6 điều chị em cần biết về viêm nang lông vùng kín: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Viêm nang lông âm đạo (hay viêm nang lông sinh dục) là một bệnh lý rất phổ biến và có thể xảy ra liên tục trong suốt cuộc đời. Viêm nang lông có thể nhìn giống như mụn. Tuy nhiên, mụn là tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát. Ngược lại, viêm nang lông là tình trạng nhiễm khuẩn nang lông thực sự và có một sợi lông ở giữa mỗi nốt mụn mủ.

Video viêm nang lông vùng kín nam - nữ

Viêm nang lông sinh dục gây cảm giác rất khó chịu khi mắc phải nhưng chúng ta có thể dễ dàng phòng tránh và tự chăm sóc tại nhà. Khi không được điều trị kịp thời, viêm nang lông có thể tiến triển thành áp xe sinh dục và khi đó bạn cần đến khám bác sĩ ngay. 

Nguyên nhân viêm nang lông vùng kín

Tụ cầu vàng là nguyên nhân phổ biến gây viêm nang lông. Nguồn ảnh: Openaccessgoverment.com Trong đa số các trường hợp, viêm nang lông thường không lây. Tuy nhiên, vùng âm đạo có mật độ nang lông dày đặc nên tình trạng viêm có thể lan rộng và tạo thành một mảng lớn. 

Trong bệnh lý này, các nang lông tổn thương rất dễ bị xâm nhập và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, thường là do Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), vi rút hoặc nấm. 

Nguyên nhân gây tổn thương nang lông bao gồm: 

  • Thường xuyên chà xát lên da
  • Mặc quần áo chật
  • Sử dụng dao cạo

Ban đầu nguyên nhân gây nhiễm trùng nang lông có thể là lông mọc ngược hoặc nang lông bị tắc nghẽn bởi mồ hôi và tế bào chết. Viêm nang lông thường gặp ở những vùng cơ thể có lông cứng và thường xuyên cạo. Đặc biệt, ở vùng âm đạo, lông thô hơn, da nhạy cảm hơn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do dao cạo và các sản phẩm tẩy lông khác. 

Vùng da xung quanh âm đạo và đùi trong rất mỏng và nhạy cảm. Quần áo chật và quần lót co giãn có thể tạo ra lực ma sát quá mức, làm bong các tế bào da chết. Sau đó, bã nhờn và các tế bào này sẽ mắc kẹt bên trong các nang lông. Bên cạnh đó, mồ hôi tiết ra sau khi vận động mạnh hoặc đi bộ liên tục cũng tạo môi trường lý tưởng cho viêm nang lông phát triển. 

Sử dụng bồn tắm nước nóng và spa không đạt tiêu chuẩn cũng có thể gây ra viêm nang lông do vi khuẩn phát triển mạnh trong nước ấm không được khử trùng bằng Clo. Hãy vệ sinh âm đạo và vùng xung quanh thật kỹ lưỡng sau khi quan hệ tình dục hoặc sử dụng bồn tắm nóng để giảm nguy cơ mắc bệnh. 

Ngoài ra, sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt cũng làm tăng nguy cơ viêm nang lông. 

Các thể viêm nang lông âm đạo


Sử dụng dao cạo làm tăng nguy cơ viêm nang lông do lông mọc ngược. Nguồn ảnh: Hellogiggle.com
  • Viêm nang lông do kích ứng. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng của “bỏng dao cạo” như da mẩn đỏ, đau rát và ngứa (thường xảy ra trong vòng 36 giờ sau khi sử dụng dao cạo). Vùng da ở đùi trong và âm đạo rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng do mặc quần quá chật hoặc quan hệ khi bạn tình mới cạo lông ở vùng kín. Từ đó dẫn đến tổn thương và nhiễm khuẩn nang lông. Để giảm thiểu các triệu chứng nêu trên, bạn có thể chườm ấm hoặc sử dụng các loại sữa dưỡng (lotion) dịu nhẹ.
  • Viêm nang lông do lông mọc ngược(pseudofolliculitis barbae) có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Sử dụng dao cạo làm tăng nguy cơ lông mọc ngược. Nguyên nhân là do sau khi cạo, những sợi lông sẽ mọc lại và mắc kẹt dưới lớp da trên cùng, dẫn đến kích ứng da và viêm nang lông. Bạn có thể sử dụng nhíp vô khuẩn hoặc đến bác sĩ da liễu để loại bỏ lông mọc ngược.  
  • Viêm nang lông do bồn tắm nước nóng (viêm nang lông do Pseudomonas). Bệnh đặc trưng bởi các  đám sẩn đỏ, tròn và gây ngứa. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn  Pseudomonas, chúng phát triển mạnh trong bồn tắm và hồ bơi nước nóng có nồng độ Clo và độ pH không nằm trong ngưỡng cho phép.  

Triệu chứng viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông âm đạo đặc trưng bởi các nốt mụn nhỏ khu trú tại nang lông ở vùng đùi trong, môi lớn và gò mu. Nguồn ảnh: Helenderma.com

Viêm nang lông âm đạo đặc trưng bởi các nốt mụn nhỏ khu trú tại nang lông ở vùng đùi trong, môi lớn và gò mu. Bệnh lý này có thể nhầm lẫn với mụn âm đạo. Nếu bạn không chắc chắn, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ da liễu để được chẩn đoán. 

Mặc dù viêm nang lông biểu hiện bằng các nốt sẩn đỏ nhưng chúng thường không gây đau như tình trạng mụn sinh dục. Đôi khi, bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng nhiễm khuẩn như xuất hiện các vết loét, vảy tiết, ngứa và sốt nhẹ. Viêm nang lông âm đạo do lông mọc ngược biểu hiện bởi một chấm hoặc đường sẫm màu dưới da hoặc dưới một nốt mụn đang sưng tấy.  

Biến chứng viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông có thể tiến triển thành mụn nhọt hoặc bệnh hậu bối. Nguồn ảnh: Verywellhealth.com

Nếu không được điều trị, viêm nang lông có thể tiến triển thành mụn nhọt hoặc bệnh hậu bối với những ổ nhiễm khuẩn lớn, chứa đầy mủ và có thể biến chứng thành áp-xe. Lúc này, bệnh nhân cần được điều trị trong điều kiện vô khuẩn tại các cơ sở y tế. 

Rụng lông vĩnh viễn là một biến chứng hiếm gặp, xảy ra khi nhiễm khuẩn thâm nhập sâu vào trong da, làm tổn thương nang lông và ngăn cản quá trình mọc lông. 

Điều trị viêm nang lông vùng kín

Phương pháp triệt lông bằng laser. Nguồn ảnh: Formspa.org

Ngay cả khi đã được điều trị, viêm nang lông vẫn có thể tái phát. Các phương pháp điều trị bệnh lý này bao gồm sử dụng thuốc và triệt lông bằng laser. 

Viêm nang lông âm đạo cần được điều trị kịp thời để tránh sẹo và nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng. Trong các trường hợp nhẹ (chỉ một vài nang lông bị viêm), chúng ta có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm ấm để làm dịu da và đẩy nhanh tốc độ lành thương. Nếu bạn bị viêm nang lông do dao cạo hoặc các sản phẩm tẩy lông thì hãy ngừng sử dụng chúng trong vòng 30 ngày.  

Sử dụng thuốc 

  • Thuốc bôi hoặc thuốc uống dạng viên để kiểm soát nhiễm khuẩn. Đối với các thể bệnh nhẹ, bác sỹ có thể kê thuốc kháng sinh bôi tại chỗ. Các trường hợp nặng hoặc tái phát thường được chỉ định thuốc kháng sinh dạng uống. 
  • Thuốc bôi, thuốc uống hoặc dung dịch vệ sinh kháng nấm được sử dụng trong các trường hợp viêm nang lông do nấm men. Thuốc kháng sinh không có hiệu quả với thể bệnh này. 

Tiểu phẫu  

Thủ thuật này được sử dụng trên những bệnh nhân bị mụn nhọt hoặc bệnh hậu bối. Các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và dẫn lưu mủ để giảm đau và thúc đẩy quá trình lành thương. 

Triệt lông bằng laser  

Phương pháp này giúp loại bỏ vĩnh viễn các nang lông ở vùng điều trị. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như phồng rộp da và để lại sẹo. 

Cách phòng tránh viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông âm đạo có thể phòng ngừa được bằng các phương pháp vệ sinh đúng cách như thường xuyên làm sạch âm đạo bằng nước ấm, không sử dụng chung khăn tắm và thay khăn thường xuyên để ngăn tích tụ vi khuẩn. 

Sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt không chỉ khiến da nhạy cảm hơn mà còn làm tăng sinh các loại vi khuẩn gây viêm nang lông. Vì vậy, bạn cần tăng cường vệ sinh vùng kín trong thời gian này. 

Sử dụng các sản phẩm tẩy da chết vùng kín chuyên dụng và được khuyên dùng bởi các bác sĩ da liễu. Trong trường hợp sử dụng dao cạo, hãy lựa chọn dao cạo điện hoặc các loại dao sạch, sắc được thay thường xuyên, cạo theo hướng mọc của lông và không làm căng da khi cạo để tránh gây tổn thương.  

Bạn cũng có thể cân nhắc các phương pháp tẩy lông khác như tẩy lông bằng sáp, thuốc tẩy lông hoặc laser. Những phương pháp này có khả năng loại bỏ toàn bộ lông tận gốc, khi chúng mọc lại sẽ mảnh và giảm nguy cơ lông mọc ngược hơn so với sử dụng dao cạo. 

Viêm nang lông ở bộ phận sinh dục thường ở thể nhẹ và có thể dễ dàng phòng tránh bằng các biện pháp vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, tình trạng này rất giống với một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục nên bạn cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán phân biệt.  

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!