Video: Dấu hiệu, biểu hiện của Viêm nhiễm phụ khoa?
Đau âm đạo là biểu hiện của bệnh gì?
Các triệu chứng cụ thể của đau và khó chịu âm đạo khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, viêm tiền đình âm hộ là một tình trạng chỉ đau khi có áp lực đè lên vùng kín của bạn. Ngược lại, bệnh viêm âm hộ là một tình trạng gây ra các cơn đau mạn tính liên tục.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bạn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau đây có liên quan đến đau âm đạo:
- Nóng rát
- Ngứa ngáy
- Đau nhức
- Châm chích
- Đau nhói
- Đau buốt
- Đau khi quan hệ tình dục
Nếu cơn đau được gây ra bởi nhiễm trùng thì bạn sẽ để ý thấy khí hư bất thường. Nó có thể trông hoặc có mùi khác so với bình thường. Điều này có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm âm đạo hoặc vi khuẩn.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau rát âm đạo?
Đau âm đạo có thể chỉ giới hạn trong khu vực âm đạo hoặc tỏa xuống từ xương chậu hoặc cổ tử cung.
Theo báo cáo của Trường Y UNC, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đau âm đạo là nhiễm trùng, bao gồm:
- Nhiếm nấm âm đạo
- Bệnh lậu
- Bệnh Chlamydia
Các nguyên nhân khác dẫn đến đau âm đạo:
- Chấn thương do quan hệ tình dục, sinh con, phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế khác
- Teo âm hộ do giảm estrogen khi mãn kinh
- Viêm tiền đình âm hộ
- Ung thư cổ tử cung
Đau âm đạo cũng có thể xuất phát từ một tình trạng bệnh có tên là Dyspareunia. Đây là một thuật ngữ y tế chỉ cơn đau khi quan hệ tình dục. Điều này có thể là do không đủ chất bôi trơn, thay đổi nội tiết tố hoặc thiếu kích thích tình dục.
Đau âm đạo cũng có thể xuất phát từ các tình trạng tâm lý, chẳng hạn như tiền sử lạm dụng tình dục.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể không xác định được nguyên nhân gây ra cơn đau. Vulvodynia là một thuật ngữ y tế để chỉ chứng đau âm đạo mạn tính không rõ nguyên nhân.
Những ai có nguy cơ bị đau âm đạo?
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể cảm thấy đau âm đạo.
Trong một số trường hợp, tiền sử bệnh của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, những thay đổi về nội tiết tố do mang thai, mãn kinh hoặc cắt bỏ tử cung có thể làm tăng nguy cơ đau âm đạo. Nếu bạn có tiền sử điều trị ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ đau âm đạo. Statin, thuốc giúp giảm lượng cholesterol, được biết đến là một trong những nguyên nhân làm khô âm đạo. Điều này có thể dẫn đến đau âm đạo.
Tuổi cao cũng là một yếu tố gây nguy cơ đau âm đạo. Thời kỳ mãn kinh gây ra những thay đổi về nồng độ hormone và làm mỏng mô âm đạo. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tự bôi trơn của âm đạo và gây ra những cơn đau.
Chẩn đoán đau âm đạo
Nếu bạn đang trải nghiệm đau âm đạo dai dẳng hoặc tái phát thì hãy đến gặp bác sĩ. Họ sẽ đưa ra chẩn đoán nguyên nhân gây đau. Bác sĩ có thể cần xem bệnh sử của bạn, tiến hành khám sức khỏe và một hoặc nhiều xét nghiệm khác nếu cần.
Bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi về sức khỏe của bản thân chẳng hạn như các triệu chứng, tình trạng y tế được chẩn đoán, các cuộc phẫu thuật hoặc các thủ tục y tế khác mà bạn đã trải qua. Bạn cũng có thể phải trả lời về bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đã sử dụng gần đây.
Bạn cũng có thể được hỏi về sức khỏe và thói quen tình dục của mình.
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám nghiệm vùng kín cho bạn.
Họ sẽ kiểm tra các dấu hiệu mẩn đỏ, sưng tấy, thương tổn hoặc sẹo. Một dụng cụ có đầu bông được ép vào âm hộ và âm đạo của bạn để kiểm tra xem có đau không. Nếu bạn bị viêm đau âm hộ thì bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội khi có bất kỳ tác động nào.
Họ cũng có thể lấy mẫu khí hư để xét nghiệm. Nếu nó chứa một số lượng vi khuẩn, nấm hoặc vi rút bất thường thì đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng là lý do gây ra những cơn đau.
Nếu cơn đau trở nên trầm trọng hoặc bác sĩ cho rằng bạn có khả năng mắc bệnh nghiêm trọng như ung thư cổ tử, họ có thể đề nghị xét nghiệm thêm. Các xét nghiệm có thể bao gồm việc lấy mẫu mô từ cổ tử cung để phân tích.
Nếu cơn đau của bạn bắt nguồn từ vấn đề về tâm lý, họ sẽ giới thiệu bạn với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đánh giá.
Điều trị đau âm đạo như thế nào?
Để chấm dứt các cơn đau, bác sĩ cần phải điều trị nguyên nhân cơ sở gây ra chúng. Họ có thể chỉ định một cách tiếp cận bao gồm nhiều bước, dùng thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc uống. Trong một số trường hợp hiếm hoi có thể cần đến phẫu thuật.
Thuốc
Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm.
Uống đầy đủ liều lượng được chỉ định ngay cả khi các triệu chứng biến mất trước khi bạn kết thúc quá trình điều trị. Điều này làm giảm nguy cơ tái nhiễm trùng.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc mỡ bôi ngoài da chẳng hạn như gel lidocain. Chúng làm tê vùng âm đạo, giúp giảm khó chịu hoặc đau dai dẳng khi quan hệ tình dục.
Phẫu thuật
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, bác sĩ sẽ khuyên bạn tiêm thuốc gây mê hoặc thuốc gây tê để giúp làm chết hoặc tê vùng trong âm đạo của bạn. Họ cũng có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị chứng đau âm đạo mạn tính, viêm vùng tiền đình âm hộ hoặc ung thư cổ tử cung.
Chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp điều trị tại nhà và điều trị không cần thuốc kê đơn có khả năng giảm đau.
Miếng băng witch hazel (chiết xuất cây phỉ) có khả năng làm dịu kích ứng. Những miếng witch hazel đã qua xử lý trước được bán tại hiệu thuốc hoặc các cơ sở y tế khác. Bạn cũng sử dụng một miếng bông được nhúng vào dung dịch witch hazel.
Để giảm đau sau khi đi tiểu, bạn có thể vệ sinh vùng kín bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh. Cách này sẽ giúp làm sạch vùng kín và làm dịu cơn đau.
Để giảm hoặc ngăn ngừa cơn đau do quan hệ tình dục thì bạn có thể sử dụng chất bôi trơn.
Thuốc kháng histamine không cần kê đơn có thể giúp bạn giảm ngứa ngáy.
Phương pháp điều trị thay thế
Nếu cơn đau của bạn bắt nguồn từ bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thì thực phẩm bổ sung canxi citrat sẽ giúp giảm các triệu chứng gây đau.
Tránh thực phẩm giàu oxalat cũng góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng. Những thực phẩm này bao gồm tỏi tây, đậu bắp, đại hoàng, óc lúa mì, hạnh nhân, đậu phộng, hồ đào và quả hồ trăn.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn hoặc sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào.
Kết luận
Đánh giá tổng quan của bạn phụ thuộc vào nguyên nhân cơ sở gây ra cơn đau và phương pháp điều trị. Trong nhiều trường hợp, nghe theo kế hoạch điều trị do bác sĩ khuyến nghị có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng một cách ổn định.
Hãy hỏi bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin về chẩn đoán cụ thể, các phương pháp điều trị và đánh giá tổng quan lâu dài của bạn.
Xem thêm:
- Nổi cục cứng ở vùng kín: nhận dạng, nguyên nhân...
- Nhiễm trùng âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
- Những điều cần biết về nhiễm nấm âm đạo: Triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Ngứa vùng kín: Nguyên nhân và cách xử trí cho chị em
- Chảy máu vùng kín giữa các kỳ kinh: Nguyên nhân, biến chứng, phòng ngừa và điều trị