Suy nghĩ về tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái
Đề bài: Từ văn bản “Con là…”, em hãy viết đoạn văn nêu suy nghĩ về tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái.
I. Dàn ý:
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
2. Thân bài
a. Giải thích
Tình cảm giữa cha mẹ và con cái: là tình yêu thương, quý mến, đùm bọc, giúp đỡ nhau của các thành viên trong gia đình.
b. Phân tích
Một gia đình dạt dào tình cảm là một gia đình mọi người tôn trọng, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau mọi điều từ nhỏ nhất trong cuộc sống.
Tình cảm trong gia đình là những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, giúp cho chúng ta rèn luyện tình cảm và những đức tính tốt đẹp khác, tình cảm gia đình là tiền đề để con người phát triển.
Gia đình có được hạnh phúc, êm ấm, dạt dào tình cảm hay không hoàn toàn là do ý thức, hành vi của con người. Chúng ta - những người con trong một gia đình nhỏ hãy cố gắng vun đắp một mái ấm hạnh phúc, từ đó làm nền tảng để gia đình to - đất nước Việt Nam phát triển bền vững hơn.
c. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa biết trân trọng tình cảm gia đình, sống thờ ơ, lạnh nhạt. Lại có những người sống bất hiếu, vô lễ với ông bà, cha mẹ,… đây là những hành vi xấu mà chúng ta cần bài trừ ra khỏi xã hội.
d. Liên hệ bản thân
Là một người con trong gia đình, chúng ta cần phải biết vâng lời, cố gắng học tập, giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Có những hành động hiếu thuận, yêu thương,…
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
II. Một số đoạn văn mẫu hay:
Đoạn văn mẫu số 1
Dù bạn ở đâu, bạn làm gì thì bạn vẫn biết rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên. Tình mẫu tử, tình phụ tử là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, là chiếc la bàn giúp ta định vị được những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Nó không giống như tình cảm bạn bè, cũng không phải là tình cảm khi ta yêu một người nào đó mà là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Không ai trong chúng ta không có tình cảm này. Và chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta không đơn độc giữa cuộc đời này, vì ít nhất vẫn còn tình cảm của cha mẹ. Như mọi người biết, thông thường tình cảm bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Riêng tình cảm cha mẹ đối với con cái là do được khơi dậy từ tình yêu thương tự nhiên. Nó được xuất phát và diễn biến một cách hết sức tự nhiên. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là sự tự nguyện hi sinh không điều kiện. Bằng chứng là nó không hề bắt đầu từ một hình thức “hợp đồng” hay “giao kèo” để ấn định sự lời lỗ giữa hai bên cha mẹ và con cái. Con cái bất luận là trai hay gái, bình thường hay mang dị tật, cha mẹ đều yêu thương, nuôi dưỡng, không ngại ngùng công lao cực khổ và tính toán với con cái. Chính vì thế, tình cảm cha – mẹ - con cái và ngược lại, đạo làm con đối với cha mẹ là quan hệ “máu mủ ruột rà”, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó nhất của con người. Nó là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội chúng ta. Như đã nói ở trên, mối quan hệ này đã tồn tại trong xã hội chúng ta, rộng rãi hơn nữa là trên thế giới, toàn nhân loại hàng ngàn năm và không phải ngẫu nhiên mà lại được đề cao, tôn vinh, tôn thờ như thế. Thuở sơ khai, tạo hóa đã cho ta được những gì? Một xã hội không văn hóa, không giai cấp, không gia đình,… Nhưng khi một đứa trẻ sinh ra, chúng đã được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và được dạy cho những bài