Soạn bài Ôn tập học kì 2 lớp 10 trang 129 Tập 2 | Kết nối tri thức

1900.edu.vn xin giới thiệu soạn bài Ôn tập học kì 2 trang 129 Tập 2 Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Ôn tập học kì 2 lớp 10 trang 129 Tập 2 ngắn nhất

* Yêu cầu:

- Hệ thống hoá kiến thức đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai.

- Phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trong các bài tập.

- Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học và rèn luyện vào việc giải quyết những bài tập mang tính tổng hợp.

 

* Hệ thống hoá kiến thức đã học

Câu 1 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Loại văn bản và thể loại văn bản nào đã được học trong học kì II? Nêu nhan đề những văn bản cụ thể thuộc về các loại, thể loại đó?

Trả lời:

- Loại văn bản đã được học trong học kì II:

+ Văn bản văn học: Nguyễn Trãi – dành còn để trợ dân này, Quyền năng của người kể chuyện.

+ Văn bản thông tin: Thế giới đa dạng của thông tin.

+ Văn bản nghị luận: Hành trang cuộc sống.

- Thể loại văn bản trong văn học:

+ Thơ: Bình Ngô đại cáo,  Bảo kính cảnh giới, Dục Thuý sơn.

+ Văn xuôi: Người cầm quyên khôi phục uy quyền, Dưới bóng hoàng lan, Một chuyện đùa nho nhỏ.

Câu 2 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Bài 6Nguyễn Trãi – dành còn để trợ dân này có những điểm gì đặc biệt so với các bài học khác?

Trả lời:

- Bài 6 cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Trãi bao gồm cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Trong bài 6, bài đọc chủ yếu là các tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi. Còn các bài khác, bài đọc chủ yếu là các tác phẩm văn xuôi.

Câu 3 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Qua nhưng văn bản được học và phân tích ở Bài 7, những kiến thức nào về thể loại truyện được chú ý bổ sung, nhấn mạnh (so với những bài học về truyện trước đó)?

Trả lời:

- Những kiến thức nào về thể loại truyện được chú ý bổ sung, nhấn mạnh:

+ Lời người kể chuyện.

+ Ngôi kể của người kể chuyện.

+ Quyền năng của người kể chuyện.

+ Lời nhân vật.

Câu 4 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Hãy thống kê các nội dung thực hành tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai. Những hiểu biết về phương tiện phi ngôn ngữ đã giúp bạn những gì trong việc đọc các văn bản thông tin và viết bản nội quy hay bản hướng dẫn nơi công cộng?

Trả lời:

- Nội dung thực hành tiếng Việt:

+ Sử dụng từ Hán – Việt.

+ Biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê.

+ Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ.

- Những hiểu biết về phương tiện phi ngôn ngữ giúp người đọc dễ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin trong việc đọc các văn bản thông tin và viết bản nội quy hay bản hướng dẫn nơi công cộng.

Câu 5 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai gồm những kiểu bài viết nào? Hãy nhắc lại tên kiểu bài viết và yêu cầu chung của từng kiểu bài.

Trả lời:

- Kiểu bài viết: Văn bản nghị luận, văn bản nội quy, bài luận.

- Tên kiểu bài viết:

+ Viết văn bản nghị luận về vấn đề xã hội.

+ Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học (chủ đề và nhân vật trong tác phẩm truyện).

+ Viết một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng.

+ Viết bài luận về bản thân.

- Yêu cầu: Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học (chủ đề và nhân vật trong tác phẩm truyện).

Giới thiệu được những thông tin khái quát về tác giả, tác phẩm.

+ Nêu được những nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm.

+ Nêu được nét riêng về chủ đề của tác phẩm.

+ Phân tích được mối quan hệ gắn kết giữa chủ đề và các nhân vật trong tác phẩm (chủ đề đã chi phối sự lựa chọn, miêu tả nhân vật như thế nào, nhân vật đã phát triển và khơi sâu chủ đề ra sao…).

+ Đánh giá khái quát về thành công hay hạn chế của tấc phẩm nhìn từ mối quan hệ giữa chủ đề và nhân vật.

+ Phát biểu được tác động của chủ đề tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm đối với bản thân.

- Yêu cầu: Viết bài luận về bản thân.

 Xác định rõ luận đề của bài viết.

+ Thể hiện được cá tính, thiên hướng, lựa chọn, niềm tin, quan điểm riêng của bản thân.

+ Sử dụng bằng chứng là những sự kiện, kinh nghiệm mà người viết đã thực sự trải qua.

+ Có giọng điệu riêng nhưng phù hợp với đối tượng tiếp nhận, thể hiện cảm xúc chân thành của người viết; thuyết phục, truyền cảm hứng và gợi suy ngẫm cho người đọc.

- Yêu cầu: Viết một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng.

+ Văn bản phải có cấu trúc chặt chẽ, phù hợp với mẫu cấu trúc chung của văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng.

+ Nội dung văn bản thể hiện rõ những hành vi cần thực hiện hoặc không thực hiện trong không gian công cộng, phù hợp với yêu cầu, quy định của cơ quan, tổ chức ban hành, phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Ngôn ngữ khách quan, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.

Câu 6 (trang 124 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Những nội dung nói và nghe nào đã được thực hiện với các bài học trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai? Nội dung nói và nghe nào khiến bạn hứng thú nhất? Vì sao?

Trả lời:

- Nội dung nói và nghe được thực hiện với các bài đọc trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai:

+ Thảo luận một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau.

+ Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau.

+ Thảo luận về văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng.

+ Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.

- Nội dụng nghe khiến bạn hứng thú nhất:

+ Thảo luận vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau. Vì vấn đề mang tính chất thời sự, được nhiều người quan tâm, bàn luận và có ảnh hưởng tới đời sống của bản thân.

+ Thảo luận vấn đề văn học có ý kiến trái chiều nhau. Vì từ việc thảo luận giúp ta thấy được cái hay, cái đẹp trong tác phẩm văn chương. Giúp ta thêm yêu mến, say mê và có những hiểu biết phong phú về cuộc sống.

+ Thảo luận về văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng. Vì thông qua đó giúp chúng ta hiểu các nội quy, quy định ở nơi công cộng; phát huy ý thức, trách nhiệm của bản thân…

* Luyện tập và vận dụng

a. Đọc

Câu (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Hai văn bản trên nhắc bạn nhớ tới những văn bản nào đã được đọc, tham khảo hay thực hành viết trong học kì II? Dựa vào đâu mà bạn có liên hệ như vậy?

Trả lời:

- Hai văn bản trên giúp ta nhớ tới văn bản “Một đời như kẻ tìm đường”, “Con đường không chọn”, “Về chính chúng ta”, “Hãy đam mê, hãy khờ dại”.

- Dựa vào đặc điểm nội dung và hình thức giúp ta có thể liên hệ như vậy.

Câu 2 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Yếu tố tự sự, biểu cảm thể hiện đậm nét trong văn bản nào? Hãy phân tích lí do xuất hiện và ý nghĩa của yếu tố tự sự, biểu cảm ở văn bản đó.

Trả lời:

Yếu tố tự sự, biểu cảm thể hiện đậm nét trong văn bản “80 năm nhìn lại”.

- Lí do xuất hiện: Bài viết thể hiện cảm xúc của tác giả khi ở tuổi xế chiều, tự nhìn lại hành trình của mình.

- Ý nghĩa của yếu tố tự sự, biểu cảm:

+ Yếu tố tự sự là tác giả hồi tưởng thế mạnh và thành tựu đã đạt được trong quá khứ. Giúp người đọc có thể hiểu, hình dung được về con người của ông.

+ Thông qua yếu tố tự sự, tác giả bộc lộ cảm xúc trân trọng, biết ơn, xúc động với những người đã giúp đỡ, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay và đồng hành cùng mình trong quá khứ.

Câu 3 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Trong văn bản 1, những câu nào có sử dụng biện pháp chêm xen?

Trả lời:

+ Đây là những chất rắn có tính chất – như màu sắc, hình dạn hoặc từ tính – có thể thay đổi một cách độc lập để thích ứng với các kích thích như ánh sáng, nhiệt độ, áp lực hoặc độ ẩm.

+ Nhìn chung, chức năng của chúng chia thành sáu loại – thay đổi màu sắc, cảm nhận, di chuyển, sưởi ấm/làm mát, tự khắc phục và thay đổi trạng thái (đóng băng và tan chảy).

+ Vật liệu thông minh không bị giới hạn trong địa hạt khoa học viễn tưởng hay phòng thí nghiệm – hầu hết mọi người đã quen thuộc với một vài thứ như kính râm đổi màu, tự động tối lại khi gặp ánh sáng mặt trời, hoặc cốc tri nhiệt biến sắc, tự động thay đổi màu sắc khi đổ cà phê nóng vào bên trong.

+ “Đây là tương lai của thế giới vật chất – và đó là một nơi thú vị”

Câu 4 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Trong văn bản Vật liệu thông minh có câu “Phạm vi của chủ đề này rất rộng”. Dựa vào hiểu biết của mình, bạn có thể nói thêm điều gì về chủ đề đã được tác giả gợi lên?

Trả lời:

Trong văn bản Vật liệu thông minh có câu “Phạm vi của chủ đề này rất rộng”. Có nghĩa là trong cuộc sống, vật liệu thông minh được ứng dụng rất rộng rãi:

+ Xe tự động/ không người lái - Công nghệ này sử dụng hệ thống radar, laze và camera để phát hiện những vất thể trên đường và giúp nó hiểu nên phải làm gì.

+ Cây bán hàng tự động – tự động trả hàng sau khi nhận tiền.

+ Rô-bốt giao hàng…

Câu 5 (trang 126 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)Cả hai văn bản, theo từng cách khác nhau, đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta. Bạn có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao?

 Trả lời:

- Cả hai văn bản, viết theo những các khác nhau nhưng đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta.

- Vì ở văn bản thứ nhất, nói tới các vật liệu thông minh có khả năng phản ứng, di chuyển, thích nghi và tự sửa chữa trong tương lai. Điều đó sẽ tạo động lực cho con người có thể sáng tạo, say mê, nghiên cứu ra nhiều đồ vật công nghệ cao phục vụ cho cuộc sống. Ở văn bản thứ hai “80 năm nhìn lại” đề cập đến thế mạnh của tác giả và chính việc biết điểm mạnh của mình đã khiến tác giả gặt hái được nhiều thành công. Thông quan văn bản này, giúp người đọc tự nhìn nhận lại đâu là ưu thế của mình để suy ngẫm về lựa chọn trong tương lai.

b. Viết

Chọn một trong các đề sau:

- Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.

- Tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà bạn đã trải qua trong hành trình rèn luyện – trưởng thành của mình.

- Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài đọc trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.

- Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, ở không gian sinh hoạt công cộng nào còn thiếu những quy định, hướng dẫn về hành vi ứng xử cần có cho mọi người? Trong vai người được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền uỷ nhiệm, bạn hãy hoàn thành một bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, có văn hoá.

Trả lời:

Bảo kính cảnh giới – bài 3

Muốn hiểu được đại thi hào của dân tộc, tác giả Nguyễn Trãi – nếu ta chỉ đọc Bình Ngô đại cáo, Thư dụ Vương Thông lần nữa… Dường như ta chỉ thấy ở tác giả là một bậc quân sự; một nhà chính trị kiệt xuất trên vũ đài chính trị. Còn để có cái nhìn toàn diện về người anh hùng; có lẽ ta phải đặt con người ấy vào nhịp sống, nhịp đập của cuộc sống đời thường, trong tứ thơ muôn hình muôn vẻ của ông. Sau mỗi một tác phẩm, ta đều có thể khám phá được tâm hồn của nhà thơ. Thật vậy, “đọc một câu thơ hay, nghĩa là ta đã bắt gặp một tâm hồn con người”. Nguyễn Trãi là vị anh hùng dân tộc “tấm lòng sáng tựa sao Khuê”. Dù sống ở bất kì hoàn cảnh nào đi chăng nữa ông vẫn luôn hướng về dân, về nước. Tác phẩm Cảnh ngày hè chính là sự kết tinh của tâm hồn để tạo thành một tác phẩm sâu sắc, lay động lòng người.

Rồi, hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

Bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi là bài số 43 thuộc chùm thơ “Bảo kính cảnh giới” trong “Quốc âm thi tập”. Bài thơ được sáng tác lúc Nguyễn Trãi ở ẩn tại Côn Sơn, tạm xa lánh chốn kinh kì tấp nập ngựa xe để về với thiên nhiên, bầu bạn với chim muông cây cỏ, hoa cỏ trữ tình.

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trước hết là ở tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết, trìu mến:

Rồi, hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Bài thơ mở đầu bằng câu lục ngôn ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về thời gian, tâm trạng của tác giả. Lẽ ra câu thơ phải bảy chữ mới đúng vì đây là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng tác giả đã lược đi một chữ, thể hiện sự phá cách mới mẻ của văn học nước ta thời ấy, góp phần Việt hóa thơ Đường luật:

Rồi, hóng mát thuở ngày trường.

Từ “rồi”được đặt ở đầu câu tách ra thành một nhịp thể hiện cảm nhận của tác giả về tình cảnh của mình. “Rồi” là từ cổ nghĩa là rỗi rãi, nhàn nhã, không vướng bận điều gì. Cuộc đời của Nguyễn Trãi không mấy lúc được thảnh thơi. Đây chính là lúc ông được sống ung dung, thỏa ước nguyện mà ông hằng mong ước. “Ngày trường” là ngày dài, đây là cảm giác tâm lí về thời gian của người đang sống trong cảnh nhàn rỗi; thấy ngày dường như dài ra vô tận. Hai chữ “ngày trường’’ cho thấy nỗi chán chường vô vị. Với một con người đang nặng trĩu nỗi niềm lo cho dân, cho nước mà phải lui về ở ẩn thì cảm giác ấy rõ hơn bao giờ hết. Ông rơi vào cảnh “thân nhàn mà tâm không nhàn”. Đằng sau câu thơ như nụ cười chua chát của ông trong hoàn cảnh trớ trêu ấy. Nhịp thơ lạ lùng 1/2/3 chậm rãi kéo dài kết hợp với thanh bằng ở cuối câu gợi tư thế ung dung, tự tại vốn có của tác giả. Hơi thơ như tiếng thở dài của thi nhân trước hoàn cảnh “ăn không ngồi rồi” bất đắc dĩ. Có thể nói nhà thơ thể hiện việc hóng mát mà không thấy tâm hồn nhàn tản, cũng chẳng hề thư thái. Phải chăng đó là khởi nguồn của nỗi bực dọc?

Thiên thiên đã trở nên mãnh liệt, đầy sức sống dưới con mắt của nhà thơ. Thế nhưng những tâm tư đã được nén lại khi nhà thơ thả hồn mình vào thiên nhiên:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Nếu như trong thơ văn trung đại, cảnh ngày hè thường gây cảm giác khó chịu:

Nước nồng sùng sục đầu rô trỗi

Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè.

Hay trong thơ hiện đại, Trần Đăng Khoa cũng đã thể hiện ngày hè thật nóng nực:

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy.

(Hạt gạo làng ta)

Thì cảnh ngày hè trong thơ Nguyễn Trãi dường như nổi bật hơn nhưng không oi nóng chói chang, khó chịu mà mát dịu tinh tế. Ta có thể thấy, tâm hồn yêu thiên nhiên và chan hòa với thiên nhiên của tác giả. Dưới ngòi bút đầy tài năng của Nguyễn Trãi, cách cảm nhận bằng thị giác đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên sống động đầy màu sắc hiện lên chân thật. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của nắng chiều. Tất cả đã hòa quyện với nhau tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Ba câu thơ nói đến ba loại cây: Hòe, lựu, sen dường như gửi gắm cả hồn người. Các động từ mạnh “đùn đùn” dồn dập tuôn ra lớp này đến lớp khác, “giương” tỏa rộng ra, không chỉ diễn tả sự xum xuê của cảnh vật trong trạng thái tĩnh mà còn thể hiện trạng thái động của cảnh vật, của bức tranh ngày hè đầy sống động, càng ứa tràn đầy phải phun ra. Đằng sau bức tranh ngày hè còn là tấm lòng náo nức, tình yêu thiên nhiên của thi nhân:                                                                                                                                                        

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Có lẽ ta cần dừng đôi chút về câu chữ ở đây. Hiện có hai bản ghi khác nhau về câu: “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” và do đó có hai cách hiểu khác nhau. Một bản chép là “tịn” nghĩa là hết mùi hương; diễn tả vẻ suy. Một bản chép là “tiễn” nghĩa là đưa tỏa mùi hương, diễn tả vẻ thịnh. Để làm sáng tỏ ngoài những căn cứ về văn tự Nôm, có lẽ cần phải có thêm quy luật về văn bản thơ và quy luật về nghệ thuật nữa. Cảm hứng chung của toàn thi phẩm là sự sung mãn toàn thịnh của ngày hè. Cho nên các hình ảnh thiên nhiên lẫn đời sống tạo nên tổng thể ở đây cũng phải nhất quán, chi tiết đều phải góp phần làm nổi bật cái thịnh. Như vậy, chữ “tịn” ít có lí. Bởi vậy nghĩa của hai câu thơ chỉ có thể là: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Tất nhiên hiểu theo ý nghĩa nào thì dịch giả cũng sẽ thấy được sự đồng cảm của độc giả đối với mình. Câu thơ: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ” đã có sự đổi nhịp 4/3 ở câu hai thành nhịp 3/4 ở câu ba và bốn tạo ra sự mới mẻ; ấn tượng đối với người đọc. Kết hợp sử dụng động từ mạnh “tiễn, phun” gợi tả được sức sống căng tràn ở bên trong, tạo nên hình tượng mới lạ trong cảnh ngày hè. Thi nhân không chỉ cảm nhận cảnh vật bằng thị giác mà còn bằng thính giác và khướu giác. Câu thơ tả cảnh dường như mang tâm trạng của hồn người. Màu đỏ của hoa lựu phải chăng là ẩn dụ cho tấm lòng yêu thiên nhiên, trái tim của thi nhân? Mùi hương thơm ngát của hoa sen phải chăng ẩn dụ cho tấm lòng thanh cao, thanh sạch, lí tưởng chẳng bao giờ phai nhạt, suốt đời vì dân vì nước. Mong cho nhân dân hạnh phúc, đất nước thanh bình? Rõ ràng cảnh và người có nét tương đồng đều đẹp đẽ, hài hòa. Câu thơ của Nguyễn Trãi gợi cho ta nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du:

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

(Truyện Kiều)

Cũng về hoa lựu nhưng mỗi thi hào lại có một cách nhìn riêng, điểm nhấn riêng nhằm tới những mục đích nghệ thuật không giống nhau. Hoa lựu của Nguyễn Du như tín hiệu lập lòe của ngày hạ đang tới, còn hoa lựu của Nguyễn Trãi như phun thức đỏ, khoe một nguồn năng lượng dồi dào có bên trong mình. Hai câu thơ trong bài Cảnh ngày hè câu trên tả sắc, câu dưới gợi hương. Thiên nhiên ấy lại chứa chan bao cảm xúc lúc dịu nhẹ lan tỏa, lúc bừng bừng căng trào để rồi đọng lại một nỗi nhớ man mác, gợi sự thanh cao cuối hè. Phải là một người có tâm hồn tinh tế giàu liên tưởng thì cùng lúc mới có thể diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc trong vài ba câu thơ cô đọng như vậy.

Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, Nguyễn Trãi còn trải lòng lắng nghe âm thanh muôn vẻ của thiên nhiên, của cuộc sống:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Có một sự chuyển đổi cảm xúc trong cách lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Nếu như ở những câu trước, cảnh được cảm nhận theo trình tự từ gần đến xa, thì câu năm và sáu tác giả đã lắng nghe âm thanh từ xa đến gần. Sử dụng từ láỵ “lao xao” kết hợp với đảo ngữ nhằm nhấn mạnh âm thanh mang đặc trưng của làng chài, ồn ào nhộn nhịp và đó cũng là dấu hiệu của cuộc đời đầy muối mặn mồ hôi. Thiên nhiên trong câu thơ không hề tĩnh lặng trầm buồn trong chiều buông mà ồn ào, nhộn nhịp. Từ láy “dắng dỏi” được đảo lên đâu câu kết hợp với ẩn dụ “cầm ve” gợi âm thanh trầm bổng ngân dài vang xa. Âm thanh tiếng ve không còn inh tai nhức óc mà du dương như bản nhạc. Phải là một tâm hồn rộng mở; một điệu hồn náo nức thì mới có thể cảm nhận tiếng ve inh ỏi như bạn cầm ve. Tất cả đã được thu nhỏ lại dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ. Nguyễn Trãi đã mở rộng tấm lòng mình để đón nhận cuộc sống với biết bao niềm vui yêu đời; lạc quan. Tiếng “lao xao, cầm ve, dắng dỏi” phải chăng là tiếng lòng của ông? Tiếng lòng của một vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời. Tiếng lòng náo nức muốn hòa cùng thiên nhiên, sự sống? Cuộc sống của Nguyễn Trãi không phải là của một ẩn sĩ lánh đời mà đó chính là phản chiếu tâm hồn yêu đời tha thiết của nhà thơ, luôn đón nhận mọi niềm vui cuộc sống để quên đi nỗi riêng tư sầu muộn.

Tác giả đã gửi gắm trọn vẹn những tâm tư suy nghĩ khát vọng của mình:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

Tác giả đã dùng điển tích “Ngu cầm” để nói lên khát vọng của mình (đàn của vua Ngu Thuấn, “Ngu” là tên một triều đại huyền thoại do vua Thuấn lập nên, đất nước thanh bình, nhân dân no đủ. Tương truyền vua Nghiêu có ban cho vua Thuấn một cây đàn. Những lúc rỗi rãi, vua Thuấn thường gảy đàn ca khúc Nam phong):

Gió nam mát mẻ

Làm cho dân ta bớt ưu phiền

Gió nam thổi đúng lúc

Làm cho dân ta ngày thêm nhiều của cải.

Tác giả mong ước có được cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong để cầu cho nhân dân khắp bốn phương trời được ấm no, hạnh phúc. Đó chính là khát khao và sâu kín cháy bỏng suốt một đời của nhà thơ. Câu thơ cuối sáu chữ ngắn gọn nhịp 3/3 thể hiện cảm xúc dồn nén cả bài. Nguyễn Trãi mong cho dân được ấm no hạnh phúc. Câu thơ là điểm hội tụ của Ức Trai, với ông vui hay buồn, lo âu hay thanh thản đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Tấm lòng luôn đau đáu hướng về dân, về nước:

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng bài số 5)

Quả thật, phải đọc được những câu chữ ta mới có thể cảm nhận được những tâm tư thầm kín của tác giả. Bức tranh cảnh ngày hè đâu phải chỉ là khung cảnh thiên nhiên? Ẩn sâu trong bức tranh ấy là tấm lòng của Ức Trai, tấm lòng sáng soi vào tâm hồn con người. “Văn học là nhân học (M. Gorki), khoa học về con người. Thơ ca Nguyễn Trãi là nơi người nghệ sĩ giãi bày tâm tư, cảm xúc và rung động suốt cuộc đời. Tác phẩm Cảnh ngày hè biểu hiện tâm hồn nhà thơ, vẻ đẹp trong tâm hồn ấy là vẻ đẹp cội nguồn tạo nên giá trị của tác phẩm văn học. Bằng những biện pháp nghệ thuật: So sánh, ẩn dụ, đối… Làm cho sức sống của thiên nhiên sôi động, tươi tắn, hài hòa, gợi ra vẻ tươi mát khoáng đạt của mùa hè. ‘‘Đọc một câu thơ hay, nghĩa là ta đã bắt gặp một tâm hồn con người”. Khi ấy, người đọc sẽ được thanh lọc, hoàn thiện tâm hồn mình.

* Nói và nghe

Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung nói và nghe sau:

- Thảo luận về vấn đề: Cần xử lí như thế nào về mối quan hệ giữa việc tuân phục ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?

- Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.

- Tự tìm hiểu mình có dễ không và làm thế nào để tìm hiểu? Hãy thực hiện một bài thuyết trình về vấn đề trên.

Trả lời:

Thấu hiểu bản thân mình

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Sau đây tôi xin được chia sẻ về vấn đề tự tìm hiểu mình chính mình.

Lão Tử từng nói: “Hiểu người khác là thông minh, hiểu được chính mình mới là khôn ngoan thực sự. Kiểm soát được người khác là sức mạnh, kiểm soát được chính mình mới là năng lực thật sự”.

Muốn có một cuộc sống thành công, trước tiên bạn cần phải biết rằng điều gì khiến bạn cảm thấy gắn bó, bạn yêu hoặc ghét điều gì, nỗi sợ của bạn là gì và vì sao bạn sẵn sàng vượt qua nỗi sợ đó. Món quà lớn nhất mà bạn có thể dành tặng cho bản thân chính là hiểu, chấp nhận và yêu mến con người mình.

Tự tìm hiểu bản thân là tự hiểu biết chính mình, thấu hiểu năng lực, ý chí và khát vọng của mình nhằm hướng đến việc tự hoàn thiện bản thân, tự phát triển một cách hài hòa và trọn vẹn. Người luôn hiểu rõ bản thân, hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình thường dễ thành công. Họ luôn đề ra mục tiêu của cuộc đời rõ ràng và tận dụng chính xác các sở trường trong những lĩnh vực mà họ đam mê để đạt được mục tiêu đó. Thế nhưng tự tìm hiểu bản thân mình không phải là điều dễ và chẳng phải ai cũng làm được.

Thẳng thắn mà nói, không ít người đã học được những bài học cuộc sống sâu sắc từ những điều tưởng như chẳng hề liên quan. Biết đâu một ngày đang đi trên đường và nhìn thấy đứa trẻ đạp xe bị ngã rồi nó tự đứng dậy, bạn sẽ đặt câu hỏi: “Liệu mình sẽ làm gì khi không thể thất bại được nữa, mình có dám đứng dậy đi tiếp như đứa trẻ kia không?” Bạn có nghĩ đến việc bơi qua eo biển Anh không? Hay tham gia chương trình bay vào vũ trụ? Trở thành chủ dự án một startup? Viết một cuốn tiểu thuyết? Bây giờ, hãy thử tưởng tượng như thể bạn đang được làm đúng những thứ mình muốn. Bạn có thấy tâm hồn thư thái và thỏa mãn không? Bạn có yêu công việc đó đủ nhiều để cống hiến phần lớn thời gian và công sức của mình nhằm hoàn thiện nó không? Nếu câu trả lời là "có", nhưng bạn vẫn chưa có cơ hội được làm công việc mình yêu, vậy rất có khả năng nỗi sợ thất bại đang khiến bạn chùn chân. Bạn chưa hiểu được chính mình và chưa dám chiến thắng nỗi sợ của bản thân.

Steve Jobs từng nói, cho dù còn trẻ nhưng rất có thể hôm nay sẽ là ngày cuối cùng chúng ta được sống. Vậy hãy làm điều gì đó để khi ngày này đến, chúng ta vẫn có thể quay đầu nhìn lại cuộc đời mình một cách hãnh diện, rằng “đây là cuộc đời do chính bàn tay tôi tạo nên”. Mỗi ngày trong cuộc đời dành trọn cho công việc của mình, Steve Jobs luôn nhìn vào gương và tự đặt câu hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng được sống, bạn vẫn muốn làm điều mình đang làm chứ?”. Và ông đã giữ đúng lời. Khi ông làm việc tại Apple, tiếp theo là NeXT, sau đó là Pixar, và cuối cùng lại là Apple, ông luôn trả lời "có" cho câu hỏi trên. Tinh thần này vẫn luôn tồn tại trong ông suốt hàng chục năm cống hiến cho Apple, thậm chí trong suốt 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ông vẫn tận tụy làm việc, thậm chí cho đến ngày trước khi ông qua đời.

Vậy làm thế nào để tự hiểu bản thân mình? Muốn thấu hiểu bản thân, trước hết cần liên tục tự đánh giá bản thân mình, có ý chí, lòng quyết tâm cao độ, dám đương đầu để vượt qua khó khăn, thử thách, dám mạo hiểm và  sẵn sàng trả giá khi thất bại. Chỉ trong lao khổ, con người mới có thể tìm ra sức mạnh của mình. Hạnh phúc nhất, là khi được làm những điều ta yêu thích và được sống với những người ta yêu thương. Luôn lắng nghe ý kiến từ người thân. Khi lắng nghe phải giữ cái tâm thật bình thản và sẵn sàng đón nhận thông tin một cách khách quan nhất. Hãy quan sát những người xung quanh có cùng đam mê sở thích để suy nghĩ và tìm mọi cách để vươn lên tiến tới. Liên tục nâng cao khả năng quan sát và tích lũy tri thức. Tri thức giúp con người khám phá và thấu hiểu chính mình. Không bao giờ khoan nhượng hay thỏa hiệp với lỗi lầm hay sự trì hoãn của bản thân mình nhưng luôn khoan thứ cho người khác. Bạn không cạnh tranh với bất cứ ai khác. Bạn chỉ cạnh tranh với chính mình để làm được tốt nhất với bất cứ điều gì mình nhận được. Hiểu rõ mình để định vị giá trị bản thân mình, và để thành công.

Nếu biết mình chỉ còn một ngày, một tháng, một năm để sống, bạn vẫn sẽ gắn bó với công việc mình đang làm bây giờ chứ? Bạn có thực sự thỏa mãn với cuộc sống bạn đang sống không? Nếu câu trả lời là không, bạn có dám thay đổi không? Nếu có, bạn sẽ phải thay đổi ra sao? Cuộc sống vốn không có gì dễ dàng nhưng hiểu được bản thân là ai chắc chắn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến thành công và đam mê, như cách mà Steve Jobs đã làm với Apple.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ, giới thiệu, đánh giá, ý kiến của bạn về vấn nạn này để chúng ta có thể tìm được hướng giải quyết tốt nhất.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Thực hành tiếng Việt trang 111

Viết bài luận về bản thân

Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ

Củng cố và mở rộng trang 120

Thực hành đọc: Mãi mãi tuổi 20 trang 121

Câu hỏi liên quan

- Bài 6 cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Trãi bao gồm cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Trong bài 6, bài đọc chủ yếu là các tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi. Còn các bài khác, bài đọc chủ yếu là các tác phẩm văn xuôi.
Xem thêm
Trong văn bản Vật liệu thông minh có câu “Phạm vi của chủ đề này rất rộng”. Có nghĩa là trong cuộc sống, vật liệu thông minh được ứng dụng rất rộng rãi:
Xem thêm
- Những kiến thức nào về thể loại truyện được chú ý bổ sung, nhấn mạnh:
Xem thêm
- Cả hai văn bản, viết theo những các khác nhau nhưng đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta.
Xem thêm
- Nội dung thực hành tiếng Việt:
Xem thêm
- Nội dung nói và nghe được thực hiện với các bài đọc trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10, tập hai:
Xem thêm
- Hai văn bản trên giúp ta nhớ tới văn bản “Một đời như kẻ tìm đường”, “Con đường không chọn”, “Về chính chúng ta”, “Hãy đam mê, hãy khờ dại”.
Xem thêm
- Yếu tố tự sự, biểu cảm thể hiện đậm nét trong văn bản “80 năm nhìn lại”.
Xem thêm
- Kiểu bài viết: Văn bản nghị luận, văn bản nội quy, bài luận.
Xem thêm
+ Đây là những chất rắn có tính chất – như màu sắc, hình dạn hoặc từ tính – có thể thay đổi một cách độc lập để thích ứng với các kích thích như ánh sáng, nhiệt độ, áp lực hoặc độ ẩm.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Ôn tập học kì 2 lớp 10 trang 129 Tập 2
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!