TOP 44 Bài văn tả cây cổ thụ (2024) HAY NHẤT

TOP 44 bài văn tả cây cổ thụ hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới, giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 tốt nhất.

Đề bài: Tả cây cổ thụ

Dàn ý 

Dàn ý chi tiết tả cây cổ thụ số 1

a. Mở bài:

- Dẫn dắt giới thiệu về cây cổ thụ (cây đa)

"Cây đa cũ, bến đò xưa,
Bộ hành có nghĩa, nắng mưa vẫn chờ”

- Cây đa cổ kính không chỉ mang vẻ đẹp của một cây cổ thụ mà còn là biểu tượng văn hóa của làng em.

b. Thân bài:

* Tả chi tiết đặc điểm cây đa:

  • Cây đa hơn một trăm tuổi rồi.
  • Nhìn từ xa cây đa sừng sững như một chiếc ô lớn che mát cả một khoảng đất rộng.
  • Thân cây to đến nỗi bốn năm người ôm không xuể.
  • Những vết khắc cùng những u những bước nhô lên bên trên thân cây là dấu ấn thời gian của cả một thế kỷ đã trôi qua.
  • Mọc ra từ thân là cành cây khẳng khiu mọc đầy lá xanh chĩa ra các phía.
  • Tán lá cây mọc đan xen nhau tạo thành một mảng xanh um trông thật thích mắt.
  • Nằm trong tán lá là những chú chim lích chích chuyền cành đang ríu rít bài ca vui tươi.
  • Lá đa hình bầu dục to như cái quạt ba tiêu. Em thường ngắt mấy cái lá đa làm thành con trâu lá đa - món đồ chơi tuổi thơ của biết bao thế hệ.
  • Từ đầu cành cây rủ xuống là chiếc rễ dài như sợi dây thừng. Bọn trẻ con chúng em thường hò nhau đu lên sợi dây ấy đùa nghịch một cách thích thú.
  • Rễ đa to như những con rắn bò ngoằn ngoèo trên nền đất. Có chiếc rễ nổi hẳn lên mặt đất, có chiếc rễ lại cắm sâu xuống bên dưới hút chất dinh dưỡng để nuôi cây.

* Ý nghĩa và kỉ niệm về cây đa:

  • Cây đa đã tồn tại và chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm của quê hương qua hàng thế kỷ.
  • Ông em kể lại rằng, ngày xưa, cứ mỗi lần ra quân, các bà các mẹ lại bịn rịn tạm biệt người chồng, người cha, người con lên đường tòng quân đánh giặc.
  • Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình thì gốc đa là nơi sinh hoạt của người dân làng quê.
  • Các bác nông dân sau một ngày làm đồng vất vả ngồi dưới gốc đa uống miếng nước, bàn câu chuyện nhà nông.
  • Bọn trẻ con chúng em coi gốc đa như một căn cứ để tụ tập chơi bắn đi, nhảy dây, chơi chắt chơi chuyền...
  • Dưới bóng mát của cây đa, con trâu đen thảnh thơi đủng đỉnh nhai mấy bó cỏ non.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ về cây đa

Dàn ý chi tiết tả cây cổ thụ số 2

a) Mở bài: Giới thiệu về cây cổ thụ

  • Em thấy nó ở đâu?
  • Nó là cây gì? (phượng vĩ, đa,... )

b) Thân bài: tả bao quát đến chi tiết

  • Nhìn xa, trông cây như thế nào? (to, cao, lớn,... )
  • Cây khoảng bao nhiêu tuổi?
  • Thân, lá, hoa có màu gì?
  • Rễ như thế nào? (uốn lượn, ngoằn nghèo,... )
  • Cành cây như thế nào? (vươn lên, tỏa nhiều cành)
  • Hoa như thế nào? (màu đỏ, vàng, đẹp, 5, 6 cánh)
  • Cây được dùng để làm gì? (làm cảnh, tạo bóng mát,... )
  • Kỉ niệm của em với cây?

c) Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em

Dàn ý chi tiết tả cây cổ thụ số 3

a. Mở bài: Giới thiệu chung:

  • Cây hoa phượng được trồng ở đâu?
  • Từ bao giờ?

b. Thân bài: Tả cây phượng:

  • Cây phượng lớn cỡ nào? Hình dáng của nó ra sao?
  • Cây phượng có đặc điểm gì? Rễ, thân, cành, lá, hoa, quả... như thế nào?
  • Hoa phượng nở vào mùa nào trong năm? Màu sắc của cánh hoa, nhuỵ hoa?
  • Cây phượng gắn bó với đời học sinh ra sao?

c. Kết bài: Tình cảm của em đối với cây hoa phượng (yêu mến, gắn bó, xem cây phượng như người bạn thân thiết…)

Dàn ý chi tiết tả cây cổ thụ số 4

a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu loài cây mà em yêu thích (cây bằng lăng)

Mẫu: Nhắc đến mùa hè, không ai là không nhắc đến tiếng ve rả rích trong vòm lá xanh, sắc đỏ tươi như mâm xôi gấc của phượng nơi sân trường, gắn bó với những kỉ niệm học trò. Nhưng thật thiếu sót biết bao nếu không nhắc đến bằng lăng với sắc hoa tím biếc thủy chung của nó.

b. Thân bài

1. Miêu tả đặc điểm của cây

  • Rễ cây không to lắm, bám sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng cần thiết để cho cây phát triển khỏe mạnh, tươi tốt.
  • Thân cây màu nâu thẫm, nổi lên những vết sần nhuốm màu năm tháng. Thân cây không to, một vòng tay người ôm cũng xuể.
  • Từ thân tỏa ra nhiều nhánh to và từ những nhánh to lại phát triển nhiều nhánh nhỏ, có nhánh chỉ bằng ngón tay người.
  • Những chiếc nhánh vươn mình ra tứ phía để đón ánh nắng mặt tròi, nhìn từ xa như chiếc ô khổng lồ.
  • Lá cây hình bầu dục tròn ở gốc và nhọn ngắn ở chóp, rất nhẵn.
  • Lá to thì bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ nhìn giống như lá vối trồng trong vườn.
  • Mùa đông, cây khẳng khiu trụi lá. Nhưng khi mùa xuân sang, những chồi non lộc biếc mọc ra xanh mơn mởn. Đến khi hè về, lá cây thay đổi mình, chuyển sang màu xanh thẫm, dày dặn.
  • Hè về, bằng lăng nở hoa tím biếc, màu tím thủy chung như tình nghĩa của cây.
  • Ban đầu chỉ là những nụ hoa bé xíu, lấp ló sau những tán lá xanh như chơi trò trốn tìm.
  • Bất ngờ xuất hiện rồi khoe sắc lung linh như một cô gái dịu hiền, cuối mùa lại chóng bạc màu nhường không gian cho hoa phượng.
  • Người ta vẫn bảo hoa bằng lăng có vẻ gì yếu đuối, có tính nhường nhịn chứ không mạnh mẽ loài cây "học trò".
  • Hoa bằng lăng có sáu cánh, xoăn xoăn ở rìa, cánh mỏng như hoa lục bình vươn mình khoe sắc trong nắng.
  • Hoa bằng lăng thường nở từng chùm, kết thành nhiều bó trên cành như tô một nét vẽ vào bức tranh thiên về màu vàng, màu đỏ rực rỡ.
  • Lấp ló sau những cánh hoa là nhụy hoa màu vàng óng, có mùi thơm thoang thoảng, thu hút ong bướm đến vui đùa.
  • Hoa bằng lăng tàn rất nhanh. Khi hoa tàn hết thì cây bắt đầu ra quả. Quả có nhiều múi, trong mỗi múi là những cái hạt nhỏ li ti.

2. Ý nghĩa của cây

  • Hoa bằng lăng mang màu tím có nét gì đó buồn nhẹ, man mác như chia cách, vì vậy những cô cậu học trò cuối cấp thường yêu biết bao sắc tím biếc ấy.
  • Học trò thường rủ nhau lấy cánh hoa ép vào trang vở như cánh bướm để lưu giữ kỉ niệm học trò.
  • Giờ ra chơi, học sinh lại ngồi dưới gốc bằng lăng, trò chuyện đọc sách, để bằng lăng giương cao tán lá, che mát cho sân trường.

c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về loài cây mà em yêu thích

Dàn ý chi tiết tả cây cổ thụ số 5

a. Mở bài: Giới thiệu cây si già trong sân trường em.

b. Thân bài:

1. Tả bao quát:

  • Cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẳm.

2. Tả chi tiết:

  • Rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn đang nằm ngủ.
  • Thân cây to lớn.
  • Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây.
  • Lá si nhỏ và dày.

3. Kỉ niệm với cây si:

  • Chúng em thường tụ tập về gốc cây si để hóng mát và tổ chức các trò chơi như nhảy dây, đá cầu, kéo co.

c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về cây si.

Một số bài văn mẫu hay Tả cây cổ thụ

Tả cây cổ thụ (Mẫu 1)

Tài liệu VietJack

Ngoài nhà văn hóa của thôn em có trồng một cây xà cừ rất to để lấy bóng mát. Cây đã có từ rất lâu rồi.

Cây xà cừ này thật to. Nhìn từ xa, cây như một cái ô khổng lồ xanh ngắt đứng sừng sững giữa một khoảng sân rộng. Cây cao mấy chục mét, thân cây to đến mấy vòng tay em ôm không xuể. vỏ cây màu nâu, xù xì rậm rạp, có những đoạn vỏ còn bong ra thành từng mảng rất cứng. Tán của cây xà cừ này xanh tốt vô cùng. Nhiều cành to, cành nhỏ chen chúc mọc trên thân cây. Phần tán lá um tùm xanh tốt mời gọi biết bao nhiêu loài chim về đây làm tổ. Có những ngày chơi dưới tán cây, chúng em còn nghe rất nhiều lũ chim lách cách nói chuyện râm ran với nhau trong vòm lá. Ở phần gần gốc là những cành cây cực kì to, có cành còn to bằng cả thân những cây bạch đàn ở gần đó. Lá cây xà cừ không to lắm, hai mặt xanh nhẵn bóng. Lá cây xanh tốt vào mùa xuân và mùa hè. Mùa thu, lá xà cừ chuyển sang màu vàng và rụng như trút vào mùa đông. Theo những cơn gió, từng trận lá cây trút xuống như mưa, mặt đất như được trải một tấm thảm vàng xuộm vô cùng đẹp mắt. Rễ cây xà cừ rất to, có những đoạn rễ trồi hẳn lên trên mặt đất to bằng cổ tay em, nhìn nó ngoằn ngoèo như những con rắn hổ mang.

Cây xà cừ là một chiếc ô che mát cho cả một khoảng sân để chúng em có thể vui chơi. Dưới gốc xà cừ, có một bà cụ mở hàng nước ở đó. Người đi đường qua đây, nếu muốn nghỉ chân uống nước thì đây là một địa điểm hết sức lý tưởng. Ngồi dưới bóng mát, tận hưởng bát nước trà xanh thơm ngát, gió mát hây hẩy bên tóc sẽ làm cho ta vô cùng sảng khoái.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 2)

Trường em có trồng nhiều loại cây cho bóng mát, nhưng em thích nhất là cây tràm ở gần cổng trường.

Nhìn từ xa, cây tràm giống như một cây dù khổng lồ. Cây phát triển nhanh, vượt cao khỏi cổng trường. Rễ cây to nhô lên khỏi mặt đất trông giống như mọt đàn rắn đang bò. Thân tràm to đến hai vòng tay em ôm lại, vỏ sần sùi đen sậm. Vượt cao khỏi mặt đất độ hai thước, thân tràm chẻ thành nhánh. Mỗi nhánh đều có nhiều cành con chĩa ra bốn phía, mang đầy những chiếc lá vàng lại lìa cành. Chúng dạo chơi trên mặt đất. Một vài chiếc lá bay đến cái ao cạnh trường, thả thuyền trôi trên mặt nước. Xen lẫn giữa đám lá xanh um, ẩn hiện những cánh hoa vàng lấp lánh ánh nắng như những chùm kim tuyến. Đôi lúc, những cành hoa nhỏ xinh xắn ấy rơi xuống, bay nhè nhẹ trong không gian, tạo nên một khung cảnh thật nên thơ. Quả tràm màu xanh, xoắn tròn như trái keo non. Về già, quả đổi sang màu đen sậm. Nếu lấy quả chả trong nước, sẽ nỗi lên những bọt trắng xóa như xà phòng...

Giờ chơi, chúng em đến quây quần bên gốc tràm vui đùa, trò chuyện. Thỉnh thoảng, vài chiếc hoa vàng rơi lác đác trên mái tóc như làm duyên cho chúng em. Có bạn nghịch ngợm hơn lại đến ôm gốc cây xoay một vòng, trông có vẻ thích thú lắm. Vào buổi bình minh, ông Mặt Trời nhô lên chiếu những tia nắng hồng xuyên qua kẽ lá làm óng ánh những giọt sương mai. Từng đàn chim kéo nhau về nhảy nhót, hót líu lo. Vài con bướm đậu trên những cánh hoa ngào ngạt hương thơm. Đêm về, từng cơn gió thổi làm lay động những chiếc lá, tạo nên một âm thanh êm dịu.

Em thích cây tràm lắm, vì tràm chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn tăng thêm vẻ đẹp của trường em. Những trưa hè êm ả, được ngắm hoa tràm rơi thật thích thú biết bao nhiêu.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 3)

Trước cổng trường em có một cây cổ thụ rất to, tán cây xòe ra che mát một gốc trời. Đó là cây phượng vĩ.

Gốc phượng không biết đã có tự bao giờ. Em chỉ biết, ngày đầu tiên theo chân mẹ đến trường là em đã thấy nó đứng sừng sững ngay trước cổng với dáng uy nghi, trông giống như một bác bảo vệ chăm chỉ, lúc nào cũng tập trung canh gác cổng trường một cách khẩn trương. Gốc phượng sần sùi, ước chừng cả hai bạn học sinh ôm mới giáp. Từ mặt đất đổ lên ngọn khoảng hai mét, thân cây phân ra thành nhiều cành, nhánh. Lá phượng hao hao giống lá me nhưng to hơn một chút có một màu xanh lặc lìa, trông mát mắt, chen chút với nhau tạo thành một tán lá rộng lớn giống như một cây dù thiên nhiên khổng lồ, che mát cả một góc sân, trước cổng trường. Dưới gốc phượng này, không biết đã qua bao nhiêu ngày, bao nhiêu lần chúng em đứng chờ mẹ đónvà nô đùa với nhau mà không sợ bị nắng...Nhưng lúc em thích nhất, cũng là lúc em buồn nhất là khi tiếng ve ngân nga rãi rác khắp sân trường. Em có cảm giác, cây phượng từ từ trở mình cho ra những chùm hoa đỏ thắm lác đác trên cây. Lúc này cũng là lúc chúng em miệt mài học tập để chuẩn bị cho kì thì cuối học kì. Vừa thi xong thì tiếng ve cũng rộ lên giòn giã liên hồi, thật kỳ diệu cây dù thiên nhiên ấy như được khoác trên mình một màu đỏ rực rỡ của những chùm phượng vĩ. Lúc đó cũng là lúc chúng em tạm chia tay gốc phượng, mái trường để nghỉ hè.

Ôi! Tuyệt làm sao gốc cổ thụ trước cổng trường. Mai này lớn lên buộc phải rời xa. Chắc chắn, gốc phượng, sân trường sẽ là một kỉ niệm khó phai trong đời học sinh của chúng em. Em ước mong sao, năm hay mười năm nữa có dịp được trở lại trường, gốc phượng ấy vẫn luôn xanh tươi và phát triển tốt hơn bây giờ, để chúng em có một chút ít kỉ niệm ôn lại thời thơ ấu.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 4)

Quê hương! Hai tiếng gọi đó mới thân quen làm sao! Quê hương đối với mỗi người có thể là hình ảnh cây đa, bến nước, con đò,...Nhưng đối với em, quê hương là hình ảnh cây gạo ở đầu làng.

Mỗi mùa xuân về, cây gạo lại trút bỏ chiếc áo màu nâu xám của mình để thay vào đó là chiếc áo màu xanh non mơn mởn tràn trề sức sống. Mới ngày nào, trên thân cây chỉ trơ trụi toàn những cành mà giờ đây đã được phủ một màu xanh đẹp mắt. Cây gạo mùa xuân thu hút họ hàng nhà chim về đây mở hội. Biết bao nhiêu là chim từ chim sáo, chim cu gáy,..đến rộn vang cả một góc trời. Nhưng có lẽ cây gạo đẹp nhất vào thời điểm tháng 2, tháng ba là lúc hoa gạo nở. Những bông hoa gạo như những đốm lửa nhỏ bập bùng trên các tán lá màu xanh ngọc mới đẹp làm sao! Từ xa nhìn lại cây gạo cứ như một ngọn đuốc khổng lồ đang rực cháy, mỗi khi cơn gió nhẹ thổi qua, một vài bông hoa gạo lìa cành, chao đảo như khiêu vũ trên không trung rồi đáp xuống mặt đất.

Hè về, tán lá gạo lại càng tỏa bóng mát che kín cả một khoảng trời, lũ trẻ con trong xóm em thích nhất là được ngồi dưới gốc cây này mà trò chuyện, mà hóng mát. Làn gió mát thổi qua làm những tán cây rung rinh trông mới vui mắt làm sao. Trong tiếng ve của mùa hè, em cảm thấy nằm dưới gốc cây sao mà mát mẻ và yên bình đến thế.

Hè qua đi, thu đến. Ánh nắng ngọt ngào của mùa thu in bóng trên cây cổ thụ, làm cho em có cảm giác thật yên bình. Vào những buổi sáng khi mà mặt trời còn chưa ló dạng, một màn sương mỏng bao xung quanh cây gạo tạo nên vẻ đẹp mờ ảo cho cây gạo. Những buổi chiều mùa thu, em rất thích ngồi dưới gốc cây để ngắm nhìn bầu trời cao rộng và nghĩ đến những ước mơ của mình hoặc chỉ đơn giản là lơ đãng ngước lên đếm những bông hoa gạo như những chú bướm lửa trên thân cây.

Rồi mùa đông lạnh giá cũng tràn về sau khi mùa thu qua đi. Cây gạo bây giờ chỉ còn trơ trụi những cành khẳng khiu chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông giá rét. Cây vẫn đứng đó như muốn thách thức với trời đất, ẩn sâu trong những cành trơ trụi kia là những dòng nhựa sống đang cuồn cuộn chảy, chỉ chờ mùa xuân ấm áp về là lại bật ra những chồi non tràn trề sức sống.

Em rất yêu cây gạo này. Nó không chỉ là người bạn thân thiết của em mà còn là hình ảnh tượng trưng của quê hương yêu dấu.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 5)

Trường em có rất nhiều loài cây cổ thụ to như cây xà cừ, cây bàng, cây si già. Nhưng em thấy thích nhất là cây si già bởi nó nằm ngay trước cửa lớp học của em.

Em cũng chẳng biết cây si già đã có từ bao giờ nhưng em chắc chắn một điều là nó có từ rất rất lâu rồi. Vì bây giờ nó thành cây si già cổ thụ đứng sừng sững như một cái ô khổng lồ che nắng che mưa cho chúng em vui chơi.

Ở gốc cây si là những chiếc rễ lớn uốn lượn vòng vèo nổi trên mặt đất như những chiếc ghế để cho chúng em ngồi giải lao và vui chơi sau những tiết học căng thẳng và mệt mỏi. Thân cây to ba người bọn em ôm mới hết, thân cây có màu nâu sẫm. Lên cao chừng hơn mét rưỡi cây si bắt đầu phân thành năm nhánh lớn tỏa ra xung quanh và lên cao hơn trên những nhánh đó lại phân thành những nhánh con với những chiếc lá nhỏ xinh vươn ra xung quanh thành một chiếc ô lớn khổng lồ. Em thấy một điều đặc biệt ở cây si là ở những nhánh có những sợi dây dài mọc hướng xuống bên dưới rất dài. Như những mái tóc buông mình thuôn dài. Lá cây si có màu xanh hơi không to nhưng cây si rất nhiều lá đan xen lẫn nhau như muốn che chắn bảo vệ một thứ gì đó.

Bọn em rất hay ra gốc cây si chơi đùa có những bạn còn khắc tên mình lên thân cây coi như một kỷ niệm không bao giờ quên. Những bạn nam tinh nghịch thì thường cố trèo lên cây và vặt những cái rễ tuôn dài ở nhánh để nghịch. Có những bạn thì ngồi dưới gốc cây chơi mấy trò như ô ăn quan, oẳn tù tì, nhắm mắt đi tìm…Có lẽ nơi đây là kỉ niệm thời học sinh đẹp nhất của chúng em.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 6)

Cây sấu toả bóng xanh mát đường phố Hà Nội.

Có cây sấu cao, to đến hai mươi mét, ba mươi mét, cành lá um tùm, xanh rì quanh năm. Sấu trùm lên đường phố. Sấu trùm lên cả mái nhà cổ. Trong mưa xuân, lá sấu như thì thầm. Trong mưa ngâu, sấu chín rụng lộp độp trên mặt đường, có lúc quả sấu rụng trúng đầu cậu học trò nhỏ.

Lá sấu mọc so le, xanh mượt mà, láng bóng. Hoa sấu nhỏ lăn tăn, màu vàng xanh hơi trắng, mọc thành chùm ở cành nhánh, ngọn cây. Mùa hè, sấu khai hoa trong làn mưa bụi. Hoa sấu kín đáo lấp ló trên cành cao, trong chùm lá xanh. Đầu tháng năm, từng chùm sấu bằng hạt ngô, bằng đầu ngón tay út, xanh thắm một màu, ngó cổ qua kẽ lá, mỉm cười với nắng hè. Quả sấu hình cầu, vỏ dày xanh bóng. Tháng sáu, tháng bảy là mùa sấu chín. Quả sấu chín màu vàng nhạt, có vị chua chua, cùi dày, trắng nõn và chỉ có một chiếc hạt màu nâu nhạt.

Sấu dầm đường bán quanh cổng trường học thật hấp dẫn và đông khách. Lúc nào cũng thấy bốn, năm cô cậu học trò vây quanh lọ sấu dầm đường của ông già nói tiếng lơ lớ. Sấu là một món ăn dân dã được nhiều người ưa thích: canh chua sấu nấu cá quả. Trên đường đi học về, vừa đi vừa nhặt sấu rụng, gói giấy đem về nhà làm kỉ niệm, là thú vui của chúng em.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 7)

Tài liệu VietJack

Bạn đã lần nào đến thăm Đồng Tháp Mười thuộc miền Tây Nam Bộ hay chưa? Đó chính là quê hương thân yêu của chúng tôi. Chúng tôi tự hào về những hình ảnh đẹp đẽ của quê mình đã đi vào thơ ca từ lâu và được lưu truyền rộng rãi:

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.

Phong cảnh vùng này rất đa dạng. Bên cạnh những cánh đồng bát ngát chạy dài tới chân trời là những đầm sen mênh mông. Hoa sen trắng, hoa sen hồng nở rộ, hương thơm bay theo ngọn gió đồng bằng lồng lộng thổi. Những rừng tràm xanh thẫm ngút ngàn nối tiếp nhau, trông xa như một bức trường thành. Cây tràm là thứ cây quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của người dân Nam Bộ quê tôi.

Tràm rất dễ sống. Nó có thể sống khoẻ ở cả những nơi đất nhiễm phèn nặng nhất. Ít khi cây tràm đứng đơn lẻ mà thường mọc thành rừng, cây nọ sát cây kia, ngọn vươn lên cao đón ánh nắng mặt trời. Thân tràm được bao bọc bởi nhiều lớp vỏ màu nâu nhạt, mỏng hơn lụa, bên ngoài là lớp phấn rang mịn màng. Lá tràm dài khoảng hơn một tấc, mỏng và hơi cong tựa như mảnh trăng non. Vò nát chiếc lá tràm, ta sẽ thấy một mùi thơm thật dễ chịu.

Mùa rừng tràm nở hoa cũng là mùa ong làm mật. Hoa tràm kết thành chùm vàng rực, nhuỵ hoa đầy ắp phấn, thứ nguyên liệu để bầy ong chuyên cần luyện nên những giọt mật quý giá cho đời. Đi trong rừng tràm, chân ta bước nhẹ nhàng trên những thảm lá khô dày xốp, tai nghe tiếng ong bay rù rì và mũi ngửi mùi hương hoa tràm, lá tràm thơm ngát dưới nắng vàng rực rỡ.

Cây tràm đem lại nhiều lợi ích cho con người. Thân tràm làm cột nhà, đóng cừ làm móng nhà vừa chắc vừa bền. Những cây cầu khỉ lắt lẻo bắc bằng cây tràm qua kênh, qua mương là hình ảnh quen thuộc của cuộc sống quê tôi. Lá tràm, cành tràm khô đun rất đượm. Bởi thế nên cây tràm đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống nơi đây.

Trong kháng chiến chống Mĩ, rừng tràm che chở cho quân dân ta đánh giặc. Trong hoà bình, cây tràm lại cùng người xây dựng quê hương. Giống như người dân quê tôi, rừng tràm hiên ngang, bất khuất có sức sống dẻo dai, bền bỉ muôn đời

Tả cây cổ thụ (Mẫu 8)

Nếu như hoa phượng đỏ rực gợi nhớ những kỉ niệm mơn man của một thời cắp sách đến trường, hoa bằng lăng tím gợi về một thời chia xa, thì cây bàng giản dị lại khiến lũ học trò luôn biết ơn vì những bóng mát trên sân trường, vì những lần được ngồi dưới gốc cây, trò chuyện, đọc sách vui vẻ.

Từ xa nhìn lại, cây bàng giống hệt như bác bảo vệ già vẫn ngày đêm âm thầm canh gác cho sân trường. Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi từng lớp học trò đến trường, cây đã đứng đó, như chiếc ô xanh khổng lồ, che bóng mát cho những cô cậu tinh nghịch vào mỗi giờ ra chơi. Thân cây to lắm, phải hai người ôm mới xuể còn ngọn cây cao đến lưng chừng tầng ba. Thân cây màu nâu sẫm, có những lớp vỏ đã bị tróc ra, đôi chỗ nhô lên những ụ. Gốc bàng nổi hẳn những chiếc rễ to, trồi cả lên trên mặt đất như những con trăn, con rắn khổng lồ. Những dấu vết năm tháng ấy không làm cho cây xấu đi mà càng khẳng định sức sống mãnh liệt, gợi nhắc con người về những ý nghĩa sống trong cuộc đời. Tán bàng gồm nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau cả mét. Cành chĩa ngang, đan xen thành vòng tròn quanh thân.

Khi nàng xuân xinh đẹp giáng trần, những chồi non, lộc biếc nhú ra mơn mởn. Ban đầu chỉ là những chiếc lá nhỏ, màu xanh bóng sau chuyển to hơn, dày hơn và đậm màu hơn. Hạ về, từng tán lá chụm lại với nhau tỏa bóng mát, rợp cả một khoảng đất rộng trên sân. Trong tán lá xanh, những chú chim thoăn thoắt chuyền cành, hót ríu rít, tấu lên bản hòa ca ngày hè. Ngày phượng bừng nở sắc đỏ, cây bàng buồn lắm vì nó không phải là loài “cây học trò” để tụi học sinh có thể nhớ, thể mỏng, để vấn vương những kỉ niệm dại khờ. Cây thương học trò một năm học vất vả, cây thương học trò sau này ra trường có nhiều bấp bênh. Nhưng cây không thể làm gì, chỉ có thể xuất hiện trên từng con phố, tỏa bóng mát như phần nào an ủi cõi lòng của những trái tim mới lớn. Thế rồi, khi tiếng trống trường giục giã một năm học mới bắt đầu, cây bàng nhận ra mình cần phải làm tiếp công việc đối với thế hệ mới. Nó khởi sắc, hân hoan, đong đưa những chiếc lá xanh thẫm, xen lẫn chiếc lá ươm vàng, vài chiếc đã ngả dần sang màu đỏ. Trong tán lá muôn sắc ấy, thấp thoáng những trái vàng mơ, ngòn ngọt, bùi bùi. Đông sáng, cây bàng trở lại với dáng hình khẳng khiu của nó. Làn gió se lạnh thổi qua làm những chiếc lá cứ dần lìa cành, trở về với đất mẹ bao dung. Giữa tiết trời lạnh giá, được ngồi bên học trò thân thương, cây bàng như tiếp thêm sức mạnh để khi xuân đến có thể bung nở những chùm hoa li ti hình ngôi sao, màu trắng ngà, rụng trên vai, trên mái tóc ai.

Bàng lớn lên cùng lớp lớp thế hệ học trò. Bàng chia sẻ và lắng nghe bao tâm sự thầm kín của học sinh. Vì thế sau này dù có đi đâu xa, hãy nhớ về bóng dáng thân thương ấy vẫn hàng ngày tỏa bóng mát trên sân trường.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 9)

Bốn phía ở làng quê em đều trồng nhiều cây gạo. Cây gạo như thật quen thuộc với tất cả người dân làng em và đặc biệt với lũ trẻ chúng em thường thường hay tụ tập để có thể chơi đùa dưới tán lá râm mát của cây.

Cây gạo như là một người bạn thân với mỗi người dân quê em. Lá của cây gạo to xoè ra bằng bàn tay người lớn, màu xanh nhạt và khi lá đã già thì lại chuyển sang màu vàng. Thế rồi em như thấy được thân cây gạo to bằng cột đình làng, thân cây nó cũng như đã cao thẳng đuột. Thế rồi em như cũng thấy được những cành chĩa ra bốn phía như những cánh tay dũng sĩ. Cứ đến mỗi dịp Tết đến làng lại hân hoan mở Tết trồng cây năm nào cũng vậy, các cụ già làng em lại ra vun gốc và tưới phân cho các cây gạo thêm xanh tốt nữa.

Cây hoa gạo đẹp nhất bởi tháng ba, tháng ba, gạo ra hoa. Quan sát thấy được rằng, chính nụ gạo to bằng cái chén uống rượu của các cụ, và nụ gạo lại có màu đỏ nâu, đỏ sẫm. Dễ nhận thấy được rằng, chính nụ hoa có cái cuống to bằng chiếc đũa, và hơn hết em dường như cũng đã thấy được rằng cuống như cũng có độ dài độ đốt ngón tay. Hoa gạo dường như cũng đã nở xoè to hơn cái chén tống, có nhiều cánh, màu đỏ hồng, đỏ tươi nhìn thật đẹp biết bao nhiêu. Thế rồi cho đến tháng tư, trong nắng hè chói chang, và em như thấy được chính cây gạo làng em nở hoa như thắp muôn nghìn ngọn lửa cháy rừng rực giữa trời xanh. Vào những buổi sớm sớm, chiều chiều thì ở cây gạo lại như đã có hàng trăm con chim kéo đến. Có thể kể ra có các loài chim đó chính là chim cu gáy, chim sáo sậu, sáo đen, chim sâu, chim vành khuyên, chim quạ,.. Chúng cứ như hót líu lo, chúng chuyện trò râm ran, chúng bay lượn. Tưởng như bầy chim trời kéo về dự hội hoa gạo vậy.

Khi mà hoa gạo nở hoa rồi kết thành trái. Cho đến cuối tháng sáu, đầu tháng bảy, trái gạo dường như cũng đã chín nở xoè ra nhiều múi. Bông gạo như thật là trắng tinh mang theo hạt gạo. Nó dường như cũng đã được những cơn gió đưa đi khắp mọi chân trời.

Cây gạo chính là một trong những vẻ đẹp bình dị và gần gũi của quê em. Năm nay, gạo nở hoa đỏ rực, báo tin một vụ chiêm bội thu cho cả làng em và ai ai cũng yêu quý cây gạo.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 10)

Hơn mười năm cắp sách tới trường, bao hình ảnh đẹp đã in dấu trong em. Cứ mỗi độ hè về, cây phượng nơi góc sân trường lại nở hoa đỏ rực, trở thành hình ảnh khó phai mờ trong mắt mỗi cô cậu học trò.

Từ ngày đầu tiên nhập học ở ngôi trường này, em đã thấy cây phượng sừng sững nơi góc sân. Nghe cô giáo em kể lại thì cây phượng cũng có tuổi đời đến cả trăm năm, được trồng vài ngày đầu tiên thành lập trường. Trải qua thời gian, cây phượng đã trở thành cây cổ thụ trong vườn trường, được bọn học trò nhỏ gọi là bác phượng. Nhìn từ xa, cây phượng như một chiếc ô xanh khổng lồ trên bầu trời.

Thân cây to tròn, đến hai bạn học sinh ôm cũng không xuể. Bác khoác lên mình tấm áo xanh thẫm, có vẻ xù xì. Nhưng ít ai biết đằng sau tấm áo in dấu thời gian ấy là cả thân cây căng tràn nhựa sống. Rễ cây đâm sâu xuống lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Có những chiếc rễ như những con trăn khổng lồ, mọc chồi lên mặt đất, là chỗ ngồi lý tưởng cho các bạn học sinh mỗi giờ ra chơi. Cành cây phượng rất xum xuê như những cánh tay to bé, đâm ra tứ phía để hứng nắng, đón gió.

Lá phượng khá giống lá me, nhỏ bé, li ti, mọc chi chít thành từng phiến. Là già thì ngả sang màu vàng. Có lẽ điều mà người ta nhớ nhất ở cây phượng chính là hoa của nó. Hoa phượng không mọc đơn lẻ mà kết thành từng chùm. Mỗi bông hoa phượng có năm cánh hoa màu đỏ xếp chồng lên nhau và có một cánh đốm vàng. Khi hè về, những nụ chúm chím dần bung nở thành những chùm hoa. Nếu đứng từ trên cao phóng tầm mắt đến chốc cây phượng thì nó chẳng khác nào một ngọn lửa đỏ khổng lồ đang rừng rực cháy. Cứ mỗi mùa phượng nở lại báo hiệu mùa chia tay. Đôi mắt bọn trò nhỏ buồn hơn, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Bác phượng đứng nơi xa, như dang rộng vòng tay, ôm lũ trò nhỏ vào mà âu yếm, vỗ về, an ủi.

Bác phượng đứng ở góc sân giống như người bạn tuổi học trò. Mấy chục năm trời cũng là từng ấy thế hệ đã ra trường, đã đồng hành với bác như một người bạn tri kỷ, cùng sẻ chia bao nỗi niềm tuổi học trò. Dưới gốc cây, diễn ra bao hoạt động vui chơi giải trí. Phượng nở còn báo hiệu mùa chia tay sắp đến. Bao nụ cười ngây thơ, bao giọt nước mắt đã gửi vào nơi đây.

Em rất yêu quý cây phượng. Bác phượng nơi góc sân trường là buồn, là vui, là thương, là nhớ thời học sinh.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 11)

Tài liệu VietJack

Ở cổng trường em có hai dãy cây hoa bằng lăng già rất đẹp làm cho trường em xanh, đẹp hơn. Ai vào trường cũng khen nức nở, hiếm có ngôi trường nào có hàng cây cổ thụ ra hoa đẹp như vậy. Em rất thích ngắm dãy bằng lăng mỗi khi đến trường.

Khi em bắt đầu vào lớp một thì dãy bằng lăng đã có rồi. Bác bảo vệ ở trường đã hai chục năm nói rằng hàng cây đã được trồng từ bao giờ bác cũng không biết nữa. Cây bằng lăng cao, nhiều tán lá xum xuê. Vào mùa hè, lá bằng lăng có màu xanh thẫm tỏa bóng mát hai bên cổng trường. Khi mùa xuân đến thì lá có màu xanh biếc. Bằng lăng là một loài cây thuộc họ cây gỗ. Thân cây to, phải hai vòng tay em ôm mới xuể. Vỏ cây màu nâu đất, xù xì và cũng nứt nẻ trông như đất đai mùa hạn hán. Cách mặt đất chừng một mét, thân cây chia ra làm nhiều nhánh.

Trong từng nhánh ấy lại tiếp tục chia ra thành những nhánh nhỏ vươn mình lên cao cùng với những chiếc lá xanh đón ánh nắng mặt trời. Lá bằng lăng có màu xanh thẫm, lá to thì bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ thì bằng bàn tay em gần giống như cây của lá vốn mà bà em trồng trong vườn. Mặt dưới của chiếc lá có những đường gân xanh chia nhánh kéo dài kín chiếc lá. Cây bằng lăng rất nhiều lá tạo nên bóng mát lớn cho chúng em vui đùa trong những giờ ra chơi.

Mùa hè đến cây bằng lăng bắt đầu nở hoa. Hoa bằng lăng rất đẹp có màu tím nhạt kết thành từng chùm. Nhìn từ xa mỗi một cây hoa bằng lăng như một cái ô tím để che đi ánh nắng oi ả của mùa hè. Cánh hoa bằng lăng nhỏ mỏng như lụa. Bên trong bông hoa là nhụy vàng có mùi thơm thoang thoảng. Thu hút nhiều loài ong, bướm đến. Những chú chim cũng góp tiếng hót líu lo của mình để cùng hòa ca làm cho không khí đẹp đẽ vui tươi hẳn lên.

Khi hoa bằng lăng rụng là lúc cây bằng lăng bắt đầu ra quả. Quả bằng lăng lúc to có hình hơi tròn, màu xanh. Khi dần về già, quả bằng lăng tự tách ra từng múi. Trong từng múi là hạt của cây bằng lăng nhỏ li ti. Những cơn gió mùa hạ xào xạc đến cuốn theo hạt bằng lăng bay đi rải khắp mọi vùng đất.

Ngày nào đi học em cũng thích ngắm nhìn hai dãy bằng lăng. Em cảm thấy dãy bằng lăng rất đẹp lại tỏa bóng mát cho chúng em vui chơi. Dưới mỗi gốc cây là mỗi gốc tuổi thơ của chúng em tại mái trường tiểu học thân thương để từ đó em càng ngày càng yêu thương ngôi trường của em nhiều hơn.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 12)

Từ đường cái liên xã có lối rẽ vào trường em dài độ 100 mét. Lối rẽ được lát xi măng phẳng lì rộng khoảng 4 mét. Hai bên lối đi là hai hàng cây bằng lăng khép tán làm cho cảnh quan trường em trở nên xanh, đẹp.

Ngày em vào lớp một, Hội Khuyến học đã trồng hai hàng cây bằng lăng này. Thầy Hiệu trưởng đã phân công cho mỗi thầy cô giáo và lớp mình phụ trách được chăm bón, bảo vệ săn sóc hai cây bằng lăng. Tết trồng cây đối với thầy, trò trường em hầu như diễn ra quanh năm suốt tháng.

Chỉ sau hai mùa xuân, bằng lăng đã cao vọt lên, cành khép tán, lá xum xuê. Mùa xuân, bằng lăng ngời lên xanh biếc. Mùa hè, bằng lăng tỏa bóng mát rượi,vỗ về từng cuộc vui của chúng em. Từng đàn chim sâu lích chích, ríu rít kéo đến bắt sâu, tìm mồi làm cho con đường tới trường thêm vui, thêm đẹp.

Bằng lăng là loài cây thân gỗ có nhiều cành ngang. Lá bằng lăng gần giống như lá vối, lá ổi. Có lá to bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ bằng bàn tay trẻ em, bầu bĩnh, thon xinh. Mặt trên lá màu xanh thẫm, bóng mượt, xanh biếc, mặt dưới xanh nhạt nổi lên những đường gân như chiếc tăm tre dài.

Năm em lên học lớp Ba thì bằng lăng đã trổ hoa. Trong làn mưa xuân mưa bụi, lá bằng lăng phơi phới vươn lên. Một màu xanh nhạt phơn phớt tím bao trùm hai hàng cây mơn mởn. Hoa bằng lăng màu tím hồng, kết thành chùm. Cây có bao nhiêu cành, bao nhiêu nhánh là có bấy nhiêu chùm hoa, đứng xa nhìn tưởng như mỗi cây bằng lăng được đội bằng một chiếc mũ tím hồng rực rỡ. Hoa bằng lăng có cánh kép, mỏng như lụa; giữa đài hoa có những chiếc nhị vàng như chiếc trâm bé xinh. Những hôm trời nắng cuối xuân đầu hạ, hoa bằng lăng rực lên làm cho con đường dẫn tới cổng trường như hai dải lụa tím hồng rung động, nhấp nhô khi có làn gió nhẹ thoảng qua.

Sau một đêm, hoa bằng lăng rụng nhuộm tím con đường viền cỏ xanh. Hoa bằng lăng nối tiếp nở thành nhiều đợt. Em ít thấy loại cây nào nơi làng quê cho nhiều hoa và kéo dài mùa hoa như bằng lăng.

Cuối hè, cây bằng lăng tua tủa những quả. Quả bằng lăng nhích hơn trái cà xanh nhạt. Cành bằng lăng trĩu quả tròn xanh đậm. Quả nào cũng có bảy múi. Lúc chín già, các múi bằng lăng tự tách ra; hạt bằng lăng được làn gió mang đi rải khắp mọi nơi, mọi chốn. Nhặt một trái bằng lăng già đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía, ta cảm thấy như một trái bần gỗ mỹ nghệ thủ công cực xinh.

Hoa bằng lăng cũng như hoa giấy, không có hương thơm nhưng rực rỡ sắc màu. Mỗi mùa xuân đến, em chờ mong bằng lăng đơm hoa. Đi học ngắm bằng lăng tím hồng; mùa hè được đứng trong bóng bằng lăng tỏa mát, em càng thấy yêu cây bằng lăng khôn kể xiết.

Mùa hè này đến sớm, hoa bằng lăng nở rộ. Em đã bước sang học kì hai lớp Năm. Nhìn hoa bằng lăng tím hồng, em càng thấy con đường tuổi thơ thêm hữu tình, em càng yêu thêm ngôi trường tuổi thơ.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 13)

Hà Nội ta là một rừng cây sấu mọc thành hàng dãy phố.

Cây sấu trông hình thù xấu xí. Hình thù cây sấu rất dễ lẫn với trăm cây khác, nhưng quả sấu chín có một hương ngọt. Nó thơm một cách khiêm tốn như cũng tự kiêu ngầm. Và ngay từ lúc nó còn là trái xanh non, đem ra làm tương giấm hoặc tan ra trong nước rau muống lúc nắng mới. Vị sấu có một hương chua chua cầu kì gớm lên ấy. Cây sấu ra quả là một nguồn cảm xúc mạnh cho những trẻ em nghèo lúc lấm lót trèo lên cây hoặc cầm súng cao su đứng dưới gốc. Cái lúc mà cây sấu biết nhường nhịn kia đã chịu ra lộc thì cũng là lúc cuộc đời đã xuân tàn, luống cà bát một xóm lao động cũng đang trổ những đóa hoa tím nhạt. Và từ đây, giữa đám lộc sấu đang chuyển nhanh sang màu xanh đen cố hữu rồi ngân lên cái tiếng thở dài đầu tiên của con ve sầu hát ngàn trong nắng non.

Hà Nội hôm nay, những gốc sấu vẫn tiếp tục rụng lá cũ, ra lộc mới, vừa nở hoa trên trời, vừa vãi hoa đầy đất. Trên các lề phố, trước cổng các cơ quan, trên mặt đường nhựa, từ khắp năm ô cửa trở vào, hoa sấu vẫn nở, vẫn vương vãi khắp Thủ đô. Trắng tròn như những hạt nếp hạt dẻ đầu mùa, hoa sấu kéo dài con đường hoa nhiều quãng cộm hẳn lên như cốt gạo nào của khu phố bung vãi ra. Tiếng ve sầu đầu mùa cưa đều vào không gian Hà Nội, căng thời gian ra mà cưa miết vào.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 14)

Hè đang đến dần, tụi học trò chúng tôi lại càng cảm thấy trong lòng luôn lưu luyến, xao xuyến. Vậy là mùa thi, mùa chia ly đã đến, hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường.

Tôi chẳng biết phượng có từ bao giờ mà khi đặt chân vào mái trường này, phượng đã cao lớn trong một góc sân trường rồi. Nhìn từ xa, cây phượng như một người lính đang canh gác cho trường. Thân cây to, sần sùi màu nâu thẫm mang theo dấu ấn nắng mưa của thời gian nên trên thân có những vết nấm mốc, đôi chỗ bị tróc một ít vỏ cây. Tụi học trò tinh nghịch còn khắc tên mình lên cây phượng. Gốc cây sần sùi nổi hẳn lên mặt đất, hút đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây phát triển. Phía trên, những cành cây to, rắn chắc tỏa ra tứ phía như những cánh tay người. Bao trùm lên đó là những tán lá rộng, xòe ra, tỏa bóng mát cho cả một vùng trời. Người ta thường nói đây là những lá phức có bề ngoài giống như lông chim và có màu lục sáng, nhạt đặc trưng. Cánh hoa của phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, dài tới 8cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng,vàng hoặc cam vàng. Vào mùa hè, hoa phượng nở đỏ rực như một mâm xôi gấc khổng lồ như đang thắp lên bao ước mơ hi vọng cho biết bao thế hệ học trò. Quả là loại quả đậu có màu nâu sẫm khi chín, hạt to cỡ hai ngón tay út, hạt ăn rất bùi và ngon.

Hoa phượng còn được gọi với cái tên rất thân thuộc và gần gũi là hoa học trò. Vào mỗi giờ ra chơi, chúng tôi thường ngồi ghế đá dưới cây phượng trò chuyện tâm sự, có những tốp học sinh thì chơi các trò chơi như nhảy dây, đá cầu,... thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng. Trên cành cây, những chú chim chuyền từ cành này sang cành khác, hót líu lo, tạo nên những bản nhạc không lời nghe thật vui tai. Mùa hè đến những chùm hoa phượng nở đỏ cháy khiến cho chúng tôi lại cảm thấy xao xuyến và bâng khuâng. Biết bao kỉ niệm gắn bó với cây phượng này. Đám học trò chúng tôi còn nhặt những cánh hoa phượng rơi xuống đất để ép vào trang vở trắng tinh thành hình con bướm nhỏ xinh đợi đến lúc nào khô thì lấy ra. Những cánh hoa được ép mỏng tang, khô và dễ vỡ. Học trò vẫn bảo đó là loài hoa lưu giữ những kỉ niệm.

Phượng như người bạn gần gũi gắn bó thân thiết với lũ học trò chúng tôi. Bao năm gắn bó, tôi sẽ chẳng thể nào quên được "Hàng cây phượng dài trên sân nơi chúng ta khắc lên một trái tim, sao giờ đây khi xa nhau cây buồn tha thiết?"

Tả cây cổ thụ (Mẫu 15)

Trong các loài cây trên đất nước Việt Nam, cây nào cũng có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của có. Nhưng với tôi, có lẽ cây bàng là người bạn vô cùng thân thiết. Tôi yêu bàng như một sinh thể sống bởi bàng là chứng nhân cho biết bao kỉ niệm vui buồn thời thơ ấu của tôi.

Từ khi biết nô đùa, chạy nhảy cùng lũ bạn gần nhà, tôi đã thấy cây bàng đứng sừng sững ở đầu làng gần khu chợ nhỏ từ bao giờ. Nhìn từ xa, cây bàng như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây to, nổi lên những u, những cục sần sùi. Bà tôi bảo đó là mắt của bàng. Rễ cây bám sâu vào trong lòng đất vững vàng qua mưa gió. Các bạn cùng lứa tuổi với tôi thường ngắm màu đỏ của hoa phượng để đón chờ hè tới. Nhưng tôi lại thích ngắm sự đổi thay kỳ diệu của những mầm chồi non của bàng chuyển dần thành lá – với tôi, đó là sự báo hiệu của ngày hè.

Mùa hè, bàng khoác trên mình chiếc áo màu xanh. Những tán lá như những chiếc lọng xanh mát rượi che đi cái nắng oi ả trong buổi trưa hè. Dưới gốc bàng là cả một kho cổ tích của lũ trẻ con xóm nhỏ. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy lá bàng làm những chú trâu chọi, nghênh nghênh đôi sừng nhọn hoắt, sáp vào nhau trong tiếng hò reo náo nhiệt. Những đêm trăng sáng mất điện, chúng tôi lại rủ nhau chơi trò “rồng rắn” quanh gốc bàng cổ thật vui…Gốc bàng xù xì, rễ tỏa ra nhiều phía nên bao nhiêu sinh lực bàng dành hết cho lá, cho cành, cho những chùm hoa trắng nhỏ li ti kết thành trái.

Bàng hứng nắng trên đầu để gốc mát quanh năm, để ánh nắng trưa hè lọc qua lung linh huyền ảo. Trong tán lá bàng xanh ấy là thế giới riêng của những chú chim sẻ, chim sâu bé nhỏ. Đứng dưới gốc bàng nghe tiếng kêu lích chích của chung rộ lên thật vui tai. Tạm biệt mùa hè, bàng đón thu sang với làn sương mỏng cùng ánh nắng thu hanh hao để những chiếc lá xanh của mình chuyển dần sang màu vàng. Rồi một ngày gió heo may se lạnh, những cơn mưa thưa dần, đó cũng là lúc quanh gốc bàng đã lác đác rụng những quả bàng chín.

Lũ trẻ xóm tôi, cứ đi học về là lại đến bên cây bàng tìm hái bàng để ăn. Với chúng tôi, bàng chín là một món đặc sản ngon tuyệt. Bàng chín ăn có vị ngòn ngọt, chua chua, hơi chan chát… Nếu ai đã cầm trái bàng chín trên tay, chắc chắn sẽ không thể nào quên được mùi thơm dịu toả ra từ lớp vỏ vàng bóng. Đập vỡ hạt ra bạn sẽ thấy nhân trái bàng màu trắng đục, ăn thơm béo lạ thường.Phải chăng rễ bàng đã phải cần mẫn, vất vả chắt chiu màu mỡ trong lòng đất mẹ để chúng tôi có được những trái, nhân ngon, ngọt lành đến vậy!

Lá bàng từ màu vàng nhạt, đậm dần rồi chuyển sang nhuộm màu đỏ sẫm. Đó là lúc bàng gửi những tấm thiệp hồng đầu đông cho con người, cho cây cỏ. Từng cơn gió bấc thổi mạnh, lá bàng lìa khỏi cành bay vào không gian như nuối tiếc điều gì đó rồi nhẹ nhàng đáp xuống cỏ. Đông đã đến thật rồi! Bàng trút lá, cành cây trơ trụi khẳng khiu giữa mùa đông buốt giá. Nhiều hôm mưa phùn, gió bấc, tôi thấy thương cây bàng vô cùng và thầm hỏi: “Bàng ơi, trời lạnh lắm, bạn có rét nhiều không?” Lá bàng khô rơi xào xạc trên lối mòn như trả lời: “Cám ơn bạn, mình không sao đâu".

Thu qua, đông tới, và rồi xuân sẽ lại sang, chúng tôi quen rồi bạn ạ!” Giã từ những ngày đông giá rét, xuân về, cây bàng khoác lên mình những đốm lửa màu xanh. Rồi những đốm lửa màu xanh ấy cứ lớn dần, lớn dần,… Bàng cựa mình, rung rinh hé mắt nhìn bầu trời xanh thẳm. Và kì diệu thay, chỉ vài ba hôm không để ý, bàng đã hoàn toàn đổi khác với tấm áo choàng xanh non tươi mới. Cây xòe rộng tán, đung đưa lá cành vẫy gọi chim chóc trở về tụ họp hót ríu ran. Lũ trẻ con chúng tôi lại nô đùa vui vẻ dưới gốc bàng, ngước lên nhìn cây bàng đổi thay sắc áo và mong đợi một mùa hè với bao kỉ niệm tuyệt vời…

Cây bàng thân thuộc, gắn bó với tuổi thơ, với lứa tuổi học trò. Thời gian dần trôi, cây bàng vẫn đứng đó ở đầu xóm nhỏ, xoè tán rộng che nắng che mưa cho bao thế hệ con người. Có ai lớn lên, đi xa còn nhớ về cây bàng? Còn tôi, mỗi khi cầm trái bàng chín trên tay lại nghe như có tiếng ai đó trong gió vọng về: “Bạn ơi, cuộc đời này đẹp lắm!” Đó là tiếng của đất, của trời, hay là tiếng của cây bàng cổ thụ thân yêu?

Tả cây cổ thụ (Mẫu 16)

Ở cạnh sân đình của làng em có một cây đa sừng sững không biết có từ bao giờ. Em chỉ biết rằng nó rất cao to và tỏa bóng mát rợp cả một góc sân. Người dân làng em vẫn bảo đó là cây chở che cho làng em.

Cây đa sừng sững như một người khổng lồ đang hiên ngang chễm chệ ngay giữa đường. Cây đa nằm sát mặt đường, bên dưới là cái giếng làng và sân đình. Mọi người vẫn bảo cây đa giếng nước và sân đình thường đi liền với nhau.

Thân của cây đa rất to, phải 5, 6 người ôm mới xuể được. Vỏ của thân cây xù xì chứ không trợn mịn và bằng phẳng, vì thỉnh thoảng còn nhô lên một số u mà người ta liên tưởng đến những ung nhọt mọc trên thân cây.

Ấn tượng nhất là bộ rễ như một đàn trăn bò lổm nhổm trên mặt đất. Đây được xem là nơi ngồi hóng gió của người dân quê em. Rễ đa to và tài bò trên đất tưởng chừng như sắp bật ra. Nhưng mà nó lại bám rất sâu, nhiều trận bão đi qua nhưng vẫn không quật ngã được loại cây kiên cố như thế nào.

Những tán lá to và xòe ra khắp nơi với vô vàn nhánh nhỏ chi chít em không đếm được. Trên những cành cây đó là những chiếc lá to và dày, có một số chiếc lá như cái quạt mo của bà em vẫn quạt. Lá nào lá nấy chắc nịch và rất khó có thể rơi rụng khi gió thổi qua. Trừ khi gió quá mạnh thì những chiếc lá mới theo gió rơi xuống. Bọn em vẫn thường nhặt lá đa đem về nhà viết thơ lên đó hoặc để ngồi đánh chuyền ngay dưới gốc đa luôn.

Cây đa đồ sộ này đã trở thành biểu tượng của làng em, có nó làng em trông đẹp hơn và văn minh hơn. Mọi người vẫn bảo làng nào cũng nên có cây đa để bảo vệ cho làng và giữ gìn truyền thống làng lâu năm.

Mọi người ai đi đâu làm ăn xa cũng thường xuyên ghé về thăm quê và không ngớt khen cây đa càng ngày càng đồ sộ hơn. Nhiều người đã có những kỉ ức tuổi thơ đẹp dưới cây đa, bên cạnh giếng nước và sân đình này.

Tả cây cổ thụ (Mẫu 17)

Tài liệu VietJack

Sân trường em có rất nhiều loại cây bóng mát, tỏa bóng râm khắp sân trường. Nhờ thế, những giờ ra chơi của chúng em vẫn diễn ra sôi động kể cả trong những ngày trời nắng gắt. Em thích nhất là ngồi dưới gốc cây xà cừ ở giữa sân.

Đây là một cây cổ thụ ở trường em, từ thời anh chị em còn học tiểu học cây đã được trồng lâu lắm rồi. Cây xà cừ rất lớn, tỏa bóng râm cả một vùng rộng. Nhìn từ xa, cây như một chiếc ô khổng lồ sừng sững giữa sân trường. Cây cao bằng ngang tầng hai của tòa nhà chính, thân cây to, hai người ôm không xuể. Thân màu nâu sẫm, sần sùi và có đốm bạc, đôi chỗ lớp vỏ bong ra để lộ bên trong một lớp thân nhỏ màu nâu nhạt. Từ thân chính, cây chĩa ra thành 3 cành lớn tỏa ra ba phía. Những cành này cũng đã lớn, to gần bằng gốc cây bàng. Những cành nhỏ cứ thế đua nhau mọc ra đan xen nhau, từ dưới nhìn lên tựa như đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh, cành lá nhiều không đếm xuể. Có cành hơi sà xuống thấp, gió thổi la đà. Lá cây xà cừ như các loại lá cây thường, không to như lá bàng, lá màu xanh lá chuối, phủ kín các cành cây, gió thổi qua nghe xào xạc . Dưới gốc cây là những chiếc rễ to sần sùi lên xuống nhìn như những con trăn vậy. Ngày nắng hay ngày mưa, cây xà cừ vẫn đứng sừng sững giữa sân trường như một người vệ sĩ đầy khỏe khoắn và quyền lực. Những ngày xuân, cây xà cừ thay lá, những chiếc lá vàng rụng xuống hết cũng là lúc mà chồi non giăng đầy, một màu xanh non tươi mới và giàu sức sống. Em hay cùng bạn bè xuống đây chơi nhảy dây, đọc sách và trò chuyện, vừa râm lại vừa thoáng mát. Ánh nắng len lỏi qua tán cây chỉ còn là những tia nắng nhỏ. Chúng em hay nhặt những quả xà cừ làm con quay xem của ai được lâu hơn, giờ ra chơi vì thế mà càng vui nhộn.

Em rất yêu quý cây xà cừ ở trường em, chúng em thường âu yếm gọi cây bằng một cái tên thân thương “Bác xà cừ”. Em và các bạn sẽ chăm sóc bác xà cừ thật tốt để bác luôn tỏa bóng mát và làm đẹp cho ngôi trường của em.

Xem thêm một số bài văn tả hay khác:

TOP 50 bài văn tả cây cối (2024) SIÊU HAY

TOP 22 bài Tả cây vải thiều (2024) SIÊU HAY

TOP 20 bài Tả cây hoa phượng (2024) SIÊU HAY

TOP 35 bài Tả cây bàng (2024) SIÊU HAY

TOP 37 bài văn tả cánh đồng (2024) HAY NHẤT

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!