Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước
Đề bài: Nghị luận về một vấn đề đời sống: vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của học sinh đối với cộng đồng.
Một số bài văn mẫu hay
Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước (mẫu 1)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Việc hiểu biết rõ lịch sử là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nó có vai trò trong việc bồi đắp lòng yêu nước và thể hiện ý thức trách nhiệm của học sinh đối với cộng đồng.
Lịch sử như là văn hóa, nghệ thuật phục vụ một mục đích thực tế không chỉ trên cơ sở thẩm mỹ mà còn là mức độ hiểu biết của con người. Những câu chuyện hay là những câu chuyện khám phá cuộc sống thực của con người và xã hội đã như thế nào, và chúng gợi lên suy nghĩ về những con người ở những nơi và thời khác. Những giá trị thẩm mỹ và nhân văn khiến con người nỗ lực tái tạo quá khứ xa xôi, không còn tồn tại ngày nay. Khám phá những gì mà nhà sử học đôi lúc gọi là “quá khứ của quá khứ” – cách mà những người xưa đã sống – cho ta thấy ý thức về cái đẹp và niềm vui, và sau cùng là một góc nhìn khác về cuộc sống và xã hội loài người. Đồng thời, nó cũng cung cấp bằng chứng về cách các quốc gia tương tác với các xã hội khác, cung cấp những quan điểm từ nhiều đất nước, thiết yếu cho các công dân có trách nhiệm. Ngoài ra, hiểu rõ lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu về những thay đổi hiện tại và tương lai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người đang như thế nào và những nguyên nhân liên quan để từ đó có thể phát huy truyền thống vốn có, lòng yêu nước của tất cả mọi người.
Hơn cả, nó giúp hiểu rõ cội nguồn ông bà, tổ tiên, làng xã, nguồn gốc dân tộc mình; để biết tổ tiên, ông cha đã sống và làm việc như thế nào để tạo nên đất nước hiện tại để từ đó biết trân trọng những gì mình đang có; biết ơn những người đã thành công, và cũng biết phải làm gì cho đất nước.
Vì vậy, mỗi học sinh chúng ta, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy phát huy ý thức, trách nhiệm của bản thân dành cho tập thể, cộng đồng. Ngoài việc tích cực học tập, rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, chúng ta có thể tham gia đăng kí nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia các hoạt động an ninh, quốc phòng ở địa phương; tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa,... nhằm thể hiện tinh thần yêu nước.
Lòng yêu nước ẩn náu trong trái tim và biểu hiện qua hành động. Mỗi cá nhân khi hiểu rõ lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ càng thấu hiểu hơn sự hi sinh mất mát của thế hệ trước đã đánh đổi để có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay. Vì vậy, cuộc sống có trở nên tốt đẹp, nền hòa bình dân tộc có trở nên bền vững, đất nước có lớn mạnh hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước (mẫu 2)
Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt, đương đầu với các cường quốc mạnh gấp nhiều lần song nhờ có lòng yêu nước nên dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh giữ nước, bảo vệ bản sắc dân tộc, quyết không làm nô lệ của dân tộc khác.
Lòng yêu nước luôn gắn liền với yêu dân tộc và có ý thức cộng đồng, được bộc lộ qua những tình cảm, hành động cụ thể đó là: lòng yêu thương đồng bào, hành động chia sẻ, giúp đỡ "thương người như thể thương thân", biết yêu những thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa. Trong thời chiến, lòng yêu nước được thể hiện qua lớp lớp cha anh chiến sĩ xông pha chiến trường hy sinh mạng sống để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Ở thời bình, yêu nước là yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng và bảo vệ đất nước tươi đẹp. Có lòng yêu nước sẽ giúp con người ta hướng đến những giá trị tốt đẹp; có khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước phồn vinh thịnh vượng. Tuy nhiên trong xã hội vẫn tồn tại những thành phần mang tư tưởng cực đoan, chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân.
Chính vì vậy, những con người yêu nước cần sáng suốt để không bị kẻ gian lợi dụng, luôn củng cố lòng yêu nước của mình, cùng chung tay lan tỏa lòng yêu nước đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước (mẫu 3)
Lòng yêu nước hiểu đơn giản là yêu quê hương, đất nước, dân tộc, hiểu nghĩa cụ thể hơn là tình yêu đối với lịch sử, lãnh thổ, văn hóa truyền thống dân tộc, tình cảm ấy thiêng liêng, sâu sắc không thể đem so sánh với bất cứ thứ tình cảm nào khác.
Nếu không có cha anh gây dựng đất nước và bảo vệ sau bao cuộc chiến tranh, nghĩa là ta không có quê hương, không có gia đình và cũng không có chúng ta. Có một đất nước tươi đẹp cho ta được sống như ngày hôm nay chính nhờ lòng yêu nước của các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu mà đắp nên hình hài đất nước. Ngày nay yêu nước là tôn trọng lịch sử, có ý thức tìm hiểu và lan truyền những giá trị tốt đẹp của đất nước, chăm chỉ học tập, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ và nghĩa vụ đối với đất nước.
Bên cạnh đó phải có tinh thần đoàn kết, thương yêu mọi người, luôn tuân thủ luật pháp, chấp hành các quy định, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước đề ra. Những người xuyên tạc lịch sử, những kẻ tham nhũng hối lộ, những tên tội phạm chính trị chống phá chủ trương của Đảng và Nhà nước chính là những kẻ không yêu nước.
Nhờ có lòng yêu nước, mỗi con người đều trở nên ý nghĩa với gia đình, xã hội và đất nước, mọi việc làm, suy nghĩ đều hướng về mục đích chung đưa đất nước sánh vai cường quốc năm châu. Việc cần làm của chúng ta đó là luôn gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn đó, không để cho các thế lực thù địch có cơ hội phá tan "thế trận lòng dân" mà ta đã gây dựng từ bao đời nay.
Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước (mẫu 4)
Lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người trên đất nước đó. Đối với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả người dân như một lẽ dĩ nhiên bởi truyền thống yêu thương, giàu lòng nhân ái, đoàn kết và biết ơn. Lòng yêu nước của con người Việt Nam được thể hiện rõ qua những tấm gương của biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì độc lập tự do của đất nước. Không chỉ vậy, lòng yêu nước còn được thể hiện ở những cố gắng cống hiến tri thức, tiền bạc để dựng xây và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp. Ý nghĩa của lòng yêu nước đối với công cuộc bảo vệ và dựng xây xã hội chủ nghĩa được minh chứng bằng những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm, bằng những thành tựu khoa học công nghệ, giáo dục,… mà chúng ta đạt được từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được giá trị của dân tộc và lòng yêu nước, bằng chứng là một bộ phận người dân vẫn tồn tại suy nghĩ phản động, ích kỉ, vô trách nhiệm, thậm chí còn tuyên truyền phản động, châm ngòi biểu tình nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước những hành vi đó, chúng ta cần có thái độ quyết liệt ngăn chặn, và có biện pháp khắc chế kịp thời để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Nghị luận vấn đề vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước (mẫu 5)
Nhắc đến các vẻ đẹp truyền thống của những người con đất Việt, ta không thể không kể đến lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước không phải một khái niệm xa xôi, trừu tượng. Đó là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.
Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.
Xem thêm một số bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác:
Nghị luận vấn đề trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống
Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi
Thảo luận về vấn đề: Học sinh có cần quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước
Thảo luận về vấn đề: Học sinh có trách nhiệm như thế nào với trật tự an toàn giao thông