Soạn bài Tri thức Ngữ văn lớp 10 trang 9 Tập 1 ngắn nhất
1. Cốt truyện
- Cốt truyện trong tác phẩm tự sự (thần thoại, sử thi, cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết, ...) và kịch được tạo nên bởi sự kiện (hoặc chuỗi sự kiện). Sự kiện là sự việc, biến cố dẫn đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong thế giới nghệ thuật hoặc bộc lộ những ý nghĩa nhất định với nhân vật hay người đọc – điều chưa được họ nhận thấy cho đến khi nó xảy ra.
2. Truyện kể
- Sự kiện trong cốt truyện được triển khai hoặc liên kết với nhau theo một mạch kể nhất định. Mạch kể này thống nhất với hệ thống chi tiết và lời văn nghệ thuật (bao gồm các thành phần lời kể, lời tả, lời bình luận, ...) tạo thành truyện kể.
3. Người kể chuyện
- Truyện kể chỉ tồn tại khi có người kể chuyện. Trong nhiều loại hình tự sự dân gian, người kể chuyện có thể là người trực tiếp diễn xướng để kể lại câu chuyện cho công chúng. Trong tự sự của văn học viết, người kể chuyện là “vai” hay “đại diện” mà nhà văn tạo ra để thay mình thực hiện việc kể chuyện.
- Nhờ người kể chuyện, người đọc được dẫn dắt vào thế giới nghệ thuật của truyện
Kể để tri nhận về nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian, ... Người kể chuyện cũng khơi dậy ở người đọc những suy tư về ý nghĩa mà truyện kể có thể gợi ra.
4. Nhân vật
- Nhân vật là con người cụ thể được khắc họa trong tác phẩm văn học bằng các biện pháp nghệ thuật. Cũng có những trường hợp nhân vật trong tác phẩm văn học là thần linh, loài vật, đồ vật, ... nhưng khi ấy, chúng vẫn đại diện cho những tính cách, tâm lí, ý chí hay khát vọng của con người. Nhân vật là phương tiện để văn học khám phá và cắt nghĩa về con người.
5. Thần thoại
- Thần thoại là thể loại truyện kể ra đời sớm nhất kể về thế giới thần linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa. Căn cứ vào chủ đề, có thể chia thần thoại thành hai nhóm: thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (thần thoại suy nguyên); thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá (thần thoại sáng tạo). Ra đời trong “tuổi ấu thơ” của loài người, do cách nhận thức thế giới bằng biểu tượng nên thần thoại mang tính nguyên hợp, chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử, ... Vì vậy, thần thoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ di sản văn hoá nguyên thuỷ của cộng đồng.
- Thần thoại thường có cốt truyện đơn giản: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều cốt truyện đơn (tạo thành một “hệ thần thoại”). Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần, hoặc những con người có nguồn gốc thần linh, có năng lực siêu nhiên do vậy, thường được miêu tả với hình dạng khổng lồ, có kích thước ngang tầm vũ trụ. Chức năng của nhân vật trong thần thoại là cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống xã hội, thể hiện niềm tin của con người cổ sơ cũng như những khát vọng tinh thần có ý nghĩa lâu dài của nhân loại. Câu chuyện trong thần thoại gắn liền với thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi khác nhau. Lối tư duy hồn nhiên, chất phác, trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn đã làm nên sức cuốn hút và sức sống lâu bền cho thần thoại.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện