I. Dàn ý phân tích đặc điểm người cha trong Câu chuyện bó đũa
a) Mở bài: Giới thiệu về nhân vật mà em muốn phân tích đặc điểm: nhân vật người cha trong Câu chuyện bó đũa
b) Thân bài: Phân tích đặc điểm nhân vật người cha:
- Người cha rất yêu thương con cái, cho đến khi sắp mất vẫn nghĩ suy, lo lắng cho các con của mình
- Người cha rất thông minh, khéo léo (gửi gắm bài học ý nghĩa cho con cái thông qua việc bẻ gãy bó đũa)
→ Nhận xét: nhân vật người cha đóng vai trò như người dẫn dắt, gắn kết cho cả gia đình - có vị trí quan trọng không thể thiếu được
c) Kết bài:
- Suy nghĩ, nhận xét của em về nhân vật người cha trong Câu chuyện bó đũa
- Tình cảm, cảm xúc của em dành cho nhân vật người cha
II. Một số bài văn mẫu hay phân tích đặc điểm người cha trong Câu chuyện bó đũa
Bài mẫu số 1
Câu chuyện bó đũa là một câu chuyện ngụ ngôn rất hay và ý nghĩa của Việt Nam. Đọc câu chuyện, em rất ấn tượng với nhân vật người cha vừa thông minh lại khéo léo.
Người cha trong câu chuyện được khắc họa khi đã già cả, gần đất xa trời. Ấy vậy mà ông lại phải đối mặt với hoàn cảnh đáng buồn là con cái lục đục, xa cách với nhau. Rất đau buồn về điều này, lại lo sợ sau khi mình mất, các con sẽ từ mặt nhau, khiến gia đình tan vỡ. Người cha đã quyết định dạy cho các con một bài học cuối cùng. Bài học đó chính là bài học bó đũa. Ông cho các con tự tay mình trải nghiệm sự khác biệt giữa bẻ gãy một que đũa và bẻ gãy một bó đũa. Để từ đó, dạy cho họ hiểu về sức mạnh của sự đoàn kết. Thấu hiểu bài học quý báu và nhận ra tấm lòng của người cha, những người con vừa xúc động vừa hối hận vì đã làm cha phải phiền lòng. Từ bài học đó, cả gia đình lại hòa thuận như xưa. Chính nhờ cách đặt vấn đề khéo léo và bài học ý nghĩa đó, mà người cha già đã hàn gắn lại mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
Nhân vật người cha trong Câu chuyện bó đũa vừa giàu tình yêu thương cho con cái, lại thông minh, khéo léo. Ông ấy thực sự là biểu tượng cho một bậc hiền giả, giúp dẫn dắt mọi người đi về con đường đúng đắn nhất.
Bài mẫu số 2
Kho tàng cổ tích Việt Nam có biết bao câu chuyện hấp dẫn, có giá trị giáo dục con người ta trưởng thành, hướng thiện. Một trong những câu chuyện đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người Việt Nam là "Câu chuyện bó đũa", đặc biệt là hình ảnh người cha trong câu chuyện ấy để lại ấn tượng về một người cha thương con nhưng nghiêm khắc, công tâm, thấu hiểu lẽ đời.
Câu chuyện được gợi mở bằng hoàn cảnh người cha trong những giây phút cuối đời, ông gọi những người con của mình đến bên giường căn dặn. Một người cha nuôi nấng những đứa con từ tấm bé (dù không thấy hình ảnh người mẹ xuất hiện) song công lao nuôi nấng của cha và mẹ vẫn được hiểu. Người cha ấy đã nuôi những đứa con khôn lớn nên người. Thậm chí, trong giây phút cuối đời, ông vẫn không quên, vẫn đau đáu nghĩ về những đứa con của mình, dành cho chúng sự quan tâm.
Người đọc càng xúc động hơn về tình cha ở phần sau của chuyện, qua lời thử thách của người cha. Thử thách tưởng chừng đơn giản: ai có thể bẻ gãy bó đũa. Nhưng thử thách ấy đều khiến ba người con phải bó tay, không thể bẻ gãy được. Khi ấy, người cha mới từ từ cầm từng chiếc đũa lên, bẻ gãy từng chiếc trước sự ngỡ ngàng của những đứa con. Ông ôn tồn nói về lời dạy bảo, lời gan ruột cuối cùng của mình rằng: chỉ khi đoàn kết, các con mới có sức mạnh, mới bền vững; còn nếu chia rẽ nhau, không biết yêu thương, đùm bọc, quan tâm nhau thì sẽ dễ bị đánh bại. Người cha đã dùng cách giáo dục con thật độc đáo. Ông không giảng giải đạo lí thông thường, khó tiếp thu mà qua hành động cụ thể để các con vừa nhìn, vừa trải nghiệm, vừa thấu hiểu được điều ông nói. Bài học ấy cũng thật sâu sắc. Giá trị của tinh thần đoàn kết, yêu thương vô cùng quan trọng trong đời sống của con người. Nói đến những điều lớn lao hơn, người cha ấy không nói. Ông chỉ muốn những đứa con sống yêu thương, đùm bọc nhau, hạnh phúc.
Qua lời dạy bảo ấy, người đọc cũng cảm nhận được, ông còn là người cha công bằng với những đứa con của mình. Ông không dạy bảo đứa cả hay thiên vị đứa út, tất cả những người con của ông đều được tham gia thử thách, đều được ông dạy bảo và quan tâm như vậy.
Một câu chuyện cổ tích giản dị, ngắn gọn, một người cha không tên, không tuổi như bao người cha khác nhưng những phẩm chất ấy của ông thật đáng trân trọng, học hỏi về sau. Người cha ấy như làm ta nhớ lại về bài ca dao xưa: "Công cha như núi Thái Sơn...".
Bài mẫu số 3
Truyện cổ tích Câu chuyện bó đũa là một câu chuyện hay và ý nghĩa, chứa đựng nhiều bài học sâu sắc. Trong câu chuyện, nhân vật người cha đóng vai trò trụ cột, giúp truyền tải các bài học đó.
Người cha trong Câu chuyện bó đũa là một người cha hiền lành, lương thiện. Ông đã dành cả cuộc đời của mình để lao động chăm chỉ, cần cù và tích lũy của cải cho con cái. Có thể nói, ông luôn đau đáu lo lắng cho tương lai của con mình. Ngay cả khi đã sắp qua đời, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng về những người con của mình. Thấy các anh em xa cách với nhau, thậm chí có những mâu thuẫn, cãi vã, ông rất buồn và lo lắng. Ông sợ rằng khi mình mất đi, thì các con cũng không còn gặp mặt nhau nữa. Do đó, ông đã nghĩ cách để hàn gắn tình cảm cho các con của mình. Để làm được điều đó, ông đã mượn câu chuyện bó đũa để dạy dỗ các con của mình. Cách làm đó đã thể hiện được sự thông minh, khôn khéo của người cha già. Bởi thay vì nói những điều đạo lý khô khan với các con, ông chọn cách sử dụng dẫn chứng cụ thể, dẫn dắt các con tự tìm ra lẽ phải. Sau khi cho các con lần lượt bẻ từng que đũa, ông mới đưa ra một bó đũa đã được buộc chắc chắn vào nhau. Chẳng ai có thể bẻ gãy bó đũa đó cả dù nếu tác riêng ra thì có thể làm điều đó một cách dễ dàng. Từ đó, người cha đưa ra bài học về sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Nhờ có hình ảnh minh họa cụ thể, dễ hiểu mà nhũng người con nhanh chóng tiếp thu bài học của cha. Đồng thời họ cũng hiểu được những trăn trở, lo lắng của cha dành cho mình. Vì thế, tất cả các anh em đã trở lại thuận hòa như xưa.
Qua câu chuyện, em cảm nhận được một người cha vừa thông thái, lại giàu tình yêu thương dành cho các con của mình. Nhân vật này được xây dựng một cách tinh tế và khéo léo, không mang nặng giáo điều khi dạy con. Vì vậy đã tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.
Bài mẫu số 4
Mỗi một câu chuyện đều mang đến cho chúng ta những bài học quý giá. Trong câu chuyện bó đũa tác giả dân gian đã tạo nên một người cha là người hiểu biết sâu rộng và biết răn dạy các con đúng cách.
Câu chuyện mở ra với một gia đình có hai anh em, khi nhỏ thì luôn yêu thương nhau, hòa thuận. Nhưng khi lớn lên thì mỗi người có gia đình riêng thì lại không còn như vậy nữa. Khiến cho người cha có nhiều suy nghĩ và đau lòng khi thấy cảnh đó. Để làm cho các con hiểu rõ được về tình cảm gia đình, hiếu thuận thì người cha đã tìm ra một cách rất độc đáo.
Ông đã đặt một bó đũa và một túi tiền, và ra câu đố là ai có thể bẻ gãy được sẽ được thưởng, nhưng không ai có thể bẻ gãy được vì nó rất chắc chắn. Khi các con bỏ cuộc ông đã bỏ bó đũa và bẻ từng chiếc.
Qua đó người cha đã khuyên răn các con rằng các con trong một gia đình thì phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sự đoàn kết sẽ làm cho kể thù không bao giờ có thể xâm hại được. Còn nếu tách ra thì sẽ yếu đuối dễ bị bẻ ngã.
Vậy nên chúng ta thấy rằng người cha là một người hiểu đạo lý và yêu thương các con của mình.
Bài mẫu số 5
Người cha trong câu chuyện bó đũa là một nhân vật vô cùng quan trọng, ông đã dạy cho các anh em trong nhà một bài học về tính hòa thuận. Giữa tình thế các con chia rẽ, không yêu thương lẫn nhau, người cha đã thấu hiểu và suy nghĩ ra một bài học để các con hòa thuận nhau hơn để có một cuộc sống tốt đẹp với tình anh em. Ông không chọn cách giáo dục "đao to búa lớn" mà nhẹ nhàng khuyên răn từ câu chuyện bó đũa. Các con đều bẻ cả bó một cách mạnh mẽ mà không suy nghĩ thấu đáo nhưng rất khó khăn. Ngược lại, người cha lại bẻ từng cái một rất dễ dàng. Từ đó Người cha đã dạy cho các anh em biết hòa thuận. Chỉ có như vậy mới đoàn kết chống lại khó khăn trong cuộc sống có thể làm chia rẽ tình cảm gia đình. Người cha còn cho con mình những bài học quý giá về sự đoàn kết trong cuộc sống và bài học về sự chia sẻ và yêu thương lẫn nhau. Nhân vật người cha đóng vai trò quan trọng trong cả câu chuyện, một người đi trước thấu hiểu, uyên bác dẫn lại đường lối hòa thuận cho các anh em chung một nhà.
Xem thêm những bài văn mẫu 7 hay khác:
TOP 10 Bài văn phân tích bài thơ Bánh trôi nước (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Đoạn văn phân tích bài thơ cảnh khuya (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Đoạn văn phân tích cuộc chia tay của những con búp bê (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn phân tích bài thơ Bến đò xuân đầu trại của Nguyễn Trãi (2024) SIÊU HAY
TOP 20 Đoạn văn phân tích người thầy trong tác phẩm Người thầy đầu tiên (2024) SIÊU HAY