Đề bài: Viết 1 Bài thuyết trình về món ăn
Dàn ý: Thuyết trình về món ăn
I. Mở bài
Giới thiệu về món ăn
II. Thân bài
1. Chuẩn bị
- Nêu các nguyên liệu cần thiết nấu món ăn
2. Sơ chế
- Nêu cách sơ chế món ăn
3. Cách làm
- Nêu các nước làm món ăn
4. Trình bày và thương thức
- Múc món ăn ra đĩa và trang trí
- Trang trí thêm ớt đã đưọc tỉa hoa, cắt thêm vài lát ớt, bỏ hành phi lên trên tùy khẫu vị mỗi người
III. Kết bài
Nêu cảm nghĩ về món ăn
Một số bài văn mẫu hay:
Mẫu số 1
Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư ở nhiều vùng miền khác nhau vì vậy nên nơi đây là hội tụ của rất nhiều những nét đẹp văn hóa. Nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nhắc đến món Phở – mang hương vị đặc trưng của đất Hà Thành.
Phở là một món ăn rất tinh tế đã có từ rất lâu đời và mang rất nhiều những hương vị khác nhau tùy tay người nấu. Tuy nhiên, thành phần chính của phở bao gồm bánh phở, nước dùng có mùi thơm từ gừng, quế, hồi và thảo quả nướng kết hợp với vị ngọt từ xương lợn được ninh nhừ, thịt bò được thái mỏng và trần vào bát phở cùng với các loại rau thơm. Khi ăn phở, ta thường ăn kèm với quẩy nóng và các loại gia vị như dấm ớt, chanh tươi vắt vào nước dùng để có vị chua thanh thanh.
Phở có mùi thơm kỳ lạ rất cuốn hút người ăn. Không có gì tuyệt vời hơn, một buổi sáng mùa đông lạnh, được thưởng thức một bát phở nóng rồi tiếp tục đi làm. Phở là món ăn rất dễ ăn, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể ăn được mà không sợ béo hoặc bị ngấy. Chúng ta có thể thưởng thức phở Hà Nội ở các nhà hàng sang trọng, các quán ven đường,.. Ngoài phở bò, ta có thể thưởng thức các món phở khác như phở gà cũng rất ngon và hấp dẫn.
Điều quan trọng nhất làm nên vị ngon của món phở đó là nước dùng. Nước dùng phải có ngọt từ xương chứ không phải vị ngọt từ đường hoặc mì chính. Nước dùng phải có màu trong và có mùi thơm nhẹ. Để có được phần nước dùng ngon người nấu cũng cần rất cẩn thận và tỉ mỉ. Bí quyết nấu nước dùng phụ thuộc vào kinh nghiệm ẩm thực của từng người.
Ta có thể thưởng thức rất nhiều các món được làm từ phở: phở nước, phở xào, phở chiên phồng,..tuy nhiên món phở nước luôn là món ăn hấp dẫn nhất. Đối với người Việt Nam và cả khách du lịch nước ngoài thì phở nước được coi là một món ăn tinh tế. Phở phải được đựng trong chiếc bát sứ thì mới thấy hết được tính ẩm thực và tính thẩm mỹ của nó.
Bát phở thật hấp dẫn với rất nhiều gia vị đi kèm và các màu sắc đẹp mắt. Chỉ cần ngửi mùi thơm của nước dùng cũng đủ để ta cảm thấy ngất ngây. Các hương vị của thịt, xương, rau thơm quyện vào nhau tạo nên mùi thơm đặc biệt đi vào lòng người. Khi ăn phở, ta nên ăn chậm để cảm nhận được vị ngon của nó. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, và mùi thơm nồng của hành lá. Tất cả hòa quyện một cảnh ngọt ngào, tạo nên vị thơm ngon đặc trưng của món phở.
Phở là món ăn tinh tế và trở thành đặc trưng mang hương vị Hà Thành. Dù đi đâu hay làm gì, thì người dân Hà Nội cũng luôn mong trở về Hà Nội để được thưởng thức món ăn quen thuộc. Món phở Hà Nội đã làm xao xuyến bao tâm hồn nhà văn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân,..và đã dần đi vào lịch sử như một nét đẹp văn hóa.
Không có từ ngữ nào có thể diễn tả một cách đầy đủ sự tinh tế và cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức món phở Hà Nội. Chỉ biết rằng, đó là một món quà đặc biệt không lẫn với bất cứ món nào khác. Cuộc sống càng hiện đại, con người luôn sáng tạo để chế biến những món ăn ngon, hợp với văn hóa ẩm thực trong nước và thế giới, nhưng món phở Hà Nội chắc chắn sẽ luôn là sự lựa chọn tin cậy đối với những người dân Hà thành và các du khách khi đặt chân đến Hà Nội
Mẫu số 2
Bánh chưng, một biểu tượng quan trọng của văn hóa ẩm thực và tâm linh của người Việt, đã tồn tại từ thời kỳ nền văn minh lúa nước và luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Theo một câu chuyện cổ tích đầy sáng tạo, vào thời vua Hùng thứ sáu, khi vua Hùng muốn tìm người kế vị, ông đã ra lệnh rằng người con nào trong dòng họ có thể làm một món ăn ngon để làm cỗ thì sẽ được truyền ngôi. Trong số các con của vua, có một người tên là Lang Liêu, một người hiền lành và được thần tiên ủng hộ. Anh đã sáng tạo ra hai loại bánh: một loại hình vuông gọi là bánh chưng, biểu tượng cho đất, và một loại hình tròn gọi là bánh dầy, biểu tượng cho trời. Nhờ hai chiếc bánh này, Lang Liêu đã được đăng quang thành vua, và từ đó, bánh chưng trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong ngày tết, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
Vào mỗi dịp tết truyền thống, bánh chưng xanh thơm ngon xuất hiện trên mâm cúng của mọi gia đình ở Việt Nam. Để tạo ra một chiếc bánh chưng hoàn hảo, người ta phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn là những nguyên liệu chính để làm bánh này, và bánh phải được bọc trong lá dong để có màu xanh đặc trưng. Dù có tự làm hay mua, bánh chưng vẫn là một phần không thể thiếu của văn hóa người Việt, là món quà tinh thần dâng lên tổ tiên, ông bà và cha mẹ trong ngày tết, là một truyền thống tốt đẹp đã tồn tại hàng nghìn năm trong tâm hồn của những người con yêu nước.
Ngày nay, tại nhiều vùng quê, vẫn có những gia đình giữ gìn tập quán cổ truyền đặc biệt, dành một phần đất để trồng các loại nếp đặc biệt như nếp cái hoa vàng, chỉ để làm những món ăn cúng lễ và trong những dịp quan trọng trong năm, trong đó có bánh chưng. Điều này là một minh chứng cho tầm quan trọng và ý nghĩa của bánh chưng trong đời sống của người Việt. Trong thời kỳ chiến tranh, bánh chưng trở thành món quà được các mẹ và các cô gửi tới bộ đội để họ có thể thưởng thức trong ngày tết. Điều này thể hiện lòng quê hương và tình cảm đoàn kết của nhân dân, và bánh chưng đã điều hòa trong lịch sử lâu đời và lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Những chiếc bánh thơm ngon và dẻo mềm đã xuất hiện trong hầu hết các nghi lễ tín ngưỡng và xã hội, thậm chí còn trở thành một phần của câu ca dao thân thương, là điểm nối giữa quá khứ và hiện tại của người Việt.
Mẫu số 3
Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Vốn là một món ăn dân gian của gia đình họ Đoàn chế biến, tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên. Đến nay chả cá đã thành món ăn khoái khẩu của thực khách sành ăn Hà Nội. Lâu dần hai tiếng chả cá được gọi thành tên phố và nó đã trở thành một trong 5 địa chỉ văn hoá vật chất nổi tiếng của Hà Nội xưa - nay. Trong nhà hàng bày một ông Lã Vọng ngồi bó gối câu cá bên dòng suối - biểu tưọng của người tài giỏi nghĩa hiệp ưu thời mẫn thế phải thúc thủ đợi thời. Vì thế khách đã quen gọi là chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên gọi của nhà hàng.
Lịch sử về món ăn này được kể lại như sau: Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi họp. Về sau, hai tiếng "Chả Cá" được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá – biểu tượng người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn. Quán nhỏ nằm giữa phố, trông cũ kỹ, đồ dùng hơi xập xệ, ấy vậy mà khách tây, khách ta cứ tầm trưa, chiều là đông nghịt bởi cái tên quán "Chả cá Lã Vọng" suốt hơn 100 năm nay có tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Chả cá Lã Vọng "giữ chân" khách được lâu là bởi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người làm từ khâu chọn thực phẩm, chế biến cho đến khi khách dùng món.
Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai sườn, thái mỏng, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất hai giờ đồng hồ, rồi kẹp vào cặp tre (hoặc vỉ nướng chả có quệt một lớp mỡ cho đỡ dính). Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ - loại mỡ
chó (đây là tuyệt chiêu khiến chá cá Lã Vọng nổi tiếng) sôi đặt trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. Thường người ta không dùng dầu ăn vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm hơn. Nước chấm là mắm tôm hảo hạng, vắt chanh tươi đánh sủi lên, một chút ớt cay, dầm phảng phất cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng. Món rau quả thật quan trọng đối với món chả cá, những lát chuối xanh, ruột trắng nõn mang nhựa chát, cùng những lát khếthái mỏng xanh như ngọc, chua nhức lưỡi. Lạc rang thơm. Khay rau sống phong phú những sung, mơ, ngổ, thơm, đinh lăng, cọng hành nõn, miếg gừng vàng. Cạnh khay rau là đĩa bún. Bún lá, bún con. Bún xếp thành vi nhỏ, trắng muốt, mát lành cùng rau, cùng gia vị cay, cùng thịt cá thơm nướng chả. Miếng chả ngon, đạt yêu cầu là khi nướng chín rồi miếng cá không vỡ, không khô quá, màu vàng, thơm mùi cá nướng, vị ngọt, bùi, béo.
Chá phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới rước mỡ đang đun sôi lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tình dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Một khách nước ngoài không ăn được mắm tôm thì thay bằng nước mắm, nhưng nước mắm ít nhiều khiến món chả cá bị giảm hương vị. Có hai cách ăn phổ biến: Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thì là vào. Khi rau chín tái thì gắp ra ăn với bún, rau thơm, đậu phộng rang và mắm tôm đã pha chế theo cách cho một ít bún vào bát, cho rau và một vài miếng chả cá lên trên, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Khi ăn mùi mắm tôm quyện với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải ăn kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng. Hoặc cho chả cá hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng. Cách ăn này làm vừa đủ ăn nếu không cá sẽ nguội, mất ngon. Ngoài hai cách trên, một số ngưòi có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thì là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này rất nóng, ngon nhưng hơi nhiều mỡ. Ăn chả cá, phải từ từ ít một để thường thức vị thơm của cá nướng, vị ngọt đậm đà của cá chiên, cá lăng, vị chát của chuối, vị chua của khế vị thơm các loài rau gia vị, mùi đặc biệt của cà cuống, mắm tôm, chanh và cùng nhâm nhi chén rượu quê nhà. Cuối cùng là món canh chua. Sau khi ăn toàn món khô háo nước, thường thức thêm nước bát bún canh chua sôi sùng sục, càng ngon miệng. Thế là ta đã thưởng thức đầy đủ hương vị của chả chiên, cá lăng thưởng thức món chả cá thú vị nhất là khi gió heo may về, trời Hà Nội thu se lạnh. Người ăn cứ thế nhấm nháp, nhẩn nha đàng hoàng. Tiếng mỡ nóng phi hành hoa kêu lép bép. Màu cá nướng vàng rộm thơm lừng đặt trên những lớp rau thì là xanh mướt, bên lò nướng than hồng rực, ấm áp. Vị ngọt bùi cùa miếng chả cá vàng đều, với sợi bún trắng mỏng quyện với mắm chanh, vị cay thơm của cà cuống, thì là... vừa ăn vừa nhâm nhi với chút lạnh mới thấy hết cái hương vị đặc trưng có một không hai của món ăn trong miệng , cho ta cái cảm giác như đang được hưởng cái tinh tuý của đất trời, tất cả những điều đó đem lại cho món chả cá Lã Vọng Hà Nội sự hài hoà đến độc đáo, quyến rũ.
Chả cá, món ăn vừa sang trọng vừa thi vị mà dân Hà Thành ưa chuộng, các văn, nhà thơ bao thế hệ vừa thưởng thức vừa ca ngợi, đến muốn... thèm. Chả cá Lã Vọng của Hà Nội cũng đã xuất hiện cá ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở các quận 1, quận 8, quận Phú Nhuận. Nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam, thưởng thức món đặc sản này đã phái trầm trồ, thán phục nghệ thuật ẩm thực đến tinh tế! cầu kỳ của người Việt. Chả cá Lã Vọng Hà Nội đã nổi tiếng. Một hãng truyền thông của Mỹ xếp vào vị trí thứ năm trong 10 món nên ăn trước khi... "về trời".
Xem thêm một số bài văn mẫu lớp 8 hay khác:
TOP 30 Bài văn Thuyết minh về món canh chua cá lóc (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn Thuyết minh về món thịt kho tàu (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài thuyết trình về món cá (2024) SIÊU HAY
TOP 12 Bài văn Kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa (2024) HAY NHẤT