Đề bài: Nêu cảm nhận 4 câu thơ miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân
Dàn ý: Cảm nhận 4 câu thơ miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân
Để viết được đoạn văn này các em cần lưu ý bốn câu thơ mà Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da".
- "Trang trọng", "đoan trang" là 2 từ ngữ khái quát được vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân.
- Vẻ đẹp của Vân sánh với những thứ đẹp nhất từ tự nhiên như hoa, mây trắng, tuyết, ngọc
- Chân dung của Thúy Vân đẹp từ khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, làn da, với phong thái điềm đạm (các chi tiết so sánh, ẩn dụ thú vị trong thơ)
→ Vẻ đẹp của Thúy Vân được miêu tả với mọi chuẩn mực của tự nhiên, khiến tự nhiên cúi đầu chịu ‘thua”, “nhường”, ắt hẳn cuộc đời nàng sẽ được an ổn, không sóng gió.
Một số bài văn mẫu: Cảm nhận 4 câu thơ miêu tả vẻ đẹp thúy vân.
Bài văn mẫu số 1
Vẻ đẹp của Thúy Vân đã được Nguyễn Du khắc họa qua 4 câu thơ tiếp trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du hình ảnh nàng Vân dần hiện lên trước mắt người đọc: "Vân xem trang trọng khác vời". Hai từ " trang trọng" đã gợi lên vẻ đẹp sang trọng, quí phái, đoan trang mà hiền thục của nàng. Vẻ đẹp ấy được Nguyễn Du khắc họa một cách cụ thể, tỉ mỉ qua từng đường nét, với vài nét chấm phá đơn sơ. Bằng phép tu từ liệt kê, vẻ đẹp của Vân hiện lên một cách toàn vẹn qua khuôn mặt, nét ngài, làn da, mái tóc, nụ cười giọng nói đến phong thái ứng xử như một kì công của tạo hóa. Vẻ đẹp ấy được ví với trăng, hoa, mây, ngọc, tuyết những vật báu trong sáng, tinh khôi của đất trời khiến nàng Vân hiện lên là một giai nhân kiệt sắc:
"Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da".
Vân có khuôn mặt tròn đầy đặn trong sáng như trăng rằm. Nổi mặt trên khuôn mặt ấy là đôi lông mày đen đậm như con ngài, gợi vẻ đẹp thùy mị nết na của người con gái mới lớn. Qua bút pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để khắc họa vẻ đẹp của con người Nguyễn Du đã làm người đọc cảm nhận được Thúy Vân là một cô gái đang độ trăng tròn với vẻ đẹp trẻ trung tươi tắn phúc hậu mà đoan trang. Với miệng cười tươi thắm như hoa và giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc. Mái tóc nàng óng ả mượt mà hơn cả mây trời và làn da trắng nõn nà hơn tuyết . Vân đẹp hơn sự mỹ lệ của thiên nhiên nhưng tạo với thiên nhiên sự hài hòa -"mây thua"," tuyết nhường". Cụm từ "thua" và "nhường" được tác giả khéo léo sử dụng cho thấy vẻ đẹp của Thúy Vân được thiên nhiên tạo hóa ban tặng, phù hợp với quan niệm thẩm mĩ của xã hội phong kiến xưa. Không chỉ vậy, bức chân dung Thúy Vân còn là một bức chân dung mang tính chất số phận. Phải chăng, Nguyễn Du đã nhầm dự báo trước khi vẫn sẽ có một cuộc đời bình lặng không hề có sóng gió xảy ra trong cuộc đời nàng?
Bài văn mẫu số 2
Qua đoạn trích "Chị em Thúy Kiều", đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện được tài năng miêu tả nhân vật tài tình của mình. Qua một vài nét phác họa, nhà thơ không chỉ mở ra trước mắt người đọc chân dung tuyệt mĩ của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân mà qua đó còn gợi mở liên tưởng về tương lai, số phận của hai chị em. Trong đoạn trích, Thúy Vân là nhân vật được miêu tả trước, chỉ với bốn câu thơ, người đọc đã cảm nhận được vẻ đẹp riêng của nàng. Nhìn vào Thúy Vân, ta thấy một nét đẹp thanh cao, trang trọng khác xa những người thiếu nữ khác, vẻ đẹp ấy toát lên từ khuôn mặt tròn đầy như ánh trăng rằm, đôi mày ngài nở nang và nụ cười tươi tắn, rạng rỡ. "Hoa cười ngọc thốt đoan trang" nụ cười của nàng được ví như vẻ đẹp của hoa nở, tươi tắn và rạng rỡ. Giọng nói của nàng trong trẻo như ngọc, nụ cười, tiếng nói của nàng vô cùng lễ phép, ý tứ, thể hiện sự nghiêm trang, đứng đắn của người phụ nữ. Bên cạnh đó khi nói về vẻ đẹp mái tóc, làn da, tác giả còn sử dụng nghệ thuật so sánh "Mây thua nước tóc" ý nói mái tóc của nàng bóng mượt, bồng bềnh nhẹ hơn cả mây, "tuyết nhường màu da" ý nói làn da của nàng còn trắng mịn hơn cả tuyết. Những từ ngữ được tác giả dùng để miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân như "đầy đặn", nở nang", "đoan trang" thể hiện rõ một chân dung mang tính cách số phận an yên, hạnh phúc. Quả thực ngòi bút của Nguyễn Du cùng với các thủ pháp liệt kê, so sánh, ẩn dụ đã phác họa chân dung một nàng thiếu nữ Thúy Vân với vẻ đẹp hoàn hảo, tuyệt mĩ.
Bài văn mẫu số 3
Vẻ đẹp của Thúy Vân lần lượt hiện ra qua bút pháp chấm phá tài tình của Nguyễn Du. Với cụm từ “trang trọng khác vời”, ông muốn nhấn mạnh rằng: Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp trang trọng, cao sang và phúc hậu hơn người. Tiếp đó, Nguyễn Du mới đi vào đặc tả chi tiết. Mỗi nét đẹp ở Thúy Vân đều đạt đến chuẩn mực hài hòa của cái đẹp trên trần thế. Thúy Vân có khuôn mặt ngời sáng như vầng trăng. Đôi chân mày thanh tú và đậm nét như bướm tằm. Nụ cười của nàng tươi xinh như đóa hoa mới nở. Giọng nói ngọt ngào, trong trẻo như tiếng ngọc rung. Mái tóc mềm mượt như áng mây. Làn da trắng hồng như tuyết. Với nghệ thuật ước lệ tượng trưng cổ điển, Nguyễn Du đã khắc họa tài tình vẻ đẹp của Thúy Vân. Nhà thơ lấy vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời làm chuẩn mực để gợi tả vẻ đẹp của con người. Nhưng thi hào Nguyễn Du đã có những sáng tạo táo bạo khi ông lồng ghép vào trong đó thủ pháp nhân hóa, so sánh, ẩn dụ đặc sắc, khiến cho bức chân dung của Thúy Vân hiện ra chân thực, sinh động hơn. Vẻ đẹp hiền hòa của nàng được thiên nhiên cảm phục đã phải thua, phải nhường. Vẻ đẹp ấy cùng khiến cho lòng người thêm mến yêu và tôn quý. Đó là một vẻ đẹp ưa nhìn, càng ngắm càng thấy say mê. Nét dịu dàng, đằm thắm của Thúy Vân là vẻ đẹp điển hình của những thiếu nữ tinh khôi. Một vẻ đẹp không vướng bụi mờ trong xã hội phong kiến xưa. Nó vượt lên trên cái đẹp tầm thường, đạt đến tuyệt sắc. Qua việc miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân của Nguyễn Du, gợi trong lòng người đọc những dự cảm tốt đẹp về số phận êm ả của nàng về sau. Quả thực sau đó, cuộc đời của Thúy Vân không quá gian truân, trắc trở như chị của mình.
Bài văn mẫu số 4
Trong Truyện Kiều, ta dường như không thấy được Nguyễn Du miểu tả một cách tỉ mỉ và cụ thể về vẻ đẹp của Thúy Vân nhưng ta vẫn khắc họa được nhan sắc ấy vẫn đẹp tuyệt trần. Mọi người vẫn luôn ghi nhớ Thúy Vân trở thành điểm tựa để Nguyễn Du đặt đòn bẩy mà nâng nâng nhan sắc Thúy Kiều thêm phần tuyệt vời. Nhưng vẻ đẹp được xây dựng bởi những từ “trang trọng”, “đầy đặn”, “nở nang”, “đoan trang”, “mây thua”, “tuyết nhường” thật sự đã rất đẹp rồi. Vẻ đẹp ấy luôn tạo cho người xung quanh một tình cảm trân trọng, yêu mến, độ lượng. Thuý Vân hiện lên trong câu thơ của Nguyễn Du quả là rất đẹp! Không chỉ đẹp ở "khuôn trăng""nét ngài", ở "nước tóc" "màu da" mà còn nụ cười, lời nói và dáng vẻ. Chính cái vẻ đẹp hình thức và đức hạnh ấy đã khiến cho "mây thua" và "tuyết nhường". Nghĩa là vẻ đẹp của Thuý Vân vượt lên trên cả vẻ đẹp của thiên nhiên, được thiên nhiên ban tặng, chấp nhận. Một người con gái đẹp như vậy, người ta thường nghĩ đến hạnh phúc, đến một cuộc sống ấm áp, êm đềm.
Bài văn mẫu số 5
Sau những câu thơ giới thiệu chung về cả hai chị em, Nguyễn Du đã cụ thể hơn với 4 câu thơ để người đọc hình tượng vẻ đẹp quý phái của Thuý Vân: “Vân xem trang trọng khác vời”. Hai chữ “trang trọng” trong câu thơ đã nói lên vẻ đẹp đài các, cao sang của Vân. Vẻ đẹp ấy của thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang, Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Chân dung của Vân được miêu tả một cách khá toàn vẹn từ khuôn mặt, nét mày, làn da, mái tóc đến nụ cười, tiếng nói. Vân có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, có đôi lông mày sắc nét như con ngài, có miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng đen hơn mây, làn da của nàng trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của những báu vật tinh khôi đất trời. Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu, đoan trang, quí phái. Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng tạo sự hoà hợp, êm dịu "mây thua", "tuyết nhường". Với vẻ đẹp như thế, Vân sẽ có một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ và một tính cách thông dung, điềm đạm. Qua bức chân dung này, Nguyễn Du như muốn bày tỏ về tương lai bình yên, êm đềm của Thúy Vân tựa như vẻ đẹp của cô vậy
Bài văn mẫu số 6
Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân thông qua bốn câu thơ: "Vân xem trang trọng khác vời......Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da". Chỉ bằng vài nét chấm phá tinh tế mà tác giả Nguyễn Du đã phác họa được chi tiết vẻ đẹp của một "tuyệt thế giai nhân", một thiếu nữ "sắc nước hương trời" - Thúy Vân. Đó là vẻ đẹp "trang trọng" - nó toát tên từ con người cao sang, đứng đắn và quý phái ít ai có được. Nguyên Du đã miêu tả vẻ đẹp của Vân chính là sự hài hòa từ ngoại hình đến tính cách, mỗi nét trên gương mặt của nàng đều thể hiện điều đó. Khuôn mặt Vân tròn đầy và hiền dịu như ánh trăng đêm rằm. Nằm dưới đôi lông mày dài, hơi đậm là một đôi mắt đẹp được ví với "mắt phượng mày ngài". Nụ cười của nàng tươi tắn như những bông hoa đang khoe sắc hương thơm ngát, giọng nói của nàng ngọt ngào, êm dịu và trong trẻo, thánh thót như tiếng rung của ngọc. Nguyễn Du thật tài tình khi sử dụng triệt để bút pháp ước lệ tượng trưng để đặc tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Ông đã lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến thiên nhiên phải "thua", phải "nhường". Đồng thời, vẻ đẹp dịu hiền, phúc hậu đó cũng là dự báo cho cuộc đời của nàng về sau sẽ bình lặng, êm đềm, sẽ không gặp phải nhiều tai ương, trắc trở sau này.
Bài văn mẫu số 7
Trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Chị em Thúy Kiều" chính là đoạn trích biểu hiện rõ nhất tài năng miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Bằng bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên gợi tả vẻ đẹp con người, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp Thúy Vân. Ngay từ những câu thơ đầu tiên trong đoạn trích, Nguyễn Du đã khái quát vẻ đẹp của "hai ả tố nga": "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", đó là vẻ đẹp của sự duyên dáng, thanh cao và trong trắng của người thiếu nữ. Sau đó tác giả đi vào phác họa chân dung vẻ đẹp của Thúy Vân. "Vân xem trang trọng khác vời", vừa là lời giới thiệu, vừa là lời khẳng định, nhấn mạnh vẻ đẹp thanh cao, trang trọng, quý phái của Thúy Vân. "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang", người thiếu nữ Thúy Vân toát lên vẻ đẹp phúc hậu, tròn đầy qua khuôn mặt như ánh trăng rằm, nét lông mày nở nang như ngài. "Hoa cười ngọc thốt đoan trang", câu thơ nói lên vẻ đẹp thanh tú, tao nhã của nàng Vân, nụ cười của nàng như bông hoa đang nở, giọng nói của nàng trong trẻo ví như "ngọc thốt". Ở nàng toát lên vẻ đẹp của một người con gái, người phụ nữ trang nghiêm, đứng đắn. Nếu như ban đầu vẻ đẹp của được ví tựa như hoa như ngọc, như trăng thì đến đây, vẻ đẹp của nàng còn vượt lên trên vẻ đẹp của tạo hóa: "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da", những thứ đẹp đẽ của tự nhiên đã phải cúi đầu chào thua trước vẻ đẹp của nàng. Mây cũng phải thua mái tóc đen óng ả bồng bềnh, tuyết xin nhường màu trắng của làn da nàng. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho tự nhiên phải tìm cách hòa hợp, nhường nhịn trong êm đềm, điều đó cho thấy dự cảm về cuộc đời nàng sẽ là một cuộc đời bình lặng, êm ấm, hạnh phúc.
Bài văn mẫu số 8
Trong văn học trung đại, thiên nhiên thường được lấy làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người. Nét đẹp của Thúy Vân trong Truyện Kiều cũng vậy, vẻ đẹp của nàng được so sánh với những thứ cao đẹp nhất trên đời như trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã vẽ nên bức chân dung Thuý Vân bằng nghệ thuật so sánh ẩn dụ và ngôn ngữ thơ chọn lọc, chau chuốt: khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, vừa toát ra nét hiền dịu, tươi sáng; lông mày sắc nét như con ngài; miệng cười tươi thắm như hoa; giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc; mái tóc của Vân đen óng ả hơn mây, làn da trắng mịn màng hơn tuyết. Một vẻ đẹp hài hòa, cân đối ở người thiếu nữ nhưng cũng gợi nét cao sang, quý phái. Bằng thủ pháp liệt kê chân dung Thúy Vân được miêu tả toàn vẹn từ ngoại hình, dáng vẻ, giọng nói, phong thái ứng xử nghiêm trang, đứng đắn. Vẻ đẹp của nàng khiến những gì mĩ lệ nhất của thiên nhiên cũng phải cúi đầu nhưng tạo sự hoà hợp êm đềm với xung quanh: mây thua, tuyết nhường. Với tính cách ung dung, điềm đạm như dự báo cho một cuộc đời bình yên không sóng gió của nàng Thúy Vân.
Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:
TOP 8 bài văn Phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong “Truyện Kiều” (2024) HAY NHẤT
TOP 30 bài Nghị luận về bài thơ Sang thu (2024) HAY NHẤT
TOP 6 Bài văn Suy nghĩ về tình yêu Thuý Kiều - Kim Trọng (2024) HAY NHẤT
TOP 6 Bài văn Suy nghĩ về tình yêu Thuý Kiều - Kim Trọng (2024) HAY NHẤT
TOP 8 Bài văn Cảm nghĩ về Thuý Kiều qua Trao duyên (2024) HAY NHẤT