Đề bài: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở bắc giang.
Mẫu số 1
Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Đây là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15. Bắc Giang là một miền đất cổ, có truyền thống lịch sử gắn bó cùng với cả nước trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước
Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ XV (1407). Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.
Khảo sát thực tế và hồ sơ di tích thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều, tường thành cao hơn mặt ruộng khoảng 3- 4m, chân rộng 25m, mặt rộng từ 16- 20m, 04 góc có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m nhô hẳn ra ngoài, ngoài thành là hệ thống hào bao bọc.
Trong đợt khai quật lần đầu năm 2008, các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ học đã phác hoạ bước đầu về hệ thống các công trình kiến trúc của thành cổ Xương Giang.
Theo sử sách, chiến thắng Xương Giang của quân và dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo, đập tan 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần 1 tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn – Lê Lợi do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy, chiếm thành Xương Giang và phá tan đạo quân của Liễu Thăng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 20 năm và là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV.
Trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá: Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).
Thành Xương Giang được coi như trung tâm của chiến trận và sau đó còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương đất nước, nhất là cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) xảy ra vào nửa sau thế kỷ 18.
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày 6-7 tháng Giêng. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và trò vui đặc sắc. Trước ngày khai hội, tối mồng 5 tháng Giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại.
Tại các đình, chùa, đền, miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội…
Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22-01-2009, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 293/QĐ-BVHTT-DL xếp hạng thành Xương Giang là di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang cấp Quốc gia.
Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa đông bắc, cửa đông, cửa bắc, cửa tây nam, cửa nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa đông nam, cửa tây. Các điểm di tích được bảo vệ nằm rải rác ở các vị trí xen kẽ là khu dân cư các thôn Đông Giang, Nam Giang, Trại Bắc thuộc xã Xương Giang. Ngoài ra còn có một phần diện tích Trường Trung cấp Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang…
Với những giá trị đã được thừa nhận trong lịch sử, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân, di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Xương Giang mãi là niềm tự hào của nhân dân Bắc Giang nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của đất nước.
Mẫu số 2
Thuyết Minh Về Tây Yên Tử Bắc Giang sẽ mang đến cho các em có thêm nhiều ý văn hay và hấp dẫn để làm bài văn của mình.
Bắc Giang có một dãy núi huyền bí, vô vùng linh thiêng. Tây Yên Tử, một phần của dãy núi Yên Tử, nơi bao la của đất trời hùng vĩ cực kỳ tráng lệ. Tây Yên Tử Bắc Giang thuộc quần thể di tích Phật Giáo. Nơi đây thuộc vùng đất địa linh, có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Cao hơn rất nhiều so với những dãy núi khác, rừng rậm bao quanh, thiên nhiên kỳ thú. Có thể nói nơi đây hội tụ linh khí của đất trời, là nơi rất phù họp xây dựng chùa chiềng, tu thiền…
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều thuộc địa phận Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông thuộc Quảng Ninh, phía Tây thuộc Bắc Giang. Nơi đây có địa hình đan xe giữa núi, đồng bằng, trung du và là cái nôi phát triển của người Việt cổ. Nơi có một lịch sử hào hùng về đấu tranh chống giặt giữ nước của Việt Nam ta.
Hệ thống di tích lịch sử nơi đây gắn liền với chùa tháp cùng với sự kỳ vĩ núi rừng. Núi non trùng điệp, nhiều động vật sinh sống phong phú tại nơi đây, tạo nên bức tranh thắng cảnh có thể nói đẹp nhất Vịnh bắc bộ. Một số địa điểm du lịch nổi bật tại nơi đây như: Suối Mỡ, Bình Long, Khu du lịch sinh thái Đồng Thông, Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc…
Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…
Tây Yên Tử là điểm tham quan du lịch tâm linh được xây dựng và phát triển nhằm mục đích tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nơi đây với địa thế thiên nhiên núi non hiểm trở, phù họp phát triển du lịch sinh thái. Chính quyền địa phương với chủ trương quảng bá du lịch sinh thái, tâm linh cho nên thành lập Tây Yên Tử.
Đi tham quan Tây Yên Tử, việc đầu tiên bạn sẽ được biết đến là câu chuyện đi tu của nhà vua Trần Nhân Tông. Đây là vị Phật Hoàng mà có gắn liền nhiều dầu tích về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bạn sẽ biết được nguồn gốc củng như văn hóa phong tục của phái thiền Phật Giáo.
Tây Yên Tử là ngôi chùa lớn với kết cấu kiến trúc cực kỳ độc lạ. Tổng thể nó được chia thành 3 khu vực riêng biệt như sau: Chùa Hạ với khuôn viên bằng phẳng và có vị trí cực kỳ thuận lợi cho việc tham quan vui chơi. Nơi đây còn là trung tâm diễn ra các lễ hội, các hoạt động du lịch, các hoạt động tôn giáo.
Chùa Trung với vị trí nằm ở lưng trừng núi Yên Tử. Nơi đây chủ yếu các khu vực như đài vọng cảnh và đường đi bộ lên chùa Thượng. Song song có một đường đi song hành đó là cáp treo và một số điểm dừng chân nghỉ ngơi và mua đồ lưu niệm.
Chùa Thượng được coi là điểm đến cuối cùng của núi Yên Tử. Đây là nơi thiền lý tưởng nhất của các phật tử.
Mẫu số 3
Thuyết Minh Về Bánh Đa Kế Bắc Giang, một món đặc sản tại đây mà ai cũng muốn được thưởng thức khi đến đây hoặc mang về làm quà.
Nhắc đến Bắc Giang hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những trái vải đỏ hồng chín mọng, những trái cam sành Bố Hạ mọng nước hay rượu làng Vân ngây ngất men say. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót khi đến xứ này mà bạn chưa thử qua món bánh đa Kế Bắc Giang, món ăn dân dã nhưng lại khiến người ta phải thèm thuồng ngay từ lần thử đầu tiên.
Xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang có tổng cộng là 11 thôn nhưng có đến hơn nửa làm bánh đa, trong đó bánh đa của ngôi làng cổ có tên gọi làng Kế và nổi tiếng hơn cả bởi hương vị độc đáo và thơm ngon không giống với bất cứ nơi đâu.
Người ta cũng quen miệng gọi bánh đa của nơi đây là bánh đa Kế Bắc Giang. Người dân ở Dĩnh Kế làm bánh đa quanh năm và đặc biệt thời điểm nhộn nhịp nhất là những lúc nông nhàn, khi vụ mùa qua đi hoặc cận tết. Những chiếc bánh đa Kế Bắc Giang thoạt nhìn thì có vẻ giản đơn và dân dã, tuy nhiên để làm ra chúng thì phải đòi hỏi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cũng như sự tỉ mỉ, công phu trong từng giai đoạn.
Nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc bánh đa Kế đậm đà hương vị quê hương là gạo, người ta phải chọn lựa loại gạo ngon đem đi ngâm nước đến khi hạt căng mọng rồi mới mang xay nhuyễn đến khi tạo thành thứ bột vừa mịn màng vừa trắng muốt như bông. Ngoài gạo ngon thì người ta còn sử dụng thêm các nguyên liệu khác để tạo độ béo bùi cho bánh là vừng đen, vừng trắng và đậu phộng (lạc).
Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm để có những chiếc bánh đa Kế Bắc Giang thơm ngon hảo hạng thì khâu quan trọng nhất chính là tráng bánh. So với nhiều nơi khác, bánh đa Kế được trang với nhiều bước cầu kỳ và khác biệt.
Bánh sẽ được tráng trên nồi hơi và làm hoàn toàn thủ công, khi tráng người làm cần nhẹ tay và trải trãi thật phẳng, đều thì những chiếc bánh ra lò mới đẹp và không bị rách. Đặc biệt người ta không chỉ tráng một lần như các loại bánh tráng thông thường mà với bánh đa Kế Bắc Giang người ta sẽ tráng 2 lần, khi lớp đầu tiên vẫn còn hơi ướt, lớp bánh thứ hai sẽ được trải đều lên.. Khi bánh đã chín thì khéo léo dùng một ống nứa to, dài quấn lớp bánh quanh ống lấy ra khỏi nồi hơi rồi trải đều trên phên.
Khi rắc thêm vừng và đậu phộng đã giã dập lên mặt bánh, người ta sẽ rắc tập trung trên một mặt và trải đều ra xung quanh chứ không rắc hai mặt.
Sau khi tráng bánh thì công đoạn phơi cũng rất kỳ công, bánh sẽ được phơi hai lần cho thật khô kiệt và nắng phơi bánh người ta cũng phải chọn thời điểm nắng đẹp không nhạt mà cũng không quá gay gắt.
Khi bánh bắt đầu se mặt thì sẽ được gỡ khỏi phên, lúc gỡ cũng phải thật nhẹ nhàng, khéo léo để bánh không bị vỡ và phơi tiếp để bánh giòn tan và ngon hơn. Bánh khi đã khô hẳn sẽ được mang vào cất trong những chiếc túi ni lông để tránh bị mốc, ẩm. Trước khi được mang bán thì người ta sẽ thực hiện tiếp một công đoạn cuối cùng đó là nướng bánh, ở Dĩnh Kế bánh tráng được quạt bằng than hoa và khâu nướng bánh này quyết định hình dạng cuối cùng của món ăn.
Khi nướng người ta một tay cầm chiếc bánh, một tay cầm quạt nan đem quạt liên tục và đều tay, bánh được lật qua lật lại thật nhanh và đều cho đến khi có màu vàng ruộm và hương thơm lan tỏa. Trong quá trình nước nếu thấy bánh bị vênh thì có thể uốn lại cho bánh thật đều và đẹp.
Bánh đa Kế Bắc Giang có hương vị rất đặc biệt, mùi hương thơm lừng hấp dẫn, khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được bị bùi béo của vừng và đậu phộng, vị ngọt thanh của gạo ngon, vị đậm đà của muối và đặc biệt là cái giòn tan trên từng miếng bánh cực kỳ hấp dẫn khiến bạn muốn ăn mãi không dừng.
Mẫu số 4
Thuyết Minh Về Lễ Hội Ở Bắc Giang Ấn Tượng, bài văn giới thiệu về Lễ hội đền Dành xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên.
Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn, là một khối núi lớn ở phía đông huyện Tân Yên. Thế núi uyển chuyển hùng vỹ, đỉnh cao nhất của núi cách mặt nước biển đến hàng trăm mét. Nơi đây, chủ yếu trồng thông, keo, bạch đàn.
Đặc biệt là rừng thông 70 năm tuổi quanh năm xanh mát, soi bóng xuống dòng sông Thương thơ mộng. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đền có dáng vẻ như ngày nay. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước.
Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm.So với nhiều đình, đền khác, đền Dành không có gì đặc biệt ở kiến trúc hay quy mô đồ sộ, song hàng năm lượng khách thập phương đến thăm quan vẫn rất đông, nhất là thanh niên nam nữ đến cầu tình duyên. Có lẽ chính bởi phong cảnh núi non kỳ vỹ nên thơ và tương truyền về sự linh thiêng của đền Dành.
Nét đặc sắc của lễ hội đền Dành là phần rước thánh hùng tráng từ đình Vường lên đền Dành và ngược lại, cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn: cây đu, đập niêu, kéo co, cờ thẻ, vật, chọi gà,… du khách có thể vừa xem hội vừa tham gia các trò chơi.
Lễ hội đền Dành là một trong những lễ hội lớn của Tân Yên, hàng năm được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí tổ chức.
Mẫu số 5
Giới Thiệu Về Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang, một trong những ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng tại Việt Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang hay còn gọi là chùa Đức La còn gọi là lễ hội La. Ngôi chùa này là nút giao giữa sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Xung quanh chùa là những dãy núi cao, đặc biệt có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Diện tích chùa khoảng 1 ha, bao quanh chùa là lũy tre dày đặc. Hiện nay, chùa được tu tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến du lịch và lễ bái. Du khách có thể đi theo lộ trình như: cổng tam quan, đi sâu vào khoảng 100m nữa là bái đường hay còn gọi là chùa Hộ. Hai bên đường chùa được xây dựng những khóm thông khoảng tầm 1m để tạo thành tùng lâm.
Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.
Sau khi đã qua cổng tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm. Năm 1964 chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.
Trong chùa còn thờ Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn. Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà.
Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni… Ngày nay có nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.
Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Ngày nay, những giá trị đó vẫn còn giữ nguyên bản, không bị hao mòn giá trị.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước tới dự. Lộ trình tuyến đi tới chùa cũng rất đơn giản và thuận tiện, điều này càng làm cho chuyến đi vô cùng ý nghĩa. Khi du khách đến tu tập và hành hương tại đây vào dịp đầu xuân năm mới sẽ được nhà chùa hướng dẫn. Phương tiện thuận lợi nhất cho hành trình này là ô tô. Chỉ cần 1 ngày duy nhất, du khách cũng có thể thưởng ngoạn hết cảnh sắc tại chủa, cái nôi của tâm linh.
Rất nhiều du khách sau khi đến chùa đều cho cảm nhận tuyệt vời về chuyến đi này. Vào dịp đầu xuân năm mới này, hãy bớt chút thời gian và tới Bắc Giang, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tại đây và cùng cầu nguyện cho 1 năm mới bình an và may mắn.
Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:
TOP 10 Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Đồng Nai (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Đoạn văn phân tích nội dung và nghệ thuật của nắng mới (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Đoạn văn phân tích tâm trạng Xúy Vân trong vở chèo Xúy Vân giả dại (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Đoạn văn phân tích yêu và đồng cảm (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão (2024) HAY NHẤT