Video Thoát vị địa đệm cột sống: Điều trị, Nguyên Nhân, Triệu chứng
Loại phẫu thuật được chỉ định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí thoát vị đĩa đệm, mức độ nghiêm trọng của cơn đau và mức độ mất chức năng mà nó gây ra.
Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về các loại phẫu thuật thoát vị đĩa đệm và rủi ro của chúng đồng thời tìm hiểu thời gian hồi phục sau khi mổ thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Cột sống được tạo thành từ các xương riêng lẻ được gọi là đốt sống. Đĩa đệm là những đĩa sụn nằm giữa các đốt sống.
Chức năng của các đĩa đệm là nâng đỡ cột sống và nó hoạt động như bộ giảm xóc giữa các đốt sống.
Người bình thường có 23 đĩa đệm trong cột sống. Mỗi đĩa được tạo thành từ ba thành phần:
- Nhân nhầy: Đây là phần hoạt dịch có kết cấu giống như gel nằm bên trong đĩa đệm, có tác dụng giúp cho cột sống có độ mềm dẻo và chịu lực tốt hơn.
- Bao xơ: Đây là lớp màng cứng bao quanh nhân nhầy.
- Đĩa sụn: Đây là những mảnh sụn nằm giữa đĩa đệm và các đốt sống liền kề của nó.
Trong thoát vị đĩa đệm, bao xơ bị rách hoặc vỡ ra. Tổn thương này khiến một phần của nhân nhầy tràn vào ống tủy sống. Đôi khi, các phần thoát vị này chèn ép lên dây thần kinh, gây đau đớn và ảnh hưởng đến vận động.
Mỗi năm, thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến khoảng từ 5 – 20 trong số 1.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 49 tuổi.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống. Hai vị trí thường gặp nhất là cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
Đối tượng nào cần phải phẫu thuật?
Hầu hết người bị thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Khoảng 9/10 người sẽ hết các triệu chứng sau vài ngày đến vài tuần.
Một số người bị thoát vị đĩa đệm không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, đôi khi nhân nhầy của đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh trong cột sống gây đau, tê hoặc yếu phần cơ thể nơi dây thần kinh đi qua.
Nếu cơn đau không giảm sau các phương pháp điều trị phục hồi như thuốc chống viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – NSAID) và vật lý trị liệu, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ.
Bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ đau và mất chức năng của người bệnh.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối cho bàng quang và ruột. Phẫu thuật là điều cần thiết để giảm sự chèn ép lên dây thần kinh và phục hồi chức năng bàng quang và ruột.
Tốt nhất là người bệnh này cần được hội chẩn các chuyên khoa để đưa ra quyết định phẫu thuật.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng một nhóm các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhau bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và vật lý trị liệu sẽ ít đề xuất các cuộc phẫu thuật không cần thiết hơn là để từng người đưa ra quyết định độc lập.
Các phương pháp phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là giải phóng dây thần kinh để làm giảm đau và giảm các triệu chứng khác.
Bác sĩ có thể sử dụng một trong ba kỹ thuật sau:
- Phẫu thuật mổ mở: Bác sĩ tiến hành loại bỏ phần thoát vị của đĩa đệm để giải phóng chèn ép dây thần kinh.
- Phẫu thuật nội soi cột sống: Bác sĩ sử dụng một ống dài mỏng, hoặc ống nội soi để loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, chỉ yêu cầu một vết rạch nhỏ nên khả năng hồi phục nhanh hơn.
- Phẫu thuật nhân đĩa đệm cột sống: Bác sĩ sử dụng dụng cụ để tiếp cận nhân đĩa đệm cột sống sau đó dùng máy hút để lấy nhân ra ngoài. Việc này khiến đĩa đệm cột sống nhỏ đi, làm giảm áp lực lên dây thần kinh. Chỉ được thực hiện phẫu thuật này nếu lớp ngoài của đĩa đệm không bị tổn thương.
Các can thiệp phẫu thuật khác cho thoát vị đĩa đệm bao gồm:
Phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm hoặc phẫu thuật mở ống sống
Mảnh sống (Lamina) là một mảnh xương nhỏ của đốt sống có tác dụng bao bọc và bảo vệ phần tủy sống. Đôi khi các bác sĩ phải loại bỏ một phần hoặc toàn phần mảnh sống để chữa thoát vị đĩa đệm.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm bao gồm việc loại bỏ một phần mảnh sống, trong khi phẫu thuật mở ống sống là loại bỏ toàn bộ phần xương này.Cả hai thủ thuật đều cần rạch một đường nhỏ ở giữa lưng hoặc cổ nơi bị thoát vị đĩa đệm. Sau khi loại bỏ một phần hoặc toàn bộ mảnh sống, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm thoát vị.
Hai thủ thuật này có thể áp dụng cho thoát vị đĩa đệm thắt lưng hoặc thoát vị đĩa đệm cổ:
- Đối với thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Những thủ thuật này giúp giảm đau chân hoặc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm ở vùng lưng dưới.
- Đối với thoát vị đĩa đệm cổ: Những thủ thuật này giúp giảm các cơn đau ở cổ và chi trên do thoát vị đĩa đệm cổ gây ra.