học sinh tồn, những bài học đầu đời từ những người sinh thành. Trải qua rất nhiều thế kỉ, đến xã hội chúng ta ngày nay, cuộc sống văn minh, hiện đại, phân tầng giai cấp rõ rệt, con người đã tụ tập theo huyết thống tạo thành những gia đình,… Nhưng khi có một đứa trẻ sinh ra, nó vẫn được dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương, bảo vệ trong vòng tay của những người sinh thành. Những tiếng bập bẹ đầu đời, nó luôn gọi tên những người gần gũi với chúng nhất. Đó là cha, là mẹ! Điều tôi muốn nói ở đây là tình cảm của cha mẹ và con cái đã trở thành thứ tình cảm trường tồn, vượt qua không gian, thời gian và những biến đổi của các yếu tố trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng tình cảm này, phải vun đắp tình cảm này trở nên đẹp đẽ và to lớn hơn. Ta phải biết:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Đoạn văn mẫu số 2
“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là một phần bổn phẩn của con cái trong gia đình và là tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Vậy ta hiểu như thế nào là tình cảm của con đối với cha mẹ? Đó đơn giản là thứ tình cảm từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người chúng ta - một tình cảm hết sức cao cả, thiêng liêng, vô cùng trong sáng mà chẳng gì có thể mua được. Đó là sự vun đắp gắn chặt lâu bền giữa người con đối với cha mẹ.“Mẹ thương con con có hay chăng/Thương từ khi thai nghén ở trong lòng.” Đúng như lời bời hát, người con kể từ lúc còn trong bụng đã cảm nhận được biết bao tình cảm của người mẹ và cả sự quan tâm chăm sóc của người cha. Và rồi khi ta chào đời, ta lại được nuôi lớn bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ và bao vất vả khó nhọc của cha. Cha mẹ - những người có công rất lớn trong cuộc đời chúng ta, những người đã chứng kiến từng giai đoạn chúng ta trưởng thành và lớn lên. Từ “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò” rồi đến “mười tháng lò giò biết đi”, họ trông mong chúng ta khôn lớn từng ngày. Ngay từ những bước tập đi đầu đời, ta ngã thì cha mẹ đã vội chạy lại nâng đỡ dỗ dành hết sức khi con khóc, ngày con biết tập nói cả nhà như tập nói theo con. Thời gian cứ thế trôi đi, đồng nghĩa với việc con ngày càng khôn lớn và cha mẹ lại ngày càng vất vả hơn. Họ phải lo cho chúng ta từ cái ăn, cái mặc đến cái học hành. Cho dù vất vả mệt nhọc như thế nào thì họ vẫn luôn yêu thương, che chở cho con. Có ai trên đời này dám đảm bảo rằng từ lúc nằm trong nôi cho đến khi trưởng thành mà không làm cho cha mẹ mình buồn không? Lúc còn bé ta đã bao lần làm cha mẹ phải buồn lòng: nói dối cha mẹ, trốn học, bỏ học, cãi lại cha mẹ,… Chúng ta làm cho cha mẹ phải phiền lòng như vậy, ta chỉ thấy họ mắng chúng ta, có đôi lúc còn vung tay đánh mấy cái nhưng đâu có ai biết rằng đánh chúng ta đau như thế nào thì trong lòng họ lại đau bội phần. Họ thương chúng ta lắm nhưng không bộc lộ ra ngoài mà chỉ toàn là mắng chửi là vì học muốn ra nhận ra cái sai trong việc mình làm và hối lỗi. Nhưng ta đâu hiểu họ, hiểu được tấm chân tình của họ để rồi ta nghĩa rằng họ ghét ta lắm. Chúng ta chẳng không bao giờ biết được tình cha mẹ bao la biết chừng nào cho đến khi chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Khi lớn lên rồi ta mới biết được cha mẹ ta bao dung biết nhường nào bởi ta làm sai hay đối xử tệ bạc với cha mẹ thì họ vẫn luôn sẵn sàng tha thứ. Sau này lớn lên, bước vào đời, rời xa vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ ta mới biết được trên đời chẳng có ai quan tâm đến ta bằng họ. Thử hỏi xem khi bạn ốm ai là người chăm sóc bạn?
Đoạn văn mẫu số 3
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Trong tất cả những thứ tình cảm: tình bạn, tình thầy trò,… thì tình mẫu tử, phụ tử là tình cảm duy nhất khởi nguồn ngay từ khi bạn chưa chào đời. Tình cảm ấy là duy nhất, là bất biến và vĩnh cửu. Từ thuở bạn còn đang là giọt máu đỏ tươi trong bào thai, cha mẹ đã dành cho chúng ta sự trân trọng, nâng niu và thương yêu hơn bất cứ một điều gì khác. Và cũng từ khi ấy, công cha, nghĩa mẹ với bạn đã tồn tại. Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ cũng chính là người hạnh phúc nhất. Tôi tin chắc, khoảnh khắc bạn hé đôi môi chào nhân gian cũng chính là phút giây cha mẹ bạn mãi mãi chẳng bao giờ quên. Khi bạn chập chững tập đi, cha là người nâng bước bạn. Khi bạn bi bô tập nói, mẹ là người lắng nghe đầu tiên. Rồi khi bạn trưởng thành, cha là người dẫn bước để bạn không lạc lối, mẹ là người luôn an ủi, động viên. Để tình cảm cha mẹ và con cái không trở thành những sự việc đáng lên án, con người ta cần gìn giữ và bồi đắp cho tình cảm sơ khai này. Hãy để tình cảm là sợi dây gắn kết những người chung dòng máu mủ với nhau! “Máu mủ ruột rà” mãi mãi là tình cảm thiêng liêng nhất, đáng trân quý nhất trong cuộc đời của bạn.
Đoạn văn mẫu số 4
Cuộc sống của mỗi con người, chúng ta sẽ có những điều quan trọng khác nhau, những mục tiêu khác nhau mà ta cần hoàn thiện. Nhưng hơn hết, đối với tất cả con người, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Gia đình là gì? Gia đình là nơi ta sinh ra và lớn lên, là nơi có những người ruột thịt thân thương, là nơi có mẹ, có cha và có những tình yêu thương ấm áp. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái là những tình cảm gia đình tốt đẹp nhất mà mỗi chúng ta cần trân trọng. Gia đình là cội nguồn gốc gác của mỗi con người khi sinh ra, là nơi gắn bó thiêng liêng mà mỗi khi đi xa con người ta sẽ nhớ về. Gia đình là cái nôi yêu thương, nuôi dưỡng và che chở ta trong những năm tháng đầu đời. Một gia đình nhỏ có cha mẹ và con cái, một gia đình lớn là tập hợp của những gia đình nhỏ. Gia đình là nơi lưu giữ những kỉ niệm thời thơ ấu trong ngôi nhà thân thương. Là ký ức về những ngày chập chững biết đi với ánh mắt kỳ vọng và động viên của mẹ. Là ký ức về lần đầu tiên gọi bà, gọi mẹ trước nụ cười hạnh phúc của đấng sinh thành. Là kỉ niệm về những ngày mắc lỗi, bị cha mắng mẹ la, bắt phạt không cho đi chơi với đám trẻ trong xóm,… Gia đình cùng với ngôi nhà là ký ức về một đoạn đời mà ta lớn lên. Cha mẹ là những người nuôi ta khôn lớn, là nơi dạy ta cách yêu thương, san sẻ và giúp đỡ mọi người. Gia đình là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục một đứa trẻ thành người và giúp ích cho xã hội. Chính tình yêu thương của những người trong gia đình hình thành nên tình yêu ở mỗi con người. Ai rồi cũng sẽ khôn lớn. Ai rồi cũng sẽ trưởng thành. Ai rồi cũng sẽ trở thành những chú chim đủ lông đủ cánh bay đến những chân trời mới. Nhưng chúng ta hãy luôn nhớ rằng “gia đình”, cha mẹ luôn dang tay chờ đón chúng ta trở về nhà.