Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến và an toàn nhất. Có tới 95 % người được phẫu thuật cải thiện tốt thị lực của họ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp tất cả các thông tin bạn cần biết về phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Dấu hiệu cho biết bạn có thể cần phẫu thuật đục thủy tinh thể
Bạn có nhiều khả năng bị đục thủy tinh thể hơn khi già đi và bệnh có xu hướng nặng hơn theo thời gian. Những thay đổi thủy tinh thể ở giai đoạn đầu không gây suy giảm thị lực đáng kể và không cần phẫu thuật. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật khi bệnh đục thủy tinh thể bắt đầu ảnh hưởng đáng kể đến thị lực. Nếu bạn gặp khó khăn với các hoạt động hàng ngày (chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc nhìn trong ánh sáng chói) thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Những dấu hiệu giảm thị lực cụ thể do bệnh đục thủy tinh bao gồm:
- Mờ mắt
- Giảm thị lực ban đêm
- Màu sắc mờ dần
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Quầng sáng xung quanh đèn
- Nhìn đôi
- Lóa mắt
Đục thủy tinh thể cũng có thể do bẩm sinh - là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ em. Tuy nhiên, xu hướng có kết quả tốt nếu phẫu thuật được thực hiện trước khi trẻ được 6 tuần tuổi.
Các loại phẫu thuật đục thủy tinh thể
Hầu hết các loại phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại liên quan đến việc thay thế thủy tinh thể tự nhiên bằng thủy tinh thể nhân tạo (intraocular lens - IOL). Một số loại phẫu thuật đục thủy tinh thể phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
Phẫu thuật Phaco
Video Phẫu thuật Phaco trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Trong phẫu thuật Phaco, bác sĩ sẽ rạch một đường dài 2 - 3 mm ở giác mạc để đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm mềm thủy tinh thể bị đục, phân nó thành những mảnh nhỏ và hút ra. Sau đó, một thủy tinh thể nhân tạo có thể gập lại được đưa vào qua vết rạch. Kỹ thuật này để lại vết thương nhỏ thường không cần khâu.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao bằng tay (Manual extracapsular cataract surgery - MECS)
Trong MECS, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường tương đối lớn, dài từ 9 - 13 mm, lấy thủy tinh thể ra và lắp thủy tinh thể nhân tạo thay thế vào. Kỹ thuật này có nguy cơ biến chứng cao hơn so với phương pháp mổ Phaco do vết mổ lớn. Tuy nhiên, vì chi phí thấp, nó vẫn được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể qua vết rạch nhỏ bằng tay (Manual small incision cataract surgery - MSICS)
MSICS là một biến thể của kỹ thuật MECS, bao gồm một vết rạch hình chữ V nhỏ hơn, hẹp hơn ở bên ngoài giác mạc và rộng hơn ở bên trong. Đường rạch bên ngoài khoảng 6,5 - 7 mm và đường rạch bên trong lên đến 11 mm.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng quá trình mổ Phaco, MSICS có kết quả lâu dài tương tự nhau và các nguy cơ biến chứng có thể so sánh được. Tuy nhiên, mổ Phaco có kết quả ngắn hạn tốt hơn trong 3 tháng sau phẫu thuật, trong khi MSIC có chi phí thấp hơn.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể hỗ trợ bằng laser Femtosecond (Femtosecond laser-assisted cataract surgery - FLACS)
Trong FLACS, bác sĩ có thể sử dụng tia laser để rạch một đường trên giác mạc thay vì rạch thủ công. Ngoài ra, tia laser có thể phân chia và làm mềm thủy tinh thể bị đục, đòi hỏi ít năng lượng sóng âm hơn để loại bỏ nó, dẫn đến việc lành thương nhanh hơn. Cuối cùng, tia laser có thể điều chỉnh được cả chứng loạn thị. Tuy nhiên, kỹ thuật này có chi phí cao hơn nhiều so với các kỹ thuật khác.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể trong bao
Phẫu thuật đục thủy tinh thể trong bao là một thủ thuật cũ hơn, bao gồm việc loại bỏ toàn bộ thủy tinh thể và bao thủy tinh thể khỏi mắt thông qua một vết rạch lớn. Hiện nay kỹ thuật này hiếm khi được thực hiện vì có nguy cơ biến chứng cao.
Tùy chọn thủy tinh thể nhân tạo sau phẫu thuật
Tuỳ theo tình trạng mắt, tính chất nghề nghiệp, khả năng tài chính của bệnh nhân mà bác sỹ sẽ tư vấn để đặt loại thủy tinh thể nhân tạo thích hợp nhất. Các loại thủy tinh thể nhân tạo phổ biến bao gồm:
- Thủy tinh thể đơn tiêu cự (giúp mắt nhìn rõ một cự ly nhất định)
- Thủy tinh thể đa tiêu cự (giúp mắt nhìn rõ cả cự ly xa và gần)
- Thủy tinh thể toric (giúp điều chỉnh cả tật loạn thị của mắt bệnh nhân).
Chuẩn bị cho phẫu thuật đục thủy tinh thể
Bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ cho bạn siêu âm và đo đạc mắt (khoảng một tuần trước khi làm phẫu thuật) để giúp xác định kích thước, hình dạng mắt của bạn và quyết định điều gì là tốt nhất cho cuộc phẫu thuật. Họ cũng sẽ hỏi xem bạn có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào không, và kê thuốc nhỏ mắt cho bạn để sử dụng trước khi phẫu thuật.
Bạn không cần nhập viện trước và sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn sẽ cần được đưa về nhà sau khi phẫu thuật hoàn tất. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn bất kỳ thức ăn rắn nào 6 giờ trước khi phẫu thuật, và tránh uống rượu trước đó ít nhất 24 giờ.
Quy trình phẫu thuật đục thủy tinh thể
Quy trình chính xác mà bác sĩ thực hiện sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật. Nếu bị đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt, các ca phẫu thuật của bạn có thể sẽ được lên lịch cách nhau vài tuần.
Các bước trong kỹ thuật mổ Phaco gồm có:
- Mắt sẽ được gây tê cục bộ. Do đó bạn sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật nhưng sẽ không thể thấy bác sĩ đang làm gì. Trong một số trường hợp, bạn có thể được dùng thuốc an thần để thư giãn.
- Bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi để rạch một đường nhỏ ở giác mạc. Sau đó, họ sẽ đưa một đầu dò siêu âm vào vết rạch để phá vỡ thủy tinh thể bị đục và hút nó ra.
- Một thủy tinh thể nhân tạo có thể gập lại sẽ được đưa vào qua vết rạch và được định vị ở vị trí thủy tinh thể tự nhiên ban đầu. Thông thường sẽ không cần khâu.
- Bạn sẽ nghỉ ngơi trong khu vực hậu phẫu khoảng 30 phút và sau đó được về nhà.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể mất bao lâu?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể thường rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng 20 - 30 phút từ đầu đến cuối.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể có đau không?
Mặc dù bạn có thể sẽ tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật, nhưng nói chung sẽ không đau vì đã được gây tê cục bộ. Bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu, nhưng sẽ không đau nhiều.
Chăm sóc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Trong hầu hết các trường hợp, thị lực sẽ bắt đầu cải thiện đáng kể trong vài ngày đầu tiên, mặc dù có thể mất đến 1 tháng để hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ có thể cho bạn thuốc nhỏ mắt đặc biệt để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn có thể được hướng dẫn đeo kính/ băng bịt mắt khi ngủ. Bạn nên đeo kính râm khi ra ngoài trời để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh chạm vào mắt.
Bạn có thể lái xe sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể không?
Bạn sẽ không thể lái xe ngay sau khi phẫu thuật và phải có người đưa về. Bạn có thể lái xe vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ để biết thời gian cụ thể là khi nào.
Bạn sẽ nghỉ việc trong bao lâu?
Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn một vài ngày sau khi phẫu thuật và có thể trở lại làm việc trong vòng 1 - 2 ngày sau đó nếu không có bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, bạn có thể cần phải tránh một số hoạt động trong vài tuần, chẳng hạn như nâng vật nặng hoặc cúi xuống.
Tư thế ngủ sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
Thông thường, bạn nên cố gắng nằm ngửa khi ngủ hoặc nghiêng về bên không phẫu thuật để tránh áp lực trực tiếp có thể làm lệch thủy tinh thể mới.
Khi nào có thể tập thể dục sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể?
Bạn nên tránh các hoạt động gắng sức trực tiếp sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về khoảng thời gian nên tránh tập thể dục. Họ có thể sẽ khuyên bạn nên nghỉ ít nhất 1 tuần khỏi các hoạt động mạnh.
Các hạn chế khác sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
Các khuyến nghị khác để bảo vệ đôi mắt sau khi phẫu thuật bao gồm tránh:
- Để nước và xà phòng vào mắt
- Chạm vào mắt
- Bơi lội
- Chuốt mascara trong 1 - 2 tuần
- Sử dụng kem dưỡng da
- Nhuộm hoặc uốn tóc trong 1 - 2 tuần
- Sử dụng bồn tắm nước nóng và phòng xông hơi khô công cộng
- Quét bụi và làm vườn
Nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Mặc dù phẫu thuật đục thủy tinh thể nói chung là an toàn, nhưng cũng như tất cả các cuộc phẫu thuật, nó đi kèm với các nguy cơ bao gồm:
Đục bao sau: Gặp trong 5 - 50% các trường hợp, có thể được điều trị trong khoảng 5 phút bằng laser YAG.
- Nhìn mờ: Là hiện tượng bình thường ngay sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể và thường hết sau vài ngày.
- Ruồi bay: Trông giống như những hạt bụi bay theo tầm nhìn của bạn. Trong một số trường hợp, tình trạng này không cần điều trị cụ thể nào, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của vết rách võng mạc.
- Khô mắt: Là một triệu chứng phổ biến sau phẫu thuật, thường được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt.
- Đau mắt: Đau mắt nhiều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác. Bạn nên liên hệ với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
- Nhìn đôi: Do nhiều nguyên nhân nhưng thường là do não đang làm quen với thị lực mới, có thể sẽ biến mất sau một vài ngày.
- Nhiễm trùng: là một biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, xảy ra với xác suất là rất thấp (khoảng 0,05 - 0,3%).
- Dị ứng thuốc mê: Bất cứ khi nào được gây mê, bạn có thể bị phản ứng dị ứng. Các phản ứng nghiêm trọng tương đối hiếm.
Chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể
Chi phí mổ đục thủy tinh thể bao gồm 2 phần chính: chi phí mổ đục thủy tinh thể và chi phí thủy tinh thể nhân tạo.
Chi phí mổ đục thủy tinh thể
Hiện nay tại Việt Nam áp dụng 2 phương pháp phổ biến là mổ Phaco và mổ Laser; trong đó mổ Phaco vẫn được sử dụng nhiều hơn cả. Thông thường, chi phí cho một ca mổ Phaco sẽ dao động từ 2 – 5 triệu đồng, chi phí một ca mổ Laser sẽ từ 9 – 15 triệu đồng.
Chi phí thủy tinh thể nhân tạo
Thủy tinh thể nhân tạo được chia thành 4 loại chính với các mức giá dao động như sau:
- Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự: 2 – 5 triệu đồng
- Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 12 – 15 triệu đồng
- Thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự: 19 – 35 triệu đồng
- Thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 32 – 45 triệu đồng
Như vậy, tổng chi phí mổ đục thủy tinh thể 1 bên mắt sẽ dao động từ khoảng 4 – 60 triệu đồng.
Phục hồi và tiên lượng phẫu thuật đục thủy tinh thể
Khoảng 9 trong số 10 người có thể nhìn rõ hơn sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. Phẫu thuật này được coi là an toàn và có khả năng hồi phục lại thị lực cho bệnh nhân như trước khi bị đục thủy tinh thể. Khoảng 5 - 50% sẽ bị đục bao sau và cần phải phẫu thuật lần thứ hai để điều trị.
Có thể trì hoãn phẫu thuật đục thủy tinh thể trong bao lâu?
Đục thủy tinh thể không được coi là một cấp cứu y tế và có xu hướng tiến triển chậm. Bạn có thể trì hoãn phẫu thuật trong bao lâu tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Nói chung, tốt nhất là bạn nên tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng nếu cần chờ đợi, bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định khung thời gian an toàn. Nếu không được điều trị, bệnh đục thủy tinh thể sẽ tiếp tục tiến triển và có thể dẫn đến mù lòa hoàn toàn. Điều quan trọng đối với trẻ em bị đục thủy tinh thể bẩm sinh là được xác định và điều trị càng sớm càng tốt.
Kết luận
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến và an toàn nhất. Quy trình thường nhanh chóng và không cần nằm viện qua đêm. Nếu bị giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem mình có phù hợp với phẫu thuật thay thủy tinh thể không.
Xem thêm: