Rối loạn mỡ máu: Nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị và phòng ngừa

Mỡ máu là thành phần quan trọng tham gia vào nhiều hoạt động của tế bào, cơ quan, có mặt trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể. Mỡ máu gồm có cholesterol và thành phần chất béo trung tính (triglycerid). Rối loạn mỡ máu hay mỡ máu cao là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, có nguy cơ cao ảnh hưởng tới hệ tim mạch, chức năng gan, ảnh hưởng tới tuổi thọ nói chung, do nó có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khi tiến triển trong thời gian dài mà không được điều trị và dự phòng. Bài biết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về rối loạn mỡ máu, hay còn gọi là mỡ máu cao.

Rối loạn mỡ máu là gì?

Video Rối loạn mỡ máu, cách phòng và điều trị

Mỡ máu gồm có 2 loại: Cholesterol và triglycerid. Cholestererol là chất béo do gan tạo ra, đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo màng tế bào, tham gia vào quá trình trao đổi chất ở cấp độ tế bào. Cholesterol cũng là nguyên liệu tổng hợp vitamin D, và một số hoormol quan trọng khác. Cholesterol có đặc tính không tan trong nước, và để được vận chuyển trong dòng máu tuần hoàn đi khắp cơ thể, nó kết hợp với một loại protein mang, tạo thành lipoprotein, một dạng phức hợp tan trong nước. Có 2 loại lipoprotein tạo ra 2 loại cholesterol: lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL-C) và trọng lượng phân tử cao (HDL-C).

Triglycerid là một dạng lipid khác, còn được gọi là chất béo trung tính. Triglycerid được hình thành do nguồn calo dư thừa mà cơ thể không dùng đến, được tích trữ trong mô mỡ. Triglycerid cũng cần có lipoprotein để vận chuyển trong lòng mạch. Khi cơ thể được cung cấp quá nhiều calo mà không dùng ngay, sẽ tạo ra triglycerid dư thừa, gây ra các vấn đề sức khỏe như: bệnh mạch vành, đột quỵ, gan nhiễm mỡ.

Rối loạn mỡ máu là tình trạng tăng cao cholesterol loại LDL-C và/ hoặc tăng cao tryglycerid trong máu hơn mức bình thường, gây ra nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.

Nguyên nhân gây mỡ máu cao

  • Ăn quá nhiều thực phẩm chứa cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mỡ máu cao. 
  • Béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Các yếu tố lối sống khác có thể góp phần làm tăng mỡ máu như: ít hoạt động thể chất, lối sống thụ động, hút thuốc lá
  • Yếu tố di truyền cũng gây ra tình trạng tăng mỡ máu. Một số gen quy định khả năng chuyển hóa và sử dụng chất béo sẽ quyết định tình trạng mỡ máu tăng cao. Nếu cha mẹ có bệnh về rối loạn mỡ máu, con cái cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, cholesterol cao là do tăng cholesterol máu có tính chất gia đình. Rối loạn di truyền này ngăn cơ thể bạn loại bỏ LDL. 
  • Các bệnh lý mãn tính kèm theo, như bệnh đái tháo đường và suy giáp, cũng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển mỡ máu cao và các biến chứng liên quan.

Triệu chứng và biến chứng

Mỡ máu cao gây nguy cơ xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạchMỡ máu cao gây nguy cơ xơ vữa động mạch, hẹp lòng mạch 

Các trường hợp tăng mỡ máu đơn thuần sẽ chưa có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Do đó, việc phát hiện tăng mỡ máu đa phần là nhờ làm xét nghiệm máu thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám vì lý do khác. Ở những người có tình trạng rối loạn mỡ máu lâu năm, có thể sẽ có những biểu hiện của những bệnh biến chứng. Các biến chứng gây ra do rối loạn mỡ máu kéo dài trong nhiều năm có thể là:

  • Đột quỵ do tai biến mạch não, nhồi máu não nhiều mức độ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Cơn đau thắt ngực (bệnh mạch vành)
  • Tăng huyết áp
  • Huyết khối tĩnh mạch, tắc mạch chi
  • Bệnh thận mạn tính, suy thận

Chẩn đoán rối loạn mỡ máu

Một người được chẩn đoán có tình trạng rối loạn mỡ máu khi có biến đổi các thành phần mỡ máu như sau:

  • Cholesterol máu toàn phần > 6.2 mmol/L
  • LDL-cholesterol > 4.1 mmol/L
  • Triglycerid máu > 2.26 mmol/L
  • HDL-cholesterol < 1mmol/L

Người bệnh có thể tăng một trong 2 thành phần: LDC-C hoặc triglyceride, hoặc tăng cả 2 (tăng mỡ máu hỗn hợp).

Các chuyên gia khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần mỗi năm, trong đó bao gồm xét nghiệm các thành phần mỡ máu. Trước khi lấu mẫu xét nghiệm, cần nhịn ăn trước đó 8-12h.

Điều trị rối loạn mỡ máu

Trong điều trị tình trạng rối loạn mỡ máu, phương pháp trị liệu đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống và chế độ tập luyện phù hợp. Hai điều này luôn không thể thiếu dù tình trạng mỡ máu của bạn đang tăng ở mức nào. Bạn nên được tư vấn bởi bác sĩ gia dình, hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, xây dựng thời gian biểu sinh hoạt lành mạnh.

Khi mỡ máu tăng cao khó kiểm soát, và người đã được chẩn đoán các bệnh mạn tính hoặc biến chứng kèm theo, sẽ cần điều trị thuốc kiểm soát mỡ máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm mức cholesterol trong máu. 

Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu

Thuốc statin  điều trị rối loạn mỡ máu. Nguồn: Benh.vnThuốc statin  điều trị rối loạn mỡ máu. Nguồn: Benh.vn

  • Statin là loại thuốc thường được kê đơn, điều trị tăng mỡ máu. Statin tác động trực tiếp vào gan, gây ức chế gan sản xuất nhiều cholesterol. Các chế phẩm của statin như: 
  • Atorvastatin (Lipitor)
  • Fluvastatin (Lescol)
  • Rosuvastatin (Crestor)
  • Simvastatin (Zocor)
  • Niacin
  • Nhựa hoặc chất cô lập axit mật, chẳng hạn như colesevalam (Welchol), colestipol (Colestid), hoặc cholestyramine (Prevalite)
  • Chất ức chế hấp thụ cholesterol, chẳng hạn như ezetimibe (Zetia)
  • Thuốc ức chế PCSK9, chẳng hạn như alirocumab (Praluent) và evolocumab (Repatha)
  • Một số thuốc phối hợp hoạt chất giúp cơ thể giảm sự hấp thụ cholesterol từ thực phẩm và giảm sản xuất cholesterol của gan, như Vytorin (ezetimibe và simvastatin). 

Các biện pháp điều trị tại nhà hỗ trợ kiểm soát mỡ máu

Trong một số trường hợp, bạn có thể giảm mức cholesterol mà không cần dùng thuốc. Ví dụ, có thể đủ để ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và tránh hút các sản phẩm thuốc lá.

Một số người cũng cho rằng một số thực phẩm bổ sung và thảo dược nhất định có thể giúp giảm mức cholesterol. Ví dụ: 

  • Tỏi, tỏi đen, mầm đậu nành
  • Trà xanh
  • Rau củ quả
  • Các loại hạt, đậu, ngũ cốc: Gạo lứt, gạo men đỏ, hạt lanh đất
  • Táo gai
  • Thực vật bổ sung sterol và stanol
  • Psyllium vàng, tìm thấy trong vỏ hạt psyllium

Tuy nhiên, mức độ bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này khác nhau. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã không phê duyệt bất kỳ sản phẩm nào trong số này để điều trị cholesterol cao. Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem liệu chúng có thể giúp điều trị tình trạng này hay không.

Một số lời khuyên về chế độ ăn uống khi mỡ máu cao

Hạn chế ăn thực phẩm nhiều cholesterol, thịt đỏ, thừa năng lượng. Nguồn: Delmar Nursing and RehabilitationHạn chế ăn thực phẩm nhiều cholesterol, thịt đỏ, thừa năng lượng. Nguồn: Delmar Nursing and Rehabilitation

  • Ăn thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp: Rối loạn mỡ máu xảy ra chủ yếu là do hàm lượng cholesterol trong máu cao, vì vậy cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn như não, bầu dục, tim, gan, lòng.... động vật. Chú ý không ăn quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng giàu cholesterol. Hạn chế ăn đồ chiên, xào, rán. Ăn đồ quay nướng với lượng hạn chế, thay cho đồ ăn dạng rán, xào. Dùng dầu thực vật thay vì mỡ động vật.
  • Giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn: Thịt đỏ cũng là một trong các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, vì vậy nên hạn chế lượng thịt đỏ có trong khẩu phần ăn của người mắc bệnh mỡ máu. Ngoài ra, nên tránh các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật... Bệnh nhân mỡ máu có thể xem xét thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như cá, gà... Ăn cá và các loại thực phẩm khác có chứa axit béo omega-3 cũng có thể giúp giảm mức LDL của bạn. Ví dụ, cá hồi, cá thu và cá trích là những nguồn giàu omega-3. Quả óc chó, hạnh nhân, hạt lanh và bơ cũng chứa omega-3
  • Tăng cường chất xơ, vitamin trong bữa ăn: chất xơ giúp tạo cảm giác no, tránh cho cơ thể ăn quá nhiều calo hơn nhu cầu thực sự của cơ thể, giảm cảm giác thèm ăn gây ăn quá nhiều. Chất xơ cũng giúp tạo khuôn phân, giúp quá trình tiêu hóa hoạt động trơn tru, khỏe mạnh. Vitamin giúp tham gia vào nhiều chức năng sống trong cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch. Hạn chế đồ ăn nhanh, hạn chế các sản phẩm tinh chế quá nhiều vì chúng cung cấp ít chất xơ, nhiều calo thừa, nhiều đường tinh chế.

Phòng bệnh rối loạn mỡ máu

Chế độ tập luyện thể dục giúp phòng bệnh. Nguồn: WHO Việt NamChế độ tập luyện thể dục giúp phòng bệnh. Nguồn: WHO Việt Nam

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Bạn nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ gia đình để có chế độ dinh dưỡng lâu dài
  • Tập luyện khoa học, đều đặn: Chế độ tập luyện khoa học không chỉ giúp xây dựng hệ cơ xương khỏe mạnh, mà còn giúp tăng cường trao đổi chất, chuyển hóa chất trong cơ thể tốt hơn, giúp đốt cháy calo thừa, tiêu mỡ, tạo vóc dáng đẹp, tự tin. Bệnh rối loạn mỡ máu là bệnh về rối loạn chuyển hóa, nên cần một chế độ tập luyện đúng, đều đặn.
  • Duy trì cân nặng thích hợp, tránh béo phì. Cơ thể con người cũng như một công trình sức khỏe quan trọng, cần được chăm sóc thích hợp, duy tu bảo dưỡng định kỳ. Việc chăm sóc cũng cần có theo hướng dẫn của khoa học, có tính toán, nhằm đạt được sức khỏe mong muốn.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

VLDL là một loại mỡ máu, nó được cấu thành từ: ● Triglyceride (70% khối lượng) ● Cholesterol (10% khối lượng) ● Protein (10% khối lượng) ● Chất béo khác (10% khối lượng).
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Mỡ máu
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!