Tác dụng phụ của giấm tạo và cách sử dụng an toàn

Hiện nay có một số nghiên cứu cho thấy sử dụng giấm táo có thể đem lại một số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, dùng quá nhiều giấm có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.

Giấm táo là một gia vị phổ biến dùng trong chế biến nước xốt thực phẩm, hương liệu và chất bảo quản. Giấm táo cũng là một phương thuốc điều trị tại nhà phổ biến cho một số vấn đề sức khỏe. Theo một báo cáo phân tích tổng hợp năm 2016, các loại giấm, bao gồm cả giấm táo, có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, ung thư và nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về cách sử dụng giấm táo an toàn, hiệu quả, đạt được lợi ích sức khỏe, cũng như có ít nghiên cứu khuyến cáo về liều lượng an toàn cho phép. Đặc biệt, rất ít nghiên cứu khám phá các tác dụng phụ hoặc biến chứng tiềm ẩn của việc thường xuyên sử dụng giấm.

Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng giấm táo như thuốc điều trị và đưa ra một số mẹo về cách sử dụng an toàn.

Sâu răng

Hình ảnh: Giấm có thể phá huỷ men răng.

Giống như tất cả các loại giấm nói chung, giấm táo có tính axit. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể phá hủy men răng theo thời gian, có khả năng dẫn đến sâu răng.

Lúc đầu, chúng ta có thể không nhận ra tình trạng men răng đang bị hư hại. Theo Viện nghiên cứu nha khoa và răng hàm mặt quốc gia Hoa Kỳ, khi tổn thương răng miệng trở nên nặng hơn, có thể gây đau răng hoặc răng trở nên nhạy cảm với thức ăn ngọt, thức ăn nóng và lạnh. Cuối cùng, có thể dẫn tới sâu răng, cần phải hàn răng.

Uống giấm táo không pha loãng sẽ gây nguy cơ sâu răng cao nhất. Để hạn chế nguy cơ này, bạn có thể pha loãng giấm hoặc chế biến giấm táo và bổ sung kèm vào bữa ăn hàng ngày.

Hạ kali máu

Theo Tiến sĩ Robert H. Shmerling, phó giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston, MA, đã có báo cáo về việc giấm táo gây ra hạ kali máu hoặc làm giảm nồng độ kali máu ở các mức độ khác nhau.

Hạ kali máu là một tình trạng cấp cứu y khoa. Một người bị hạ kali máu nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, hạ kali máu mức độ trung bình hoặc nặng có thể gây ra yếu cơ và liệt cơ, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nếu một người gặp các triệu chứng yếu cơ, hoặc các triệu chứng liên quan đến tim mạch hoặc hô hấp, cần đi khám cấp cứu.

Ảnh hưởng tới lượng đường trong máu

Hình ảnh: Uống giấm có thể điều chỉnh lượng đường trong máu.

Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn, uống quá nhiều giấm có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa hiểu hết về tác dụng phụ này và cần phải nghiên cứu thêm.

Người đang điều trị đái tháo đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử dùng chế độ ăn nhiều giấm.

Các vấn đề về đường tiêu hóa

Nhiều người giới thiệu giấm táo như một sản phẩm hỗ trợ giảm cân tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy rằng giấm táo giúp làm chậm tốc độ vận chuyển thức ăn rời khỏi dạ dày, gây cảm giác no lâu, nên hạn chế sự thèm ăn.

Tuy nhiên, việc giữ thức ăn lâu hơn trong dạ dày có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Trong một nghiên cứu về khả năng kiểm soát sự thèm ăn của giấm, nhiều người tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy buồn nôn và khó tiêu sau khi uống giấm vào bữa sáng.

Do tính axit ca nên uống giấm táo không pha loãng cũng có thể làm nặng tình trạng viêm loét dạ dày hoặc trào ngược axit.

Bỏng da

Hình ảnh: Giấm có thể gây bỏng, kích ứng da.

Giấm có tính axit nên việc thoa trực tiếp giấm táo lên da có thể gây bỏng và kích ứng da, đặc biệt nếu giấm chưa được pha loãng. Trung tâm Chống độc Quốc gia New York đã liệt kê một số báo cáo về cấp cứu độc chất, trong đó ghi nhận một số trường hợp bỏng nặng cần được can thiệp điều trị sau khi uống giấm táo hoặc bôi giấm lên da.

Một báo cáo trên  Tạp chí da liễu và thẩm mỹ lâm sàng đã ghi nhận trường hợp một thiếu niên bị bỏng hóa chất trên mũi sau khi bôi giấm táo để tẩy hai nốt ruồi.

Mẹo sử dụng giấm táo an toàn

Thường xuyên ăn hoặc uống một lượng lớn giấm chưa pha loãng có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm. Bạn có nguy cơ gặp các tác dụng phụ với giấm táo nếu thường xuyên dùng một lượng lớn giấm nguyên chất để uống hoặc bôi lên da.

Để giảm nguy cơ bị các tác dụng không mong muốn, hãy thử:

  • Giảm số lượng giấm tiêu thụ
  • Giảm thời gian giấm tiếp xúc với da
  • Pha loãng giấm với nước hoặc sử dụng nó như một thành phần trong chế độ ăn, uống
  • Hạn chế tiếp xúc với răng, bằng việc uống giấm bằng ống hút

Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2016 cho thấy liều lượng phù hợp để đạt được nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng từ giấm táo là uống khoảng 15 ml giấm mỗi ngày hoặc lượng tương đương có chứa khoảng 750 miligam axit axetic.

Tuy nhiên, do thiếu nghiên cứu về tác dụng phụ và tính an toàn lâu dài, việc nên thận trọng và sử dụng giấm táo điều độ hơn nữa có thể giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất.

Những người có vấn đề về tiêu hóa, tiền sử hạ kali máu hoặc bệnh đái tháo đường nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng giấm táo.

Bất kỳ ai gặp tác dụng phụ nghiêm trọng nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.

Kết luận

Sử dụng giấm táo vào chế độ ăn uống và bảo vệ sức khỏe đã trở thành một xu hướng phổ biến.

Một số bằng chứng cho thấy giấm táo có thể giúp giải quyết một số vấn đề về sức khỏe, nhưng các nhà khoa học cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác minh và hiểu rõ những công dụng này.

Giấm táo có thể gây ra tác dụng phụ. Ví dụ, thoa giấm không pha loãng lên da trong thời gian dài có thể dẫn đến bỏng và kích ứng da. Thường xuyên ăn, uống một lượng lớn giấm táo, đặc biệt là ở dạng chưa pha loãng, có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, làm hỏng răng và gây hạ kali máu.

Nếu bạn gặp phải các phản ứng phụ sau khi sử dụng giấm táo, cần đi khám ngay để được xử trí kịp thời.

Những người mắc bệnh mãn tính nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng giấm táo vì mục đích điều trị bệnh.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!