Ghép cột sống
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ môt phần đĩa đệm hoặc phẫu thuật mở ống sống, để ổn định cột sống có thể sẽ cần ghép cột sống (spinal fusion – SF). Ghép cột sống là phương pháp nối hai xương lại với nhau bằng cách bắt vít.
Những người đã trải qua phẫu thuật ghép cột sống sẽ cảm thấy đau và bị hạn chế các vận động nhất định.
Khả năng cần chỉ định ghép cột sống phụ thuộc vào vị trí thoát vị đĩa đệm. Thông thường, phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm ở thắt lưng sẽ yêu cầu ghép cột sống.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm ở cổ yêu cầu ghép cột sống trong trường hợp bác sĩ phẫu thuật bắt đầu mổ từ phía trước của cổ. Các phẫu thuật tương tự hiếm khi yêu cầu ghép cột sống nếu bác sĩ phẫu thuật bắt đầu mổ từ phía sau cổ. Điểm mổ phụ thuộc vào vị trí chính xác xảy ra thoát vị đĩa đệm.
Một số người trải qua phẫu thuật cắt cắt bỏ một phần đĩa đệm sẽ cần phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo thay vì ghép cột sống.
Phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo
Phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo (ADS) là một phương pháp thay thế cho phương pháp ghép cột sống. Trong phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo, bác sĩ sẽ thay thế đĩa đệm bị hư hỏng bằng một đĩa đệm nhân tạo.
Bác sĩ phẫu thuật thường sẽ sử dụng phương pháp này bởi chúng ít gây đau hơn và ít hạn chế vận động hơn so với các ghép cột sống.
Thời gian và tiến trình phục hồi
Theo Hiệp hội Cột sống Bắc Mỹ, những người phẫu thuật thoát vị đĩa đệm sớm sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn. Họ cũng sẽ được cải thiện sức khỏe về lâu dài.
Thông thường, hầu hết mọi người có thể về nhà sau 24 giờ kể từ khi kết thúc phẫu thuật. Một số thậm chí có thể về nhà ngay trong ngày.
Các bác sĩ khuyến cáo những người đang hồi phục sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm nên tránh các hoạt động sau đây trong khoảng 4 tuần:
- Lái xe
- Ngồi quá lâu
- Nâng vác, khiêng đỡ vật nặng
- Các tư thế vận động yêu cầu cúi người
Một số bài tập có thể giúp hỗ trợ những người đã phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ của họ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động gắng sức nào.
Đôi khi, bác sĩ sẽ đề nghị liệu pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Việc tuân theo một liệu trình phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi và cải thiện khả năng vận động.
Các nguy cơ
Quá trình phẫu thuật hầu như không bao giờ dẫn đến biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, người bệnh có thể sẽ gặp phải những điều sau:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Rách lớp niêm mạc bảo vệ cột sống
- Tổn thương dây thần kinh
Khoảng 5% người bệnh sau khi phẫu thuật sẽ bị vỡ đĩa đệm một lần nữa, khiến các triệu chứng tái phát.
Phẫu thuật có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những người đặc biệt bị đau đớn do thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, bác sĩ không thể đảm bảo rằng các triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn sau khi phẫu thuật.
Một số người vẫn gặp phải những cơn đau như bị thoát vị đĩa đệm sau thời gian hồi phục. Trong một số trường hợp, cơn đau trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Các hình thức điều trị khác
Người bị thoát vị đĩa đệm nên hạn chế hoạt động từ 2 - 3 ngày. Hạn chế cử động sẽ làm giảm tình trạng viêm nhiễm tại vị trí dây thần kinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng không khuyên bạn chỉ nằm nghỉ ngơi trên giường.
Những người bị chèn ép dây thần kinh ở cổ và chân do thoát vị đĩa đệm có thể thử sử dụng thuốc chống viêm không steroid và vật lý trị liệu.
Nếu những phương pháp điều trị đó không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp không cần phẫu thuật khác, chẳng hạn như phong bế rễ thần kinh. Các phương pháp điều trị này giảm bớt cơn đau do thoát vị đĩa đệm bằng cách tiêm thuốc gây tê cục bộ vào tủy sống.
Tổng kết
Thoát vị đĩa đệm gây ra những cơn đau đớn cho người bệnh. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp điều trị không cần phẫu thuật giúp giảm đau hiệu quả. Nếu tình hình không có sự cải thiện, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Loại phẫu thuật thoát vị đĩa đệm được chỉ định phụ thuộc vào một số yếu tố như vị trí của đĩa đệm bị thoát vị, mức độ nghiêm trọng của cơn đau và mức độ mất chức năng mà nó gây ra.
Hầu hết mọi người có thể sẽ hoạt động bình thường sau 4 tuần kể từ khi phẫu thuật. Việc tham gia liệu trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật có thể giúp rút ngắn thời gian phục hồi và mang lại khả năng vận động tốt hơn.
Những người bị thoát vị đĩa đệm nên nói chuyện với bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp với bản thân.
Xem thêm: