàn trà được làm từ gỗ hương nên màu sắc rất đẹp và cứng cáp, chắc chắn. Mặt bàn có hình chữ nhật, kích thước khoảng 1m6x1m. Mặt bàn phẳng lì, trơn bóng, lại còn có thể nhìn rõ từng vân gỗ nữa chứ. Vì được sơn lớp bảo vệ gỗ chống mối mọt nên mặt bàn lúc nào cũng bóng bóng, khi có nắng chiếu vào thì sắc đỏ cam của gỗ ánh lên trông rất đẹp. Khác với mặt bàn có phần đơn giản, thì chân bàn lại được điêu khắc khá cầu kì. Bốn cái chân bàn to như cổ chân của em, được điêu khắc như đang có sóng mây vờn quanh vậy. Mỗi họa tiết đều được bố tỉ mỉ tạc ra, nên đẹp và sống động y như thật. Để bảo vệ bàn, bố đặt lên mặt bàn một tấm kính trong suốt. Nhờ vậy, khi pha trà hay ăn uống có lỡ đổ ra thì việc lau chùi cũng dễ dàng hơn, và không lo bị hỏng gỗ.

Em thích chiếc bàn trà của nhà mình lắm. Không chỉ vì nó đẹp và tiện ích. Mà còn bởi nó được tạo nên từ bàn tay của bố em.

Tả đồ vật ngắn: Lọ hoa (Mẫu 2)

Trên chiếc bàn ở phòng khách nhà em, có một chiếc bình hoa rất đẹp.

Đó là một chiếc bình hoa khá lớn, đến phải to như bắp chân của bố. Bình cao khoảng gần 40cm, to ở đáy bình và nhỏ dần ở miệng bình. Đoạn to nhất của bình phải như một cái bát sứ lớn. Cổ bình nhỏ hơn và khá dài. Miệng bình thì hơi nở ra, uốn cong nhẹ như đường sóng nước, rất xinh xắn.

Bình được làm từ thủy tinh trong suốt, có thể nhìn thẳng vào bên trong. Đặc biệt, người ta còn chạm nổi rất nhiều các họa tiết đặc biệt cầu kì như họa tiết trên vải thổ cẩm. Các họa tiết ấy giúp chiếc bình trở nên sang trọng hơn. Đồng thời, nó còn giúp hình ảnh cuống hoa ở bên trong bị nhòe đi, tăng thêm tính thẩm mĩ.

Lúc nào, trong chiếc bình cũng được cắm đủ các loại hoa xinh xắn. Mùa nào thì hoa đấy. Khi thì là những đóa sen, lúc lại là chùm họa mi, hồng đỏ, lay-ơn cam, thược dược hồng. Đẹp không sao tả xiết.

Em thích chiếc bình hoa ấy lắm. Hôm nào quét nhà, em cũng lấy khăn lau bụi bên ngoài bình. Nhờ vậy, bình lúc nào cũng sạch đẹp như mới.

Tả đồ vật ngắn: Cái quạt (Mẫu 3)

Mùa hè đã đến, chiếc quạt lại lần nữa trở thành món đồ dùng quen thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hôm qua, mẹ và em đã lấy quạt từ phòng để đồ ra và lau chùi sạch sẽ, chờ sử dụng.

Đó là một chiếc quạt máy dáng đứng của hãng Xiaomi. Chiếc quạt có vẻ ngoài rất bắt mắt, xinh xắn và khi sử dụng cũng rất tuyệt. Toàn bộ chiếc quạt có màu trắng, vừa sáng lại đẹp. Dù đặt ở đâu trong nhà thì cũng rất hợp. Quạt cao hơn một mét rưỡi một chút, không quá nặng nên rất tiện để di chuyển khắp nhà.

Phần chân quạt có hình tròn, khá dày và nặng, giúp chiếc quạt có thể đứng thẳng. Thân quạt là ống trụ thẳng dài có thể thu ngắn lại theo ý thích. Dọc thân có các nút bấm để điều chính các chế độ gió, hơi nước. Đặc biệt, quạt còn có thể cài đặt chế độ hẹn giờ tự tắt nữa. Tiện lợi vô cùng.

Phần đầu quạt là một cái lồng hình tròn, bên trong có ba cánh quạt. Khi cánh quạt quay thì sẽ tạo ra gió mát. Riêng phần đầu quạt cũng có thể chuyển động sang trái, sang phải, giúp cả căn phòng đều được quạt mát.

Vào mùa hè, chiếc quạt trở thành một đồ vật hữu ích. Nó giúp xua tan đi cái nóng và làm cho không khí lưu thông, đỡ bí bách. Em thích chiếc quạt của nhà mình lắm.

Tả đồ vật ngắn: Lò vi sóng (Mẫu 4)

Hôm nay, bố vừa mua một chiếc lò vi sóng mới cho cả nhà.

Chiếc lò có hình hộp chữ nhật, bên trong chứa được cả hai chiếc tô lớn cùng một lúc. Nó thiết kế từ chất liệu đặc biệt, vừa cứng cáp, chắc chắn lại cách nhiệt, cách điện bên ngoài để đảm bảo an toàn cho người dùng. Toàn thân lò là một màu đen bóng rất sang trọng. Riêng mặt cửa lò thì là phần kính trong suốt có thể nhìn xuyên vào bên trong. Ở cánh cửa có một tay cầm vuông dọc mép cánh để mở ra và đóng vào. Khi mở cửa, chỉ cần ấn nút ở ngay dưới tay cầm là cửa sẽ tự động mở ra. Khi đóng vào thì nhấn cửa vào đến khi nghe tiếng “tách” là được.

Ở phần bên cạnh cánh cửa là hai nút xoay để điều chỉnh nhiệt độ của lò. Nút đằng trên là các nấc nhiệt theo bốn mức nóng tăng dần. Nút ở dưới là nút hẹn giờ cho lò chia thành tám mức. bên trong lò có một chiếc đĩa lớn đặt trên trục xoay. Đồ cần quay nóng sẽ được đặt lên đó. Ở góc trên có ba chiếc đèn nhỏ, khi nào sử dụng lò thì chúng sẽ tự động sáng lên.

Nhờ chiếc lò vi sóng, nhà em có thể quay cơm và thức ăn nhanh chóng mà tiện lợi. Em thích chiếc lò vi sóng mới lắm.

Tả đồ vật trong nhà

Tả đồ vật ngắn: Bình hoa (Mẫu 5)

Trong nhà em có rất nhiều đồ dùng mới và hiện đại, như tủ lạnh, tivi, điều hòa… Nhưng em thích nhất chính là chiếc bình hoa ở trong bếp.

Chiếc bình hoa ấy đã có lâu lắm rồi. Nó được mẹ mua về từ lúc gia đình em vừa chuyển đến ngôi nhà này. Vậy nên, nó có một ý nghĩa khó có thể xóa bỏ được. Vì được làm từ lâu, nên chiếc bình đã có phần hơi cũ và xước xát đôi chỗ, nhưng những điều đó chẳng chút nào ảnh hưởng đến vẻ đẹp của nó.

Chiếc bình cao khoảng 25cm, có hình trụ như bao chiếc bình khác. Phần thân to như bắp tay của mẹ. Phần đế có xòe ra một chút để giúp cho bình dễ giữ thăng bằng. Phần miệng bình thì hơi mở ra, tạo hình như các cánh hoa đang nở. Bình được làm bằng gốm, tráng men trắng. Bên ngoài, được trang trí bằng hình ảnh của những đóa hoa cúc vàng ươm. Tuy đơn giản nhưng lại rất đẹp và tinh tế.

Thành bình được làm khá dày so với những chiếc bình thủy tinh bây giờ nên rất chắc chắn. Họa tiết trên bình cũng được vẽ tay rất tỉ mỉ và cẩn thận. Vì thế, đến nay bình vẫn đẹp lắm. Trước đây, mẹ để bình trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách. Nhưng do bình đã cũ, nên mẹ chuyển vị trí vào bàn ăn ở trong bếp, chứ không hề vất đi. Cứ cách vài ba ngày, mẹ sẽ lại thay hoa mới trong bình. Có khi là vài đóa hồng nhung, lúc là chùm hoa cúc, lúc thì là hoa ly đỏ… Vì bình thiết kế đơn giản, trang nhã, nên mẹ cắm hoa gì vào cũng đẹp, cũng xinh.

Đối với gia đình em, chiếc bình không chỉ là một đồ vật bình thường, mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần quý giá. Chiếc bình chứa đựng những kỉ niệm của gia đình, đồng hành cùng mọi người, với ngôi nhà. Em sẽ giữ gìn chiếc bình thật cẩn thận, để nó có thể tiếp tục cống hiến cho ngôi nhà thật lâu nữa.

Tả đồ vật ngắn: Đồng hồ báo thức (Mẫu 6)

Đố các bạn biết trong phòng tôi có một đồ dung phát ra được âm thanh là gì không? À! Nó chẳng phải là đồ chơi, mà là một vật dùng rất cần thiết cho học sinh bọn mình đó. Nó chính là một chiếc đồng hồ báo thức.

Cách đây hơn hai năm, ba tôi đã mua chiếc đồng hồ này trong một lần đi hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao". Nó nhỏ nhắn nhưng xinh xắn, đáng yêu. Với thể hình tròn và dẹt như một khoanh bánh tét cắt ra đĩa trong ngày Tết, tôi có thể đặt gọn vào chụm lòng bàn tay của mình.

Thân đồng hồ được bọc một lớp vỏ màu xanh da trời. Mặt trước là một lớp kính trong suốt, tròn trịa, được ôm lấy bởi một đường viền mạ kền sang loáng. Bên trong kính có ghi những con số từ 1 đến 12, mỗi số cách nhau một khoảng rất đều đặn. Ở giữa là một trục được đính bởi ba cây kim dài ngắn khác nhau. Kim giờ và kim phút tưởng chừng như bất động, chỉ có kim giây là nhảy nhót nhưng từng nấc nhỏ nhít theo nhịp gõ đều đều chẳng hề mệt mỏi. Mặt sau có hai cái núm: một núm điều chỉnh giờ, một núm dùng để hẹn giờ. Mỗi khi đến giờ hẹn, tiếng kèn vang lên thật hùng tráng, trong nhịp điệu giục giã, hối thúc nghe thật vui tai và dễ làm cho tỉnh ngủ. Bệ đỡ toàn thân chiếc đồng hồ có hình dạng một chiếc nón lá bé xíu, giúp đứng vững trên bàn học của tôi. Nhờ chiếc đồng hồ mà tôi phân bổ được giờ giấc học tập và sinh hoạt nề nếp, hợp lý, đặc biệt là chẳng bao giờ đi học trễ.

Tôi đã xem chiếc đồng hồ báo thức như một vật kỷ niệm của ba. Tôi cũng thường ngắm nhìn và nâng niu nó trong lòng bàn tay của mình như một người bạn thân thiết. Tất nhiên, tôi giữ gìn nó rất cẩn thận.

Tả đồ vật ngắn: Đồng hồ treo tường (Mẫu 7)

Nhà em có một cái đồng hồ treo tường ở trên đỉnh kệ tivi. Em thấy cái đồng hồ này của nhà em đã có từ rất lâu và nó có ý nghĩa rất lớn đối cới gia đình em.

Cái đồng hồ treo tường này là đồ dùng đầu tiên ba em mua được từ tháng lương đầu tiên của mình. Vì thế nó cũng hơi cổ không được đẹp như những chiếc đồng hồ hiện đại bây giờ. Cái đồng hồ có hình chữ nhật màu vàng nhạt được làm bằng nhựa cứng. Chiều dài của cái đồng hồ khoảng 30 cm và chiều rộng khoảng 20 cm. bên trong là thứ tự số từ 1 -12 để chỉ 12 tiếng trong ngày. Đồng hồ có bakim, kim màu đen chỉ giờ, màu đỏ chỉ phút và màu vàng chỉ giây. Bên trên là một mặt kính trắng để bảo vệ kim đồng hồ không bị bụi bẩn hay va đập làm hỏng kim đồng hồ.

Đằng sau chiếc đồng hồ được sơn màu trắng tinh. Có một chỗ để pin giúp ch chiếc đồng hồ hoặt động và hai chiếc nút có thể xoay được để hiệu chỉnh giờ, phút mỗi khi đồng hồ thay pin.

Chiếc đồng hồ nhìn rất đơn giản nhưng nó giúp ích cho gia đình em rất nhiều. Nó giúp cho ga đình em biết chính xác thời gian và làm việc sao cho phù hợp và có hiệu quả. Nhờ chiếc đồng hồ này mà em luôn đi học đúng giờ.

Em thấy rất quý chiếc đồng hồ này, em sẽ mua pin thay cho nó để nó có thể hoạt động thường xuyên và cho gia đình biết chính xác giờ trong ngày và để có một ngày làm việc và học tập có hiệu quả hơn.

Tả đồ vật ngắn: Máy giặt (Mẫu 8)

Nhà em có một chiếc máy giặt thật thông minh, nó dường như đã đảm nhiệm thay mẹ em công việc giặt quần áo cho cả nhà.

Chiếc máy giặt là em có màu trắng tinh cao tầm một mét và nó có hình trụ bốn góc vuông thật đẹp. Khi giặt chỉ cần bỏ quần áo vào trong đó mà ấn nút, lúc này đây thì chiếc máy như tự động giặt tất cả từ xả sau đó giặt và vắt. Khi máy đã hoàn thành xong công việc của mình thì lúc này đây mẹ em cũng chỉ cần lấy quần áo trong đó ra phơi nhanh chóng. Thế là coi như công việc vất vả này đã được hoàn thành một cách nhanh nhất và mẹ em cũng thấy được nó giúp cho mẹ em đi làm công việc khác.

Một chiếc máy thông minh hoạt động có hiệu quả nên nhà em ai ai cũng thích. Chiếc máy nhà em giặt được quần áo từ 7 cho đến 8 cân quần áo đủ giặt quần áo cho cả nhà em thỏa thích. Hơn nữa chiếc máy hoạt động nhanh và đem lại hiệu quả cũng rất cao mà ai ai cũng phải bất ngờ. Chiếc máy giặt nhà em được kê ở gần nhà tắm, để mỗi thành viên trong gia đình khi tắm xong lại mang ra để trong máy giặt sau đó chiếc máy giặt lại thực hiện nốt nghĩa vụ của mình. Một chiếc máy giặt như đã giúp cho mùa đông hay những ngày trời mưa nồm nếu như không vắt khô thì rất lâu khô. Có chiếc máy giặt này nhà em không lo quần áo có mùi vì nhanh chóng được phơi khô.

Em rất yêu quý chiếc máy giặt này nhà em. Mỗi ngày khi dùng xong em lại lau chùi qua bằng giẻ khô và phủ lên nó một tấm vải lớn để tránh bụi.

Bài văn tả đồ vật mà em yêu thích chi tiết nhất

Tả đồ vật : Bộ bàn ghế gỗ (Mẫu 1)

Mỗi đồ vật đều mang một hình dáng khác nhau và đặc trưng khác nhau. Ngày hôm nay bố em mới mua cho nhà em một bộ bàn ghế để làm chỗ tiếp khách, em nhảy nhót vui sướng khi thấy được bộ bàn ghế đó. Thế là từ nay nhà em đã có bộ bàn ghế mới em thấy vui sướng làm sao.

Bộ bàn ghế ấy có màu vàng thẫm, cái màu vàng ong ong chứ không vàng chói trông mới thật sang trọng làm sao. Bộ bàn ghế ấy có bốn cái ghế và một cái bàn. Cái ghế dài nhất được đặt ngang ra dựa vào tường nhà em. Nhìn nó như một ông hoàng trong nhà với dáng hình to lớn và bộ áo vàng hoành tráng sang trọng ấy. Hai chiếc ghế đơn thì vuông vắn hơn nó không dài không hình chữ nhật nhưng cũng có thể dành cho hai người ngồi vào đó. Thật sự rất đẹp, thêm đó là một chiếc ghế nhỏ nữa, không tựa mà chỉ đơn giản là ghế ngồi bình thường thôi nhưng phần dưới vẫn được khắc những nét chạm trổ như những chiếc ghế to khác. Một chiếc bàn ở giữa, hình chữ nhật cao hơn so với ghế ngồi một chút trong nó thật đẹp làm sao. Chao ôi chỉ nhìn thôi là em đã thấy sung sướng hết cả lên rồi.

Những nét chạm trổ trên ghế thật đẹp đó là hình ảnh của những bông hoa trên phần tựa của ghế, những phần hoa ấy được khắc nổi lên trên bề mặt tựa nhưng rất mỏng không khiến cho chúng ta đau mỗi khi ngồi tựa vào đó. Những chiếc ghế tựa khi ngồi còn có hai tay vịn nữa, hai cái chỗ ấy phình ra trông thật đẹp làm sao. Như kiểu ghế dành cho quan lại vua chúa ngày xưa ngồi vậy. Bên dưới những hình con long con phượng được khắc trên những chỗ tựa cao nhất nhìn những đường nét mềm mại mới thấy được sự điêu luyện của những bàn tay nghệ nhân. Những khúc gỗ to đùng sần sùi như thế mà họ vẫn có thể khắc nên những con rồng con phượng tuyệt đẹp đến như vậy. Nó không cứng nhắc như khúc gỗ mà mềm mại như một con rồng thật vậy. Phần để dựa đầu vào được làm cho mềm mại nhẵn nhụi làm cho ai tựa lên đó cũng có cảm giác dễ chịu và không bị đau đầu.

Bộ bàn ghế mới ấy thật sự rất đẹp, nó không chỉ lấp được khoảng trống trong chính căn nhà em mà nó còn mang đến sự sung túc và đầy đủ nữa. Nhìn vào căn phòng khác với bộ bàn ghế mới trong thật sự là đẹp mắt và sang trọng. tối hôm ấy khi ăn cơm xong cả gia đình em ngồi quây quần bên nhau trên chiếc ghế ấy để xem những bộ phim hay. Hình như ngồi trên chiếc ghế ấy em thấy bộ phim hôm ấy hay hơn thấy gia đình có một sự hạnh phúc không hề nhỏ. Thằng em của em không biết chắc là ghế em quá cho nên nó đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nó kê đầu trên đùi mẹ mà ngủ một cách ngon lành. Bố mẹ cùng em ngồi xem hết bộ phim bố không thôi thỉnh thoảng ngắm nghía lại những đường nét trên ghế. Mẹ thì trêu bố và cười thật vui vẻ.

Em cảm thấy bộ bàn ghế mới đã gắn kết gia đình em, giúp gia đình em có một không gian thật tuyệt vời và hạnh phúc bên nhau.

Tả đồ vật : Tủ lạnh (Mẫu 2)

Có thể nhận thấy được rằng trong ngôi nhà em có rất nhiều đồ vật nhưng dường như em lại thích nhất là chiếc tủ lạnh mà bố em mua cách đây một năm.

Chiếc tủ lạnh này bố em mua thật bền. Nó có hình dáng cũng rất là to, nặng khoảng 50 lít nữa. Bố em cũng đã cẩn thận đặt nó ở dưới nhà bếp để thuận tiện cho việc nấu cơm hàng ngày của mẹ. Mẹ em dường như cũng rất ưng ý và tán thành với cách để tủ lạnh của bố em. Nhà bếp có tủ lạnh dường như cũng thật là sang trọng, thật phù hợp với không gian nhà bếp của nhà em.

Tủ lạnh khoác lên mình một chiếc áo màu trắng. Chính trên cái nền trắng ấy là nhà sản xuất dường như cũng đã điểm những hình hoa quả ngon lành bắt mắt thật đẹp. Tủ lạnh này thuộc hãng Sanaky. Tuy nó không phải là loại cao cấp như tủ lạnh nhà bác Trình, bác Chính nhà em nhưng dường như nó có đủ mọi tiện ích.

Chiếc tủ này lại được thiết kế có hai ngăn với một ngăn để làm đá. Đặc biệt hơn em như thấy được ở ngăn dưới rộng và to hơn nên mẹ để đồ ăn thức uống vào ngăn đó. Khi nhìn trên cánh tủ lạnh còn có tay cầm thuận tiện cho việc khép vào mở ra. Mỗi lần mở chiếc tủ lạnh ra, em thấy có rất nhiều cái hộp to, nhỏ màu trắng để mẹ em đựng rau củ quả vào trong hộp.

Hơn nữa chính bên trong cánh tủ còn có nhiều khoang để đựng nước uống. Trong tủ trên tủ để làm đá có cả những lớp tuyết dày và lạnh buốt. Nhà em làm đá để uống trong những ngày hè nóng và để những chai nước mát từ cái tủ lạnh khi em đi học về uống thấy thật sảng khoái. Tủ lạnh nhà em dường như cũng đã chứa được rất nhiều đồ ăn thức uống.

Từ khi có chiếc tủ lạnh này, mẹ không còn lo sợ thức ăn bị thiu hay bị ôi hỏng nữa. Và cũng chính là nhờ có chiếc tủ lạnh mà gia đình em luôn được thưởng thức những bữa cơm vừa ngon lại rất tốt cho sức khỏe nữa. Em cũng rất yêu quý chiếc tủ và em cũng sẽ giữ gìn nó thật cẩn thận và hay lau chùi cho nó luôn được sạch sẽ.

Tả đồ vật : Cái mũ (Mẫu 3)

Cùng với đời sống ngày càng văn minh, vật dụng của con người ngày càng tối tân. Quần áo, trang phục đều được giới thiệu theo thời trang, kiểu mốt. Cái mũ lưỡi trai em dùng hằng ngày là cái mũ mẹ mua từ hai năm trước, bền bỉ mà vẫn đẹp, vẫn hợp thời. Đó chính là món đồ mà em yêu thích nhất.

Cái mũ lưỡi trai may bằng vải sợi len, màu cà phê sữa. Kiểu mũ tròn đỉnh thông dụng. Phần đầu mũ may ráp bàng sáu mảnh vải tam giác, đường may dày dặn, chắc chắn. Đỉnh mũ đính một nút bọc vải cùng màu với mũ. Phía trong mũ lót lưới nhựa mềm và vải lót cotton màu đen. Lưỡi trai bằng nhựa bọc vải chìa ra phía trước, nom giống một cái mỏ vịt ngang và bẹt. Vành mũ may cạp với dài nhựa mềm, bỏ vào trong cho mũ được chắc chắn và phồng thăng, tròn trịa. Phía trước mũ, chỗ nối lưỡi trai, người ta thêu một nốt nhạc trên một dòng lượn bay bướm. Chỉ thêu màu đỏ sậm nổi bật trên nền cà phê sữa. Phía sau mũ là chốt gài, may bằng một nẹp vải hai phân có gắn khoá điều chỉnh rộng, hẹp được lót vải cẩn thận để khi đội mũ, khoá mũ không chạm vào gáy. Cái mũ của em chẳng những cùng em dãi nắng dầm mưa mà nó đã có lần cùng em lên sân khấu diễn kịch khi em thủ vai ông bố trong một trích đoạn kịch phòng chống ma túy. Cái mũ của một cậu học sinh tiểu học vẫn hợp thời trang trong nghệ thuật sân khấu, oách chưa?

Đã qua hai năm dùng nên cái mũ đã nhạt màu đi đôi chút. Tuy vậy, nó vẫn rất đẹp với kiểu dáng cổ điển mà không bao giờ lỗi thời. Em giữ gìn mũ rất kĩ và biết ơn mẹ em đã chăm sóc em từng li, từng tí. Em rất tự hào về mẹ, mẹ đã chọn cho em cái mũ mà ai cũng khen là rất đẹp.

Tả đồ vật : Đồng hồ điện tử (Mẫu 4)

Chiếc đồng hồ xinh xắn để trang trọng trên bàn học tại gia đình là quà tặng sinh nhật mẹ mua cho khi em vừa tròn 9 tuổi (10-10-2004). Đó là đồng hồ điện tử báo thức nhãn hiệu PEARL của Trung Quốc.

Chiếc đồng hồ vỏ bằng nhựa màu mận đỏ thẫm, mặt kính hình vuông. Các vạch phút, các con số chỉ giờ được bố trí trên đường tròn. Dưới con số 12 có hình vẽ trăng lưỡi liềm. Có 4 chiếc kim, to nhỏ, dài ngắn, màu sắc khác nhau. Kim ngắn nhất, to nhất chỉ giờ. Kim chỉ phút dài hơn, thanh mảnh hơn. Đầu kim giờ, kim phút có vệt lân tinh màu xanh nước biển để có thể nhìn rõ được trong đêm tối. Kim giây dài nhất, đen nhánh, thon dài như cái tăm, lúc nào cũng cần mẫn chuyển động theo vòng tròn. Kim chuông báo thức màu rêu, dài hơn kim giờ một tí, nhỉnh hơn kim giây. Bốn chiếc kim đính chung vào một cái chốt nằm giữa tâm vòng tròn; cái chốt đen nhánh xinh xinh như một cái cúc bằng kim cương, óng ánh.

Phía sau mặt đồng hồ là một buồng máy hiện rõ trên vách nhựa trong, một cái khoang lắp pin tiểu "Con Thỏ". Có 2 cái núm bằng 2 chiếc cúc bạc để điều khiển giờ, phút và chuông báo thức. Có một gạt nhỏ bằng nhựa trong suốt để định giờ cho chuông reo. Cái Lý con chú Tâm học lớp 5 đã bày cho em cách lắp pin, cách điều chỉnh giờ phút, cách sử dụng chuông báo thức. Nó chê em là nhà quê, dễ ợt mà chẳng biết. Không biết thì hỏi, có chi mà tự ái, em nghĩ thế !

Trước đây, gia đình em cũng có một cái đồng hồ "Ba con mèo" nhưng lâu nay nó hay giở chứng, như con bò già ì à ì ạch. có hôm chạy chậm đến nửa tiếng ! Từ ngày có cái đồng hồ điện tử báo thức ngồi chễm chệ trên bàn học, em đến trường rất chủ động. 6h30' mỗi sáng, em khoác ba lô sách vở lên vai, đội mũ lên đầu, chào ông bà, chào bố mẹ, em đi bộ đến trường. Chiều nào cũng 13h30', em đi đến lớp. Chưa bao giờ đến muộn như một vài bạn khác. Việc học tập ở nhà, em làm đúng giờ bố mẹ dặn: 19h-21h30' học bài, làm bài. 21h45' đi ngủ. 6h nghe chuông reo, em thức dậy, rửa mặt, đánh răng, ôn lại bài độ 10-15 phút, rồi chuẩn bị đi học.

Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bé đối với em vô cùng thân thiết. Nó rèn luyện cho em đức tính chu đáo, khoa học trong cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi và vui chơi hằng ngày. Em không còn phải chạy táo tác sang nhà chú Hy hỏi giờ như mọi khi nữa.

Chiếc đồng hồ là quà tặng chứa đựng bao tình thương của mẹ: "Lan ơi ! Con gái mẹ, ngày mai bước sang 10 tuổi rồi đấy nhé ". Mẹ vừa nói vừa âu yếm ôm con gái bé bỏng vào lòng.

Có nhiều hôm giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng kêu "tích tích", đều đều, em tưởng như cái đồng hồ nhỏ bé đang thầm thì với em: "Cố gắng ! Cố gắng !".

Mỗi sớm, trong tiếng gà gáy lao xao gần xa, tiếng chuông đồng hồ reo, đối với em đó là khúc ca bình minh, là hành khúc lên đường.

Nhiều lúc, ngắm chiếc đồng hồ bé nhỏ thân yêu, em khẽ thốt lên: "Chú mày ơi, ta yêu chú mày lắm ! Chú mày đã bảo cho ta biết: Thì giờ còn quý hơn vàng bạc ..."

Tả đồ vật : Bình sứ (Mẫu 5)

Mẹ em là người rất yêu thích những đồ vật làm từ gốm sứ. Bởi vậy, trong nhà em không thiếu những chiếc bình cắm hoa bằng gốm sứ, những bộ ấm trà trang nhã mà đầy tinh tế làm từ gốm. Trong số những đồ vật đó, em vẫn thích nhất chiếc bình cắm hoa màu trắng làm bằng sứ, nó cũng là một đồ vật gắn liền với kí ức em về chuyến đi dã ngoại năm xưa.

Chiếc bình sứ là món quà mà làng nghề Bát Tràng đã gửi lại cho em trong chuyến đi vào mùa hè năm ngoái. Đến với làng nghề truyền thống, em không chỉ được tận tay làm ra những chiếc bát bằng gốm mà còn mang về một chiếc bình rất xinh. Nó không to lắm, chỉ cao khoảng hơn 2 gang tay người lớn thế mà lại mang đến một vẻ đẹp duyên dáng đến lạ. Thành bình phình to ra ở chính giữa rồi đột ngột thắt lại ở phần cổ, rồi như thế vẫn chưa đủ. Người nghệ nhân muốn nó mềm mại hơn đã khiến cổ bình loe ra hình bông hoa loa kèn. Tất cả những đường cong mềm mại đó đã khiến chiếc bình mang một vẻ đẹp đầy duyên dáng, tinh tế mà vẫn toát lên vẻ kiêu hãnh lạ thường.

Chiếc bình làm bằng sứ rồi lại được tráng một lớp men khiến bề mặt nó càng trở nên bóng bẩy. Lớp men trắng sứ ấy càng tôn thêm cho cái vẻ lúc nào cũng đầy duyên dáng, thanh khiết của nó. Nổi bật trên nền men trắng, người nghệ sĩ tài hoa của làng nghề Bát Tràng đã dùng đôi tay khéo léo của mình vẽ nên những đường cong tuyệt bích. Chỉ vài nét chấm phá đơn sơ mà người nghệ sĩ ấy đã vẽ nên cả một bức tranh thủy mặc trên thành bình cong cong. Đâu đây thấp thoáng bóng con đò ngang trôi trên dòng sông lững lờ, ven bờ là hàng lau rung rinh trước gió mai. Mặt nước dường như dao động, những lớp sóng nhẹ cứ thi nhau trồi lên vào bãi. Bóng người lái đò tĩnh lặng trên sông. Tất cả khiến chiếc bình mang vẻ đẹp gì đó vừa man mác, vừa hoài cổ, vừa lặng mỗi nỗi sầu tâm trạng của người làm ra. Phải chăng chính tình cảm đã khiến bức tranh thủy mặc trên chiếc bình nom có hồn đến thế? Và phải chăng chính tình yêu nghề và ý thức trách nhiệm với văn hóa cổ truyền dân tộc đã khiến người nghệ sĩ của làng nghề làm nên một kiệt tác nghệ thuật?

Em còn nhớ như in ngày đầu tiên nhìn thấy nó, lòng em sớm đã dành một tình yêu cho chiếc bình này. Mẹ em lại đặc biệt thích thú với nó nên đã mua về để làm kỉ niệm cho chuyến đi này. Mẹ rất quý chiếc bình và bởi thế, mẹ luôn luôn đặt nó trong tủ kính, thi thoảng lại mang ra để lau chùi cho chiếc bình thêm sáng. Chỉ khi nhà có khách đặc biệt hay vào những dịp Tết đến, mẹ mới mang chiếc bình ra để cắm hoa. Những bông hoa đẹp nhờ chiếc bình quý mà thêm tỏa hương tỏa sắc. Chiếc bình càng kiêu hãnh phô ra vẻ đẹp kiêu sa của chính mình.

Chiếc bình hoa bằng sứ tuy chẳng đắt đỏ nhưng lại có sức hút rất lớn với gia đình em. Nó còn là nơi ghi dấu những kí ức tươi đẹp về làng nghề Bát Tràng, vừa nhắc nhở trong em ý thức gìn giữ những hồn cốt truyền thống mà ông cha ta đã gắn bó từ thuở xưa.

Hình Nền Powerpoint Dễ Thương, Siêu Cute, Tuyệt Đẹp

Bài văn tả đồ vật mà em yêu thích hay nhất

Tả đồ vật : Hộp búp (Mẫu 1)

Trong những tháng ngày cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có riêng cho mình những bộ dụng cụ học tập riêng. Nào là bút, tẩy, thước kẻ, ... Nhưng trong rất nhiều những dụng cụ hữu ích, em lại thích nhất là chiếc hộp đựng bút được mẹ mua tặng từ ngày đầu năm học.

Hộp đựng bút có kết cấu hình hộp chữ nhật gọn gàng, phù hợp với tay cầm của em. Bên ngoài hộp có hai mặt dán màu xám, trên mỗi mặt lại có những đường nét trang trí rất mềm mại, huyền bí. Hai bên cạnh hộp được dán nền màu đen trắng, bên trên là dòng chữ " Nét chữ nết người" như một lời động viên gửi tới người dùng. Mặt dưới hộp bút được làm bằng sắt để chiếc hộp trở nên chắc chắn hơn. Ở góc trái phía dưới cùng là những dòng chữ ghi nơi sản xuất, mã vạch sản phẩm. Mặt trên cũng là nắp để mở hộp. Khi nhấc nắp lên, bên trong là một khoảng trống đủ để đựng tới năm hay sáu cái bút. Bên trong có một ô riêng để đựng tẩy và một ô dài hẹp khác để đựng thước. Đầu trên cùng có những đầu cắm để cố định bút trong hộp. Tuy bên ngoài vỏ là những màu xám, màu đen nhưng bên trong là lớp nền màu trắng sữa. Cuối hộp bút có một ô nhỏ riêng dùng để đựng chiếc gọt bút chì gắn liền với đáy hộp. Phần gọt chì được tách ra một vị trí riêng cuối góc hộp bút với chiếc nắp che riêng màu đen huyền trong suốt. Chiếc lưỡi gọt chì màu bạc đôi khi lại lóe lên dưới ánh sáng, làm cho hộp bút trở nên độc đáo đến lạ. Chiếc hộp bút đã gắn liền với em trong suốt một năm học. Với thiết kế như vậy, hộp bút đã đem lại rất nhiều lợi ích cho em, giúp em bảo vệ những dụng cụ học tập bé nhỏ khác. Hộp đựng bút giống như ngôi nhà lớn che chở cho những cậu bé bút chì, bút mực, bút màu,... và mỗi khi nhớ đến đây là dụng cụ vô cùng hữu ích, là món quà mẹ tặng thì em càng nâng niu, trân trọng hơn chiếc hộp đựng bút ấy.

Chiếc hộp đựng bút gắn với lời chúc của mẹ, là người bạn vô cùng quan trọng của em trong hành trình học tập. Mỗi chúng ta nên có một chiếc hộp đựng bút riêng để giúp đỡ ta trên hành trình học tập từ giờ đến mãi sau này.

Tả đồ vật : Tấm lịch (Mẫu 2)

Chiều thứ sáu tuần trước, khi đi làm về, mẹ mang về một cuốn lịch do cơ quan tặng. em giở chiếc túi xách ra xem và thốt lên tiếng xuýt xoa: "Ôi, đẹp quá đi". Ba treo tấm lịch gần bức tranh sơn mài trong phòng khách. Buổi tối, dưới ánh đèn nê-ông xanh dịu, tấm lịch lộng lẫy hẳn lên.

Tấm lịch hình chữ nhật, dài sáu tấc, ngang bốn tấc, làm bằng bìa các-tông phẳng và dài. Trên nền lịch màu đỏ tươi nổi bật cành mai vàng óng như màu nắng hòa cùng sắc hồng phơn phớt của hoa đào, tạo nên sắc xuân rực rỡ. Ở giữa là đôi gà trống mái, đuôi nhiều màu sắc cùng với những quả trứng vàng thể hiện mong ước một năm mới làm ăn phát đạt. Hai bên in nổi câu đối màu vàng bạch kim, viết bằng lối viết chữ thư pháp: “Đa Lộc Đa Tài Đa Phú Quý – Đắc Thời Đắc Lợi Đắc Nhân Tâm”. Phía dưới bên trái là dòng chữ: Chúc mừng năm mới, bên phải là dòng chữ: Mừng xuân Đinh Dậu. Chính giữ là lốc lịch được bọc kín trong lớp giấy in những bông hoa tươi thắm.

Những ngày cuối cùng của năm cũ đã dần qua. Tấm lịch mới bắt đầu làm nhiệm vụ của nó. Quyển lịch dày ba trăm sáu mươi lăm tờ không kể tờ bìa, có in nhiều hình khác nhau. Tờ lịch được làm bằng giấy vân hoa mờ, mặt trước in thông tin, mặt sau là giấy trắng nên có thể tận dụng để làm giấy nháp cho học sinh. Chính giữa tờ lịch in ngày Dương Lịch với những màu sắc khác nhau. Có ngày màu xanh nhẹ, có ngày màu đỏ tươi, có ngày lại sắc tím thủy chung khiến tờ lịch trông thật bắt mắt. Phía trên cùng là tháng và năm bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ở phía dưới có in những câu châm ngôn, danh ngôn của các danh nhân nổi tiếng hoặc những ngày kỉ niệm lớn trong năm. Dưới nữa là thứ và ngày Âm lịch. Hai bên phía dưới có in ngày, giờ hoàng đạo, giờ tốt, giờ xấu và những việc nên làm, những điều kiêng kị. Ngày ngày trước khi đi học, em bóc tờ lịch nhỏ. Thế là một ngày đã qua và một ngày mới bắt đầu.

Tấm lịch nhỏ nhưng công dụng của nó không nhỏ. Nó là người bạn thân của mỗi gia đình. Nó nhắc nhở mọi người luôn luôn ghi nhớ “Thời gian là vàng bạc”.

Tả đồ vật : Cái nón lá (Mẫu 3)

Nón lá là một trong những biểu tượng văn hóa đại diện cho người Việt Nam. Trong mỗi ngôi nhà dù giàu nghèo thế nào ắt hẳn đều có ít nhất một chiếc, chiếc nón trông giản đơn không cầu kì vì thế có lẽ ít ai để ý vẻ đẹp bình dị của nó.

Chiếc nón nhà em hay được mẹ treo trên tay xe đạp để tiện đi chợ. Nón được làm bằng lá cọ non thường thấy ở miền quê Nam Bộ mềm mại và phẳng, sau khi phơi khô sẽ có màu trắng ngà, mẹ em nói rằng lá phải phơi rất lâu rồi là nóng qua một lượt thì mới có thể dùng đan nón được. Chiếc nón có hình chóp đều, có đường kính khoảng 60cm được tạo khung bằng từng vòng tre lớn nhỏ khác nhau, em đếm thì có đúng 16 vòng nón. Tre để làm khung nón rất chắc và cứng, được chuốt tỉ mỉ do đó phần lá và phần khung khâu chặt với nhau, chắc hẳn nghệ nhân làm nón phải là người có bàn tay tài hoa khéo léo thì nón mới bền. Nón có hai lớp lá cọ, ở giữa là một lớp mo nứa giúp nón thêm dày dặn Nón được quét một lớp dầu bóng loáng và được thêu trang trí vài bông hoa, có những chiếc nón còn được thêu cả một bức tranh phong cảnh hay một bài thơ. Quai nón là một dải lụa mỏng được may ở vành nón lớn nhất để khi đội không bị rơi ra. Nón giúp mẹ em che nắng khi đi chợ, giúp các bà các bác tránh khỏi những cơn mưa bóng mây khi đi làm đồng, không chỉ vậy nón còn có giá trị thẩm mỹ cao, những người mẫu hay dùng nón để chụp ảnh cùng áo dài. Nón tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, mẹ em đội nón trông thật duyên dáng mà mộc mạc giống như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Chiếc nón cứ thế gắn bó vào đời sống của người dân như một phần không thể thiếu sót. Bây giờ trên thị trường có rất nhiều loại mũ nón hiện đại với màu sắc và mẫu mã đa dạng khác nhau nhưng em thấy không thứ nào có được sự giản dị chân phương như nón lá và có tính biểu tượng cao.

Em rất yêu chiếc nón lá, nón là một nét đẹp đáng tự hào của người Việt nhưng nón lại không hề cao sang xa vời với đời sống của người dân mà luôn gắn bó mật thiết, đó chính là giá trị lớn nhất của chiếc nón tưởng chừng bình thường ấy.

Tả đồ vật : Chiếc cặp sách (Mẫu 4)

Kỉ niệm về chiếc cặp mà em đựng sách vở đi học mãi mãi ở trong tâm trí em. Đã một năm trôi qua rồi, thế mà mỗi lần nghĩ đến, em vẫn còn cảm thấy nôn nao, bồn chồn đến lạ.

Hồi ấy, em đang còn sử dụng chiếc cặp của chị Hai lúc chị học ở Tiểu học. Chiếc cặp vẫn còn sử dụng tốt, chỉ nứt một số đường may ở trong các ngăn cặp và miệng cặp. Sách vở và đồ dùng học tập thường bỏ lẫn với nhau vì chỉ còn lại có một ngăn. Nhưng không phải vì thế mà em buồn. Trái lại em rất quý và rất yêu chiếc cặp vì nó là vật kỉ niệm của chị em. Chị Hai bây giờ là sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh rồi. Em muôn nâng niu vật kỉ niệm ấy bên mình như thầm hứa với chị Hai sẽ noi theo gương chị. Do vậy mà em không đòi hỏi bố phải mua cặp mới cho em. Nhưng rồi vào một buổi học cuối học kì II năm lớp Ba, tan học, mưa tầm tã sách vở và đồ dùng học tập ngày hôm ấy lại khá nặng, tất cả đều dồn vào cặp nên khi nước mưa thấm vào đã làm đường chỉ khâu dưới đáy cặp bị bung ra. Và thế là bao nhiêu sách vở, đồ dùng học tập của em bị rơi xuống mặt đường. Em nhặt sách vở và đồ dùng học tập lên gói chung vào tấm ni lông tất tả chạy về nhà. Thấy em ôm chồng sách vở trên tay, vai đeo chiếc cặp không, bố hỏi: “Sao con không bỏ vào cặp?”. Em vừa cởi quai đeo vừa nói với bố: “Cặp hỏng rồi bố ạ!”. Bố nhìn em, nhìn chiếc cặp đã thủng đáy, rồi quay sang âu yếm nói: “Đừng buồn nghe con! Bố bận công chuyện quá không để ý đến chiếc cặp của con. Mẹ con lại đi học xa, chắc cũng không biết chuyện này, thông cảm cho bố mẹ. Chiều nay, bố đưa con ra chợ thị xã, mua chiếc khác”. Thế là em đành phải từ biệt chiếc cặp, đế nó lên giá sách như lưu.

Chiếc cặp mà em có trong tay bây giờ là một chiếc cặp tuyệt đẹp! Có lẽ nó đẹp thuộc loại nhất, nhì trong lớp, bởi nó vừa mới lại vừa tốt, kiểu cặp trông rất xinh và rất tiện lợi. Chất liệu chiếc cặp được may bằng vải ni lông tổng hợp màu xanh lá cây. Chiều dài độ ba mươi lãm xăng-ti-mét, chiều rộng chừng hai mươi lăm xăng-ti-mét. Phía trên có quai xách. Đằng sau có hai quai đeo làm bằng chỉ dù to bản, vừa chắc lại vừa êm vai. Phía trước cặp có hai khoá móc láng bóng được mạ kền. Chỉ cần bấm nhẹ vào hai cái nút nhỏ lên như hai đầu đũa. móc bật ra là em có thể mở cặp một cách nhanh chóng, thuận tiện. Phía trong nắp cặp là một đường dây kéo tạo thành một cánh cửa đóng kín ba ngăn cặp. Nắp cặp được làm bằng một miếng mi-ca mỏng và được trang trí bằng một tấm hình chụp vị thuyền trưởng Sinbad trong bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Sinbad” làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc cặp.

Chiếc cặp được cấu tạo ba ngăn. Ngăn giữa rộng hơn, em dùng để toàn bộ sách vở trong buổi học. Còn hai ngăn kia dùng để đồ dùng học tập và tấm vải mưa. Thật là tiện lợi. Đã gần một năm rồi mà chiếc cặp vẫn còn y như mới mua tuần trước. Đi học về, bao giờ em cũng dùng một miếng vải mỏng lau sạch bụi bặm hoặc nước mưa rồi mới để vào góc học tập của mình.

Chiếc cặp đã trở thành người bạn thân thiết của em từ dạo đó. Và bây giờ, ngày ngày, chiếc cặp lại cùng em tung tăng đến trường, rồi lại cùng em trở về nhà trong niềm vui vì những điểm mười mà em đạt được

Tả đồ vật : Con gấu bông (Mẫu 5)

Mỗi lần sinh nhật của em, bao giờ em cũng được các chú, các dì, các cô bạn của bố mẹ tặng cho không biết bao nhiêu là thứ đồ chơi đẹp, lạ mắt. Nhưng có lẽ con thỏ nhồi bông Melody là thứ đồ chơi em thích nhất.

Dạo ấy là sinh nhật lần thứ chín của em năm em đang học lớp Ba. Nhìn lên bàn tặng phẩm, bên cạnh chiếc bánh sinh nhật hai tầng, một chồng các gói vuông vuông, đủ các màu sắc gối đầu lên nhau trông rất đẹp mắt. Nhưng có một món quà được bọc trong một tờ giấy mủ, to bằng người em mà em không đoán ra là món quà gì. Sau khi tan tiệc, mọi người đã ra về, mẹ thu dọn các món quà đặt vào góc học tập của em và bảo em giở ra xem. Em chẳng chú tâm gì đến các món quà ấy cả, chỉ lưu tâm đến món quà được bọc trong tấm vải mủ kia thôi. Vì vậy, em đã vội vàng mở món quà ấy đầu tiên. Vừa mở ra, em vội reo lên: Ôi! Con thỏ Melody, thật là tuyệt vời! Một con thỏ mà em hằng mơ ước. Thế là từ nay, em luôn có Melody bên cạnh. Hôm đi chợ nhà lồng thị xã cùng chị Thùy Linh, đến quầy các đồ chơi trẻ em, phát hiện thấy con thỏ nhồi bông, em đã đứng lại ngắm nhìn một cách say sưa, suýt nữa bị lạc chị ở trong chợ. Mấy lần em bảo chị mua cho em nhưng chị bảo không cầm đủ tiền, bữa khác xin tiền bố, chị sẽ mua cho. Em cứ thấp thỏm chờ mãi chị Linh đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh về, thế nào Linh cũng mua. Nhà chỉ có hai chị em, mỗi lần em đòi mua gì thì chị đều chiều em cả. Chị bây giờ thì em không còn phải chờ đợi nữa. Em sẽ điện lên cho chị đừng mua nữa, em đã có rồi.

Con Melody của em có lẽ to bề ngang hơn em nhiều. Hai cái tai to dài như hai cái hoa chuối thẳng đứng ở trên đầu. Cái mặt thì to hơn cả cái thân, bè bè như bộ mặt của Đôrêmon, trông ngồ ngộ làm sao! Hai con mắt tròn, đen ước chừng to bằng cái miệng li uống nước. Nó cứ mở thao láo nhìn em chằm chằm không chớp mắt. Cái mũi thì đỏ như quả cà chua chín mọng, cứ phô ra như mũi của một chú hề trong một vở chèo nào đó. Nó mặt một bộ y phục trông rất “mốt”. Hai cái tay trắng muốt như màu muối biển lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh đưa ra như võ sĩ đấm bốc. Cái cổ được choàng bằng một tấm khăn voan màu tím Huế. Cái thân thì ngắn ngủn, chắc cũng bằng kích thước của cái đầu. Nó ngồi chễm chệ, tựa lưng vào thành tủ đầu giường, đưa hai cái chân ra phía trước, tạo cho cái mông của nó ngồi được vững chắc. Có lẽ vậy mà tuy cái bụng phệ như cái bụng của một chủ tiệm phở nên đặt nó ngồi ở đâu cũng không ngã được. Cứ hễ học bài xong, lúc nào em cũng ôm nó vào lòng và thơm lên đôi má càng tròn của nó những cái hôn thật sâu thật dài. Lúc ngủ, Melody bao giờ cũng ở cạnh em. Em ôm nó ngủ, một mạch cho đến sáng.

Melody của em là vậy đó, ngộ nghĩnh và rất dễ thương.

Tả đồ vật : Tấm bản đồ Việt Nam (Mẫu 6)

Lớp học của em là một căn phòng quét vôi màu xanh dịu. Không biết ngẫu nhiên hay do một lí do nào đó ở gần bàn giáo viên có một tấm bản đồ Việt Nam. Chắc nó đã được treo ở đây lâu lắm rồi, bởi nhìn khung gỗ đã phai màu vécni song tấm bản đồ vẫn còn sáng sủa do được bao bọc bằng một tấm mica.

Cứ mỗi khi chuông reo báo hiệu giờ chơi, các bạn chạy ùa ra sân như ong vỡ tổ, còn em và một số nữa vài ba đứa thường xúm nhau lên tấm bản đồ. Mấy đứa bạn thường hay tìm địa danh của quê hương em. Trong lớp, chỉ có mình em là quê ở xa. Bố mẹ em vào công tác trong Nam đã lâu lắm rồi, nghe nói cũng đã gần hai mươi năm. Bản thân em cũng được sinh ra trên mảnh đất Nam Bộ này. Nghe bố mẹ nói quê mình ở Thanh Hóa, xa lắm. Em cũng chỉ có biết vậy. Mấy lần về thăm quê rồi nhưng em cũng chỉ nhớ mang máng thôi, không rõ lắm. Tụi bạn em đứa nào cũng hiếu kì, nên cứ rỗi là lên tấm bản đồ xem cho rõ các địa danh.

Tấm bản đồ có kích thước bằng mặt bàn của giáo viên. Trên bản đồ dường như có ít nhất là năm màu cơ bản, dùng để biểu đạt sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước. Màu xanh nhạt và đậm dần về phía đông là màu của biển cả đại dương. Màu xanh lá mạ là vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và ven biển miền Trung.Màu gạch là màu đồi núi cao nguyên. Càng đậm bao nhiêu là sự biểu hiện địa hình càng cao bấy nhiêu so với mặt biển. Nhờ vào độ đậm nhạt của các màu sắc mà em có thể nhận biết được đặc điểm địa hình trong cả nước.

Ở ngoài khơi xa, tính từ cực Nam của Nam Bộ nhìn về hướng biển Đông là quần đảo Trường Sa nổi lên giữa màu xanh của biển cả, bằng những chấm nhỏ màu gạch nung. Ở đấy có các đơn vị bộ đội hải quân ngày đêm canh gác để giữ gìn mảnh đất của cha ông ngàn năm để lại.

Người ta gọi đất nước mình là bán đảo quả không sai. Từ Trà cổ tỉnh Quảng Ninh chúng ta men theo bờ biển cong cong dịu dàng, thon thả hình chữ “S” đến điểm cuối cùng của cực Nam Tổ quốc là mũi Cà Mau, biển vẫn dạt dào vỗ sóng theo chiều dài trên hai ngàn cây số, rồi biển tiếp tục rẽ ngoặt bao lấy địa phận tỉnh Kiên Giang, biển vỗ sóng bốn bề xung quanh đảo Phú Quốc. Trong màu xanh da trời bạt ngàn ấy có một vùng nổi lên màu xanh dương hình ông Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời. Có lẽ nơi này là chỗ sâu nhất ở biển Đông.

Đúng là đất nước mình cong cong hình chữ s nhưng em cũng thấy nó giống như một con rồng khổng lồ đang bay vút lên không trung mà người ta gọi là thế “rồng thăng”. Nhìn từ Bắc tới Nam mỗi vùng đều được thể hiện một sắc màu riêng biệt. Thành phố Hà Nội – Thủ đô của cả nước được tô màu hồng phấn. Thành phố mang tên Bác màu gạch nung. Các tỉnh Nam Bộ, Bắc Bộ màu xanh lá mạ. Trên tấm bản đồ em cũng thấy được dòng chảy của các con sông. Tất cả dường như đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi uốn lượn như một dải lụa màu ngọc bích để ra biển Đông. Con sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng Bắc bộ ngày một thêm trù phú. Và ở kia, con sông Cửu Long xòe chín nhánh bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng Nam Bộ –vựa lúa của Tổ quốc.

Nhìn lên tấm bản đồ mà lòng em càng thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Từ những đỉnh núi cao ngất của dãy Trường Sơn hùng vĩ cho đến những, dòng sông vỗ cánh hiền hòa, từ miền cao nguyên đất đỏ với những rừng cà phê bạt ngàn cho đến những vùng cát trắng miền Trung... Tất cả đều gợi lên trong em một dáng hình, một thế đứng ngàn đời, thế đứng của một con rồng đang cất mình bay lên.

Tả đồ vật : Quyển sách Tiếng Việt lớp 5 tập 2 (Mẫu 7)

Vào đầu năm học, mẹ mua cho em một bộ sách lớp 5 mới tinh. Trong đó, em ấn tượng nhất là cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt tập 2. Và bây giờ, khi sắp bước sang học kì 2, cuối cùng thì em cũng được sử dụng nó.

Cũng như những cuốn sách khác, sách Tiếng Việt lớp 5 tập 2 có hình hộp chữ nhật. Chiều dài là 24cm, chiều rộng là 17cm, còn bề dày khoảng 1cm. Cuốn sách rất nhẹ, khi cầm cảm thấy rất thoải mái, không hề khiến em cảm thấy mỏi tay. Sách dùng loại giấy trắng tinh, rất thơm, riêng hai bìa sách thì dùng loại giấy cứng hơn, giúp định hình và bảo vệ sách. Ở mặt bìa trước, có màu chủ đạo là màu xanh dương - màu của hòa bình. Chính giữa là một bức tranh vô cùng xinh đẹp. Với bầu trời xanh bao la, ruộng lúa bậc thang xanh tốt, cùng bác nông dân chăm chỉ cày bừa, cấy lúa, và những mái ngói đỏ tươi thấp thoáng đằng xa. Trung tâm của bức tranh là những bạn nhỏ đang sung sướng ngắm nhìn những cảnh đẹp ấy, với ước mơ lớn lên xây dựng đất nước giàu mạnh. Dưới bức tranh là dòng chữ in hoa Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam còn trên cùng bìa sách là dòng chữ Bộ giáo dục và đào tạo. Còn ngay trên bức tranh là dòng chữ TIẾNG VIỆT rất lớn với số 5 ở ngay cạnh. Dưới số 5 là chữ tập hai nhỏ hơn nhiều. Những thông tin ấy là vừa đủ để em hiểu được xuất xứ của cuốn sách.

Mặt sau của sách có màu nền là màu trắng. Ở góc phải phía dưới là giá tiền và mã số sách. Góc bên trái trên cùng là hình ảnh Huân chương Hồ Chí Minh - huân chương danh giá mà cuốn sách đã đạt được. Ở giữa là danh sách những cuốn sách giáo khoa lớp 5 khác được đóng khung nền xanh rất xinh xắn và nổi bật.

Bên trong cuốn sách là rất nhiều những nội dung thú vị, hấp dẫn được trình bày bắt mắt, dễ hiểu với nhiều hình ảnh minh họa sống động. Các bài học chia thành nhiều tuần, mỗi tuần gồm các nội dung như tập đọc, chính tả, kể chuyện, luyện từ và câu, tập làm văn. Mỗi bài học đều có những nội dung, cái hay riêng. Nhưng em vẫn thích nhất phần kể chuyện. Vì nhờ những tiết học ấy mà em được lắng nghe và biết thêm nhiều câu chuyện hay.

Em yêu quý cuốn sách của mình lắm. Em tự nhủ sẽ giữ gìn sách thật sạch sẽ, để sách luôn mới như lúc đầu.

Tả đồ vật : Cuốn sổ tay (Mẫu 8)

Vào ngày sinh nhật tôi năm ngoái, bố đã mua tặng tôi rất nhiều đồ dùng học tập xinh đẹp nào là: bút mực, bút chì, cái bảng, cuốn sổ tay, cục tẩy. Nhưng cuốn sổ tay là đồ dùng tôi yêu thích và cũng gắn bó với tôi lâu nhất. Cho đến bây giờ, tôi vẫn coi nó như một người bạn tốt.

Cuốn sổ dài bằng một bàn tay và có hình vuông. Nó có màu sắc thật ấm áp và đáng yêu. Bìa ngoài của cuốn sổ tay có màu hồng nhạt thật tươi tắn. Trên bìa có một bé kì lân trắng hồng mềm mại thật đáng yêu! Xung quanh là những con kì lân bé khác, những hình kim cương, ngôi sao hồng nho nhỏ và cầu vồng rực rỡ với bảy sắc màu tươi tắn. Mở cuốn sổ ra là những trang giấy trắng thơm phức. Trên trang giấy còn có hàng kẻ ô li đều tăm tắp từng hàng, từng hàng một. Trang bìa cuối cùng có những hình trái tim đỏ rực được trang trí lên trên. Trang giấy trắng của cuốn sổ tay được làm từ gỗ rất thân thiện cho môi trường.

Cuốn sổ của tôi thường nhắc nhở tôi những công việc hằng ngày và quan trọng thường làm. Khi tôi có nỗi buồn, niềm vui, tôi đều chia sẻ cho cuốn sổ biết và nó luôn ở bên tôi. Tôi rất yêu cuốn sổ tay của mình. Khi đến trường, tôi cầm cuốn sổ tay theo để ghi chép thông tin quan trọng cần ghi nhớ. Được điểm tốt ở trường, nhìn vào cuốn sổ, nó như tự hào về tôi và vui vẻ như tôi đã chăm chỉ học tập. Khi bị điểm thấp, cuốn sổ đồng cảm, buồn bã, chia sẻ với tôi và nhắc nhở để giúp tôi có động lực để chăm chỉ học hơn nữa.

Cuốn sổ tay là người bạn tri kỷ của tôi, đồng hành cùng tôi cho đến bây giờ. Tôi rất yêu cuốn sổ của mình và thường nâng niu như một đồ vật quý!

Tả đồ vật : Chiếc bình sứ (Mẫu 9)

Mẹ em là người rất yêu thích những đồ vật làm từ gốm sứ. Bởi vậy, trong nhà em không thiếu những chiếc bình cắm hoa bằng gốm sứ, những bộ ấm trà trang nhã mà đầy tinh tế làm từ gốm. Trong số những đồ vật đó, em vẫn thích nhất chiếc bình cắm hoa màu trắng làm bằng sứ, nó cũng là một đồ vật gắn liền với kí ức em về chuyến đi dã ngoại năm xưa.

Chiếc bình sứ là món quà mà làng nghề Bát Tràng đã gửi lại cho em trong chuyến đi vào mùa hè năm ngoái. Đến với làng nghề truyền thống, em không chỉ được tận tay làm ra những chiếc bát bằng gốm mà còn mang về một chiếc bình rất xinh. Nó không to lắm, chỉ cao khoảng hơn 2 gang tay người lớn thế mà lại mang đến một vẻ đẹp duyên dáng đến lạ. Thành bình phình to ra ở chính giữa rồi đột ngột thắt lại ở phần cổ, rồi như thế vẫn chưa đủ. Người nghệ nhân muốn nó mềm mại hơn đã khiến cổ bình loe ra hình bông hoa loa kèn. Tất cả những đường cong mềm mại đó đã khiến chiếc bình mang một vẻ đẹp đầy duyên dáng, tinh tế mà vẫn toát lên vẻ kiêu hãnh lạ thường.

Chiếc bình làm bằng sứ rồi lại được tráng một lớp men khiến bề mặt nó càng trở nên bóng bẩy. Lớp men trắng sứ ấy càng tôn thêm cho cái vẻ lúc nào cũng đầy duyên dáng, thanh khiết của nó. Nổi bật trên nền men trắng, người nghệ sĩ tài hoa của làng nghề Bát Tràng đã dùng đôi tay khéo léo của mình vẽ nên những đường cong tuyệt bích. Chỉ vài nét chấm phá đơn sơ mà người nghệ sĩ ấy đã vẽ nên cả một bức tranh thủy mặc trên thành bình cong cong. Đâu đây thấp thoáng bóng con đò ngang trôi trên dòng sông lững lờ, ven bờ là hàng lau rung rinh trước gió mai. Mặt nước dường như dao động, những lớp sóng nhẹ cứ thi nhau trồi lên vào bãi. Bóng người lái đò tĩnh lặng trên sông. Tất cả khiến chiếc bình mang vẻ đẹp gì đó vừa man mác, vừa hoài cổ, vừa lặng mỗi nỗi sầu tâm trạng của người làm ra. Phải chăng chính tình cảm đã khiến bức tranh thủy mặc trên chiếc bình nom có hồn đến thế? Và phải chăng chính tình yêu nghề và ý thức trách nhiệm với văn hóa cổ truyền dân tộc đã khiến người nghệ sĩ của làng nghề làm nên một kiệt tác nghệ thuật?

Em còn nhớ như in ngày đầu tiên nhìn thấy nó, lòng em sớm đã dành một tình yêu cho chiếc bình này. Mẹ em lại đặc biệt thích thú với nó nên đã mua về để làm kỉ niệm cho chuyến đi này. Mẹ rất quý chiếc bình và bởi thế, mẹ luôn luôn đặt nó trong tủ kính, thi thoảng lại mang ra để lau chùi cho chiếc bình thêm sáng. Chỉ khi nhà có khách đặc biệt hay vào những dịp Tết đến, mẹ mới mang chiếc bình ra để cắm hoa. Những bông hoa đẹp nhờ chiếc bình quý mà thêm tỏa hương tỏa sắc. Chiếc bình càng kiêu hãnh phô ra vẻ đẹp kiêu sa của chính mình.

Chiếc bình hoa bằng sứ tuy chẳng đắt đỏ nhưng lại có sức hút rất lớn với gia đình em. Nó còn là nơi ghi dấu những kí ức tươi đẹp về làng nghề Bát Tràng, vừa nhắc nhở trong em ý thức gìn giữ những hồn cốt truyền thống mà ông cha ta đã gắn bó từ thuở xưa.

Tả đồ vật : Bộ ấm chén (Mẫu 10)

Vào một phiên chợ Tết, bố tôi mua về từ một cửa hàng gốm sứ cao cấp ở Thiên Hương một hộp đồ được gói giấy bóng cẩn thận. Tôi mở ra và thốt lên “Ôi! Bộ ấm chén đẹp quá!”.

Bộ ấm chén của gia đình tôi trông rất bắt mắt. Bố tôi cẩn thận đặt nó trong tủ kính giữa nhà. Tôi chưa nhìn thấy ở nhà bạn bè hay người thân có bộ ấm chén như thế cả. Bố tôi tuy là đàn ông nhưng lại có mắt nhìn thật tinh tế và rất thẩm mĩ. Ngay từ hình dáng, bộ ấm chén cũng đã toát lên một vẻ đẹp hơn hẳn những bộ ấm chén khác. Vì được làm bằng sứ cao cấp nên cả ấm lẫn chén đều dày dặn, bền và chịu va đập rất tốt. Có sáu chén con và một ấm, đĩa dùng để ấm và chén. Cái nào cũng mới toanh và có cách trang trí giống nhau. Ai đến nhà tôi cũng đều tấm tắc khen bộ ấm chén đẹp.

Gia đình ấm chén có sáu cái chén con thật đáng yêu. Quanh thân chén được trang trí bằng những họa tiết hình cái quạt đang xòe nối vào nhau. Gần miệng chén được vẽ một đường cong mềm mại màu trắng với một chấm đen ở giữa thật duyên dáng. Các đĩa đựng chén như mặt trăng vào ngày rằm, to hơn thân chén một chút. Viền xung quanh đĩa dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nhìn giống như những làn sóng ngoài biển. Được quan tâm nhiều nhất vẫn là cái ấm pha trà. Nó có hình dáng thật độc đáo, phình to ở giữa và thu nhỏ ở phần đáy. Miệng ấm được tráng một lớp men màu vàng kim. Tay cầm ấm cong cong như hình dấu hỏi. Cái miệng cong và dài như chiếc vòi voi. Nắp ấm màu trắng đục, có cái núm tròn tròn như viên bi để dễ dàng nhấc nắp ầm lên.

Tôi rất yêu bộ ấm chén này. Dù có nhiều bộ ấm chén còn quý giá hơn nhưng tôi quý bộ ấm chén này hơn tất thảy. Mỗi ngày tôi thường tắm rửa cho mẹ con gia đình ấm chén. Mỗi khi nhà có khách, bộ ấm chén luôn vinh dự được bố tôi mang ra tiếp khách.

Tả đồ vật : Con gấu bông (Mẫu 11)

Mỗi lần sinh nhật của em, bao giờ em cũng được các chú, các dì, các cô bạn của bố mẹ tặng cho không biết bao nhiêu là thứ đồ chơi đẹp, lạ mắt. Nhưng có lẽ con thỏ nhồi bông Melody là thứ đồ chơi em thích nhất.

Dạo ấy là sinh nhật lần thứ chín của em năm em đang học lớp Ba. Nhìn lên bàn tặng phẩm, bên cạnh chiếc bánh sinh nhật hai tầng, một chồng các gói vuông vuông, đủ các màu sắc gối đầu lên nhau trông rất đẹp mắt. Nhưng có một món quà được bọc trong một tờ giấy mủ, to bằng người em mà em không đoán ra là món quà gì. Sau khi tan tiệc, mọi người đã ra về, mẹ thu dọn các món quà đặt vào góc học tập của em và bảo em giở ra xem. Em chẳng chú tâm gì đến các món quà ấy cả, chỉ lưu tâm đến món quà được bọc trong tấm vải mủ kia thôi. Vì vậy, em đã vội vàng mở món quà ấy đầu tiên. Vừa mở ra, em vội reo lên: Ôi! Con thỏ Melody, thật là tuyệt vời! Một con thỏ mà em hằng mơ ước. Thế là từ nay, em luôn có Melody bên cạnh. Hôm đi chợ nhà lồng thị xã cùng chị Thùy Linh, đến quầy các đồ chơi trẻ em, phát hiện thấy con thỏ nhồi bông, em đã đứng lại ngắm nhìn một cách say sưa, suýt nữa bị lạc chị ở trong chợ. Mấy lần em bảo chị mua cho em nhưng chị bảo không cầm đủ tiền, bữa khác xin tiền bố, chị sẽ mua cho. Em cứ thấp thỏm chờ mãi chị Linh đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh về, thế nào Linh cũng mua. Nhà chỉ có hai chị em, mỗi lần em đòi mua gì thì chị đều chiều em cả. Chị bây giờ thì em không còn phải chờ đợi nữa. Em sẽ điện lên cho chị đừng mua nữa, em đã có rồi.

Con Melody của em có lẽ to bề ngang hơn em nhiều. Hai cái tai to dài như hai cái hoa chuối thẳng đứng ở trên đầu. Cái mặt thì to hơn cả cái thân, bè bè như bộ mặt của Đôrêmon, trông ngồ ngộ làm sao! Hai con mắt tròn, đen ước chừng to bằng cái miệng li uống nước. Nó cứ mở thao láo nhìn em chằm chằm không chớp mắt. Cái mũi thì đỏ như quả cà chua chín mọng, cứ phô ra như mũi của một chú hề trong một vở chèo nào đó. Nó mặt một bộ y phục trông rất “mốt”. Hai cái tay trắng muốt như màu muối biển lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh đưa ra như võ sĩ đấm bốc. Cái cổ được choàng bằng một tấm khăn voan màu tím Huế. Cái thân thì ngắn ngủn, chắc cũng bằng kích thước của cái đầu. Nó ngồi chễm chệ, tựa lưng vào thành tủ đầu giường, đưa hai cái chân ra phía trước, tạo cho cái mông của nó ngồi được vững chắc. Có lẽ vậy mà tuy cái bụng phệ như cái bụng của một chủ tiệm phở nên đặt nó ngồi ở đâu cũng không ngã được. Cứ hễ học bài xong, lúc nào em cũng ôm nó vào lòng và thơm lên đôi má càng tròn của nó những cái hôn thật sâu thật dài. Lúc ngủ, Melody bao giờ cũng ở cạnh em. Em ôm nó ngủ, một mạch cho đến sáng.

Melody của em là vậy đó, ngộ nghĩnh và rất dễ thương.

Xem thêm các bài văn tả hay khác:

TOP 89 Bài văn tả một loại hoa (2023) HAY NHẤT

TOP 44 bài văn tả cây cổ thụ (2023) HAY NHẤT

TOP 35 mẫu Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em (2024) hay nhất

TOP 30 bài văn tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích (2023) HAY NHẤT

TOP 31 Bài văn kể lại một kỉ niệm khó quên về tình bạn (2023) HAY NHẤT

 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!